Những lời xin lỗi, dù muộn màng, cuối cùng cũng được đưa ra, để khép lại một vết thương đã rỉ máu suốt một thập kỉ qua. Đó chính là câu chuyện về lùm xùm giữa Patrice Evra và Luis Suarez một thập kỷ trước.
Ảnh: Getty Images
1. Nếu để chọn ra một sự kiện ở thập kỷ trước khiến mối quan hệ giữa Liverpool và Manchester United thêm phần thù địch, khó có vụ việc nào qua mặt được sự cố giữa Luis Suarez và Patrice Evra.
Ngày 15/10/2011, Manchester United đến làm khách trên sân Anfield. Steven Gerrard giúp Liverpool vượt lên dẫn trước, nhưng bàn gỡ hòa của Javier Hernandez ở phút 81 khiến hai đội rời sân với 1 điểm trong tay.
Mặc dù vậy, những sự cố sau đó khiến diễn biến trận đấu không còn quan trọng nữa. Patrice Evra đi vào phòng thay đồ với khuôn mặt hằm hằm, nói bằng ngôn ngữ lẫn lộn giữa tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khi ở đó có Antonio Valencia, Nani và Anderson, với hàm ý rằng Luis Suarez đã từ chối nói chuyện với Evra, “porque eres negro”, tạm dịch là “bởi vì mày (ở đây là Evra) là thằng da đen”.
Đồng đội của Evra nhanh chóng đến hỏi thăm. Cầu thủ người Pháp tiếp tục giải thích, lần này bằng tiếng Anh: “Suarez gọi tôi là thằng m** đ**”, đồng thời cho biết anh đã thông báo với trọng tài Andre Marriner, nhưng không có quyết định nào được đưa ra. Valencia và Anderson tỏ ra hoảng hốt, sau đó khuyên Evra rằng anh nên cho Sir Alex Ferguson biết chuyện.
Sir Alex cũng tỏ ra sốc không kém. Ông và cựu cầu thủ người Pháp quyết định đến phòng trọng tài và thông báo với trọng tài Marriner rằng họ muốn khiếu nại. Câu chuyện bắt đầu lan rộng khi nó đến tai trợ lý HLV Steve Clarke, HLV Kenny Dalglish và Giám đốc Thể thao Damien Comolli của Liverpool.
Cả hai CLB đều không biết rằng, họ đang chuẩn bị bước vào cuộc khủng hoảng kéo dài ba tháng, với rất nhiều diễn biến phức tạp và những hệ lụy kéo theo. Từ những lời dọa giết nhắm vào Evra, sự kiện các cầu thủ Liverpool mặc áo có hình Suarez để bảo vệ cầu thủ này sau khi anh nhận án treo giò 8 trận từ FA, để rồi Jamie Carragher, cựu đội trưởng của Liverpool phải thừa nhận “họ đã phạm sai lầm lớn”.
Hay chính xác hơn, toàn bộ câu chuyện là một cơn ác mộng! Vậy câu chuyện trên sân diễn ra thế nào?
2. Phút 58, Suarez phạm lỗi với Evra. 5 phút sau, hai người tiếp tục có những tranh chấp khi Gerrard thực hiện quả phạt góc. Marriner sau đó cắt còi, kéo cả hai cầu thủ lại và yêu cầu họ bình tĩnh.
Đến đây, câu chuyện được rẽ sang hai hướng hoàn toàn khác nhau, theo lời kể của Evra và Suarez.
Câu chuyện của Evra (cuộc hội thoại bằng tiếng Tây Ban Nha):
- Evra: Thằng chết tiệt, sao mày lại đá tao?
- Suarez: Vì mày là thằng da đen
- Evra: Mày nói lần nữa đi. Tao sẽ đấm mày.
- Suarez: Tao không nói chuyện với thằng da đen.
- Evra: Tao đấm mày liền này.
