Hai chàng trai từng là huyền thoại của sân Camp Nou và Old Trafford giờ đây phải đối mặt với những chuỗi ngày mệt mỏi, thậm chí bị ghét bỏ bởi chính những người đã từng coi họ là người hùng.
Nhiều năm trước, người ta từng truyền tay nhau một bức ảnh vui. Trong bức ảnh đó, một cô gái đã đăng hình ảnh của Axl Rose, trưởng nhóm của ban nhạc Gun N’ Rose lên trang twitter của mình với dòng tiêu đề: "Tại sao đời tôi không bao giờ gặp phải những chàng trai như thế chứ?" Một người đàn ông trung niên sau đó đã gửi lời chào tới cô gái, nhưng lại bị từ chối bằng một chữ không lạnh lùng. Thế nhưng, người đàn ông đó chỉ đáp lại gọn lỏn: "Tôi chính là cái gã trong hình đấy".
Dẫu đây chỉ là một bức ảnh vui, nhưng nó lại chứa đựng một thông điệp vừa hài hước vừa buồn, đó là: các huyền thoại, dù là ở bất cứ lĩnh vực nào, đều sẽ phải chia tay thời huy hoàng của mình, vì vậy, tốt hơn hết là hãy chấp nhận thay vì cố gắng níu kéo lấy nó trong vô vọng.
Ở Man United và Barcelona hiện tại, chúng ta cũng có hai con người như thế, đó chính là Ronald Koeman và Ole Gunnar Solskjaer. Tuy nhiên, hai con người này lại không chủ động níu kéo lấy ánh hào quang của mình như trường hợp của Axl Rose, mà chính CLB đã đưa họ về với một mục tiêu duy nhất, đó là sử dụng cái danh xưng huyền thoại của sân Camp Nou và sân Old Trafford làm bình phong cho những thất bại của họ, dù là ở trong hay ngoài sân cỏ. Nói cách khác, hai con người khốn khổ này cũng chỉ là nạn nhân của chính nơi họ từng coi là nhà mà thôi.
Người hâm mộ Barcelona có thể trách Ronald Koeman vì chính ông là người đã đẩy Luis Suarez, Ivan Rakitic hay Arturo Vidal rời khỏi sân Camp Nou lúc ông mới trở về Barcelona dẫn dắt. Tuy nhiên, những bản hợp đồng trước đó như Philippe Coutinho hay Antoine Griezmann đều không phải là của ông, thậm chí, những đống đổ nát mà đội chủ sân Camp Nou đang phải đối mặt đều là do ban lãnh đạo của họ gây ra, Ronald Koeman chỉ đơn giản là đến đúng cái thời điểm Barca đang suy tàn mà thôi.
Với Ole Gunnar Solskjaer, mọi chuyện lại có phần khác. Không thể phủ nhận HLV người Na Uy đã tìm ra hay đưa về được rất nhiều viên ngọc quý cho Man United như Mason Greenwood hay Bruno Fernandes. Tuy nhiên, cũng giống như mọi HLV trẻ và vẫn còn thiếu kinh nghiệm khác, Ole Gunnar Solskjaer cũng thường xuyên lựa chọn những cái tên mà ông cho là an toàn như Fred, Scott McTominay hoặc Harry Maguire, những cái tên dù đang gặp phải sự đi xuống về mặt phong độ hoặc đang chấn thương vẫn nhận được sự tin tưởng tới mù quáng của vị HLV người Na Uy. Hậu quả, như chúng ta đã thấy ở những trận đấu gần đây, Man United liên tục sụp đổ ở những trận đấu quan trọng ở đấu trường quốc nội.
Ronald Koeman đang bế tắc trong việc tìm ra giải pháp cho Barcelona. Ảnh: Getty Images
Và cũng như Ronald Koeman, vị HLV người Na Uy cũng trở về với mái nhà xưa khi nó đang là một mái nhà dột nát, một mái nhà gần như mục ruỗng vì những sai lầm của ban lãnh đạo Man United trong quá khứ cũng như hiện tại. Có lẽ vì vậy mà người hâm mộ Man United, dù rất tức giận với Ole Gunnar Solskjaer, vẫn không thể hiện quá nhiều sự tức giận của họ như trường hợp của cổ động viên Barcelona với HLV Ronald Koeman. Bởi lẽ, họ cũng hiểu rằng, để phục hồi Man United trở lại với hình ảnh của trước kia, Ole Gunnar Solskjaer có thể sẽ phải mất ít nhất là 4 tới 5 năm, hoặc thậm chí dài hơn thế.
