Ta không phải là người thường, ta là Cantona |
Cantona cũng không hề có ý định đến Anh ngay từ đầu. Sinh ra trong một gia đình nhập cư với bố là một thợ sơn và mẹ là người xứ Catalan. Cantona từ bé đã thể hiện tố chất của mình.
Ít ai biết rằng, từ nhỏ hắn mong muốn là một thủ môn. Bởi vì hắn thần tượng người cha của mình, người đã có thời gian bắt gôn trên sân bóng cũng như dành những buổi tối làm tấm bình phong cho những đứa con đã quả bóng làm từ giấy báo, và ông nhào lộn trên giường như thủ thành chuyên nghiệp bay nhảy trong khung thành.
Nhưng nước Pháp và Cantona quả nhiên không thể cùng đồng hành với nhau. Bản tính nóng nảy đã khiến Eric Cantona dần đánh mất mình ở quê nhà. Những án phạt đều đặn, khiến cậu trai trẻ ngày ấy long đong lênh đênh với nhiều màu áo. Cho đến khi Nimes quyết định sẽ cưu mang hắn.
Cantona là một gã trọng danh dự và dĩ nhiên hắn chả cảm thấy hạnh phúc gì khi thi đấu cho một câu lạc bộ hạng trung như Nimes. Hắn cảm thấy điều này thật tồi tệ kể cả ở độ tuổi 25 và sự thất vọng dẫn hắn tới một mớ hỗn độn.
Thế nhưng, Cantona dù có cục tính như thế nào, thì vẫn không phải là kẻ ngốc. Hắn trưởng thành trong một gia đình có người nghiên cứu về tâm thần học và chính bản thân hắn cũng thường được tư vấn để kiềm chế cảm xúc mỗi khi thiếu điều là bộc phát. Đó là khi một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá và người khai sáng kỷ nguyên hiện đại, Michel Platini đưa bàn tay cứu cánh. Và với những sự tư vấn từ người đàn anh và chuyên gia tâm lý, Cantona quyết định rời khỏi Pháp, nơi mà hắn đã ngán đến tận cổ, để tìm kiếm một chân trời mới. Thế nhưng trong thập niên 1990, thế giới đã không còn là quá lớn so với con người nữa.
Nhiều câu lạc bộ ở Anh từ chối Cantona bởi thành tích “bất hảo” của hắn trong quá khứ, để rồi không biết bằng cơ duyên đưa đẩy kiểu gì, tháng 1 năm 1993, hắn đến với ngôi nhà Manchester United.
Ngày 25 tháng 1 năm 1995, ở một trận đấu trên sân khách đối đầu với Crystal Palace, trọng tài truất quyền thì đấu đối với Cantona khi hắn cố tình đạp vào chân hậu vệ Richard Shaw vì gã hậu vệ Palace dám...kéo áo số 7. Trên đường ra khỏi sân, Matthew Simmons, một khán giả của đội chủ nhà đã cất công bước xuống mười một bậc thang của khán đài để chì chiết Eric. Dĩ nhiên hắn đâu để yên. Cantona tin rằng không thể chỉ vì là cầu thủ mà hắn phải cho qua nỗi nhục. Và chuyện gì đến cũng đã đến, nhưng việc ấy là điểu không nên xảy ra. Cầu thủ không được có những hành động như thế.
