Super League thất bại: Đòn giáng đau vào Florentino Perez

Tác giả CG - Thứ Tư 21/04/2021 18:35(GMT+7)

48 tiếng sau khi tuyên bố thành lập, Super League đã thông báo tạm dừng để tái định hình lại dự án. 6 CLB Anh rút khỏi giải đấu là một đòn giáng đau điếng với ông Florentino Perez, người được chọn là chủ tịch giải đấu.

Super League thất bại: Đòn giáng đau với Florentino Perez. Ảnh: Getty Images

Bóng đá quốc tế vừa trải qua 48 tiếng cực kỳ sôi động và kịch tính dù chẳng có một trận cầu mang tính đỉnh cao nào diễn ra. Cuộc chiến giữa hai phe diễn ra với kết cục là một bên phải tuyên bố rút lui. Super League được thai nghén từ lâu, bất ngờ được tung ra chỉ trong một ngày và sau đó chết yểu (hay nói theo cách của những người đứng sau dự án này là tạm dừng lại để tái cấu trúc).
 
Và thất bại của Super League chẳng khác nào một đòn trời giáng vào ông Florentino Perez - người được chọn vào vị trí chủ tịch. 24 tiếng trước, Perez giống như một “siêu anh hùng”: ông lên truyền hình tuyên bố giải đấu này là để cứu bóng đá, khẳng định chắc nịch rằng nếu có vô địch Super League thì nó cũng là danh hiệu châu Âu thứ 15 của Real Madrid bởi chiếc cúp thứ 14 sẽ là chức vô địch Champions League mùa giải này. Cách nói ấy chẳng khác nào một tuyên bố đầy tự tin rằng Real Madrid của ông ly khai khỏi UEFA nhưng UEFA sẽ không thể nào bỏ Real Madrid, bất chấp người đứng đầu tổ chức này khẳng định sẽ loại Los Blancos khỏi giải đấu.
 
Nhưng trong canh bạc mà Perez tất tay, ông đã thua. Tất nhiên, Super League là cuộc chơi do 12 CLB “siêu cường” lập nên chứ không chỉ riêng Real Madrid, song từ khi thông tin giải đấu xuất hiện vào Chủ nhật vừa qua, chỉ mình Perez là người lên tiếng trong dàn lãnh đạo các CLB. Những ông chủ Mỹ của Liverpool, Arsenal, AC Milan và Manchester United đâu? Họ im lặng. Tỷ phú Roman Abramovich ở đâu, City Football Group do Hoàng thân Mansour bin Zayed Al Nahyan của UAE sở hữu ở đâu? Chúng ta không thấy họ xuất hiện hay lên tiếng. Chỉ mình Perez đứng trước dư luận truyền thông.
 
Hãy trở lại vấn đề gốc. Những điều mà Perez đề cập đến trong cuộc phỏng vấn trên kênh El Chiringuito có đúng hay không? Nó hoàn toàn chính xác. Chủ tịch Real Madrid cho rằng UEFA đang bào mòn các cầu thủ khi tăng số lượng trận đấu nhưng chất lượng giải đấu thì đi xuống; phân chia tài chính của UEFA không minh bạch và thiếu hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Ông và nhóm lãnh đạo các CLB tinh hoa đề suất lập ra một giải đấu riêng chỉ gồm các siêu cường, diễn ra theo hệ thống mô hình đóng như thể thao Mỹ với lợi ích cho khán giả là họ sẽ được chứng kiến những trận cầu đỉnh cao một cách thường xuyên đồng thời giúp các CLB có nguồn tài chính để tái thiết sau đại dịch.
 
Những vấn đề mà Perez đề cập tới là đúng, nhưng cách làm của ông và các cộng sự tạo ra niềm tin cho đại chúng rằng Super League là cuộc chơi của những CLB siêu giàu, tách mình với phần còn lại và gạt bỏ hết đi những giá trị mang tính tinh thần của môn thể thao vua đó là sự đại chúng. 

