Sự khác biệt lớn nhất giữa Liverpool và Man Utd: Giám đốc thể thao Michael Edwards

Tác giả Elflaco - Thứ Sáu 18/10/2019 16:49(GMT+7)

Thành công của Liverpool trong khoảng 2 năm qua là minh chứng cho vai trò và giá trị to lớn của Edwards ở Anfield. Là ví dụ tuyệt vời cho câu chuyện: một nhà quản lý bóng đá nhạy bén và sắc sảo có ảnh hưởng tích cực như thế nào tới sự vận động – phát triển của CLB.

Sự tương phản giữa hai CLB giàu truyền thống nhất bóng đá Anh, Manchester United và Liverpool, trong trận chiến tại Old Trafford cuối tuần này, là quá rõ ràng.


Liverpool, đương kim vô địch châu Âu, đang độc chiếm ngôi đầu Premier League, sẽ bước vào trận đại chiến ở Old Trafford với mục tiêu cân bằng kỉ lục mọi thời đại của Man City: 18 trận toàn thắng liên tiếp tại Premier League.
 
Đội chủ nhà, United, trong khi đó, đang đứng ở vị trí thứ 12 trên BXH, có màn khởi đầu mùa giải tệ nhất trong vòng 3 thập kỉ qua, cùng khoảng cách 15 điểm kém đại kình địch.
 
Vài ngày trước, Danny Mills, cựu hậu vệ Man City và tuyển Anh, đã đưa ra đội hình tiêu biểu trận “Super Sunday” với toàn bộ là… 11 cầu thủ Liverpool. Đó là quan điểm của cá nhân Mills nhưng đủ để khiến người hâm mộ United tổn thương sâu sắc. 
 
Bởi nếu tạm gạt qua sự thù ghét (với Liverpool), gạt qua tình yêu với đội nhà, đa số các CĐV United buộc phải thừa nhận một sự thật đau lòng rằng: không cầu thủ nào của “Quỷ đỏ” ở thời điểm hiện tại đáng để so bì với 11 ngôi sao đá chính phía Liverpool.
 
Khi Liverpool hiện diện ở Old Trafford tối Chủ Nhật này, chắc sẽ có không ít ánh mắt tức tối và ghen tị từ các CĐV đội chủ nhà dành cho tập thể đối thủ. Từ các cầu thủ trên sân, như Mo Salah, Roberto Firmino hay Sadio Mane. Từ nhân vật chính ở ban huấn luyện đội khách: HLV Jurgen Klopp.
 
Nhưng thứ cảm xúc khó chịu ấy, của fan hâm mộ United, có lẽ, tập trung nhiều nhất vào một nhân vật đặc biệt phía Liverpool. Người không ra sân thi đấu, người chẳng hiện diện ở khu kĩ thuật đội khách và cũng chưa chắc ngồi ở một chỗ nào đó ở lô VIP trên khán đài Old Trafford. 
 
Nhưng đó chính là người đứng sau sự hồi sinh của Liverpool, đặt dấu ấn quan trọng trong những thành tựu gần đây của The Reds: Giám đốc thể thao Michael Edwards.

 
Thành công của Liverpool trong khoảng 2 năm qua là minh chứng cho vai trò và giá trị to lớn của Edwards ở Anfield. Là ví dụ tuyệt vời cho câu chuyện: một nhà quản lý bóng đá nhạy bén và sắc sảo có ảnh hưởng tích cực như thế nào tới sự vận động – phát triển của CLB.
 
Liverpool có Edwards. Còn United thì chẳng có ai, ở vị trí giám đốc thể thao CLB!
 
****************
 
Edwards, 40 tuổi, sống cùng vợ và 2 con ở Manchester, một nơi không quá xa so với Old Trafford. Nhưng Liverpool chẳng bao giờ phải lo ngại về việc Edwards sẽ tìm kiếm một công việc “gần nhà” cả. Bởi sau tất cả những gì đã làm tại Liverpool, đây mới là quãng thời gian Edwards bắt đầu “hái quả ngọt”.
 