- Suarez: Giỏi thì làm đi, thằng da đen (lặp lại 3 lần)
Câu chuyện của Suarez:
Trọng tài Marriner can ngăn Suarez và Evra. Ảnh: AFP
Evra có hỏi Suarez bằng tiếng Tây Ban Nha có phần không được trôi chảy, rằng tại sao anh đá Evra. Suarez nhún vai, nói rằng đó là một pha va chạm bình thường. Evra nói rằng anh sẽ trả đũa; Suarez thì muốn anh ta im lặng.
Cầu thủ người Uruguay cho biết sau đó anh đã véo nhẹ vào tay trái của Evra nhằm “xoa dịu tình hình”. Evra phản đối và theo lời Suarez, cựu cầu thủ người Pháp đã cảnh báo: “Đừng chạm vào tao, thằng Nam Mỹ.” Suarez sau đó đáp lại, “Tại sao, thằng da đen?”
Suarez thừa nhận anh dùng từ “negro” (thằng da đen) một cách thân thiện, một điều bình thường trong văn hóa Uruguay, chứ không phải theo nghĩa phản cảm mà Evra đã miêu tả. Anh cũng tin rằng Evra đã nghe nhầm từ “Por que?” (Tại sao?) thành “porque” (bởi vì), bởi “Tại sao, thằng da đen?” và “Bởi vì mày là thằng da đen” là hai câu nói mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Ngay chiều hôm đó, Comolli đã cho Suarez biết về đơn khiếu nại của Evra và yêu cầu một lời giải thích. Suarez một mực khẳng định rằng đã có sự hiểu lầm trong cách diễn đạt giữa anh và Evra. Đó là lúc Liverpool đã sẵn sàng cho chiến dịch làm tất cả để bảo vệ cầu thủ người Uruguay.
Ngày nay, sẽ có những quy tắc mà những người kiểm soát trận đấu cần tuân theo trong trường hợp có những cáo buộc phân biệt chủng tộc. 10 năm trước, điều đó chưa xuất hiện.
Đó là lý do trọng tài Marriner không thể nhớ những gì Evra nói với ông trong trận đấu. Phải đến khi Sir Alex Ferguson và cựu cầu thủ người Pháp gặp ông ở văn phòng, ông mới nhận ra điều này. Ông đảm bảo với họ rằng sẽ đưa những cáo buộc – cùng với phản hồi từ phía Suarez và Liverpool trong báo cáo chính thức của mình.
Dalglish và Suarez được yêu cầu đến nói chuyện với Marriner. Nhưng chỉ có HLV của Liverpool xuất hiện; ông thậm chí ám chỉ đến việc Evra đã “từng cáo buộc thế này rồi”, khi trợ lý của Man United, Mike Phelan tố cáo rằng Evra đã bị phân biệt chủng tộc bởi một nhân viên sân bóng của Chelsea năm 2008 (vụ việc sau đó bị FA bác bỏ).
Evra đã cố gắng giữ cho sự việc này không bị chìm xuống, bằng cách đề cập lại vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn sau trận đấu với đài truyền hình Pháp Canal+. Cựu cầu thủ Monaco và Juventus nói: “Máy quay cho thấy Suarez đã nói với tôi từ đó ít nhất 10 lần. Tôi sẽ không lặp lại những gì anh ta nói […] bởi tôi cảm thấy rất khó chịu và thất vọng.”
Về phần mình, Luis Suarez phân trần: “Tôi sử dụng từ ‘da đen’ để chỉ những người có màu da ngăm đen. Ví dụ như khi còn trẻ, da tôi ngăm đen và tóc tôi cũng có màu tương tự, chính vì điều này mà vợ và bạn bè của tôi gọi tôi là “da đen” một cách trìu mến. Tương tự, tôi sẽ gọi Glen Johnson bằng từ này, giống như cách tôi gọi Dirk Kuyt là “blondie” vì anh ấy có mái tóc vàng, hoặc gọi Andy Carroll là “grandote” vì anh ấy rất to cao”. […] Không có từ nào nghĩa là “thằng m** đ**” trong tiếng Tây Ban Nha và tôi không biết đến từ này cho đến khi Evra đưa ra cáo buộc”.
