Sol Campbell và phi vụ đánh cắp thế kỷ của Arsenal

Tác giả Đức Thịnh - Chủ Nhật 18/09/2022 10:47(GMT+7)

Zalo

Đang là đội trưởng của Tottenham nhưng lại quyết định đầu quân cho Arsenal, đó tưởng chừng như một trò đùa nhưng lại là sự thật 100%. Nhân vật chúng ta nói đến ở đây chính là Sol Campbell – người được coi là “Judas” thế kỷ trong mắt các CĐV Tottenham. Đây cũng là một thương vụ được mô tả là không diễn ra lần thứ hai trong cuộc đời.   

imgpsh_fullsize_anim (8)
 

Đó là một buổi chiều chủ nhật vào ngày 08 tháng 04 năm 2001. Chỉ còn chưa đầy 1 giờ nữa là trận bán kết FA Cup sẽ diễn ra trên SVĐ Old Trafford, mặc dù đội chủ nhà Manchester United không thi đấu. Trong khi các cầu thủ Arsenal đã khởi động được một lúc thì các cầu thủ Tottenham mới bắt đầu bước ra khỏi đường hầm, trong tiếng reo hò của các cổ động viên. Hình ảnh hậu vệ Stephen Carr trở lại sau hơn 2 tháng nghỉ chấn thương, với quả đầu cạo trọc, là điểm nhấn thú vị dành cho người ủng hộ Spurs đang ngồi trên khán đài. Tương tự là sự xuất hiện của Sergei Rebrov và Tim Sherwood. Có một chút lo lắng khi đội trưởng của Tottenham chưa xuất hiện – người mà các cổ động viên Spurs đặt rất nhiều hi vọng trong cuộc đối đầu căng thẳng với Arsenal.

Sol Campbell và phi vụ đánh cắp thế kỷ của Arsenal 1
 Sol Cambell từng là cầu thủ quan trọng bậc nhất tại Tottenham xuyên suốt gần thập kỷ.

Sol Campbell đến muộn, chạy bộ ra khỏi đường hầm một mình. Anh vẫn phải tiêm thuốc giảm đau ở mắt cá chân, sau chấn thương gặp phải khi trở về phục vụ ĐTQG ở trận đấu mà Anh tiếp đón Albania tại vòng loại World Cup 2002. Người ta có thể thấy khớp chân phải của Campbell bị bó chặt bên trong chiếc tất. Sự xuất hiện của anh ngay lập tức thu hút đám đông, giữa những tiếng reo hò phấn khích.

Thành bại mùa giải 2000/2001 của Tottenham đặt cả vào kết quả của trận đấu đó. Họ đang rơi tự do tại Premier League với một vị trí ở giữa bảng xếp hạng, đối mặt với cảnh thay tướng giữa mùa khi David Pleat bị sa thải. Và ngày hôm nay người thay thế sẽ đối mặt với thử thách cực đại mang tên Arsenal. Glenn Hoddle thừa hưởng tất cả những điều bất ổn dưới thời David Pleat, bao gồm việc hai trụ cột là Campbell và Darren Anderton chỉ còn chưa đầy 3 tháng hợp đồng. Nhưng ông hi vọng chức vô địch FA Cup sẽ là chất xúc tác để thuyết phục bộ đôi này gia hạn. Riêng Campbell, anh biết mình không hề ổn nhưng cảm thấy có trách nhiệm phải “sống chết” với trận đấu này, vì tấm băng đội trưởng trên tay và vì sự sôi sục đến từ những CĐV Tottenham.

Mọi thứ tưởng chừng đã thuận lợi với Tottenham sau khi họ có bàn thắng dẫn trước, sau pha đánh đầu cận thành của Gary Doherty ngay phút 14. Nhưng lợi thế đó không được duy trì bao lâu. Phút 33, Patrick Vieira đã san bằng tỉ số 1-1 cũng từ một pha không chiến dũng mạnh. Và bước ngoặt thực sự đến vào phút 38, khi Campbell phải tập tễnh rời sân sau pha va chạm máu lửa với Ray Parlour. Mùa giải với trung vệ người Anh chính thức chấm dứt tại đây. Ít ai biết rằng, Campbell vừa chơi trận đấu cuối cùng trong màu áo Tottenham. 