Đã gần 3 năm kể từ khi công ty sở hữu Liverpool – Fenway Sports Group (FSG) bổ nhiệm Edwards vào cương vị Giám đốc Thể thao CLB. Sự kết hợp hoàn hảo giữa bộ ba: Mike Gordon (chủ tịch điều hành FSG), Edwards và HLV Klopp đã tạo ra nền tảng vững chắc cho những thành công trên sân cỏ của “the Reds”.

“Sự tôn trọng và niềm tin mà Mike Gordon dành cho Michael (Edwards) là không thể đong đếm. Nó cũng tương tự như cách Michael trân trọng tuyệt đối công việc và vai trò của Kloppo vậy” -  một nguồn từ từ FSG nói với The Athletic. Cả ba đều làm những gì tốt nhất trong hạng mục công việc mà họ nắm giữ, đồng thời có sự gắn kết tuyệt vời với nhau. Và đó chính là chìa khóa cho thành công của Liverpool thời gian qua.

Tương tự Gordon, Edwards thường chủ động tránh xa sự chú ý của giới truyền thông. Edwards là một mẫu giám đốc thể thao hoàn toàn khác với nhưng tay đồng nghiệp thích xuất hiện trước ‘ánh đèn sân khấu” như Monchi của Sevilla hay Stuart Webber tại Norwich.
 
Tính cách đó của Edwards thể hiện một cách rõ nét qua màn ăn mừng chức vô địch Champions League của Liverpool tại sân Wanda Metropolitan (Madrid) hồi tháng Sáu vừa qua. Theo yêu cầu của Klopp, tất cả các thành viên của Liverpool: từ toàn bộ cầu thủ của đội một, những nhân vật của ban huấn luyện, các chuyên gia của đội phân tích – dữ liệu CLB (…),đều được mời lên “bục podi” để chung vui.
 
Edwards ở đâu vào thời điểm ấy? Ông đứng phía sau bục tôn vinh người chiến thắng, hướng mắt về phía khán đài nơi các CĐV Liverpool đang vô cùng phấn khích với vinh quang của đội nhà. Edwards làm gì? Ông chụp ảnh màn ăn mừng của các CĐV. Với Edwards, điều tuyệt vời nhất trong khoảnh khắc ấy, chính là cảm xúc của người hâm mộ. Và ông muốn lưu giữ chúng nhiều nhất có thể.
 
Vài chục phút trước đó, khi trọng tài nổi hồi còi kết thúc trận chung kết Champions League, Edwards bước vào sân và công việc đầu tiên mà ông làm là… an ủi những người bạn cũ bên phía kẻ chiến bại – Tottenham. Edwards chưa bao giờ quên CLB thành London có ý nghĩa như thế nào, trong sự nghiệp đang thăng hoa của mình tại Liverpool.
 

****************
 
Edwards sinh ra và lớn lên ở Southampton, từng chơi bóng cho đội dự bị Peterborough United, tốt nghiệp ngành Quản lý Kinh doanh ở đại học Sheffield. Công việc đầu tiên của Edwards  khi không còn là một cầu thủ bóng đá là chuyên gia phân tích video tại Portsmouth. Sau 6 năm tại CLB vùng duyên hải phía Nam này, Edwards theo chân Harry Redknapps khi HLV này rời Portsmouth tới Tottenham hồi tháng 10/2008.
 
Tháng 11/2011, Giám đốc thể thao Liverpool thời điểm ấy – Damien Comolli tuyển dụng Edwards vào vị trí trưởng nhóm “hiệu suất & phân tích” của CLB thành phố Cảng. Hai năm sau, Edwards được thăng chức lên Giám đốc kĩ thuật và tháng 11/2016, ông chính thức trở thành Giám đốc Thể thao Liverpool.
 
“Kiến thức về bóng đá của Michael là… không tưởng” – một thành viên trong BHL Liverpool cho biết.

“Michael nói chuyện với tất cả mọi người ở đây, theo dõi các buổi tập ở Melwood, đưa ra lời khuyên cho Ban huấn luyện về hiệu suất của một cầu thủ dựa trên những phân tích dữ liệu công phu và đáng tin cậy. Ông ấy cũng là người giữ sợi dây liên kết chặt chẽ giữa Dave Fallows (trưởng phòng phát triển) và Barry Hunter -trưởng nhóm tuyển trạch”.
 
