Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 15/12/2024 12:32(GMT+7)

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Cú đá Panenka – được đặt theo tên cầu thủ người Séc Antonin Panenka, người đã sử dụng kỹ thuật này để giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu ở trận chung kết EURO 1976 trước Tây Đức – đòi hỏi cầu thủ phải từ bỏ cách tiếp cận thông thường là sút bóng vào góc khung thành, sử dụng càng nhiều lực càng tốt (hoặc cả 2). Thay vào đó, họ sẽ bấm bóng nhẹ nhàng vào chính giữa sau khi dự đoán rằng thủ môn sẽ đổ người sang một bên và chỉ có thể bất lực nhìn bóng bay vào lưới.  

Khi thành công, người thực hiện trông giống như một thiên tài đầy ngẫu hứng. Nhưng khi thất bại, họ sẽ trông rất ngớ ngẩn. Mặc dù vậy, khi Palmer ghi bàn thắng thứ hai trên chấm phạt đền giúp Chelsea đánh bại Tottenham 4-3, anh không chỉ thuộc nhóm đầu tiên, mà còn thực hiện một cú Panenka gần như hoàn hảo nhất có thể.

 

Dù cú đá Panenka được xem là mạo hiểm và phô trương, nếu thực hiện đúng cách, nó lại là một phương pháp sút phạt đền hoàn toàn hợp lý. Điều này là do penalty chủ yếu xoay quanh việc đánh lừa, khiến thủ môn tin rằng bạn sẽ sút vào một vị trí, trong khi thực tế lại đưa bóng vào vị trí khác.

Như chính Panenka đã chia sẻ với Ben Lyttleton trong cuốn sách Twelve Yards về các quả penalty: “Yếu tố chính nằm ở cách bạn thể hiện bản thân – gồm ngôn ngữ cơ thể và ánh mắt của bạn – để đảm bảo thủ môn không nghĩ rằng bạn muốn thực hiện cú đá theo cách khác. Tôi luôn chạy đà dài hơn để có thêm chút thời gian, cũng như di chuyển nhanh hơn để thủ môn không kịp đổi hướng.”  

Điều này bắt đầu từ tư thế cơ thể. Trước đó, Palmer đã thực hiện thành công một quả phạt đền. Anh đưa bóng vào góc dưới bên trái khung thành, trong khi thủ thành Fraser Forster đổ người sang phải. Do đó, một dòng suy nghĩ đã được hình thành trong đầu của Palmer: Dù anh chọn sút theo hướng nào, nhiệm vụ đầu tiên của Palmer là đảm bảo rằng cho đến lúc chạm bóng, anh sẽ không để Forster đoán được hướng đi của trái bóng.

Điều này phần nào được thực hiện nhờ việc giữ tư thế cơ thể giống hệt với cú đá đầu tiên, như đã thể hiện trong hình ảnh này:

 

...và cú đá thứ hai.

 

Trong cả 2 trường hợp, hông của anh đều mở sang phía bên trái của mình, cho thấy anh sẽ sút theo hướng đó. Nhưng kỹ năng của Palmer đủ để anh dễ dàng điều chỉnh cơ thể đưa bóng đi theo hướng ngược lại, khiến Forster lần đầu tiên đoán rằng bóng sẽ đi sang phải. Đến lần thứ hai, với tư thế cơ thể giống nhau, Palmer tiếp tục khiến thủ môn người Anh nghĩ rằng anh sẽ lại nhắm vào cùng 1 góc như lần trước.

Cho đến thời điểm đó, những thứ còn lại về cú sút thứ hai đều giống cú đá đầu tiên: Phong thái của Palmer trước khi thực hiện, cách tiếp cận và tốc độ chạy đà cho đến lúc anh chạm bóng. Điểm khác biệt duy nhất là Palmer đã nhìn về góc dưới bên phải (từ góc nhìn của anh) khi bước lên. Một động tác “đánh lừa thủ môn bằng ánh mắt” kinh điển.  

 

Palmer đã giải thích suy nghĩ của mình sau quả penalty thứ hai. Trong cuộc phỏng vấn trên Sky Sports, khi được hỏi khi nào anh quyết định thực hiện một cú Panenka, Palmer nói: “Khi tôi lùi lại (sau khi đặt bóng xuống), tôi nhìn lên đồng hồ và nghĩ, ‘Trận đấu đang rất hỗn loạn’. Thủ môn chắc chắn sẽ đổ người nên tôi nghĩ, ‘Nếu bấm bóng, đó sẽ là quả phạt đền thành bàn’. Và đúng là như vậy.”

Đây không phải lần đầu tiên anh thực hiện 1 quả penalty theo kiểu này. Lần đầu tiên Palmer đá kiểu này trong số 12 quả penalty thành công liên tiếp của anh tại Premier League – một kỷ lục mới – là trước Burnley mùa trước. Điều đáng nói ở chỗ, đó cũng là quả penalty thứ hai của anh trong trận đấu đó (dù là trước các thủ môn khác nhau). Lần đó, anh cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự: Nhìn sang phải trước khi bấm bóng vào giữa.

