Stefan Effenberg: "Hổ đầu đàn" của Bayern Munich

Tác giả CG - Thứ Ba 02/08/2022 15:44(GMT+7)

Dù có không ít những tranh cãi ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ, thế nhưng có một điều không thể phủ nhận chính là trình độ và tầm ảnh hưởng của Stefan Effenberg trong các đội bóng ông khoác áo. Và đó là thứ biến ông thành huyền thoại.

 

Ngày 27/6/1994 tại Dallas, ĐT Đức đối đầu Hàn Quốc tại vòng bảng World Cup. Khi trận đấu chỉ còn 15 phút nữa, người Đức đang tìm cách bảo vệ tỷ số 3-2 mà họ là người dẫn trước. HLV Berti Vogts quyết định tung Thomas Helmer vào sân. Cầu thủ mang áo số 5 được tung vào thay thế Stefan Effenberg. Tiền vệ mang áo số 20 đã thi đấu không đúng phong độ và bị các cổ động viên la ó trên đường rời sân. Đáp lại, ông giơ ngón tay giữa của mình lên trước sự chứng kiến của khoảng 64.000 khán giả trên sân vận động Cotton Bowl và hàng triệu khán giả theo dõi qua truyền hình.

Stefan Effenberg thực sự là một người hết sức đặc biệt, một cầu thủ gói gọn cả những điều tích cực lẫn tiêu cực đan xen lẫn nhau. Được trời phú cho khả năng chuyền bóng, thể lực và nhãn quan xuất chúng, ông đã có được chỗ đứng ở đội một Borussia Monchengladbach khi mới 20 tuổi. Nhưng đi kèm với đó là một loạt những vấn đề bên ngoài sân cỏ. Thậm chí chính Effenberg còn từng thừa nhận ông “chưa bao giờ là một thiên thần”.

Effenberg bắt đầu hành trình bóng đá khi gia nhập đội bóng địa phương Bramfelder SV trước khi được Victoria Hamburg chiêu mộ năm 6 tuổi. Ông rèn giũa những kỹ năng của mình ở đây suốt chục năm trời trước khi gia nhập Gladbach. Trợ lý HLV trưởng Wolf Werner chính là người đã phát hiện và đưa Effenberg về dù ban đầu ông chỉ chơi ở đội trẻ. Sau khi trở thành HLV trưởng thay thế cho Jupp Heynckes – người quyết định tới Bayern Munich năm 1987 – Werner đã lập tức đôn Effenberg lên đội một Gladbach.

2 mùa giải chơi bóng ở Gladbach, Effenberg là trụ cột đội bóng, và đó là lý do khiến Bayern Munich chiêu mộ ông vào mùa hè 1990. Thế nhưng có lẽ mối duyên của ông với Bayern lúc này chưa thực sự đủ mạnh mẽ, bởi vậy trong suốt 2 mùa giải Effe không giành được danh hiệu nào cùng Die Roten. Mùa hè năm 1992, ông chuyển tới Serie A – giải đấu lúc đó đang ở trong giai đoạn hoàng kim – với bến đỗ chính là Fiorentina. Có trong đội hình những hào thủ như Effenberg, Gabriel Batistuta, Brian Laudrup, tuy nhiên La Viola có một mùa giải đáng quên khi có tới 4 HLV lần lượt nắm quyền nhưng cuối cùng đội bóng vẫn phải chấp nhận xuống hạng.

Hành động khiến Stefan Effenberg bị đuổi khỏi ĐT Đức ở World Cup 1994. Ảnh: Getty Images

Dù vậy Stefan Effenberg quyết định ở lại thành Florence và giúp đội bóng vô địch Serie B để quay trở lại với giải đấu cao nhất Italy. Mùa hè năm đó, Effenberg tới Mỹ cùng ĐT Đức tham dự World Cup, và khoảnh khắc định mệnh xảy ra trong trận đấu với Hàn Quốc, một trong những khoảnh khắc mà người ta luôn nhắc đi nhắc lại mỗi khi nói tới Effenberg. Truyền thông Đức gọi sự việc đó là “Der Stinkefinger” (ngón tay thối). HLV Berti Vogts lập tức đuổi Effenberg khỏi đội và không gọi tiền vệ này lên đội tuyển trong suốt 4 năm tiếp theo. Quyết định này sau đó khiến dư luận phân cực bởi nhiều người vẫn tin rằng năng lực chuyên môn và phẩm chất thủ lĩnh của Effenberg là cần thiết với Die Mannschaft.

Trở về nhà sau bê bối lớn như vậy, Effenberg gia nhập Monchengladbach một lần nữa. Ông giúp đội bóng của mình giành vị trí thứ 5 ở Bundesliga đồng thời đoạt chức vô địch DFB-Pokal (Cúp Quốc gia Đức) năm 1995. Khi đó, Effenberg gần như là nhân vật không thể thay thế khi góp mặt trong đội hình tiêu biểu Bundesliga của mùa giải suốt cả 4 mùa chơi cho Gladbach ở giai đoạn 2 này.

Mùa hè 1998, HLV Ottmar Hitzfeld được đưa về Bayern Munich với nhiệm vụ tái lập chiến tích vô địch UEFA Champions League mà ông đã làm được trong màu áo Dortmund. Một trong những người đầu tiên mà vị HLV có biệt danh “Tướng quân” (De General) đưa về chính là Effenberg. Và trong giai đoạn 2 khoác áo Bayern Munich, “Hổ đầu đàn” (Der Tiger) đã gặt hái thành công hơn nhiều so với lần đầu tiên và xây dựng vị thế huyền thoại ở đội bóng.