Tuy nhiên, những sự mục nát của cả Barcelona và Man United không phải là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự đi xuống của cả hai vị HLV này, mà cốt lõi nằm ở chính những thứ đã ăn sâu vào triết lý của cả hai đội bóng, một trong những nguyên nhân chính khiến cả hai được đem về. Với Ronald Koeman, người ta trông chờ ông, một người học trò xuất sắc của Johan Cruyff, sẽ đưa Barcelona trở lại với ánh hào quang của thời kỳ Cruyff, thời kỳ mà Barcelona nổi tiếng với lối đá tấn công tổng lực được cải tiến sao cho phù hợp với đội bóng vùng Catalunya.
Trong khi đó, Ole Gunnar Solskjaer, một người học trò thân thiết của Sir Alex Ferguson, được trông chờ sẽ đem về những danh hiệu cho Man United bằng chính thứ tinh thần của Sir Alex trong quá khứ, thứ tinh thần đã đưa nửa đỏ thành Manchester tới rất nhiều vinh quang ở Premier League cũng như đấu trường châu Âu.
Khi nhìn vào câu chuyện của hai vị HLV này, chúng ta mới chợt nhận ra rằng: hóa ra cách làm của Chelsea, một đội bóng vốn được xem là "dùng tiền mua danh hiệu" hoặc "không hề có lịch sử", lại hết sức hợp lý, nhất là với thời kỳ bóng đá hiện đại.
Tương lai của Solskjaer tại Manchester United đang bất ổn. Ảnh: Getty Images
Khác với Man United hoặc Barcelona, những đội bóng cần đi theo một bản dạng hoặc một chiến thuật, chiến lược rõ ràng, Chelsea có thể thay đổi bản sắc và lối chơi của mình theo từng HLV mà họ đem về, dù đó là một HLV có thiên hướng tấn công như Maurizio Sarri,một HLV am hiểu CLB như Frank Lampard cho đến Thomas Tuchel, người đã đưa Chelsea lên ngôi vô địch Champions League bằng nền tảng của cả hai vị HLV tiền nhiệm.
Sẽ có người cho rằng phương pháp của Chelsea là lạnh lùng, tàn nhẫn, nhưng việc đội chủ sân Stamford Bridge giành được 3 danh hiệu Premier League, 2 danh hiệu Champions League và 2 danh hiệu Europa League trong khoảng thời gian 11 năm vừa qua chính là lời đáp trả hợp lý nhất cho những sự phản đối này.
Có thể, sau khi mùa giải 2021-2022 kết thúc, cả Ole Gunnar Solskjaer và Ronald Koeman sẽ phải rời khỏi mái nhà thân thương của mình. Dù rất buồn khi phải thấy hai huyền thoại này rời khỏi nơi đã từng là nhà của mình, nhất là sau khi chứng kiến những sự tiến bộ cũng như những tài năng mà họ khai quật được tỏa sáng sau những trận đấu đã qua, nhưng chúng ta, đặc biệt là người hâm mộ của hai đội bóng, vẫn phải chấp nhận một sự thật: nhiệm vụ của hai vị HLV này đã chính thức chấm dứt.
Tốt hơn hết, họ nên nhường lại vị trí của mình cho những HLV có thể đưa bộ khung mà họ xây dựng tới những vinh quang trong tương lai, dù là ở đấu trường quốc nội hay đấu trường châu Âu, điều mà dù có muốn họ cũng không thể làm được.
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.
12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.
Với một vị trí đã vừa vặn, ở độ tuổi lẽ ra là chín nhất và thật nhiều kinh nghiệm - chính xác là thấm đòn trước cuộc đời, tin rằng, Hải sẵn sàng đón nhận các thử thách tiếp theo…
Đây là một kỹ năng mà Lamine Yamal đang nâng tầm thành một nghệ thuật – và là một lý do khác khiến tài năng trẻ 17 tuổi này trở thành một trong những cầu thủ thú vị nhất làng bóng đá thế giới.
Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.