Sir Alex Ferguson và những lớp cá tính đối nghịch với truyền thông

Tác giả CG - Thứ Hai 23/03/2020 19:00(GMT+7)

Sir Alex Ferguson là một nhà cầm quân vĩ đại và cá tính. Sự cá tính của ông không chỉ được thể hiện trên sân cỏ mà ở cả các cuộc họp báo. Trong bài viết trên The Athletic, ký giả Daniel Taylor kể lại những câu chuyện về những lớp tính cách mà chiến lược gia người Scotland thể hiện với giới truyền thông.

Sir Alex Ferguson là một nhà cầm quân vĩ đại và cá tính. Sự cá tính của ông không chỉ được thể hiện trên sân cỏ mà ở cả các cuộc họp báo. Trong bài viết trên The Athletic, ký giả Daniel Taylor kể lại những câu chuyện về những lớp tính cách mà chiến lược gia người Scotland thể hiện với giới truyền thông.

Những ngày thứ 6 những năm tháng ấy, bước vào phòng họp báo ở khu tập luyện của Manchester United thường là điều thú vị nhất trong tuần với chúng tôi. Tuy nhiên luôn tiềm ẩn một rủi ro rằng người đàn ông ngồi đối diện ở bên kia chiếc bàn có thể xem một câu hỏi nào đó như là cái bẫy, một sự xỏ xiên và sau đó ông sẽ phản ứng lại. Hoặc có thể nỗi ám ảnh của Sir Alex Ferguson đã vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ngày 13 tháng 12 năm 2005.
“Chào buổi sáng, Alex”.

“OK, nói về những chấn thương. Silvestre căng cơ háng nhẹ nhưng sẽ ổn thôi. Ngoài ra, tất cả mọi người đều sung sức. John O’Shea đã bình phục hoàn toàn. Hãy tập trung vào trận đấu ngày mai, Wigan đang có một mùa giải tuyệt vời. Tôi thực sự vui với chủ tịch Dave Whelan của họ và tất cả những người khác. Ông ấy là một người thẳng thắn. Ông ấy đã sử dụng một vài HLV nhưng có mối quan hệ tuyệt vời với…”.
Ông không nhớ được tên HLV trưởng Wigan nên Bill Thornton của tờ Daily Star phải hỗ trợ.
“Jewell phải không?”.
“À, Paul Jewell. Ông ấy tạo ra sự tươi mới và đó là lý do họ đã gặt hái được những thành quả. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Hẹn gặp lại các anh, giờ tôi đang bận lắm”.
Ông đứng dậy và sau đó bỏ đi. Cuộc họp báo kết thúc, không câu hỏi nào được đặt, không câu trả lời nào được đưa ra. Chỉ một đoạn tin tức về chấn thương cũng không thể sử dụng được bởi nguyên tắc đầu tiên về những cuộc họp báo của Fergie - và ông cũng tự nói đùa về điều này - là không bao giờ được tin việc ông nói ai có thể ra sân.
Cuộc họp báo này chỉ vỏn vẹn 74 giây. Một nhà báo đã lái xe từ Newcastle đến và mọi thứ kết thúc nhanh hơn cả thời gian luộc một quả trứng. Thậm chí là thời gian còn nhanh hơn cả đun sôi một ấm nước. Và dù đó không phải là một phản ứng chuyên nghiệp và chín chắn nhất nhưng tôi luôn nhớ tới ngày hôm ấy bởi giống như những đứa trẻ bị nhốt trong nhà, tất cả mọi người bắt đầu cười phá lên khi cánh cửa khép lại.
Đáng lẽ chúng tôi phải phẫn nộ, đuổi theo ông ấy đến cầu thang để nói cho ông biết rằng với tư cách là đại diện cho nền báo chí Vương quốc dưới sự lãnh đạo của Nữ hoàng, chúng tôi cần được tôn trọng hơn. Có lẽ một trong số những người có mặt hôm đó nên nhắc cho ông nhớ rằng Sir Matt Busby từng nói các cầu thủ United phải “hành xử với báo chí giống như cách hành xử với cảnh sát”.
Sức trẻ và sự luân chuyển: Công thức đưa Man United đến với cú ăn 3 lịch sử
Mùa giải 1998-1999 xứng đáng được xem là mùa giải lịch sử của nửa đỏ thành Manchester. Đội bóng của Sir Alex Ferguson không chỉ giành được chức vô địch một...
Ferguson rất cương quyết. Ông ấy có sức mạnh để dẫn dắn chúng tôi, cố tình không cung cấp bất cứ thông tin gì và đuổi chúng tôi. Chúng tôi chỉ cười, ngay cả khi đó là nụ cười khi bị chơi khăm. Nhưng thật lạ, tôi lại thấy nhớ những ngày tháng ấy.
Có thể hơi khó hiểu khi tôi vừa kể câu chuyện về một hành động bất ngờ được suy tính trước (sau này Ferguson thừa nhận ông làm thế hoàn toàn để thỏa mãn bản thân). Tuy nhiên, không phải lúc nào các cuộc họp báo của ông cũng diễn ra như thế. Dù có thể ông thường căng thẳng, cáu kỉnh nhưng ít nhất chúng không nhạt nhẽo như các cuộc họp báo của nhiều HLV ngày nay.
Với Ferguson, sẽ luôn có những điều bất ngờ xảy ra. Ông luôn biết cách để tạo nên những điều thú vị. Ngay cả khi chúng tôi nói những điều cơ bản cũng có thể làm ông nhạy cảm và câu trả lời tiếp theo là “anh không phải đến CLB này nữa đâu”.
Tại sao chúng tôi làm thế? Vâng, câu trả lời đơn giản bởi đó là công việc và đây là HLV trưởng Manchester United. Chúng tôi sẽ đợi bên ngoài văn phòng ông ấy hàng giờ đồng hồ dẫu cho sẽ chỉ mang về băng ghi âm vỏn vẹn vài phút.