Mất đi thủ lĩnh ở hàng phòng ngự, Tottenham để Arsenal giành thắng lợi chung cuộc với tỉ số 2-1. Robert Pires là người ghi bàn thắng quyết định ở phút 74, đưa Arsenal đến với trận chung kết ở Wembley. Bất chấp việc Arsenal sau đó để mất chức vô địch vào tay của Liverpool, nhưng các Gooners cũng chẳng buồn bã quá lâu. Bởi lẽ chỉ 2 tháng sau đó, họ biết rằng đội bóng đã ký được hợp đồng với một trong những trung vệ xuất sắc bậc nhất lịch sử Premier League. Phần còn lại chính là lịch sử.

Vào buổi chiều ngày 03/07/2091, nhiều phóng viên đại diện cho các tờ báo thể thao lớn nhất nước Anh được mời đến tham dự lễ ra mắt tân binh của Arsenal tại trung tâm huấn luyện London Colney. Thư mời không nói rõ tên của tân binh. Tất cả đều nghĩ rằng đó chỉ là một thủ thuật quảng bá sự kiện của Arsenal và người ra mắt hôm ấy sẽ là Richard Wright, thủ thành của Ipswich Town vừa được mua về với giá 9 triệu bảng. Nhưng khi cánh cửa phòng họp báo mở ra, tất cả các phóng viên tại đây đều sốc nặng. Người bước ra giữa rừng ống kính lại là Sol Campbell - thủ quân của đội bóng đại kình địch Tottenham. 

Sol Campbell và phi vụ đánh cắp thế kỷ của Arsenal 2
Cơn địa chấn khi Campbell xuất hiện cùng Arsene Wenger và David Dein trong họp báo.

Cần biết rằng, chỉ 1 năm trước đó, lời đề nghị chuyển nhượng trị giá 18 triệu bảng của Man Utd dành cho Campbell từng bị BLĐ Tottenham thẳng thừng từ chối. Cựu chủ tịch Martin Edwards của Man Utd nhận lại câu trả lời không thể đanh thép hơn: “Cậu ấy không phải để bán. Giá trị của cậu ấy là 90 phút quyết tâm ở trên sân chứ không phải là vấn đề tiền bạc. Đừng nói là 18 triệu bảng, ngay đến 180 triệu bảng cũng vậy thôi!”.

Đáp lại tình cảm đó, hồi tháng 1/2001, khi tiếp tục xuất hiện những tin đồn về khả năng Campbell sẽ ra đi tới một đội bóng lớn hơn, đích thân trung vệ người Anh khẳng định: “Tôi sẽ không đi đâu cả. Tôi muốn ở đây và vẫn sẽ ở đây. Tôi chỉ muốn chơi cho Tottenham”. Vậy mà chỉ nửa năm sau, Campbell đã ra mắt báo giới trong màu áo của đối thủ không đội trời chung cùng thành phố. Nó chẳng khác gì một vụ nổ địa chấn.

Sự kinh ngạc và thù hận nhanh chóng lan truyền khắp nước Anh vào cái ngày Arsenal cuỗm thành công đội trưởng của Tottenham. Tất nhiên là giới thượng tầng Spurs đã biết trước điều này, nhưng người hâm mộ của họ thì không. Có nằm mơ họ cũng chẳng thể ngờ được một ngày nào đó người đội trưởng vĩ đại - niềm hi vọng lớn nhất toàn đội - lại đầu quân cho kẻ thù không đội trời chung. Cơn giận dữ nhanh chóng được thổi bùng. Hàng nghìn những lá thư và tin nhắn được gửi đến đòi “lấy mạng” Campbell lẫn gia đình anh. Áp lực đến nỗi Arsenal phải thuê vệ sĩ riêng bảo vệ gia đình của Campbell, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ anh mỗi khi di chuyển đến sân tập suốt gần 3 tháng trời. Sau tất cả, những tình cảm xưa cũ giờ chỉ còn là dĩ vãng. Với những người yêu mến Tottenham, cái tên Campbell giờ đây là hiện thân cho sự lật lọng, sự bội phản xấu xa nhất lịch sử đội bóng.

Vậy đằng sau câu chuyện chuyện nhượng “phong ba bão tố” đó là gì?

