Vị trí thứ 8 chung cuộc tại Premier League đồng nghĩa với việc Arsenal sẽ vắng bóng tại đấu trường Châu Âu ở mùa giải tới. Nhưng nếu cần một tia sáng tích cực giữa bầu trời u ám đang bao phủ Emirates thì đó là việc bản hợp đồng bom tấn Nicolas Pepe đã bắt đầu biết cách tỏa sáng. Dù muộn nhưng còn hơn là không bao giờ!
Vào lúc này, có lẽ HLV Mikel Arteta nên cảm thấy mình là người may mắn hơn các đồng nghiệp khác. Bởi ít ra, ban lãnh đạo Arsenal vẫn còn đặt niềm tin vào ông, thay vì lựa chọn phương án sa thải như trường hợp của Frank Lampark tại Chelsea hay Jose Mourinho tại Tottenham. Nhưng sự chịu đựng của ông chủ Stan Kroenke cùng các đồng sự cũng chỉ có giới hạn. Mùa hè tới đây được cho là cơ hội cuối cùng để chiến lược gia người Tây Ban Nha xây dựng cho mình một đội hình giàu tính cạnh tranh. Nếu tiếp tục không thể giúp Arsenal thoát khỏi vũng bùn lầy, việc Mikel Arteta phải ra đi là điều chắc chắn xảy đến.
Tuy nhiên, giữa nhiệm vụ tăng cường nhân sự và thanh lọc đội hình, việc tối đa hóa sức mạnh từ những nhân tố sẵn có cũng là điều cực kỳ quan trọng. Sự thật vốn dĩ Arsenal chưa bao giờ là đội bóng chịu chi đậm để bổ sung tân binh. Ngay cả vào thời điểm hiện tại, khi uy tín của nhà Kroenke dần chạm đáy buộc họ phải làm một điều gì đó thật đặc biệt trên thị trường chuyển nhượng thì viễn cảnh đưa về Emirates một vài bom tấn ở mùa hè tới là điều khó xảy ra.
Tất nhiên, Mikel Arteta sẽ được tạo điều kiện chiêu mộ những cầu thủ ưng ý nhất. Nhưng như đã nói ở trên, bằng cách nào đó, trợ lý đặc lực một thời của Pep Guardiola cũng cần đánh thức bản năng của khá nhiều các cầu thủ đã chơi tệ ở mùa giải 2020/2021, đặc biệt là trên hàng tấn công.
Đầu tiên là trường hợp của đội trưởng Pierre-Emerick Aubameyang – người từng ghi tới 29 bàn mùa giải 2019/2020, nhưng lại sa sút không phanh ở mùa giải vừa qua. Con số 10 bàn thắng tại Premier League là điều mà không một Gooners nào có thể chấp nhận được, nếu xét mức đãi ngộ 250.000 bảng/tuần mà tiền đạo người Gabon đang hưởng.
Tiếp đến sẽ là Willian, tất nhiên là trong trường hợp cầu thủ người Brazil vẫn tiếp tục khoác áo Pháo thủ mùa tới. Một Willian vật vờ, vô hại là hình ảnh mà người ta thường được chứng kiến. Phải mất 37 trận đấu, tiền vệ này mới có bàn thắng đầu tiên ra mắt đội bóng mới. Nhiều người còn bảo rằng, Mikel Arteta đã “hớ” nặng trong thương vụ này. Và những khoảnh khắc đẹp nhất của Willian đã để lại Chelsea thời điểm anh ra đi mất rồi.
Vậy còn Nicolas Pepe thì sao? Rõ ràng cầu thủ người Bờ Biển Ngà không nằm trong cả hai trường hợp kể trên. Lối chơi của Pepe tạo ra sự đột biến hơn hẳn Willian. Nhưng Pepe cũng chưa bao giờ thi đấu bùng nổ xuyên suốt cả mùa giải như Aubameyang “phiên bản” 2019/2020 để người ta gắn mác là sa sút.
Cầu thủ Bờ Biển Ngà ở lưng chừng giữa một cầu thủ tầm trung với một nhân tố có thể định đoạt trận đấu. Nhưng khi Arsenal chi đến 72 triệu bảng để biến Pepe trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất đội bóng, các Gooners có quyền đòi hỏi nhiều hơn từ anh, thay vì những đóng góp “nhỏ giọt” như thời điểm hiện tại.