Xét về lý thuyết, Ferguson là mỏ vàng với báo chí - một người có quan điểm, đanh thép, thẳng thắn, không bao giờ nhàm chán - và là nguồn cơn của nhiều vụ cãi vã trên các trang báo thể thao hơn bất kỳ ai trong lịch sử bóng đá. Ferguson không phải lúc nào cũng “xỉ vả” và “mắng mỏ”, theo cách nói của các tờ lá cải. Khi còn làm việc, có một vài lần lắng nghe ông nói về bóng đá, chính trị và thế giới nói chung bạn sẽ cảm thấy đó là một đặc ân, giống như các nhà báo chuyên phụ trách đưa tin về Brian Clough và Bill Shankly thích nghe 2 ông nói chuyện.
Mọi người hỏi Ferguson như thế nào và tất nhiên, có những ngày ông vô cùng thô lỗ và đáng sợ. Việc cố gắng xây dựng mối quan hệ với ông ấy là một cuộc chiến không hồi kết. Và qua thời gian, tất cả chúng ta phải chấp nhận rằng sẽ không bao giờ có ngày ông mời chúng ta đến uống trà, ăn bánh với ông. Đôi khi chúng tôi gặp ông ấy một, hai, ba lần một tuần và đi theo ông đến khắp thế giới, từ mùa giải này sang mùa giải khác. Tuy nhiên, ông ấy luôn giữ khoảng cách với chúng tôi và có lẽ ông thích như thế.
Do đó, thật lạ khi hồi tưởng về những ngày đó và kết luận rằng đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất với các nhà báo bóng đá khi tới Old Trafford làm việc. Đúng, đôi khi ông ấy đối xử với chúng tôi thật sự rất tệ và từ trải nghiệm cá nhân, tôi hiểu ông đặt ra những quy tắc mà bất cứ ai xâm phạm sẽ đều bị cấm và tẩy chay.
Có một niềm tin cố hữu đã trở thành huyền thoại rằng ông luôn gây chiến với chúng tôi, những người làm báo. Một vài người bạn thân thiết lâu năm của Ferguson khi ông còn là cầu thủ tại Scotland chính là những nhà báo, cây viết bóng đá. Thậm chí ông còn gọi điện tới các tòa soạn, yêu cầu nói chuyện với biên tập viên vì nghe tin một phóng viên nào đó bị mất việc sau khi làm việc với ông.
Có một ví dụ khi John Bean của tờ Daily Express, một nhà báo bị Ferguson cấm cửa đến 3 lần, tỉnh dậy ở bệnh viện sau một cơn đau tim, anh đã nhận được món quà bất ngờ. Đó là bó hoa và một tấm thiệp với những dòng chữ do chính Ferguson viết tay: “Anh đã làm gì với bản thân mình vậy, anh là một vũ công thiết hài già cỗi ngớ ngẩn sao?”.
Hoặc vào năm 2003, khi David Meek, cựu phóng viên của Manchester Evening News, phát hiện ra mình bị ung thư và cần nhập viện. Meek phải báo cho Ferguson biết anh cần phải tạm dừng công việc chấp bút cho HLV trưởng cho một chuyên mục trên báo. Meek không bao giờ quên những lời lẽ nhân văn của Ferguson hay cuộc điện thoại của nhà cầm quân Scotland khi anh đang dưỡng bệnh ở nhà. Không hề có một lời giới thiệu, ở đầu dây bên kia ông nói: “Con thú Scotland đang trên đường đến”. 20 phút sau, Ferguson có mặt trước cửa nhà Meek và ngồi với anh cả chiều, trò chuyện về bóng đá, gia đình và bộ đồ “có hình thù máu lửa” mà David Beckham đã mặc trong buổi tập sáng hôm đó.
Inter vs Man Utd 98-99: Sir Alex Ferguson đã bắt bài Inter Milan như thế nào
Một bài viết trong dự án Reboot của cây viết Micheal Cox – The Athletic tái hiện lại những trận đấu hay trong quá khứ giống như chúng vừa diễn ra ở thời hiện...
Thực tế là con người Ferguson có nhiều tầng tính cách khác nhau.
Có thể khẳng định một cách không hề cường điệu rằng ông là gã tàn nhẫn nhất mà tôi từng gặp. Cái ngày United quyết định chấm dứt hợp đồng với Roy Keane, chúng tôi đến phòng họp báo như mọi tuần và thấy ông vẫn vui vẻ. Không ai trong số chúng tôi biết hợp đồng của Keane đã bị kết thúc vào sáng hôm đó. Ferguson đùa rằng Scotland đã vô địch “World Cup không chính thức” và Jose Mourinho, HLV Chelsea khi ấy, đã từ chối gặp báo chí vào tuần đó.
Ông ấy đùa giỡn thêm và trả lời tất cả câu hỏi của chúng tôi. Sau đó, ông ấy bảo chúng tôi ra về và chỉ vài phút sau, đội bóng chủ sân Old Trafford tuyên bố Keane đã kết thúc quãng thời gian 12 năm làm cầu thủ ở CLB.
Đó là một khía cạnh khác về Ferguson: ông là một diễn viên cừ khôi. Ông thật tàn nhẫn phải không? Câu trả lời thành thực nhất: ông tàn nhẫn hơn bạn tưởng tượng rất nhiều. Một khi Ferguson đã quyết định, không gì có thể lay chuyển. Trong ánh mắt đó là sự lạnh lùng, thản nhiên và không do dự. Trong phòng họp báo, ông sẵn sàng nhoài người lên để nạt nộ tất cả. Đó là khi ông bật chế độ “Máy sấy tóc” cuốn bạn vào trong đó.
Trong những khoảnh khắc ấy, bạn sẽ làm gì? Bạn có thể tranh luận lại nhưng điều đó sẽ càng tăng khả năng bạn bị cấm cửa. Hoặc bạn sẽ ngồi im re, mặt cúi gằm và tự hỏi liệu đây có phải điều mình được dạy ở trường báo chí. 