Danh hiệu vô địch Bundesliga đầu tiên trong sự nghiệp Effenberg đến ngay ở mùa giải đầu với Bayern khi ông cùng các đồng đội bỏ cách đối thủ bám đuổi Bayer Leverkusen tới 15 điểm. Trên mọi đấu trường, Effenberg ghi 16 bàn, trong đó có cú đúp vào lưới đội bóng cũ Gladbach. Dù thất bại trong trận tranh DFB-Pokal và trận chung kết Champions League định mệnh với Manchester United nhưng có thể nói vinh quang đã bắt đầu tìm đến với Der Tiger ở tuổi 30.

Stefan Effenberg nâng cao chức vô địch UEFA Champions League 2001 với tư cách đội trưởng Bayern Munich. Ảnh: Getty Images

Ở đội tuyển quốc gia, dù Vogts đã gọi Effenberg trở lại trong 2 trận cuối cùng mà nhà cầm quân này nắm quyền. Và thực tế thì đó cũng là 2 lần ra sân cuối cùng của Effenberg trong màu áo đội tuyển quốc gia. Ở một góc nhìn nào đó, có lẽ cái duyên không trọn với ĐT Đức phần nào được bù đắp bằng những vinh quang ở CLB, cụ thể là Bayern Munich. Được trao băng đội trưởng đội bóng vào năm 1999 sau khi Thomas Helmer rời đi, Effenberg đã chứng minh vì sao ông xứng đáng là thủ lĩnh của toàn đội.

Sở hữu đầy đủ mọi phẩm chất cả về chuyên môn lẫn tinh thần của một cầu thủ ưu tú, Effenberg cuối cùng cũng được tận hưởng cảm giác vinh quang tột đỉnh. Mùa giải 2000/01, ông là đầu tàu đưa Bayern tiến vào trận chung kết Champions League gặp Valencia. Dù Gaizka Mendieta đã giúp Valencia vươn lên dẫn trước ngay phút thứ 3 nhưng Effenberg đã giúp Bayern gỡ hòa 1-1 trong hiệp 2 khi thực hiện thành công cú đá phạt đền.

Nếu phải tìm một hình ảnh nào đó để miêu tả về Stefan Effenberg thì chính là đây. Lạnh lùng như băng giá, ông bình tĩnh sút trái bóng vào góc dưới để đưa trận đấu về lại thế cân bằng. Trong màn ăn mừng, Effenberg gầm lên như một mãnh hổ trước Sammy Kuffour. Trận đấu sau đó khép lại với chiến thắng 5-4 trên chấm luân lưu nghiêng về Bayern mà trong đó Effenberg tiếp tục thực hiện thành công lượt đá 11m của mình. Lần đầu tiên sau 25, Bayern Munich trở lại ngôi vương cao nhất của bóng đá châu Âu.

Thế nhưng nhắc đến Effenberg không thể nào không nhắc đến những vấn đề ngoài sân cỏ. Từ năm 22 tuổi, ông đã kết hôn với Martina. Đến năm 2002, tức sau 12 năm chung sống, họ tuyên bố ly thân và 1 năm sau thì chính thức ly hôn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ ông lại cặp với Claudia Strunz – người lúc đó đang là vợ của Thomas Strunz, đồng đội cũ tại đội tuyển quốc gia. 

Stefan Effenberg luôn nổi bật bởi phẩm chất chuyên môn và khả năng lãnh đạo. Ảnh: Getty Images

Năm 2003, Effenberg cho ra mắt cuốn tự truyện với nhiều nội dung gây tranh cãi. Đặc biệt trong đó là phần ông đả kích người đồng đội Lothar Mathaus. Effenberg gọi Matthaus là “kẻ to mồm và bỏ chạy” khi cựu libero này đề nghị rời khỏi sân trước khi trận chung kết Champions League 1999 kết thúc khoảng 10 phút vì cảm thấy mệt mỏi. Effenberg khẳng định rằng nếu là ông, ông sẵn sàng ở lại và chiến đấu ngay cả khi có thể gẫy chân. Thậm chí, Effenberg còn dành hẳn một chương về Matthaus với tiêu đề “Lothar Matthaus biết vì về bóng đá” mà sau đó là một trang hoàn toàn trống trơn.

Bên cạnh đó, Effenberg cũng thường xuyên xuất hiện trên báo chí. Tháng 8/2001, Effenberg phải hầu tòa và bồi thường số tiền 125.000 mark sau khi bị cáo buộc hành hung một phụ nữ tại một hộp đêm ở Munich. Tháng 4/2002, ông lại xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Playboy và khẳng định những người thất nghiệp đang hưởng quá nhiều phúc lợi.

Dù có không ít những tranh cãi ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ, thế nhưng có một điều không thể phủ nhận chính là trình độ và tầm ảnh hưởng của ông trong đội. Hitzfeld nói: “Effenberg dẫn dắt đội bóng, nhiều cầu thủ của tôi đã chơi xuất sắc khi có cậu ấy ở bên. Cậu ấy truyền sự tự tin khi những người khác đang cố gắng trốn tránh”.

Còn như chính Effenberg chia sẻ: “Tôi luôn đi theo con đường riêng của mình, luôn bơi ngược dòng và tôi nghĩ mình đã gặt hái những lợi ích từ việc này”.

Theo James Kelly | These Football Times

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.