Sự thật thì Campbell từng muốn kết thúc sự nghiệp thi đấu của mình tại Tottenham. Nhưng đội chủ sân White Hart Lane khi ấy không chứng tỏ họ có tham vọng vươn lên cạnh tranh các danh hiệu, thứ mà Campbell tin rằng anh xứng đáng giành được. Chức vô địch League Cup vào năm 1999 là tất cả những gì mà trung vệ số 1 nước Anh sở hữu trong màu áo trắng. Hơn tất cả, anh cần nhiều hơn thế. Campbell từng từ chối lời đề nghị ra nhập Man Utd, Real Madrid và AC Milan. Nhưng đến một thời điểm nhất định nào đó, thâm tâm anh thúc giục về một sự khởi đầu mới.

Về phần Arsenal, đó là một ngày giữa tháng 3/2001, Giám đốc điều hành David Dein ghé thăm văn phòng làm việc của HLV Arsene Wenger và mang đến cho người bạn thân của ông một sự bất ngờ. Ai cũng biết rằng Arsenal đang cần cải thiện chất lượng hàng thủ sau khi mùa giải 2000/2001 khép lại, giữa bối cảnh bộ ba công thần một thời là Lee Dixon, Martin Keown và Tony Adams đều đã luống tuổi. Cụ thể, Lee Dixon đã 36 tuổi. Martin Keown và thủ quân Tony Adams cũng 34 tuổi. Vấn đề đáng lo là họ vẫn đang đảm nhận vị trí chính thức trong đội hình. Nhưng chẳng sớm thì muộn, “bánh xe thời gian” cũng sẽ khiến họ dừng lại. Ngay cả với một thủ lĩnh đặc biệt như Tony Adams cũng đã nhiều lần thổ lộ về kế hoạch giải nghệ.

Và ngay khi David Dein nói về việc Arsenal sẽ chiêu mộ Campbell về đội bóng, HLV Wenger đã tặc lưỡi nói rằng: “Ông bạn bị điên rồi! Chúng ta không có lấy 1% hi vọng ở thương vụ này. Tôi vừa đọc báo và thấy anh ta nói rằng mình hạnh phúc ở Tottenham. Là Tottenham đấy ông bạn! Quên câu chuyện nực cười đó đi nhé!”

Thế nhưng chỉ 1 tháng sau, câu chuyện nực cười đó ngày càng hiện hữu trước mặt. Bằng một cách nào đó cả David Dein và Arsene Wenger thường xuyên có mặt tại nhà riêng của Campbell tại London vào nửa đêm để thảo luận với nhau về vấn đề chuyển nhượng. Điều này hoàn toàn là hợp pháp. Bởi lẽ theo luật Bosman, bất cứ cầu thủ nào cũng được tự do đàm phán với các đội bóng khác, không cần thông qua CLB chủ quản, nếu chỉ còn dưới 6 tháng hợp đồng. Nhưng vấn đề lớn ở đây là việc một cầu thủ Tottenham đang đàm phán để ra nhập Arsenal nên mọi thứ cần bảo mật tuyệt đối.

Ở cái thời mà một lãnh đạo cấp cao đứng ra trực tiếp thương thảo chuyển nhượng vẫn còn là mới mẻ thì David Dein đã được xem là bậc thầy trong giới. Cựu Phó chủ tịch Arsenal là một con người có tài nhìn ra trông rộng, vừa giỏi về các vấn đề tài chính, vừa có cái uy trong việc thuyết phục cầu thủ. Cộng thêm sức hút đến từ Arsene Wenger, khiến cho Campbell dần xiêu lòng trước lời mời gọi gia nhập Arsenal. Dù trung vệ sinh năm 1974 thừa hiểu được điều gì khủng khiếp đang đợi mình ở phía trước. Tất cả đã đều tính toán đến hệ lụy khi thương vụ xảy ra. 

Giữa tháng 5/2001, Campbell thông báo chuyện tương lai với BLĐ Tottenham, vài ngày trước khi mùa giải khép lại. Câu nói “Tôi sẽ chuyển đến khoác áo Arsenal mùa tới” như tiếng chuông oanh kích nhân tâm những người trong khán phòng hôm đó. Phó chủ tịch Tottenham, David Buchler chửi rủa Campbell không tiếc lời. Nhưng tất cả đã là quá muộn màng bởi lẽ hợp đồng giữa Arsenal và Campbell đã hoàn tất. Campbell cũng đi vào lịch sử Premier League khi là cầu thủ đầu tiên hưởng lương cao nhất khi ra đi theo luật Bosman, với mức lương lên đến 100.000 bảng/tuần.

