Những người như Santi Cazorla giúp bóng đá trở nên mềm mại, khiến người xem hiểu được giá trị của thể thao là sự tận hiến và niềm vui, dẫu cho trên hành trình đi qua có những điều cản bước tưởng như làm ta nản lòng.
Cách đây chưa lâu, khi đang lướt YouTube, tôi thấy trên cột đề xuất hiện lên video bộ phim ngắn miêu tả về không khí trước, trong và sau trận chung kết UEFA Champions League 2018/2019 do chính đội ngũ của Liverpool sản xuất. Sau khi Divock Origi ghi bàn thắng ấn định tỷ số cho “Lữ đoàn đỏ”, Các cầu thủ Liverpool chạy đi ăn mừng, Virgil Van Dijk nằm bệt xuống sân thể mọi gánh nặng sắp sửa được trút bỏ.
Đến lúc tiếng còi chung cuộc vang lên, Jordan Henderson đã bật khóc khi ôm lấy người cha của mình, Adam Lallana cũng rút điện thoại gọi cho đấng sinh thành. Những khuôn mặt hân hoan của người chiến thắng và sự ủ rũ của người thất bại hiện lên trọn vẹn, được đặt cạnh nhau làm rõ sự tương phản.
Và bất giác, trong một giây phút, tôi đã nổi da gà sau khi xem những thước phim ấy. Tôi cảm giác như mình đang được thấy giá trị cốt lõi của bóng đá, đó là niềm vui và sự tận hiến. Người thắng cuộc vui mừng, người thất bại buồn bã dù đã cố gắng rất nhiều. Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, có lẽ sau cùng cũng nhằm tôn vinh những điều đó.
Hôm nay, ngày 13/12, là sinh nhật của Santi Cazorla, một người với kim chỉ nam chơi bóng vì niềm vui, dẫu cho những chướng ngại tưởng như làm anh phải gục ngã. Nhưng thử thách chỉ càng tôi luyện ý chí chiến binh để những vũ điệu của người nghệ sĩ lại thăng hoa trên sân cỏ.
Sân Camp Nou, vòng 6 La Liga, từ khoảng cách chừng 32m, Cazorla tung cú sút xa hoàn hảo bằng chân trái hạ gục hoàn toàn Marc-Andre ter Stegen. Khi anh rời sân ở phút 77, các cổ động viên đội chủ nhà đã đứng dậy và dành những tràng pháo tay. Khi ngồi xem đến thời điểm ấy, tôi bỗng nghĩ đến tất cả những chấn thương, những nghịch cảnh mà anh phải trải qua; những ca mổ triền miên, những chấn thương dồn dập kéo đến, những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà chắc chắn chẳng ai có thể hiểu thấu.
Chắc hẳn Cazorla không nghĩ đến và cũng không cần những tràng pháo tay ấy dành cho mình. Nhưng đó là những thứ anh xứng đáng được nhận. Không có nến và hoa, không có những chiếc cúp, giải thưởng danh giá mà chỉ là những cái vỗ tay. Phần thưởng vật chất hay tinh thần cũng đều quý cả, nhưng đôi khi những cái vỗ tay mà nhiều người coi là suông như vậy làm cho ta hiểu rằng những cống hiến của mình vẫn được ghi nhận, những điều mình mang lại vẫn có giá trị hoặc đôi khi chỉ là một cảm thức về sự tồn tại của bản thân. Đời cầu thủ có mấy người được người hâm mộ đối thủ tri ân trực tiếp ngay tại sân bóng như thế?
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian vào năm 2013, tiền vệ người Tây Ban Nha bày tỏ: “Tôi thích cười. Tôi cố gắng mang lại niềm vui ở trong và ngoài sân bóng. Tôi không hiểu nổi làm sao bạn lại có thể chơi bóng mà thiếu đi niềm vui được”. Các đồng đội tại Villarreal trước đây cũng gọi Cazorla là “Ronaldinho” không chỉ bởi tài năng, ma thuật trên sân cỏ của anh mà còn nhờ sự vui vẻ, thân thiện và hòa đồng nữa. Cazorla đã luôn mỉm cười như thế đến tận bây giờ, sau bao bao giỗng, bỏ lại sau lưng 11 ca phẫu thuật, bất kể phải gắn một tấm kim loại vào chân, lấy phần da của cánh tay phải - nơi anh xăm tên của cô con gái - để đắp vào gót và “gia đình đôi khi vẫn sợ khi xem tôi thi đấu” như anh chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với The Independent cách đây 1 tháng.
Những người như Santi Cazorla làm cho bóng đá trở nên mềm mại, khiến người xem hiểu được giá trị của thể thao là sự tận hiến và niềm vui, dẫu cho trên hành trình đi qua có những điều cản bước tưởng như làm ta nản lòng.
Người hâm mộ Arsenal lúc này đang sống trong tháng ngày phải chứng kiến đội bóng của mình thi đấu bế tắc. Nếu bạn lướt Twitter, gõ từ khóa “Santi Cazorla” sẽ thấy nhiều Gooner vẫn ước giá như những chấn thương không hành hạ Cazorla, giá như ở lại lúc này thì đội bóng của họ sẽ không trình diễn một bộ mặt nhàm chán như hiện tại. Những ngày tháng tươi đẹp nhất của Cazorla ở Arsenal cũng là quãng thời gian anh đem đến cảm xúc mãnh liệt cho người hâm mộ, như một chú sóc nhỏ tinh nghịch đùa giỡn với trái bóng và đối thủ, thi triển những phép màu làm bừng sáng quãng thời gian ảm đạm trong những năm tháng cuối cùng của triều đại Arsene Wenger.
Đến nay, những phép màu đó vẫn chưa dừng lại. 5 bàn thắng (nhiều thứ 2 Villarreal), 4 kiến tạo (dẫn đầu Villarreal), 2,7 đường chuyền quyết định/trận (cao nhất Villarreal), 1,9 pha tắc bóng/trận (xếp thứ 4 Villarreal), đó là những gì người đàn ông tới từ xứ Asturias làm được đến thời điểm hiện tại của La Liga. Dẫu rằng “Tàu ngầm vàng” đang xếp thứ 13 trên bảng xếp hạng, nhưng ai cũng hiểu một cánh én thì chẳng làm nên nổi mùa xuân bởi bóng đá là môn thể thao tập thể.
Tháng 4 năm nay, một đoạn video đã ghi lại hình ảnh Cazorla đứng ủ rũ và khóc ở một góc hành lang sau thất bại 1-2 của Villarreal trước Real Betis. Trận đấu đó, chính anh bỏ lỡ một quả phạt đền và khiến đội bóng vẫn phải vật lộn với cuộc chiến trụ hạng ở giai đoạn cuối mùa giải. Nhìn những hình ấy, ta mới hiểu, sau bao nhiêu đớn đau, anh quyết tâm với sự trở lại đến nhường nào.
Và thật vui vì anh vẫn ở lại với sân bóng, như một ngọn đuốc cảm hứng cho tất cả.
CG