Tại sao Cristiano Ronaldo nên rời Manchester United?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 30/07/2022 11:59(GMT+7)

Những gì bạn sắp đọc là suy đoán thuần túy. Đó là một bài tập về những điều có thể xảy ra, trong nỗ lực tìm kiếm logic từ một cuộc chơi (bóng đá) có rất ít logic và một sự kiện mùa hè (thị trường chuyển nhượng) thường thậm chí còn ít logic hơn nữa.

 

Với việc tương lai của Cristiano Ronaldo lại một lần nữa trở nên mơ hồ, cùng với rất ít sự lựa chọn dành cho anh, tình trạng này có thể dẫn đến một cuộc tái hợp đình đám của một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử và đội bóng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá châu Âu.

Vào cuối kỳ chuyển nhượng mùa hè của năm ngoái, người đại diện của Ronaldo là Jorge Mendes đã có một chuyến “chào hàng” với các CLB lớn của châu Âu để xem liệu có ký kết được thỏa thuận nào hay không. Từ Paris Saint-Germain đến Manchester City và, cuối cùng, ngôi sao người Bồ Đào Nha đã quyết định trở lại Old Trafford, khi anh ký hợp đồng với Manchester United vào những giờ cuối cùng của kỳ chuyển nhượng.

Ngay từ ban đầu, đây đã không được coi là phương án tối ưu dành cho tất cả những ai có liên quan. CLB trước của siêu sao người Bồ Đào Nha, Juventus, khi ấy đang phải xoay sở với một mùa hè đầy bất ổn về ngân sách và khía cạnh chuyên môn thể thao. Man United, và HLV trưởng vào thời điểm đó là Ole Gunnar Solskjaer, đã vẽ ra một bản kế hoạch chi tiết để có được một lối chơi rõ ràng, làm việc dựa trên cơ sở đó trong cả mùa hè, nhưng cuối cùng lại xé toạc nó khi Ronaldo cập bến CLB này bởi vì, đặc biệt là ở giai đoạn này của sự nghiệp, anh là một tên tuổi không giống với bất kỳ ai trong môn thể thao vua. Cả hai CLB đều đã phải trải qua một mùa giải 2021-22 đáng thất vọng và mặc dù sự bất ổn, mơ hồ của mùa hè năm 2021 không phải là lý do duy nhất, thì nó cũng đã góp phần tạo nên kết cục đó. 

Man United hiện đã có một HLV trưởng mới, Erik Ten Hag, và có một chuyến du đấu ở Australia, để nắm bắt, thích nghi với phong cách chiến thuật của ông, nhưng chuyến đi đó lại vắng mặt Ronaldo, khi siêu sao 37 tuổi mãi loay hoay giải quyết một vấn đề cá nhân nào đó. Chẳng cần phải là một thiên tài để nhận ra rằng, đã có chuyện gì đó không ổn xảy ra trong mối quan hệ của Man United và Ronaldo.

Có thể khẳng định rằng Ten Hag được CLB chủ sân Old Trafford lôi kéo về vì thứ bóng đá mà ông thi triển với Ajax, một hệ thống 4-3-3 cực chủ động, nhịp độ nhanh dựa trên pressing và kiểm soát bóng. Về mặt phong cách, đối với Man United, nó thể hiện một bước ngoặc 180 độ so với lối chơi mà họ đã sử dụng trong phần lớn mùa giải trước. Bản thân Ten Hag thì thừa nhận rằng sẽ mất một khoảng thời gian để biến Quỷ Đỏ trở thành đội bóng mà ông muốn. 

 

Nhìn bề ngoài, Ronaldo có thể trở nên phù hợp với phong cách bóng đá này. Với rất nhiều sự kiên nhẫn, chuẩn bị và… cầu nguyện, nó có thể hoạt động trôi chảy, nhờ đó mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, nhưng trong 3 yếu tố đó, trên thực tế bạn sẽ chỉ nhận được cái cuối cùng. Ten Hag đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi về Ronaldo trong suốt mùa hè này, và đã nói những gì mà bạn có thể đoán trước rằng ông sẽ nói: Rằng CR7 là một “cầu thủ hàng đầu”, rằng “cầu thủ hàng đầu” đó có thể tạo nên những đóng góp to lớn và anh ta “có khả năng” ăn khớp với hệ thống của mình. Ông còn phải nói gì khác nữa đây?