Evra sau đó rút lại cáo buộc về từ “thằng m** đ**”. Khi được hỏi bởi một thành viên của FA, anh giải thích rằng anh đã sử dụng từ đó khi giải thích bằng tiếng Anh với một số đồng đội của anh, với Sir Alex và Marriner. Anh biết từ “negro” nghĩa là đen trong tiếng Italy và biết rằng từ đó cũng có nghĩa tương tự trong tiếng Tây Ban Nha, trong khi “thằng m** đ**” là một thuật ngữ xúc phạm hơn, do đó có thể anh đã hiểu lầm.
Tuy nhiên, Evra kết luận rằng, anh vẫn không thể chấp nhận được khi nói rằng anh bị đá vào người chỉ vì mình là người da đen. Trong buổi phỏng vấn với Manchester United năm ngoái, Evra nói rằng: “Ngay cả khi Suarez nói từ đó với hàm ý thân thiện, đó cũng không phải tên tôi. Tên tôi không phải là “đen”, tên tôi là Patrice”.
Liverpool nhanh chóng khiến Evra thất vọng, với tuyên bố rõ ràng: “Điều đầu tiên chúng tôi làm là chất vấn cầu thủ và anh ấy từ chối thẳng thừng việc sử dụng ngôn ngữ có tính chất như vậy”. Một tuyên bố thứ hai vào buổi tối hôm đó thay lời kết luận, “CLB hoàn toàn ủng hộ cầu thủ của mình.”
Bản thân Suarez cảm thấy rất buồn trước những lời cáo buộc. “Tôi chỉ có thể nói rằng tôi luôn tôn trọng mọi người”, anh viết trên Twitter. “Chúng ta đều như nhau. Tôi luôn ra sân với ước mơ của một đứa trẻ có thể làm tất cả những gì mình muốn, chứ không phải tạo ra xung đột”.
Liverpool đã quá tin vào sự vô tội của Suarez, đến nỗi trong cuộc họp báo với giới truyền thông, họ thông báo rằng họ sẽ hoan nghênh bất kì cuộc điều tra nào của FA, vì tin chắc rằng họ sẽ xóa tên của Suarez. Thậm chí, nếu Suarez được cho là vô tội, Evra nên bị cấm thi đấu vì khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Các cầu thủ Liverpool mặc áo phông thể hiện sự ủng hộ Suarez. Ảnh: Getty Images
Không khí ở Old Trafford trở nên bối rối, khi những thông báo bảo vệ cầu thủ của Liverpool xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ngày này qua ngày khác, cùng với những tuyên bố bảo bọc của Dalglish đối với Suarez. FA đã phải viết thư cho cả hai CLB, yêu cầu họ giữ kín vấn đề cho đến khi cuộc điều tra của FA kết thúc.
Mất hơn một tháng để FA buộc tội Suarez vì đã sử dụng “những từ ngữ lăng mạ liên quan đến chủng tộc và màu da của Patrice Evra”. Ngày 20/12, FA công bố án phạt mà Suarez phải đối mặt: anh bị phạt 40.000 bảng và bị cấm thi đấu 8 trận. Liverpool tỏ rõ sự thất vọng khi đưa ra tuyên bố: “Thật kì lạ khi Luis có thể bị kết tội chỉ vì lời nói của Patrice Evra” và “lời buộc tội của Evra không hề đáng tin – nhất là khi lời cáo buộc của anh ta từng bị bác bỏ trước đây”.
Vấn đề vẫn chưa thể kết thúc ở đây.
Suarez có 14 ngày để xem xét việc có nên kháng cáo hay không, do đó anh vẫn được đá cho Liverpool trong trận gặp Wigan vào tối hôm sau. Để thể hiện tinh thần đoàn kết, các đồng đội của Suarez đã ra sân khởi động trước trận đấu với những chiếc áo phông in hình anh. Dalglish cũng mặc một chiếc áo tương tự cho cuộc phỏng vấn trước trận đấu và tuyên bố với Sky Sports rằng “sự ủng hộ của các cầu thủ là điều tối thiểu cậu ấy nên có”.