Có lần, ông chỉ trích thậm tệ một người khác của đội ngũ báo chí bên ngoài sân tập Cliff - khu tập luyện cũ của Man United - và không kịp nhận ra ở đó có rất nhiều ông bố, bà mẹ cùng các cô cậu bé. Theo như được kể lại thì Ferguson ít nhất đã xin lỗi dù kèm theo một lời giải thích khá trịch thượng rằng “đó là ngôn ngữ duy nhất mà đám đầu đất này hiểu được”.
Lần khác, một phóng viên trẻ ngây thơ hỏi Ferguson rằng liệu ông có ý định tham dự World Cup mùa hè năm đó hay không? Câu trả lời của nhà cầm quân tới từ Glasgow là: “Đó không phải việc của cậu. Tôi có hỏi cậu là cậu có còn đến những CLB gay hay không đâu?”. Tôi không có mặt ở cuộc họp báo ấy nhưng tôi biết một vài nhà báo đã tự trách mình vì không chỉ trích lại ông. Có thông tin rằng Diana Law, nhân viên báo chí của CLB, đã bảo HLV người Scotland rằng ông đã đi quá xa.
Tuy nhiên có những lúc chúng ta thấy cá tính khác của ông ấy, thậm chí những người xa lạ hoàn toàn có thể bị ông chinh phục bởi sự lịch thiệp và quyến rũ. Đôi khi, ông bất ngờ thử thách chúng tôi bằng câu hỏi về đội bóng Glenbuck Cherrypickers hoặc những điều khá ít người biết. Ferguson có thói quen bình luận về diện mạo của chúng tôi, một lần ông từng miêu tả chúng tôi giống như “một nhóm những người cho vay ở Bombay”. Khi đó, ông sẽ ngồi cười nắc nẻ. Có những lúc, ông còn tự châm chọc bản thân.
Tất nhiên, Ferguson luôn nói với chúng tôi rằng ông không bao giờ đọc những gì chúng tôi viết. Ông khẳng định tất cả không xứng với ông và từ nhiều năm về trước ông đã quyết định không đọc báo thể thao. Dù vậy, tất cả chúng tôi đều biết đó là một lời nói dối.
Khi United đánh bại Bayern Munich tại trận chung kết Champions League 1999, Ferguson đã thu thập toàn bộ các tờ báo ra ngày hôm sau để đọc từng dòng. Trước đó, 9 trên 10 các bản ghi đầu tiên được in sớm trong ngày hôm đó đều viết tóm tắt sau trận khi trận đấu đang diễn ra với kết quả United thua 0-1.
Và sau đó, toàn bộ bản sửa đều ngập tràn vinh quang của Man United với 2 bàn thắng trong phút bù giờ của Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer. Lần tiếp theo chúng tôi gặp ông, ông đã có tước hiệu hiệp sĩ và chức vô địch Champions League cho mình - và ông rất vui khi đọc những phê bình ở bản đầu tiên đó.
Bạn chắc chắn sẽ không thể nào quên lần đầu tiên gặp ông. Đôi mắt ông sẽ nheo lại khi  thấy có ai đó trong phòng mà ông không biết. Trán ông cũng nhăn theo. “Cậu là ai?”, ông đặt câu hỏi. Và dù bạn biết mình không thể nào bộc lộ điểm yếu của bản thân ra nhưng đó là thời điểm bạn thấy cứng họng. Ông ấy thường không thích những người mới quen và luôn dò xét, nghi ngờ thế hệ nhà báo trẻ. Một phóng viên - khoảng hơn 30 tuổi, đã lập gia đình và có con - đi làm một trận đấu cho tờ Daily Star và đưa tay ra chào ông. “Chúa ơi, mấy cậu này bị lôi từ trường học đến đây hay sao vậy?”.
Chúng ta có thích ông hay không ư? Chà, câu hỏi thật khó bởi một ngày nào đó, ông sẽ ấm áp, tình cảm và giàu sức thuyết phục rồi đến ngày hôm sau, bỗng mọi thứ hoàn toàn có thể quay ngược 180 độ. Làm sao bạn có thể không ngưỡng mộ một người đã tạo ra rất nhiều tập thể xuất sắc và biến mọi trận đấu ở Old Trafford thành một ngày tuyệt vời?
Ông chắc chắn là người nhạy bén nhất mà tôi từng gặp. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng phải nhận những không ít những lời chỉ trích. Ngoài ra, ông cũng không quan tâm chúng ta cố thích ông hay không. Với Ferguson, vấn đề không phải sự nổi tiếng mà là quyền lực và sự kiểm soát.
Tôi từng bị cấm cửa vào năm 2007 khi viết cuốn sách “This Is The One”, một dạng nhật ký về 2 mùa giải trước đó của United. Tôi đã viết thư cho ông rất lịch sự thông qua phòng truyền thông CLB nhưng lá thư không bao giờ được chuyển đi bởi những lý do không bao giờ được giải thích đầy đủ. Ông coi đó là một sự phản bội và chỉ thị cho Philip Townsend - Giám đốc truyền thông CLB - rằng “một trong số chúng ta sẽ phải đọc thứ vớ vẩn này và đó không phải tôi đâu”.