Nói đến những cầu thủ được coi là Judas, rất nhiều người nghĩ đến Luis Figo. Nhưng sự thật những gì xảy ra với Sol Campbell còn kinh khủng hơn thế. Ba năm sau cái ngày chuyển đến Arsenal, Campbell và gia đình của anh cũng vẫn không dám bén mảng đến những khu tập trung nhiều CĐV Tottenham vì sợ bị tấn công. 

Trong lần đầu tiên trở lại White Hart Lane dưới tư cách của một cầu thủ Arsenal vào ngày 17/11/2001, người hâm mộ đội nhà đã dành cho Campbell màn tra tấn tinh thần thực sự. Sau màn thả 4000 quả bóng bay in dòng chữ “Judas” lên trời, là việc họ giơ cao mảnh giấy trắng với thông điệp tương tự xuyên suốt cả trận. Mỗi khi anh chạm bóng là những tiếng chửi rủa vang lên khắp các khán đài. “Từ phụ nữ đến trẻ em, tất cả đều nhổ nước bọt vào tôi”, Campbell sau này chua chát chia sẻ lại trong cuốn tự truyện “Arsene Wenger” của của John Cross. 

Campbell rất dũng cảm, dù biết điều gì chờ đợi mình trong phần đời còn lại. "Nhiều thế hệ CĐV đến rồi đi, nhưng chắc chắn họ không bao giờ tha thứ cho tôi. Cơn giận dữ ấy sẽ không có hồi kết", anh thừa nhận với Daily Mail vào năm 2015, tròn 16 năm anh trở thành "Judas" trong mắt các CĐV Tottenham.

Nhưng với Campbell, anh chưa bao giờ hối hận vì quyết định năm nào. Chỉ khi chuyển đến Arsenal, anh mới được tận hưởng cảm giác trở thành nhà vô địch. Dù chỉ thi đấu cho Pháo thủ trong 5 mùa giải (2001-2006), tuy nhiên cựu thủ quân của Tottenham đã có 7 lần nâng cao danh hiệu, bao gồm 2 Siêu cúp nước Anh, 3 FA Cup và đặc biệt 2 lần đăng quang Premier League. Trong đó kỷ niệm về mùa giải “The Invincibles” 2003/2004 thần thánh sẽ luôn được khắc ghi mãi mãi. 

Sol Campbell và phi vụ đánh cắp thế kỷ của Arsenal 3
Chỉ khi chuyển đến thi đấu cho Arsenal, Sol Campbell mới được tận hưởng cảm giác vô địch.

Có thể nhiều người sẽ nhớ đến Thierry Henry với 30 bàn thắng ghi được, thế nhưng đừng quên rằng bộ đôi trung vệ Campbell và Kolo Toure chỉ để thủng lưới 26 bàn thua cả mùa. Trong vai trò của một thủ lĩnh ở trung tâm hàng phòng ngự, Campbell đã ra sân tổng cộng 35 trận, thi đấu 3085 phút, nhưng chỉ…3 lần dính thẻ phạt. Đó là đỉnh cao của nghệ thuật phòng ngự, đỉnh cao của thế hệ vàng “The Invincibles”. 

Sau tất cả, Sol Campbell là phi vụ đánh cắp thế kỷ của Arsenal, nhưng cũng chính là bản hợp đồng chất lượng bậc nhất của Arsenal dưới thời Arsene Wenger. Và hôm nay, trung vệ huyền thoại người Anh của chúng ta tròn 48 tuổi. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kieran McKenna: Vua về nhì của Ipswich Town

Ở 2 mùa giải gần nhất, Kieran McKenna 2 lần cùng Ipswich Town về nhì, nhưng chẳng có gì phải buồn hay tiếc nuối, vì cả 2 lần về nhì kể trên đều mang lại niềm vui cho mọi CĐV của CLB này.

Có một Jadon Sancho tự tin và kiêu hãnh ở Dortmund

Jadon Sancho rời Dortmund gia nhập Man United vào mùa Hè 2021. Ba mùa giải cuối cùng cho Dortmund trước khi cập bến "Quỷ đỏ", tổng thành tích ghi bàn và kiến tạo mỗi mùa của Sancho luôn là +29 G/A. Trong 2 mùa giải rưỡi khoác áo MU trước khi trở lại Dortmund theo Hợp đồng cho mượn, Sancho chỉ đặt dấu giày vào… 18 bàn.

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

X
top-arrow