Sự thật: Không phải cầu thủ nào cũng thích nghi nhanh như Haaland

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Ba 04/07/2023 16:09(GMT+7)

Thích nghi trong bóng đá khó hơn người ta tưởng. Cho dù đó là một quốc gia, giải đấu, đội bóng hay vị trí mới, việc làm quen với môi trường mới không phải như những cỗ máy, cứ cắm điện là chạy. Bởi chúng ta chỉ là con người và không phải ai cũng có được sự thích nghi ấn tượng như Erling Haaland ở mùa giải vừa rồi.

 

Bắt đầu bằng câu chuyện từ tiền đạo Mido, sau 18 tháng dưới dạng cho mượn tại Tottenham Hotspur, cầu thủ người Ai Cập đã nhận được cuộc gọi từ HLV đội bóng này, Martin Jol, không lâu sau khi tiền đạo này trở lại CLB chủ quản AS Roma mùa hè năm 2006.

“Cậu cần quay lại đây,” Jol nói.

Đó mới là những ngày đầu của giai đoạn tiền mùa giải. Nhưng HLV của Spurs không hề ấn tượng với màn thể hiện của bản hợp đồng mới, Dimitar Berbatov. Ông muốn Mido trở lại. Thậm chí, theo lời của cầu thủ người Ai Cập, Jol nói với anh rằng ông đã “mắc một sai lầm lớn khi ký hợp đồng với Berba”.

Lúc đó, đồng hương của Mido là Hossam Ghaly cũng khoác áo Tottenham và cố gắng thuyết phục anh trở lại. “Tôi nói với cậu ấy rằng Berbatov quá chậm. Mido sẽ được đá chính nếu cậu ấy trở lại,” Ghaly chia sẻ sau 14 năm, khi anh cùng Mido nhớ lại những kỷ niệm trong chương trình truyền hình The Dressing Room.

“Berbatov là một cầu thủ xuất sắc,” Ghaly nói. “Nhưng trong những ngày đầu tập luyện, nhịp độ chơi bóng của Berba rất chậm, dù không ai có thể lấy bóng từ chân cậu ấy.”

Mido và Berbatov đã từng có quãng thời gian khó khăn khi tới Anh thi đấu

Cả hai sau đó cười phá lên, vì khi Mido ký hợp đồng dài hạn với Tottenham vào tháng 8 năm đó, anh lại lâm vào tình cảnh khác hẳn với những gì Jol đã mô tả trước đó ít tuần. “Khi tôi trở lại Tottenham, Berbatov đã biến thành (Johan) Cruyff,” Mido nói.

“Martin nói với tôi rằng tôi sẽ dễ dàng lấn lướt Berbatov. Nhưng bước vào buổi tập, Berba rê bóng, tâng bóng qua người đối thủ và đưa bóng vào góc cao. Thật khó để cạnh trạnh với Berbatov, vì cậu ấy là một cầu thủ tuyệt vời.”

Berbatov ghi 12 bàn ở Premier League trong mùa giải đầu tiên với Tottenham, còn Mido có… 1 bàn và được bán cho Middlesbrough sau đó một năm. Anh ghi thêm 15 bàn nữa trong mùa giải 2007-08, trước khi gia nhập Manchester United vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng. 

Cho đến bây giờ, không cần phải nghi ngờ về 7,5 năm của cầu thủ người Bulgaria ở Anh. Nhưng thật khôi hài khi nhớ về những gì đã xảy ra với Berbatov trong những tuần đầu tiên ở Spurs.

Thích nghi trong bóng đá khó hơn người ta tưởng. Cho dù đó là một quốc gia, giải đấu, đội bóng hay vị trí mới, việc làm quen với môi trường mới không phải như những cỗ máy, cứ cắm điện là chạy. Bởi chúng ta chỉ là con người.

Các đội bóng sẽ cố gắng hết sức để khiến bản hợp đồng mới cảm thấy thoải mái. Nhưng một quốc gia khác có nghĩa là một nền văn hóa khác và cũng có thể là một ngôn ngữ khác.

