Vừa qua, nước Anh cúi đầu tiễn biệt một trong những huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử bóng đá: Sir Bobby Charlton. Tang lễ của ông là một sự kiện lớn, không chỉ có sự hiện diện của các thành viên, chứng nhân lịch sử Manchester United và đội tuyển Anh mà còn cả những yếu nhân trong và ngoài thế giới túc cầu: Hoàng tử William, Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin, CEO Ferran Soriano của Manchester City, huyền thoại Emilio Butragueno… Chừng đó đủ nói lên tầm vóc và tính biểu tượng của Charlton.
Đặt chân đến Old Trafford, bạn chắc chắn sẽ thấy bức tượng United Trinity bên ngoài cổng. Đó là cách mà Manchester United tri ân bộ 3 tấn công huyền thoại George Best, Denis Law và Sir Bobby Charlton của họ trong thế kỷ 20, trong đó Charlton là thủ lĩnh của tập thể ấy. Năm 2016, khán đài phía nam của sân Old Trafford cũng được đổi tên thành khán đài Sir Bobby Charlton để vinh danh huyền thoại người Anh.
Sir Bobby Charlton là hiện thân vĩ đại của Manchester United. Không chỉ vì tài năng chơi bóng xuất sắc, những bàn thắng, những danh hiệu quý giá mà ông còn là đại diện cho tinh thần bất khuất, ý chí gượng dậy sau những đớn đau, mất mát.
Thảm họa hàng không Munich năm 1958 đã cướp đi sinh mạng gần như toàn bộ thế hệ tài năng “Busby Babes” của Manchester United. Bobby Charlton là một trong những người hiếm hoi sống sót sau sự kiện đau thương đó. Khác với người anh trai Jack Charlton vốn sôi nổi và hướng ngoại, Bobby Charlton là người trầm tính và hướng nội. Và rồi những gì diễn ra sau chuyến bay ở Munich như một đòn giáng nặng nề vào tinh thần của ông.
Trong cuốn hồi ký của mình, ông kể rằng thời gian đầu sau khi tỉnh lại, ông luôn tự dằn vặt rằng tại sao bản thân lại sống trong khi nhiều thành viên khác trong đội đã phải ra đi mãi mãi khi tương lai hứa hẹn đang chờ đợi. Phải đến vài ngày sau, ông mới có thể định hình lại và biết mình thật may mắn khi vẫn được sống sót sau thảm họa ấy.
Sir Bobby Charlton sau thảm hoạ Munich |
8 ngày sau vụ tai nạn hàng không, Charlton trở về Anh. Nửa tháng sau khi trở lại quê hương, Bobby Charlton ra sân thi đấu trong cuộc chạm trán West Brom ở FA Cup. Ở tuổi 20, ông là niềm hy vọng cho sự gượng dậy từ đau thương của “Quỷ đỏ”. Số phận có thể khắc nghiệt với họ nhưng sẽ không thể nào quật ngã được tinh thần bất khuất của những người ở lại, đặc biệt là Charlton. “Theo một nghĩa nào đó, cả cuộc đời của ông là đài tưởng niệm cho sự kiện Munich. Charlton đã tưởng nhớ những người đã khuất bằng thứ bóng đá xuất sắc của mình”, cây bút Jonathan Wilson chia sẻ trong bài viết trên The Guardian.
Bobby Charlton nổi bật nhờ bản năng tấn công sắc bén, sự uyển chuyển cùng nguồn thể lực dồi dào. George Best nói rằng ông chưa từng thấy một cầu thủ nào qua người dễ dàng và đơn giản như huyền thoại nước Anh, Sir Matt Busby khẳng định cách chơi bóng của Bobby Charlton mang phong thái của một nghệ sĩ dương cầm. Trong khi đó, “Hoàng đế” Franz Beckenbauer nhấn mạnh: “Bobby Charlton nổi tiếng vì sự sáng tạo. Nhưng không chỉ vậy, anh ấy di chuyển suốt 90 phút và có lá phổi của một chú ngựa”.
Một điều nữa không thể không kể ra khi nói về Bobby Charlton chính là những cú sút xa cùng khả năng sử dụng 2 chân điêu luyện. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, ông thừa nhận rằng việc thuận cả 2 chân là bản năng tự nhiên và ông không hề cố ý tập luyện để chân không thuận có sức mạnh tương đương chân còn lại.
Những điều đó chính là một món quà trời ban cho Bobby Charlton để ông trở thành nguồn cảm hứng bất tận. Những bàn thắng liên tục đến với Charlton, dù vị trí sở trường của ông là tiền vệ tấn công hoặc tiền đạo cánh. Suốt một thời gian dài, ông là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Manchester United và đội tuyển Anh trước khi bị Wayne Rooney vượt qua vài năm trước. Gượng dậy từ nỗi đau tại Munich, Bobby Charlton đã trở lại một cách mạnh mẽ.
Mùa giải 1962/1963, Manchester United đoạt chức vô địch FA Cup sau khi đánh bại Leicester City trong trận chung kết. Trong 3 năm từ 1965 đến 1967, “Quỷ đỏ” 2 lần lên ngôi vô địch quốc gia. Xen giữa đó, đội tuyển Anh đoạt chức vô địch World Cup 1966 với sự góp mặt của Bobby Charlton.
Sau trận mở màn thất vọng trên sân nhà với kết quả hòa 0-0, Anh bước vào trận đấu thứ 2 với rất nhiều áp lực. Phút 36, nhận bóng từ giữa sân, Bobby Charlton đi thẳng đến gần vòng cấm địa đối phương. Trong lúc hậu vệ đối thủ chờ đợi Charlton đưa ra quyết định xử lý bằng chân trái thì ông nhẹ nhàng lắc hông, đổi hướng đi bóng và thực hiện cú sút xa bằng chân phải khiến thủ thành Mexico hoàn toàn bất lực.
Kể từ đó, đội tuyển Anh toàn thắng trong phần còn lại của giải đấu, bao gồm cả trận chung kết gặp Tây Đức. Lịch sử sẽ còn nhắc đến bàn thắng gây tranh cãi của Geoff Hurst cùng cú hattrick của ông, nhưng ngày hôm đó Bobby Charlton cũng là một người hùng thầm lặng của “Tam sư” với nhiệm vụ kiềm tỏa tầm ảnh hưởng của Beckenbauer. Cầu thủ mang áo số 9 của tuyển Anh đã làm tốt đến mức Beckenbauer sau này phải thừa nhận: “Đội tuyển Anh đánh bại chúng tôi vì Bobby Charlton hay hơn tôi một chút”.
Và rồi 10 năm sau sự kiện tại Munich, Manchester United trở thành CLB Anh đầu tiên đoạt cúp C1 châu Âu với người thủ lĩnh Bobby Charlton. Nếu ví 10 năm là một chu kỳ tròn trịa thì Manchester United và Bobby Charlton đã có một hành trình phi thường để từ đau thương vươn tới đỉnh cao. Họ là biểu tượng bất diệt về nghị lực sắt đá.
Tài năng vô song, rất nhiều danh hiệu cao quý cùng ý chí cao vợi, chẳng phải vô cớ khi Sir Bobby Charlton là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh.