Simon Kjaer: Thủ lĩnh không cần tấm băng đội trưởng của AC Milan

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 08/09/2021 17:00(GMT+7)

Quá rõ ràng, Simon Kjaer chính là một trong những cái tên nổi bật nhất thế giới bóng đá vào mùa hè năm 2021 này.

Ngôi sao sinh năm 1989 đã được ca tụng là một người hùng trên toàn cầu sau những động thái can thiệp tuyệt vời mà anh thực hiện khi đồng đội Christian Eriksen đổ gục và nằm bất động trên thảm cỏ sân Parken. Bên cạnh đó, trong tư cách đội trưởng, anh cũng nằm trong số những nhân tố quan trọng nhất trên cuộc hành trình ngoạn mục của Đan Mạch ở Euro 2020 – cả về mặt chuyên môn lẫn tinh thần. 
 
Chính bởi sự kiện góp công cứu sống người đồng đội, mới đây, anh – và những cá nhân tham gia vào nhiệm vụ này – đã được UEFA vinh danh bằng giải thưởng UEFA President's Award. Có thể nói, khoảng thời gian hiện tại chính là đỉnh cao của sự nghiệp quần đùi áo số mà Kjaer đã trải qua – xét về mặt danh tiếng. 
 
Tuy nhiên, trên thực tế, trong suốt khoảng thời gian hơn 1 năm trước khi tỏa sáng ở Euro 2020 cả về khía cạnh chuyên môn lẫn ngoài chuyên môn, trung vệ người Đan Mạch vốn đã được tận hưởng cảm giác được ca ngợi, được nể trọng sâu sắc trong tư cách một “thủ lĩnh bất thành văn”, một nhân tố trụ cột và một “vị thần hộ mệnh” ở CLB chủ quản AC Milan. 
 
Tất nhiên, chuyện các Milanista đồng loạt hưởng ứng viễn cảnh Kjaer trở thành đội trưởng của Rossoneri thay cho Alessio Romagnoli – bất chấp truyền thống ưu tiên người Italy đeo băng thủ quân – đâu phải chỉ đơn thuần là vì những gì đã diễn ra trong “biến cố Eriksen”.  
 
Ai cũng biết rằng nửa đầu mùa giải 2019/2020 là một khoảng thời gian hết sức khủng khiếp đối với AC Milan, với cái kết chính là trận thua nhục nhã trước Atalanta với tỷ số 0-5. Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2020 trở đi, Rossoneri đã được vực dậy một cách mạnh mẽ, thể hiện một sức sống tuyệt vời và một phong độ ấn tượng kéo dài sang tận mùa 2020/2021, để rồi mang đến thành quả là chiếc vé tham dự đấu trường Champions League lần đầu tiên sau 8 năm. 
 
Cuộc khởi sắc đó của nửa đỏ thành Milano gắn liền với sự xuất hiện và tỏa sáng rực rỡ của Zlatan Ibrahimovic từ thị trường chuyển nhượng tháng 1, đây là câu chuyện được phổ biến rộng rãi nhất trong làng túc cầu. 
 
Nhưng những ai thực sự quan tâm đến Rossoneri đều hiểu rằng, Ibrahimovic không phải là “vị cứu tinh” duy nhất được giám đốc kỹ thuật Paolo Maldini và các cộng sự đưa về từ kỳ chuyển nhượng tháng 1 năm 2020. Bên cạnh đó còn có Kjaer – một thương vụ mà đến thời điểm này thường được các Milanista gọi đùa là “một vụ cướp trắng trợn” bởi mức phí chỉ 3,5 triệu Euro mà đội chủ sân San Siro bỏ ra để chính thức có được sự phục vụ của anh từ Sevilla, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều CLB đã phải tốn từ 50 triệu Euro trở lên để có thể sở hữu một trung vệ xuất sắc. 
 
Từ một cái tên đẳng cấp thế giới như Leonardo Bonucci, đắt đỏ như Mateo Musacchio, hay được đánh giá là có tiềm năng lớn như Mattia Caldara và Leo Duarte, nhiệm vụ tìm kiếm về một đối tác chất lượng cao dành cho Alessio Romagnoli tại Milan đã thất bại hết lần này đến lần khác trong nhiều năm qua. Và Simon Kjaer vốn chẳng được kỳ vọng nhiều sau khoảng thời gian nửa năm hoàn toàn mờ nhạt khi chơi theo dạng cho mượn ở Atalanta lại trở thành một câu trả lời đầy bất ngờ. 
 
Kể từ sau khi trở thành một thành viên của CLB này, sự hiện diện của ngôi sao người Đan Mạch trên sân đấu là một điều chắc chắn nếu anh không gặp chấn thương – thậm chí tầm quan trọng đã vượt qua cả đội trưởng Romagnoli trong hệ thống phòng ngự của Rossoneri.  
 

NĂNG LỰC CHUYÊN MÔN 

 
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với nhà báo James Horncastle của tờ The Athletic, HLV trưởng Stefano Pioli của Milan đã chia sẻ về lòng ngưỡng mộ của ông dành cho đoàn quân vô địch Champions League 2019/2020 của Bayern Munich. Nhà cầm quân người Italy khẳng định rằng “Bayern đã chơi thứ bóng đá tuyệt vời nhất châu Âu”, cũng như thừa nhận “họ chính là hình mẫu mà tôi muốn hướng đến”. 
 