Ảnh: Getty Images
Cụ thể, ở mùa giải đầu tiên tại xứ sở sương mù, sau 42 lần ra sân (2717 phút), Pepe đóng góp 8 bàn thắng và 10 pha kiến tạo. Tức là trung bình cứ 151 phút thi đấu, cầu thủ chạy cánh này sẽ góp dấu giày vào một bàn thắng cho Arsenal. Sang đến mùa này? Sau 47 trận thi đấu (2929 phút), Pepe ghi được 16 bàn thắng và 5 pha kiến tạo, trở thành cầu thủ ghi bàn tốt thứ hai cho đại diện thành London, chỉ sau mỗi Alexandre Lacazette với 17 bàn thắng. Trung bình cứ khoảng 140 phút có mặt trên sân, Pepe sẽ lại ghi bàn hoặc kiến tạo.
Nếu nhìn vào các con số thống kê, chúng ta có thể nhận thấy sự tiến bộ của Pepe, dù là không nhiều. Nói vậy vì sao? Bởi lẽ có đến 5 bàn thắng được Pepe ghi trong 3 vòng đấu cuối cùng tại Premier League, trước các đối thủ đã hết mục tiêu để phấn đấu như West Brom, Crytal Palace và Brighton.
Có thể nói, Pepe chính là hình ảnh phản chiếu sắc nét nhất về Arsenal ở mùa giải 2020/2021. Họ thi đấu phập phù xuyên suốt cả mùa, gây thất vọng ở những thời khắc quyết định. Nhưng khi đã hết hy vọng giành quyền tham dự Europa League hay Champions League mùa tới (sau trận thua Villarreal), Pháo thủ lại chơi như lên đồng với chuỗi 4 chiến thắng liên tiếp, đặc biệt là thắng lợi 1-0 ngay tại Stamford Bridge trước người hàng xóm cực kỳ khát điểm như Chelsea.
Và Pepe cũng chính là cầu thủ nổi bật nhất trong chuỗi trận thăng hoa ấy. Các Gooners có quyền tiếc nuối khi chứng kiến bàn thắng tuyệt đẹp của anh từ một pha cứa lòng đẳng cấp vào lưới West Brom ở vòng 36 Premier League. Đáng lẽ những khoảnh khắc ấy phải xuất hiện nhiều hơn từ bản hợp đồng bom tấn của họ.
Ảnh: Getty Images
Mùa này, Pepe ghi bàn tốt hơn, nhưng số pha kiến tạo cũng ít đi trông thấy. Cũng phải nhớ rằng, trong số 16 pha lập công của Pepe, chỉ có 10 bàn thắng là được ghi tại Premier League – đấu trường mà Arsenal ưu tiên hàng đầu. Và trong số 10 bàn thắng ghi được, không có bất cứ bàn nào trước các đội giành quyền tham dự Champions League. Cụ thể, Pepe từng trải qua 156 phút thi đấu trước Manchester City, 112 phút trước Liverpool, 90 phút trước Manchester United, 19 phút trước Chelsea…mà không có để lại bất cứ dấu ấn đặc biệt nào. Đó là điều mà Mikel Arteta chẳng thể hài lòng!
Trong xã hội, khi bạn bỏ tiền ra mua một món hàng đắt tiền, tất nhiên mức kỳ vọng của bạn về sản phẩm đó cũng phải tương xứng. Bóng đá cũng vậy, và cụ thể ở đây trường hợp của Arsenal. Con số 72 triệu bảng dành cho Pepe, dù có là trả góp đi nữa, cũng là một khoản đầu tư lớn. Chưa kể đến mức lương 140.000 bảng/tuần, biến cầu thủ chạy cánh 25 tuổi lọt top 5 ngôi sao hưởng đãi ngộ cao nhất tại Arsenal.
Quá ngây ngất với những gì Pepe làm được trong màu áo của Lille ở mùa giải 2018/2019, giám đốc thể thao Raul Sanllehi đã thuyết phục thành công nhà Kroenke duyệt chi đã đưa anh về với Emirates. Đó cũng chính là vết gợn khiến Raul Sanllehi mất chức hồi tháng 8/2020 vì bị cáo buộc liên quan đến gian lận tài chính. Cụ thể ở đây, giới chủ Arsenal cho rằng họ đã mua Pepe với mức giá quá đắt so với những đóng góp của cầu thủ này trên sân cỏ. Theo Transfermarkt, Pepe chỉ được định giá 40 triệu bảng ở mùa hè 2019.