Nỗi nhớ nhà cũng có những tác động nhất định. Việc chuyển đến một thế giới hoàn toàn mới ở tuổi 20, xa gia đình và bạn bè để sống cuộc đời mới là một gánh nặng tinh thần đối với một số người. Ngay cả khi họ đã vượt qua được điều đó, cần biết rằng thời gian thích ứng ban đầu của mỗi người là khác nhau. 

Thay đổi giải đấu là một hình thức thích ứng khác: Cường độ, phong cách chơi bóng của giải đấu trước có thể khác hoàn toàn với giải đấu họ đến sau này. Ngay cả việc thay đổi CLB trong cùng một giải đấu cũng mang đến những câu hỏi. Bầu không khí trong phòng thay đồ như thế nào? Có bè phái nào trong đội không? Nếu có, tôi nên ở nhóm nào?

Hầu hết các cầu thủ đều cần một quãng thời gian tương đối để thích nghi với môi trường mới

Thích nghi với vị trí mới cũng là một câu chuyện tốn thời gian khác. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái trong vai trò mới khi được huấn luyện cũng như thi đấu nhiều, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc nó sẽ không xảy ra một sớm một chiều.

Trước mùa giải, kỳ nghỉ thi đấu quốc tế và tập huấn trong tuần là những khoảng thời gian mà quá trình thích nghi có thể diễn ra nhanh hơn. Mặc dù vậy, những thay đổi thất thường của lịch thi đấu bóng đá khiến điều đó trở nên khó khăn.

Không phải mọi cầu thủ đều có thể tạo ra ảnh hưởng ngay lập tức như Sergio Aguero, người đã ghi 2 bàn vào lưới Swansea trong trận ra mắt Manchester City hồi tháng 8/2011, trước khi ghi thêm 21 bàn tại Premier League mùa đó – với bàn cuối cùng đã trở thành biểu tượng của giải đấu.

Hay Ruud van Nistelrooy (36 bàn cho Manchester United mùa 2001-02), Fernando Torres (33 bàn cho Liverpool mùa 2007-08), N'Golo Kante (giành chức vô địch mùa 2015-16 cùng Leicester City với tỷ lệ đặt 1 ăn 5.000) và giờ là Erling Haaland, người cũng đã có năm đầu tiên đáng nhớ ở xứ sở sương mù.

Tuy nhiên, có rất nhiều ví dụ về những cầu thủ vĩ đại cần thời gian để thích nghi, trước khi họ thể hiện tài năng thực sự của mình.

Trong mùa giải đầu tiên khoác áo Liverpool, Mohamed Salah đã tỏa sáng rực rỡ. 32 bàn thắng trong chiến dịch 2017-18 giúp anh giành được Chiếc giày vàng Premier League, đồng thời lập kỷ lục về số bàn ghi được trong một mùa giải có 38 trận, trước khi Haaland ghi 36 bàn cho Manchester City ở mùa giải vừa rồi.

Trước mùa giải huỷ diệt của Haaland, Mo Salah cũng có một mùa 17/18 "cực cháy"

Tuy nhiên, khi Salah lần đầu rời quê hương Ai Cập để tới Basel (Thụy Sĩ) mùa hè năm 2012, mọi chuyện không hề dễ dàng với anh.

“Điều khó nhất của việc thích nghi là tôi phải dành thời gian cho gia đình, phải đi chơi với bạn bè vào ban đêm, phải gặp người này người kia,” anh nói với kênh ON vào tháng 5/2018. “Rồi đột nhiên, bạn trở nên cô độc khi mới 19 tuổi. Đó là một cú sốc.

“Bạn đi tập và về nhà lúc 1h chiều. Từ đó cho đến lúc đi ngủ, bạn không biết phải làm gì. Bạn không hiểu gì về đất nước này. Bạn chẳng biết gì cả. Bạn không có bạn bè.

Về quãng thời gian ở Chelsea, tiền đạo của Liverpool cũng nói điều tương tự với tạp chí GQ: “Thật khó khăn cho tôi về mặt tinh thần. Tôi không thể xử lý được áp lực từ giới truyền thông. Tôi không được thi đấu nhiều. Đó là lúc tôi nghĩ, ‘Mình cần phải ra đi’.”

Áp lực từ truyền thông đã khiến Salah từng phải tháo chạy khỏi môi trường bóng đá Anh một thời gian

Một ví dụ khác từ Premier League là Robert Pires. Mùa giải thứ hai của cầu thủ người Pháp tại Arsenal tốt hơn mùa giải đầu tiên. Thú vị ở chỗ, anh từng hỏi HLV Arsene Wenger rằng liệu các trận đấu “lúc nào cũng giàu thể lực thế này ư”. “Đúng vậy, thậm chí còn kinh khủng hơn thế,” Wenger đáp.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Ý. Hernan Crespo không được người hâm mộ yêu mến trong những ngày đầu ở Parma mùa giải 1996-97, sau khi chuyển đến từ đội bóng quê nhà River Plate. Crespo bị chế giễu và huýt sáo; việc anh chỉ ghi được 1 bàn trong 15 trận đầu tiên cũng chẳng giúp được gì. 

Tuy nhiên, Carlo Ancelotti, người dẫn dắt Parma thời điểm đó hiểu rõ tiềm năng của Crespo. “Cậu ấy tài năng và rất nghiêm túc. Nhưng họ không thích cậu ấy,” Ancelotti viết trong cuốn sách “Những trận đấu đẹp mắt của một thiên tài tầm thường”. Tiền đạo người Argentina đã đền đáp niềm tin và kết thúc mùa giải với 12 bàn sau 28 lần ra sân trên mọi đấu trường, giúp Parma cán đích ở vị trí thứ hai tại Serie A, kém Juventus 2 điểm.

Chúng ta thường quên rằng bóng đá chuyên nghiệp cũng là một công việc. Giống như bất kỳ công việc nào trên thế giới, bạn có thể có tạo ra ảnh hưởng ngay lập tức, bạn có thể mất một thời gian để nắm bắt mọi thứ, hoặc đơn giản là bạn không thể thích nghi với tình huống mới mẻ.

Hernan Crespo cũng phải rất vất vả trong mùa đầu tiên trong màu áo Parma

Nolito không được thi đấu nhiều sau khi chuyển từ Celta Vigo sang Manchester City năm 2016. Trình độ tiếng Anh hạn chế cũng khiến quá trình thích nghi của anh trở nên khó khăn hơn. Mặc dù vậy, sự thay đổi về lối sống và điều kiện thời tiết mới là thứ khiến anh và gia đình gặp nhiều vấn đề.

“Khuôn mặt của con gái tôi biến sắc. Trông con bé như đang sống trong hang động,” Nolito chia sẻ trong mùa giải đầu tiên và duy nhất ở Manchester. Nolito giờ đang ở đâu? Cầu thủ 36 tuổi đang chơi cho Ibiza ở giải hạng hai Tây Ban Nha. Ở đó không thiếu nắng.

Ngay cả cách các cầu thủ từ các quốc gia khác nhau giao tiếp trên sân hoặc trong lúc tập luyện cũng có thể gây ra các vấn đề. Jimmy Floyd Hasselbaink có một sự nghiệp thành công ở Anh. Nhưng khi gia nhập Leeds United năm 1997, anh nhận ra cách anh nói chuyện với các đồng đội - như anh thường làm ở Hà Lan - khiến một số người nghĩ anh là kẻ kiêu ngạo.

“Ở Hà Lan, bạn có thể nói, ‘Làm cái này đi’ và ‘Cứ làm cái kia’, rồi việc đó sẽ được thực hiện mà không cần phiền phức gì nhiều,” anh viết trong cuốn sách của mình. “Ở Anh, bạn phải nói, 'Bạn có vui lòng làm việc này không?'. Mọi người thường xuyên kèm từ ‘làm ơn’ khi nói.”

Khoảng thời gian của Dennis Bergkamp tại Inter Milan đầu những năm 1990 là một ví dụ khác, về việc một cầu thủ cảm thấy khó thích nghi hơn chỉ vì một biến số. Mặc dù đã ghi 8 bàn giúp Inter vô địch UEFA Cup trong mùa giải đầu tiên sau khi chuyển đến từ Ajax Amsterdam, sự thay đổi trong lối chơi của đội bóng nước Ý không bao giờ xảy ra.