Mối quan hệ giữa Brendan Rodgers và Edwards, trước khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Thể thao Liverpool, hoàn toàn không tốt. Phần lớn là bởi cựu HLV Liverpool coi Edwards - “gã bốn mắt lúc nào cũng lượn lờ quanh Melwood với máy tính xách tay và những câu chuyện về dữ liệu hiệu suất” - là “mối đe dọa” đối với vị trí của mình. Nhưng với Jurgen Klopp, người từng phối hợp cực tốt với giám đốc thể thao Michael Zorc thời còn làm việc tại Dortmund, câu chuyện là hoàn toàn khác.  
 
Với tính cách của mình, ban đầu văn phòng làm việc của Edwards được bố trí ở nơi khuất nhất và xa nhất so với khu vực dành cho ban huấn luyện đội một tại Melwood. “Càng xa thì càng tốt”, có một sự kiên định rõ ràng ở Edwards cho tới khi… Klopp xuất hiện và khiến ông thay đổi.
 
“Thôi nào anh bạn, cậu là giám đốc thể thao của CLB, cậu đã tốn bao công sức để gầy dựng nên tập thể này. Cái tập thể đã khiến tôi khát khao muốn là một phần của nó. Thế nên, sẽ thật tuyệt nếu cậu… ở gần tôi nhất có thể” – Klopp kể lại về The Athletic về “bài” thuyết phục Edwards rời phòng làm việc của mình tới gần khu vực dành cho BHL.
 

Hiện tại, văn phòng của Edwards nằm.. đối diện với phòng làm việc của Klopp. Giữa họ tồn tại mối quan hệ chặt chẽ, ở cả khía cạnh tình cảm và tất nhiên - sự chuyên nghiệp trong công việc. Tin tưởng và cực kì tôn trọng lẫn nhau. 
 
Rất hiếm có những cuộc họp chính thức tại Melwood có sự hiện diện của cả hai người, Klopp và Edwards. Thay vào đó, nếu có vấn đề gì phải thảo luận, một trong hai người sẽ bước vào phòng làm việc của đối tác và bắt đầu câu chuyện. Cặp đôi này thường bị “bắt gặp” sánh bước lang thang ở Melwood hay ăn trưa cùng nhau. Họ cũng giữ liên lạc hầu như mỗi ngày qua WhatsApp.
 
Dĩ nhiên, không phải lúc nào Klopp và Edwards cũng có được sự thống nhất. Thỉnh thoảng, cuộc thảo luận giữa họ, về việc gia hạn với một cầu thủ nào đó hoặc liên quan đến kế hoạch xây dựng đội hình, trở thành một “cuộc chiến nóng bỏng”. Khi đó quan điểm - lập luận của các bên, Klopp và Edwards, sẽ được xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng bởi chủ tịch điều hành FSG – Mike Gordon. 
 
****************
 
Thành công của Liverpool trong hoạt động chuyển nhượng vài năm gần đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự kết hợp hoàn hảo giữa Klopp và Edwards. Kể từ khi Klopp tiếp quản ghế HLV Liverpool hồi tháng 10/2015, CLB đã đầu tư 400 triệu bảng để nâng cấp đội hình. Nhưng chi tiêu ròng trên thực tế chỉ khoảng 80 triệu bảng, ít hơn rất nhiều so với các CLB hàng đầu tại Anh và trên Thế giới. 
 
Edwards chính là người giữ vai trò chính, từ đám phán đến thực hiện các thương vụ mua sao như Mane, Salah, Van Dijk và Alisson – những cầu thủ đã thực sự nâng tầm Liverpool. Trước khi trở thành Giám đốc thể thao, Edwards cũng chính là người quyết liệt nhất trong việc thúc đẩy Liverpool mua Firmino từ Hoffenheim mùa hè 2015 bất chấp sự hoài nghi của HLV tiền nhiệm Rodgers. Sau tất cả, niềm tin của Edwards vào thương vụ Firmino đã được đền đáp xứng đáng. 
 
Sự nhạy bén và khôn khéo của Edwards (tạo điều kiện cho Leipzig giữ lại Naby Keita thêm 1 mùa giải - ND) cũng giúp Liverpool đánh bại các đối thủ chính trong cuộc đua tới chữ kí của tiền vệ người Guinea này.