Việc chuyển đến từ một giải đấu ít tính cạnh tranh như Ligue 1 luôn khiến các tân binh cần thời gian để thích nghi. Tuy nhiên nên nhớ đây đã là mùa giải thứ hai Pepe tại Arsenal, nhưng cựu ngôi sao của Lille vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trong đội hình của Mikel Arteta. Minh chứng rõ ràng nhất là Pepe chỉ đá chính 16 trận tại Premier League mùa này, kém cả những tài năng trẻ như Bukayo Saka hay Emile Smith Rowe – sao mai chỉ được sử dụng ở từ giai đoạn Giáng sinh.
Khi được đặt câu hỏi về vì sao Pepe không được sử dụng thường xuyên, Mikel Arteta đã nói rằng: “Chắc chắn chúng tôi sẽ tạo điều kiện, nhưng Nico cũng cần có tư duy đúng đắn và sự ổn định cần thiết. Cậu ấy từng cần một giai đoạn để thích ứng nhưng giờ quãng thời gian ấy qua rồi! Vì vậy chúng tôi không thể trông chờ vào chuyện thích ứng lần nữa. Lúc này cơ hội ra sân phụ thuộc hoàn toàn xoay quanh những màn trình diễn của cậu ấy trên sân cỏ”.
Đúng vậy! Việc Pepe phải ngồi dự bị thường xuyên tại Premier League chỉ đơn giản là cậu ta không đủ tốt so với những cầu thủ khác. Pepe là một “Inside Forward” đích thực, tức là mẫu cầu thủ chạy cánh “trái kèo”, thích xâm nhập vòng cấm để ghi bàn hơn là phối hợp với đồng đội.
Nếu nhìn vào biểu đồ dưới đây về những bản thắng của Pepe tại Premier League mùa này, chúng ta dễ dàng nhận thấy vị trí dứt điểm thành bàn (chấm xanh lá cây) đều là ở trong vòng cấm. Và cũng giống những “Inside Forward” thuận chân trái khác, vị trí sút bóng ưa thích của Pepe thường lệch nhiều về bên cánh phải, nơi họ thực hiện các pha ngoặt bóng để loại bỏ sự truy cản của hậu vệ rồi mới dứt điểm.
Biểu đồ những pha dứt điểm của Nicolas Pepe tại Premier League 2020/2021. Ảnh: Total Football Analysis
Pepe dứt điểm có tốt không? Theo một thống kê khác đến từ chuyên trang phân tích về các đội bóng Anh, Pepe đã tung ra tổng cộng 44 pha dứt điểm tại Premier League mùa này, 21 trong số đó đi trúng đích, với tỉ lệ chính xác là 44%. Pepe ghi 10 bàn thắng (7 bàn bằng chân trái, 3 bàn bằng chân phải).
Nếu muốn biết thành tích ấy có tốt hay không, đơn giản nhất là so sánh với những “Inside Forward” đẳng cấp đã được kiểm chứng khác trong cùng một giải đấu, cùng một cấp độ. Ở đây chúng tôi đưa ra hai lựa chọn, đó là Mohamed Salah và Riyad Mahrez. Một người là cây săn bàn chủ lực của Liverpool, còn một người là nhân tố quan trọng trong chiến dịch vô địch Premier League cùng Man City.
Cụ thể, Salah đã tung ra 126 pha dứt điểm tại Premier League, một con số cực kỳ ấn tượng với mẫu cầu thủ có xu hướng dạt cánh. Điều này cũng cho thấy sự chênh lệch về tương quan sức mạnh giữa Liverpool và Arsenal, khi đội chủ sân Anfield luôn là đội chơi theo kiểu áp đảo đối thủ dưới thời Jurgen Klopp. Trở lại với Salah, trong số 126 pha dứt điểm của “vị vua Ai Cập”, có 52 cú sút đi trúng đích, với độ chính xác là 41%, ghi được 22 bàn.