Thực tế là ngoại trừ những thử nghiệm ngắn ngủi và nhanh chóng “ch.ế.t yểu” dưới thời Maurizio Sarri, tiếp theo là Andrea Pirlo ở Juventus, và dưới thời HLV tạm quyền Ralf Rangnick ở Man United, Ronaldo đã trải qua nhiều năm không chơi cho một đội bóng có lối chơi mà Ten Hag mong muốn. Dữ liệu của Statsbomb cho thấy Ronaldo xếp cuối cùng hoặc thứ hai từ dưới lên trong mọi chỉ số về pressing hoặc gegenpressing (pressing chống phản công) ở mùa giải trước, trong số các tiền đạo và cầu thủ chạy cánh đã chơi ít nhất 1.800 phút. Trên thực tế, bao gồm cả khoảng thời gian anh khoác áo Juventus và Real Madrid, đó cũng là thứ hạng của anh trong mọi mùa giải kể từ mùa 2015-16.

Chúng ta cần phải làm rõ một chuyện. Không phải là vì CR7 không phù hợp với một đội bóng có lối đá chú trọng pressing tầm cao hay do anh lười biếng; sự thật chỉ đơn giản là vì anh không hề được yêu cầu thực hiện những điều đó trong phần lớn sự nghiệp của mình. Hầu hết các HLV đã làm việc với Ronaldo đều nhận thấy rằng tốt nhất là họ nên để anh tập trung phát huy khả năng săn bàn đáng sợ của mình trên hàng công, và xây dựng đội bóng của họ xoay quanh anh. Liệu siêu sao người Bồ Đào Nha có thể “tái tạo” bản thân ở tuổi 37? Những điều kỳ lạ luôn có khả năng xảy ra, nhưng bạn sẽ không muốn đặt cược vào nó – trong một năm mà World Cup sẽ được tổ chức, sau khi thiếu đi một giai đoạn chuẩn bị tiền mùa giải chuẩn mực, và tại một đội bóng đang được xây dựng lại từ đầu. 

Đó là lý do tại sao câu chuyện Ronaldo nên rời đi hay ở lại Manchester United đã trở thành một chủ đề nóng hổi trong xuyên suốt mùa hè này, tuy nhiên có 2 rào cản cơ bản đối với phương án ra đi.

Một là tiền. Đây là vấn đề sẽ làm chùn bước (hầu như) mọi đội bóng có hứng thú với Ronaldo, và ngay cả khi điều khoản giảm 25% lương đã tự động được kích hoạt khi Manchester United không giành được vé tham dự Champions League, và ngay cả khi CLB chủ sân Old Trafford cho phép anh ra đi theo dạng tự do, thì mức lương hàng năm của siêu sao người Bồ Đào Nha vẫn sẽ nằm trong khoảng 25 triệu đô la, do đó anh sẽ nằm ngoài khả năng tài chính của hầu hết các CLB. Tuy nhiên, với một chút hy sinh, vấn đề này có thể được giải quyết. 

Rào cản còn lại khó nhằn hơn. Hầu hết các CLB hàng đầu đều có những nhà cầm quân coi trọng “hệ thống”, và hầu hết đều đang áp dụng cùng chung các khái niệm mà Ten Hag muốn thi triển ở đội bóng của mình, từ Pep Guardiola tại Manchester City đến Julian Nagelsmann tại Bayern Munich và Jurgen Klopp tại Liverpool. Đây là những người có tầm nhìn dài hạn, rất kiên định với những gì đã đưa họ đến vị thế hiện tại: Họ sẽ không đời nào chấp nhận “tháo rời” những sắp xếp của mình và thay đổi sang một hệ thống khác có thể tận dụng Ronaldo. 

Trên thực tế, có rất ít bến đỗ tiềm năng dành cho CR7, cụ thể là những CLB được dẫn dắt bởi các nhà cầm quân thực dụng hơn và có đủ khả năng tài chính để chào đón anh. PSG, với Christophe Galtier mới được bổ nhiệm làm tân HLV trưởng và Luis Campos trở thành tân giám đốc thể thao có thể nằm trong số đó, nhưng có lẽ chúng ta nên quên chuyện này đi khi mà hàng công của họ đang là Kylian Mbappé chơi cạnh Neymar và Lionel Messi. Đã có những tin đồn nói rằng Ronaldo đã được liên kết với Atletico Madrid, có thể là vì mối quan hệ của Mendes với CLB này, nhưng họ đã có rất nhiều sự lựa chọn cho vị trí tiền đạo (Alvaro Morata, Antoine Griezmann, Joao Felix, Matheus Cunha), đồng thời Ronaldo cũng không có mối quan hệ tốt với Diego “Cholo” Simeone. 

 

Vậy, một cuộc tái ngộ với Real Madrid thì sao? 

Ronaldo sẽ được chơi ở Champions League, sân đấu mà anh không bao giờ muốn bỏ lỡ. Anh đã có 1 thập kỷ gắn bó với CLB này và tỏ ra rất cởi mở với khả năng tái gia nhập họ vào mùa hè năm ngoái. Anh có một mối quan hệ rất tốt với HLV Carlo Ancelotti, và bản thân nhà cầm quân Italy là một người thực dụng, không đặc biệt ám ảnh với bất kỳ hệ thống nào. Tuy sẽ có những trở ngại về mặt lý tưởng chiến thuật, nhưng nếu có một người có thể giúp cho phương án này thuận buồm xuôi gió, thì đó chính là Ancelotti. Và tất nhiên, với việc CLB này đã thất bại trong kế hoạch lôi kéo Mbappé, cũng như đã đẩy đi được Gareth Bale, giờ đây họ không thiếu tiền mặt. Mối quan hệ của Ronaldo với chủ tịch CLB Florentino Perez đã lên xuống thất thường trong những năm qua, nhưng Florentino không phải là kiểu người thù dai (cứ hỏi Ancelotti là rõ).

Ronaldo có thể sẽ không được đá chính trong mọi trận đấu, nhưng với việc World Cup 2022 sắp khởi tranh vào tháng 11 (và cả những ảnh hưởng từ hậu World Cup), điều đó có lẽ sẽ phù hợp với anh, và bản thân anh cũng sẽ chấp nhận nó. Karim Benzema có thể sẽ phải điều chỉnh lối chơi của mình một chút, lùi sâu hơn khi Ronaldo di chuyển vào trung lộ, nhưng khi nhìn lại những gì đã diễn ra ở mùa giải trước, điều đó chắc chắn sẽ không thành vấn đề đối với anh. (Đồng thời, đây cũng chính là cách thi đấu của ngôi sao người Pháp trong nhiều năm khi họ còn là đồng đội.)

Những ngày tháng này, Ronaldo sẽ chơi tốt nhất khi xuất phát ở cánh còn bên trong trung lộ là một tiền đạo trung tâm có cường độ hoạt động chăm chỉ. Các phương án dự bị của Benzema – Mariano Diaz và Borja Mayoral, giả sử Mayoral vẫn ở lại Real Madrid sau khi TTCN mùa hè kết thúc – là những cái tên chẳng có gì đáng kể, và rõ ràng là thậm chí thua kém quá xa so với trình độ của Benzema, tuy nhiên vào những lúc bức thiết, họ có thể gánh vác những phần việc “dơ bẩn” và nặng nhọc để cho phép Ronaldo tập trung vào nhiệm vụ chính của mình.  

Vinicius có thể sẽ phải linh hoạt luân chuyển cánh thi đấu, nhưng ở độ tuổi này của anh, đó không phải là một yêu cầu khó nhằn. Sẽ mất đi đáng kể thời lượng ra sân dành cho bộ ba Rodrygo, Eden Hazard và Marco Asensio, nhưng đó không phải là vấn đề lớn, và vốn dĩ là chuyện sẽ xảy ra nếu Real Madrid ký hợp đồng thành công với Mbappé. Ngoài ra, Rodrygo vẫn chỉ mới 22 tuổi, thể lực của Hazard chưa bao giờ là chuyện đáng tin cậy, và Asensio, người chỉ còn lại 1 năm hợp đồng, đang có khả năng ra đi. 

Đó chỉ là một kịch bản, một điều sẽ rất thú vị khi chứng kiến trong tư cách một fan bóng đá. Nếu nó trở thành hiện thực, có thể điều đó sẽ diễn ra vào cuối thị trường chuyển nhượng. Nếu Man United có một khởi đầu quá tốt dưới thời Ten Hag (hoặc nếu họ quá tệ hại), nếu Ronaldo chấp nhận giảm lương và đồng ý với một bản hợp đồng ngắn hạn … tại sao không? 

Theo Gabriele Marcotti, ESPN

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.