 
Thương vụ Van Dijk là một đỉnh cao không phải bàn cãi của Edwards, khi Liverpool từ chỗ chịu nhiều tai tiếng (bởi tiếp cận không hợp lệ) vào Hè 2017 đã có được trung vệ thủ quân tuyển Hà Lan vào tháng 1/2018.
 
Không chỉ mua tốt, Edwards bán cũng giỏi. Thương vụ bán Coutinho cho Barcelona tháng 1/2018 đem về cho Liverpool 142 triệu bảng. Nhưng vụ “thanh lý” khác như Mamadou Sakho (26 triệu bảng, tới Crystal Palace), Solanke (19 triệu, Bournemouth), Daniel Ward (12,5 triệu, Leicester), Danny Ings (20 triệu, Southampton) là ví dụ điển hình. Việc giữ chặt các ngôi sao với các bản hợp đồng dài hạn, trong khi vẫn đảm bảo sự cân bằng ở quỹ lương, là một thành tựu quan trọng khác của Edwards.
 
“Khó mà qua mặt được anh ta. Thẳng thắn, mạnh mẽ và kiên định, Michael thực sự là một tay đàm phán số-zách” – một đại diện cầu thủ từng làm việc với Edwards cho biết.
 
Điểm nhấn quan trọng là ở chỗ, tất cả những thương vụ mua và bán được thực hiện bởi Edwards đều có sự thống nhất cao với Klopp, trước khi chủ tịch Gordon đưa ra quyết định cuối cùng sau khi xem xét hiệu quả sân cỏ kì vọng và những vấn đề liên quan đến tài chính.
 
Không chỉ đặt dấu ấn sâu sắc trong công việc tuyển dụng, mua bán cầu thủ hay cùng Klopp xây dựng đội hình Liverpool, Edwards cũng đóng vai trò quan trọng trong dự án xây dựng tổ hợp sân tập mới trị giá 50 triệu bảng của The Reds tại Kirkby, sẽ chính thức đi vào hoạt động vào Hè năm sau.
 
Edwards hiếm khi dự khán các trận đấu của Liverpool. Ông cũng không ngồi đó tại văn phòng của mình tại Melwood để tận hưởng những thành công ban đầu của bản thân và CLB. Với Edwards, thời gian tốt nhất là dành cho những chuyến đi tới khắp nơi trên thế giới, xem đủ loại trận đấu khác nhau, thu thập dữ liệu về các “mục tiêu tiềm năng”, gặp gỡ đồng nghiệp – giám đốc thể thao CLB bóng đá khác và tất nhiên, làm việc với những tay đại diện cầu thủ.
 
Edwards cũng là mẫu người thường xuyên… lảng tránh những lời khen tặng dành cho bản thân. Khi nói về giá trị của Salah, Edwards hướng tất cả tới tầm quan trọng của Fallows trong cuộc đàm phán với AS Roma hơn 2 năm trước; khi nhắc đến vụ chuyển nhượng Joe Gomez từ Charlton về Liverpool, Edwards tôn vinh Hunter (trưởng ban tuyển trạch); khi nói về sự tiến bộ mạnh mẽ của Harry Wilson ở Bournemouth theo hợp đồng cho mượn, Edwards ca ngợi giá trị của Julian Ward (trưởng bộ phận Quan hệ đốc tác bóng đá và thực hiện các hoạt động cho mượn cầu thủ).
 

Edwards chưa bao giờ cho mình là một Ngôi sao Giám đốc thể thao. “Tôi, trước sau, chỉ là một mắt xích trong bánh xe chuyển động của Liverpool mà thôi”. Phải rồi, Edwards chính là một “mắt xích” thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng, đem tới sự trơn tru cho hành trình thăng tiến của Liverpool những năm gần đây.
 
Và đấy là “mắt xích” còn thiếu của United trên con đường tìm lại đỉnh cao thời hậu Sir Alex Ferguson…
 
Lược dịch từ ‘What Manchester United would do for a sporting director like Liverpool’s Michael Edwards’ – The Athletic

EL FLACO (TTVN)
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.