Florentino Perez đã rất tự tin vào Super League. Ảnh: Getty Images
 
Trong tuyên bố rút lui khỏi Super League, phía Arsenal cho biết họ “lắng nghe các bạn (tức cổ động viên) và cộng đồng bóng đá rộng lớn trong suốt vài ngày qua” đồng thời thừa nhận “đã phạm sai lầm và chúng tôi xin lỗi vì điều này”. Còn tuyên bố rút lui của Chelsea có đoạn: “Tham gia vào giải đấu cuối tuần trước, chúng tôi đã có thời gian để cân nhắc toàn bộ vấn đề và quyết định rằng nếu tiếp tục tham gia vào những kế hoạch này sẽ không mang lại lợi ích tốt nhất cho CLB, các cổ động viên chúng tôi và cộng đồng bóng đá lớn hơn”. Yếu tố cộng đồng đã được lấy làm lý do cho những tuyên bố “quay đầu” của các CLB.
 
“Bóng đá được tạo ra bởi người nghèo và bị cướp bởi người giàu”, đây là khẩu hiệu chúng ta đã liên tục thấy trong vài ngày qua. Super League với những bộ não của các ông chủ Mỹ ở phía sau cùng sự hậu thuẫn của một tổ chức tài chính khổng lồ là JP Morgan sẽ là hiện thân cho mô hình thể thao của Mỹ. Hệ thống lên xuống hạng sẽ không tồn tại, thay vào đó là hệ thống nhượng quyền thể thao, các CLB chỉ cần có tiền và duy trì một khoản phí tiêu chuẩn là đủ để tồn tại ở giải đấu. Mô hình này xuất hiện ở NBA, NFL hay MLS - những giải đấu của Mỹ.
 
Song, khán giả châu Âu thì không tin như vậy. Họ vẫn đề cao giá trị thể thao mà như HLV Pep Guardiola nói là “Sẽ không còn là thể thao nữa khi mối quan hệ giữa nỗ lực và thành công, nỗ lực và phần thưởng không tồn tại. Sẽ không còn là thể thao nữa khi bạn luôn được đảm bảo thành công, sẽ không còn là thể thao nữa khi dù thua thì bạn cũng không bị ảnh hưởng gì”. Nói cách khác, xét về khía cạnh tinh thần, gật đầu đồng ý với Super League chẳng khác nào người châu Âu chấp nhận họ bị xâm lăng văn hóa, mà ở đây chính là văn hóa Mỹ.

Nhiệm vụ lèo lái Real Madrid trong thời gian tới sẽ rất gian nan với Florentino Perez. Ảnh: Getty Images
 
Phản ứng của các cổ động viên Chelsea hay Liverpool trong vài ngày qua cho thấy điều đó. Liverpool là CLB đại diện cho tầng lớp lao động, những người thợ thuyền của thành phố. Xét về yếu tố chính trị xã hội, Liverpool là sự đối nghịch với London: một bên là giai cấp lao động và một bên là giới tư bản. Bill Shankly là một biểu tượng vĩ đại của CLB Liverpool dù ông là người Scotland. HLV huyền thoại này từng nói: “Chủ nghĩa xã hội mà tôi tin tưởng không thực sự là chính trị mà là một cách sống, là giá trị nhân bản. Tôi tin cách duy nhất để sống và thực sự thành công là cùng nhau nỗ lực, tất cả mọi người làm việc vì nhau, giúp đỡ nhau và chia sẻ phần thưởng”.
 
Nhưng Super League đi ngược lại giá trị đó, nó làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các CLB khi một nhóm những đội siêu cường chơi chung với nhau, đưa ra quyết định áp đặt lên phần còn lại. Chẳng thế mà cháu trai của Shankly phải thốt lên rằng có lẽ ông đang “quay cuồng trong nấm mộ của mình” khi thấy Liverpool tham gia vào Super League.
 
Trong “cuộc chiến vương quyền” suốt 48 giờ qua, không hẳn người hâm mộ bóng đá lục địa già thích UEFA. Vấn đề là với những mục đích và nguyên nhân khác nhau thì nhóm Super League là “kẻ thù” chung của cả người hâm mộ lẫn cơ quan quản lý bóng đá châu Âu: khán giả muốn thấy tinh thần bóng đá được sống còn UEFA muốn giành lại quyền làm chủ về tài chính, bản quyền truyền hình và vị thế lãnh đạo. 
 
Florentino Perez hay Real Madrid giống như biểu tượng của sự nổi loạn suốt vài ngày qua. Los Blancos và ông đã không còn đường lui, và sự quay lưng của các đồng minh giống một cú đánh trời giáng đầy đau điếng vào tham vọng của Perez. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.