Trong cuộc họp báo tiếp theo, tôi đã bị mời ra ngoài. Đó là một hình ảnh khá quen thuộc: hầu như sẽ luôn có ai đó bị cấm cửa. Điều tôi không nhận ra vào thời điểm đó là lệnh cấm đối với tôi sẽ được giữ nguyên tới khi Ferguson nghỉ hưu vào 6 năm sau. Thời điểm đó, ông không tổ chức các cuộc trả lời riêng biệt giữa các đài truyền hình mà thay vào đó, tất cả mọi người cùng vào trong một căn phòng. Cuộc họp báo kéo dài 74 giây là lần cuối cùng chúng tôi thấy ông không ngồi trước ống kính truyền hình.
Điều đó có nghĩa mọi thứ lúc này sẽ xuất hiện trên màn ảnh nhỏ và Ferguson phải có những điều chỉnh trong hành vi. Ông rất thông minh: không hề cáu giận trên truyền hình và tôi không nghĩ mọi người có thể hiểu được cơn thịnh nộ mà ông thể hiện ra với các phóng viên, nhà báo khi chỉ có chúng tôi với nhau.
Tôi không chắc mình đã thực sự hiểu tiếng cười và những thông điệp của ngày xưa cũ khi ông cho chúng tôi một lời khuyên vô giá: “đừng bao giờ cố đọc suy nghĩ của kẻ điên” khi có ai đó cố gắng đoán đội hình ra sân của Man United. Mọi người thường bảo tôi nên coi việc bị cấm cửa như một huân chương danh dự. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ suy nghĩ như thế bởi nó đồng nghĩa tôi đã bỏ lỡ rất nhiều khoảng thời gian được tiếp xúc gần với một trong những HLV vĩ đại nhất.
Thực sự, tôi nhớ những ngày thứ Sáu ấy. Sau tất cả, những điều tốt vẫn nhiều hơn dù đôi khi khoảng cách giữa tốt xấu thật sít sao.
Lược dịch từ bài viết “Inside Fergie’s lair: what it was really like in Man United manager’s slipstream” của tác giả Daniel Taylor trên The Athletic