Sau khi chấp hành án phạt và trả tiền phạt, cơ hội để hai CLB cũng như Suarez và Evra giảng hòa đã đến, khi Liverpool đến làm khách trên sân Old Trafford ở trận đấu thứ hai từ khi trở lại của Suarez. Đã có những nghi vấn về việc liệu hai người có bắt tay nhau hay không. “Chúng tôi đã nói chuyện với Luis và tôi biết anh ấy sẽ bắt tay Evra và các cầu thủ Man United khác trước trận đấu”, Dalglish cho biết một ngày trước trận.
Nhưng Suarez không làm vậy. Thay vào đó, anh đi thẳng qua Evra, người đã cố gắng tóm lấy anh sau đó. Sir Alex tỏ ra phẫn nộ: “Tôi không thể tin được. Tôi đã nói chuyện với Patrice và anh ấy khẳng định sẽ bắt tay Suarez. Suarez đã không làm điều đó và nó là khởi đầu khủng khiếp cho trận đấu”.
HLV thành công nhất trong lịch sử Man United còn đi xa hơn. “Liverpool có một cầu thủ bị cấm thi đấu 8 trận, và họ định đổ lỗi cho Patrice Evra? Họ nên đổ lỗi cho Suarez. Anh ta có thể khiến họ mất một vị trí ở châu Âu. Anh ta là nỗi ô nhục đối với Liverpool và không xứng đáng thi đấu cho Liverpool một lần nào nữa”.
Ông không hề đơn độc khi nghĩ rằng Suarez đã làm vấy bẩn bản thân cũng như đội bóng của mình. Trớ trêu thay, sự đồng tình lại đến từ nội bộ của “Lữ đoàn đỏ”. Bởi họ đã dành 4 tháng chỉ để bảo vệ Suarez đến cùng, để rồi bây giờ có cảm giác như Suarez đang ném lại sự hỗ trợ đó vào mặt họ. Fenway Sports Group, tập đoàn sở hữu Liverpool cũng tỏ rõ sự lo ngại khi cả thế giới xếp hạng để chỉ trích CLB, bao gồm một trong số các nhà tài trợ. Ngay chiều hôm sau, Suarez đã phải đưa ra lời xin lỗi và bày tỏ sự hối tiếc vì đã không bắt tay Evra. Anh cũng nói rằng anh đã để Dalglish và CLB thất vọng.
Rất nhiều điều phiền muộn đã xảy ra, rất nhiều lời xin lỗi đã được đưa ra. Nhưng tuyệt nhiên không có lấy sự ủng hộ dành cho Evra. Điều này cũng không đến trong nhiều năm sau đó. Suarez trải qua hai mùa giải nữa tại Liverpool, trong đó mùa giải cuối cùng anh đã giúp Liverpool tới sát ngôi vương Premier League. Bất chấp những lời chỉ trích của dư luận, các cầu thủ vẫn bình chọn anh là Cầu thủ của năm. Trong số đó có Evra.
Suarez từ chối bắt tay Evra trong lần gặp nhau sau đó giữa Liverpool và Man United. Ảnh: Getty Images
3. Năm 2015, khi Suarez chuyển sang chơi cho Barcelona, còn Evra khoác áo Juventus, hai người đã đối đầu nhau trong trận chung kết Champions League. Lần này kịch bản cũ đã không xảy ra, khi hai người đã bắt tay nhau trong đường hầm. “Tôi tha thứ rất nhanh”, Evra nói. “Nhưng tôi không hiểu tại sao các phương tiện truyền thông hoặc thậm chí những người xung quanh lại nói: "Đừng khóc nữa". Tôi không khóc. Tôi không cần phải khóc."
Nhưng phải tới 8 năm sau vụ việc, những lời xin lỗi mới chính thức được đưa ra. Tháng 10/2019, Evra đến với chương trình Monday Night Football của Sky Sports sau khi đã giải nghệ ba tháng trước đó với tư cách khách mời. Jamie Carragher và MC David Jones đã khéo léo đưa câu chuyện xoay quanh vụ việc giữa Suarez và Evra, để qua đó đưa ra lời xin lỗi.