Còn với Mahrez, ngôi sao châu Phi tung ra 58 pha dứt điểm, 22 cú sút trúng đích, độ chính xác là 38%, ghi được 9 bàn. Điều này chứng tỏ, Pepe dứt điểm không hề tồi một chút nào, nếu không muốn nói tỉ lệ dứt điểm trúng đích là cao hơn hẳn cả Salah lẫn Mahrez. Nhưng từ đó cũng phản ánh việc cầu thủ mang áo số 19 của Arsenal dường như đang thiếu đi sự tự tin để sút bóng nhiều hơn, với trung bình chỉ 2,64 cú dứt điểm/90 phút.
Ảnh: Justin Setterfield
Nhưng ghi bàn vốn dĩ không phải nhiệm vụ duy nhất với các “Inside Forward”. Việc kiến tạo cơ hội cho các đồng đội lập công cũng quan trọng chẳng kém. Về khoản này, Pepe hoàn toàn lép vế trước Salah và Mahrez. Salah tung ra tổng cộng 1263 đường chuyền, 12 cơ hội ăn bàn trực tiếp cho các đồng đội, còn với Mahrez là 1004 đường chuyền và 8 cơ hội ăn bàn trực tiếp.
Pepe thì sao? Chỉ vỏn vẹn 629 đường chuyền, tạo ra duy nhất 1 cơ hội ăn bàn rõ nét. Đó cũng chính là pha kiến tạo duy nhất của Pepe tại đấu trường cao nhất nước Anh mùa này. Mikel Arteta chắc chắn sẽ muốn cậu học trò của mình khắc phục khuyết điểm này trong tương lai gần. Điều này cũng giải thích vì sao chiến lược gia người Tây Ban Nha thích sử dụng Bukayo Saka nhiều hơn trong phần lớn thời gian mùa giải. Bởi lẽ sao mai người Anh là mẫu cầu thủ sáng tạo, luôn biết cách tạo đột biến bằng những đường chuyền, đồng thời cũng đóng góp tích cực trong vai trò kết nối với đồng đội.
Pepe được đánh giá cao nhất ở khoản rê dắt bóng. Thế nhưng cũng chính vì quá tự tin, quá ham rê dắt, mà Pepe thường xuyên để mất bóng hớ hênh và được các Gooners nhận xét là cầu thủ “tốn bóng” nhất đội. Rõ ràng nếu muốn vươn đến tầm ngôi sao, Pepe cần hạn chế những pha xử lý rườm rà, hướng đến sự hiệu quả cao hơn, giống với điều Cristiano Ronaldo từng làm trong màu áo Man Utd trong quá khứ.
Khách quan mà nói, đây là mùa giải mà các trụ cột của Arsenal đều đánh mất phong độ, từ đội trưởng Aubameyang cho đến những cá nhân tuyến dưới. Và khi thi đấu trong một tập thể không đủ tốt, nỗ lực của một cá nhân cũng chẳng thể cứu vãn được tình hình. Xét một cách công tâm, chúng ta phải khẳng định một điều rằng Pepe đang chơi tốt lên từng ngày. Việc anh đá trọn vẹn cả 3 trận cuối tại Prermier League và ghi 5 bàn giống như đang tung ra bản Trailer mùa giải mới cho các Gooners vậy.
Nếu tiếp tục duy trì phong độ và cải thiện kỹ năng chơi bóng, Pepe hoàn toàn có thể trở thành một người lĩnh xướng hàng công của Arsenal dưới triều đại Mikel Arteta, giữa bối cảnh Willian gây thất vọng tràn trề. Hồi còn làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Man City, Mikel Arteta đã nâng tầm Raheem Sterling và Leroy Sane trở thành những chân chạy cánh hàng đầu xứ sở sương mù. Giờ đây, chẳng có lý do gì anh không thể làm điều tương tự với một cầu thủ có sẵn tài năng nhưng vẫn thiếu một chút bản lĩnh như Pepe. Chúng ta hãy cùng chờ xem!
Đây là Bryan Mbeumo! Cầu thủ hiện đang đứng thứ hai trong danh sách vua phá lưới tại Premier League mùa này với 8 bàn thắng sau 9 lần ra sân, chỉ kém 3 bàn so với người dẫn đầu là Erling Haaland.
Raphinha có vẻ không thích phỏng vấn lắm, nhưng anh cũng không tỏ ra khó chịu khi được chúng tôi (tờ El Pais – Tây Ban Nha) tiếp cận. Anh nói chậm rãi, lướt qua một số câu hỏi, nhưng không hề né tránh: Raphinha là kiểu người thẳng thắn.
Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.
Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.
Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.