Tuy nhiên, như anh chia sẻ với Optus Sport sau trận đấu hôm Chủ nhật, anh không tập luyện những cú sút kiểu này. “Nếu bạn suy nghĩ quá nhiều, hoặc là bạn sút quá mạnh hoặc quá nhẹ,” anh nói.

Việc điều chỉnh lực sút là yếu tố then chốt, như chính Panenka từng giải thích với Lyttleton: “Cú đá không được quá mạnh. Bạn phải để trái bóng lướt đi. Bạn cũng phải đưa bóng thẳng vào trung tâm vì nếu lệch 1 mét sang phải hoặc trái, quả phạt đền sẽ mất đi vẻ đẹp của nó. Trái bóng nên hạ độ cao khi đi qua vạch vôi. Đẹp nhất là khi bóng đạt đến độ cao đỉnh điểm trước khi vượt qua vạch gôn rồi mới đi xuống.”

Theo tiêu chuẩn đó, cú đá của Palmer là hoàn hảo. Thẳng vào giữa, với lực vừa đủ để thủ môn không kịp phản ứng, nhưng cũng không quá mạnh để làm mất đi tính thẩm mỹ. Hãy quan sát đồng hồ ở góc trên bên trái trong các hình ảnh dưới đây: Cú bấm bóng nhẹ nhàng đến mức chỉ mất khoảng 2 giây để bóng di chuyển quãng đường 11 mét từ chấm penalty…

 

… đến khi lưới rung lên.

 

Tốc độ của cú sút này vào khoảng 23 km/h. Trong một trận đấu với nhịp độ nhanh và căng thẳng như vậy, quả đá phạt đền này thậm chí không vi phạm giới hạn tốc độ ở những khu vực giao thông khắt khe nhất của London. Với việc các VĐV chạy nước rút nam hàng đầu thế giới có thể đạt tốc độ khoảng 43 km/h, không có gì ngạc nhiên nếu cho rằng 1 trong những cầu thủ nhanh nhất Chelsea (nếu có khoảng chạy đà đủ tốt) có thể bắt kịp trái bóng trước khi nó vào lưới.

Bóng đi chậm đến mức thủ môn Forster có đủ thời gian để đổ người,…

 

… không đổ nữa vì biết là vô ích,…

 

… đứng dậy,…

 

… và quay 180 độ để kịp nhìn bóng chạm lưới.

 

Nó chậm đến mức bạn tự hỏi liệu Forster có đủ thời gian để cố gắng cản phá hay không. Nhưng có lẽ cũng không nên quá khắt khe với thủ thành 36 tuổi: Khi nhận ra mình đã bị lừa, việc không muốn làm bản thân trông ngớ ngẩn hơn bằng cách vội vàng bò lăn lóc trên sân là một phản ứng hoàn toàn dễ hiểu – nó giống như một con rùa bị lật ngửa. Hoặc giống như Joe Hart khi Andrea Pirlo thực hiện một cú Panenka vào lưới anh ở EURO 2012.

Dù vậy, từ góc quay này (James Maddison đang làm gì vậy?), nơi Palmer bị che khuất bởi Benoit Badiashile, bạn có thể xác định chính xác khoảnh khắc mà trái tim của Forster như tan vỡ làm đôi.

 

Từ việc quan sát các hình ảnh ở trên, có vẻ như Forster nhận ra mình đã bị lừa một cách ngoạn mục từ trước khi trái bóng bắt đầu di chuyển từ khoảng cách 11 mét. Nhận thức này hẳn phải đến rất nhanh, nhưng lại khiến giây tiếp theo trở nên dài đằng đẵng.

Hãy cùng tận hưởng hình ảnh này từ một camera ở bên hông sân, cho thấy Forster đang nhìn về hướng ngược lại trong khi bóng từ từ bay vào khung thành phía sau anh.

 

Có một luồng ý kiến cho rằng cú sút Panenka là hành động làm thủ môn bẽ mặt một cách không cần thiết. Nhưng đó dường như là một cách nhìn nhận rất tẻ nhạt, vì khi được thực hiện đúng cách, nó chẳng khác gì bất kỳ chiêu trò đánh lừa nào khác trong bóng đá – chỉ là một phiên bản táo bạo hơn, giống như động tác giả vờ sang phải rồi đi sang trái. Và khi được thực hiện chuẩn xác, đó là một tác phẩm nghệ thuật bóng đá tuyệt đẹp, một màn trình diễn mà tất cả chúng ta đều có thể tán thưởng.

Hoặc như Palmer đã trả lời Optus Sport một cách súc tích: “Ai mà không thích một cú Panenka cơ chứ?”

Theo New York Times

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.

Leighton Baines: Cơn gió lạ trong thế giới xô bồ

Cũng giống như 13 mùa giải lặng thầm cống hiến cho đội bóng chủ sân Goodison Park, hậu vệ cánh trái người Anh sau cùng đã gửi lời tạm biệt với thế giới bóng đá theo cách chẳng giống ai. Xuyên suốt cả sự nghiệp, Leighton Baines luôn thể hiện mình là một người đội trưởng mẫu mực, một thủ lĩnh cứng rắn và hơn hết, anh còn là một chàng trai khiêm nhường bất chấp những sự hỗn loạn của cuộc sống sau ánh hào quang.