CG

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đã từng có một Porto rất hay dưới thời Andre Villas-Boas

Khoảng thời gian một năm của Andre Villas Boas tại Porto có thể bị lu mờ bởi những giai đoạn không như ý ở Chelsea, Tottenham và những giai đoạn sau đó ở Nga, Trung Quốc, Pháp,... Nhưng một năm ngắn ngủi đó cũng là khoảng thời gian mà Andre Villas-Boas đã được coi là huấn luyện viên trẻ thú vị nhất ở bóng đá châu Âu.

Lionel Messi và hồi ức về màn ra mắt Barcelona

Ngày 16 tháng 10 năm 2004 sẽ mãi được ghi nhớ như một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử Barcelona. Đó là ngày, Lionel Messi, một cậu thiếu niên tóc xù và chưa được nhiều người biết đến đã có trận ra mắt cho đội bóng xứ Catalunya trong trận đấu với Espanyol.

David Trezeguet: Khi danh vọng chỉ là điều phù du

Từ một kẻ bị lãng quên trở thành người hùng của nước Pháp cho đến những di sản không thể nào thay thế trong màu áo Juventus, nhưng thay vì theo đuổi tiền tài hay danh vọng, David Trezeguet cuối cùng đã quyết định lựa chọn nhảy vào vũng bùn để cứu rỗi đội bóng mình yêu… không phải một mà là hai lần.

Antonio Di Natale: Chàng hoàng tử của Zebrette

Được người dân Udine yêu mến gọi là “Hoàng tử” nhờ tài năng và thái độ của mình, Antonio Di Natale nên được tôn vinh như một hình mẫu trái ngược với các siêu sao có những được quyền tốt nhất bên ngoài kia. Di Natale là một người chăm chỉ, luôn xuất hiện với nụ cười và giọng điệu rất tử tế. Với những gì đã cống hiến, đã hy sinh, anh sẽ mãi mãi sống trong trái tim của những người dân Friuli.