Carragher thừa nhận: “Chúng tôi đã mắc một sai lầm lớn với ý tưởng mặc áo phông in hình Suarez để ủng hộ cầu thủ người Uruguay”. Cựu đội phó của Liverpool cũng cho rằng mình không đủ can đảm để lên tiếng phản đối cách thể hiện tình đoàn kết có phần sai lầm này. “Là một CLB bóng đá, phản ứng đầu tiên của bạn, bất kể cầu thủ của đội đã làm gì, là ủng hộ họ ngay cả khi bạn cho rằng họ sai. Và điều đó là sai. Xin lỗi nên là phản ứng đầu tiên của các CLB, bất kể sự cố là gì. Tôi thật sự xin lỗi. Tất cả chúng tôi đều đã sai”, Carragher nói sau đó.
Hai tháng sau, Evra tiết lộ anh đã nhận được thư xin lỗi từ Peter Moore, giám đốc điều hành của Liverpool vào thời điểm đó. Cưu cầu thủ ĐT Pháp nói rằng bức thư đã "thực sự chạm đến trái tim tôi" và tin rằng, "bây giờ tôi có thể nhìn thấy những con người trung thực làm việc cho CLB này. Chúng tôi luôn có sự đối địch, nhưng điều này cho thấy Liverpool là một CLB đẳng cấp hàng đầu".
Comolli cũng bày tỏ sự tiếc nuối của mình trong một cuộc phỏng vấn với The Athletic. “Tôi thấy nuối tiếc về mọi thứ”, ông nói. “Hối hận về thái độ của chúng tôi, hối hận về cách chúng tôi tiếp cận nó, hối hận về hành động của tôi trước FA. Tôi đã phản ứng không tốt khi họ đưa ra án phạt mà tôi không đồng tình ở thời điểm đó.
Việc Evra là một cầu thủ từ Manchester United khiến mọi thứ đối với chúng tôi tồi tệ hơn nghìn lần so với thường lệ và chúng tôi đã phản ứng tồi tệ hơn nghìn lần vì sự kình địch giữa hai đội. Tôi rất tiếc vì đã không bảo vệ và chăm sóc Luis theo cách chúng tôi nên làm. Chúng tôi đã không cho anh ta lời khuyên mà lẽ ra anh ta phải có. Thông thường, tôi xem các cầu thủ như con của mình […] và đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình đã để các cầu thủ thất vọng”.
Những lời xin lỗi, dù muộn màng, cuối cùng cũng được đưa ra, để khép lại một vết thương đã rỉ máu suốt một thập kỉ qua. Đó cũng có thể coi như bài học cho tất cả, từ FA trong việc xử lí những cáo buộc này, các CLB trong việc xử lí khủng hoảng truyền thông. Và cho tất cả những cầu thủ có ý định phân biệt chủng tộc trong tương lai!
Ruud van Nistelrooy đã không giành được chiến thắng trong trận đầu tiên tại Premier League với tư cách huấn luyện viên tạm quyền Manchester United khi “Quỷ đỏ” bị Chelsea cầm chân 1-1 tại Old Trafford. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tích cực về tinh thần và chiến thuật phát đi từ United.
Ngày trở lại Anfield rạng sáng thứ Tư này của Xabi Alonso không phải là dịp để bản thân anh lẫn người hâm mộ Liverpool cảm thấy nuối tiếc. Mà là để hồi tưởng lại những năm tháng xưa cũ, và để trao cho nhau lời chào trọn vẹn còn thiếu.
Đây là Bryan Mbeumo! Cầu thủ hiện đang đứng thứ hai trong danh sách vua phá lưới tại Premier League mùa này với 8 bàn thắng sau 9 lần ra sân, chỉ kém 3 bàn so với người dẫn đầu là Erling Haaland.
Raphinha có vẻ không thích phỏng vấn lắm, nhưng anh cũng không tỏ ra khó chịu khi được chúng tôi (tờ El Pais – Tây Ban Nha) tiếp cận. Anh nói chậm rãi, lướt qua một số câu hỏi, nhưng không hề né tránh: Raphinha là kiểu người thẳng thắn.
Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.