Trong cuốn sách Stillness and Speed, Bergkamp nói rằng trước khi anh ký hợp đồng vào mùa hè năm 1993, chủ tịch Ernesto Pellegrini của Inter đã đến gặp anh ở Hà Lan và hứa sẽ đại tu lối chơi của họ. “Ông ấy nói rằng họ muốn chơi thứ bóng đá tấn công, giống như Milan của Arrigo Sacchi,” Bergkamp viết. “Đó là lý do tại sao họ muốn mua tôi và Wim Jonk (đồng đội của anh ở Ajax, người cũng chuyển đến Inter vào mùa hè năm đó). Đó là những gì ông ấy đã nói! Và tôi đã tin ông ấy.”

Lối chơi thiên về phòng ngự ngày ấy của Inter phần nào đã hạn chế đi khả năng chơi bóng của Bergkamp

Nhưng lối chơi thiên về phòng ngự vẫn tồn tại ở Inter. Điều đó không phù hợp với Bergkamp. Những khía cạnh anh phải cố gắng thì ngày một chồng chất. Bergkamp vừa kết hôn khi chuyển đến Ý, có một tuần trăng mật kéo dài, một ngôi nhà mới và đang cố gắng thích nghi với một đất nước mới. “Tôi đã có hàng trăm điều mới trong cuộc sống của mình ở khía cạnh cá nhân. Sau đó, tôi có thêm 200 thứ khác ở khía cạnh bóng đá,” anh viết.

Không ai có thể nghi ngờ tài năng và kỹ thuật của Bergkamp, điều đã được chứng minh trong thời kỳ hoàng kim sau đó của anh ở Arsenal. Khoảng thời gian 2 năm của Bergkamp tại Inter phức tạp hơn nhiều do có nhiều biến số, ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Đó là cách một cầu thủ có thể trở thành huyền thoại ở đội bóng này, nhưng lại bị toàn bộ người hâm mộ ở đội bóng khác chế nhạo. 

Thời gian thích ứng là điều cần được xem xét khi đánh giá màn trình diễn của các cầu thủ. Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, nơi mọi người muốn có câu trả lời ngay lập tức, việc đánh giá các bản hợp đồng sau 1 hoặc 2 trận đã trở thành tiêu chuẩn.

Trên thực tế, đằng sau bộ kỹ năng, những hình xăm và trang phục thiết kế riêng, các cầu thủ bóng đá cũng chỉ là những người bình thường. Vài người trong số họ sẽ thích nghi với môi trường mới ngay lập tức, vài người sẽ mất nhiều thời gian hơn và vài người đơn giản là không thể.

Điều này không có nghĩa là họ không đủ giỏi. Đó chỉ là cách cuộc sống vận hành.

Lược dịch bài viết “Erling Haaland is an exception – adapting to a new environment in football is hard” của Ahmed Walid

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Antonee Robinson: Hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất Premier league hiện tại

Khi một hậu vệ trái có thể kiềm hãm được Bukayo Saka và Mohamed Salah trong 2 trận đấu liên tiếp ở Premier League, dĩ nhiên anh ta sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Khi anh ta không chỉ có một màn trình diễn khả năng phòng ngự xuất sắc mà còn có thêm 2 pha kiến tạo trước Liverpool trong một trận hòa 2-2 ở Anfield, hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra.

Cody Gakpo: Ổn định để tỏa sáng!

Vào đêm Boxing Day năm 2022, PSV Eindhoven đưa ra thông báo chính thức rằng CLB Hà Lan và Liverpool đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng tiền đạo Cody Gakpo.

Charles De Ketelaere: Gọi giấc mơ về xứ Bergamo

Sau những tháng ngày vỡ mộng tại kinh đô thời trang Milan hoa lệ, cuối cùng thì Charles De Ketelaere đã có thể tìm lại chính mình ở Atalanta, một đội bóng dù nhỏ nhưng lại đang mơ những giấc mơ lớn nhất trên hành trình chinh phục bóng đá Ý và châu Âu.

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.