Cú kung-fu kinh điển của Cantona “găm” vào người Simmons trở thành giai thoại theo thời gian. Đó là một trong những “tấm gương” hành xử bạo lực nhất mà cầu thủ làm với cổ động viên. Cantona bị trừng phạt thật nặng nề. Bị quy trách nhiệm hình sự, hai tuần án tù cùng với đó là 120 tiếng lao động công ích, khoản phạt 20,000 bảng và đáng kể nhất là bị cấm thi đấu phần còn lại của mùa giải của Manchester United. Và cũng như ở Pháp, án phạt được...nâng lên tới tháng 9 năm 1995 cho tất cả mọi trận đấu bóng đá và thêm 10,000 bảng vì FA cho rằng “hành động ấy tác động đến hình ảnh của giải đấu”- và mức phí như thế là hoàn toàn phù hợp. Manchester United thậm chí đã mất danh hiệu Premier League, còn Cantona thì bị truất băng đội trưởng đội tuyển Quốc gia và sau đó không còn được gọi lên tuyển. Mặc dù chuyện đó đã xảy từ rất lâu, thế nhưng vẫn là đề tài nóng hổi trên mọi phương tiện truyền thông, những bài báo phân tích về tâm lý và kể cả những nhóm cổ động viên thích biểu tình để rồi gán cho cầu thủ cái mác bạo lực và tội phạm.
Hắn có thể bị thương, nhưng không bao giờ chịu thua cuộc chiến. Hắn tự kêu gọi một cuộc họp báo và với thái độ bình thản, hắn chậm rãi lên tiếng:
“Vì sao những con mòng biển cứ thích lẽo đẽo theo tàu của ngư dân, vì chúng nghĩ rằng họ sẽ thả lại lũ cá mòi xuống dưới biển.”
Chỉ có thể! Cantona đứng lên, chả thèm đợi mọi người kịp định thần, và nhanh chóng hắn rời khỏi căn phòng, để lại những con người còn ngơ ngác ở đằng sau.
Lời phát biểu trong cuộc họp báo thể hiện sự ghê tởm của Eric với báo giới Anh Quốc, thứ nổi tiếng thường thích can thiệp vào đời sống cá nhân của những ngôi sao. Đó là cách mà Cantona muốn lật mặt bọn nhà báo thích soi mói và khiến hắn không thể tự lên tiếng cho bản thân mình. Mặt khác, có những kẻ nghĩ rằng Cantona là đồ nông cạn, và có thể hắn đã ăn cắp câu nói từ một nhà Triết học người Pháp nào đó...không có tiếng tăm. Michael Kelly, người đứng đầu ban bảo vệ của Manchester United, thậm chí đã biên nó ra cuốn sách của mình và tiết lộ rằng, câu nói ấy đã lôi kéo một cơ số người ở London để tỏ ra đồng cảm với tác giả của nó. Thế đấy, Cantona, một bí ẩn được khắc sâu trong lịch sử mãi mãi.
Sau này Cantona thừa nhận rằng, hắn đã kiểm soát cảm xúc tốt hơn kể từ thời điểm đó, tuy có thỉnh thoảng vẫn bộc phát chút ít. Nhưng với bản tính của mình, hắn cảm thấy hài lòng khi khán giả đã ít thấy những hình ảnh ấy trên sân đấu hơn.
Cantona thừa nhận rằng đó là một sai lầm, tuy nhiên vẫn cố gắng bào chữa cho hành động của mình- hắn thậm chí khá hối hận vì không đạp...mạnh hơn. Phản ứng hay bỏ qua, nhưng Cantona chỉ là một. Và như hắn đã nói, “Có lằn ranh mong manh giữa tự do và hỗn độn.”
Không phải ai cũng có thể bước từ sân cỏ để vào trung tâm sân khấu của nhà hát Opera. Cũng rất ít diễn viên xuất thân từ đá bóng và có đầy đủ một serie game điện tử về những hình ảnh của mình trên sân cỏ. Và càng hiếm hoi hơn nữa một cầu thủ đã giải nghệ hai mươi năm vẫn xuất hiện đều đặn trong những chương trình quảng cáo. Thậm chí là chụp hình khoả thân ở trang bìa của một tạp chí! Chỉ có một người làm được những điều đó- đó là Eric “bí ẩn” hay Cantona “lôi cuốn”.
Lược dịch từ nguồn:
Debojyoti Chakraborty. I Am Not A Man, I Am Cantona. Goalden Times.
PHƯƠNG GP (TTVN)