Điều đó đồng nghĩa với việc Rossoneri của ông sẽ được yêu cầu pressing đối thủ với một cường độ cực kỳ cao trong giai đoạn không kiểm soát bóng, cũng như gắn liền với hình ảnh một hàng thủ dâng cao. Nhưng việc bắt một “lão tướng” ngoài 30 như Kjaer phải phục vụ cho lối đá đó thì khác nào “bảo cá leo cây”? 
 
Thế nhưng, thật bất ngờ, Kjaer đã được ghi nhận một con số thống kế hết sức ấn tượng là 11,44 lần pressing mỗi 90 phút ở mùa 2020/2021 – đứng trên 83% các trung vệ còn lại ở 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu và đấu trường châu lục (gọi ngắn gọn là “bách phân vị 83”).
 
Cụ thể hơn, số lần pressing mỗi 90 phút ở khu vực trung tuyến (5,33 – bách phân vị 90) và khu vực 1/3 cuối sân đối phương (0,43 – bách phân vị 53) mà Kjaer đã thực hiện là những thống kê cho thấy rõ lối chơi tràn đầy nhiệt huyết và sự xông xáo của trung vệ người Đan Mạch.
 
Trên thực tế, việc Kjaer hăng hái thực hiện những pha dâng cao khỏi hàng thủ đầy táo bạo và pressing, truy cản quyết liệt đối thủ – sau khi đã nhận định tình hình rất cẩn thận – để đoạt lấy bóng, khiến đối thủ không thể thoải mái phát triển bóng đến những khu vực nguy hiểm hơn, vốn cũng đã trở thành một hình ảnh rất quen thuộc đối với các Milanista. 
 
 
 
 
Còn tốc độ để lui về kịp thời trong trường hợp đối thủ thoát pressing thành công và chọc thủng được lớp phòng ngự cuối cùng thì sao? Anh cũng có thể làm tốt!
 
 
Không chỉ gây ấn tượng mạnh với những tình huống dâng cao khỏi hàng thủ để “tiên hạ thủ vi cường” đầy dũng mãnh và cũng rất khôn ngoan, Kjaer còn thể hiện xuất sắc trong việc yểm trợ, bọc lót cho đồng đội – cũng như hóa giải các nguy cơ với khả năng phán đoán, đọc tình huống tuyệt vời của mình. 
 
 
 
Tỷ lệ vô hiệu hóa thành công 52% với những pha rê dắt và chỉ để bị qua người 0,69 lần mỗi 90 phút (Kjaer rất chắc chắn trong các tình huống 1 đối 1), 1,93 lần chặn bóng mỗi 90 phút, 5,07 lần phá bóng mỗi 90 phút, tỷ lệ thắng không chiến 62,5%, và tắc bóng cộng cắt đường chuyền 3,37 lần mỗi 90 phút là những con số thống kê đầy chất lượng khác được tạo nên bởi lối chơi khôn ngoan, điềm tĩnh, luôn tập trung cao độ và quyết đoán của trung vệ người Đan Mạch.
 
 
 
 
Đội trưởng và đồng thời là đối tác số một của Kjaer trước khi Fikayo Tomori gia nhập đội bóng này, Romagnoli từng ca ngợi “Simon Kjaer không chỉ cực kỳ mạnh mẽ, mà còn mang lại sự bình tĩnh cho hàng thủ và toàn đội”. Tất nhiên, cả HLV trưởng Stefano Pioli cũng đã dành cho anh những lời có cánh như “Kjaer là một cầu thủ thông minh và nhanh nhạy hiếm thấy” hay “sự xuất hiện của cậu ấy và Zlatan đã thay đổi toàn đội cả về mặt chuyên môn và tinh thần”.
 
Rốt cuộc, chẳng phải nhờ may mắn mà Kjaer đã thường xuyên có những tình huống xuất hiện đúng lúc đúng chỗ để cứu nguy cho đội bóng của mình.
 
 
 
 
Trưởng bộ phận trinh sát của Rossoneri, Geoffrey Moncada, từng chia sẻ vào giữa mùa giải trước như sau: “Tất cả mọi người đều cau mày nghi ngờ khi chúng tôi quyết định chiêu mộ Simon Kjaer. Lúc ấy, chúng tôi đang trải qua một thời điểm hết sức khó khăn, cùng với đó là sự thay đổi đột ngột trên chiếc ghế HLV trưởng. Pioli vừa mới được bổ nhiệm, chúng tôi đã đưa về nhiều cầu thủ trẻ nhưng lại thiếu đi một cựu binh dày dạn kinh nghiệm. 
 
Elliott bảo rằng CLB đã chi quá nhiều tiền vào mùa hè, vậy nên chúng tôi chỉ có thể tìm đến những mục tiêu chi phí thấp và đồng thời là một cầu thủ có thể hữu dụng ngay lập tức, biết tiếng Italy và có tư duy chiến thuật tốt. Chúng tôi đã đánh giá nhiều cái tên trung vệ từ các giải đấu khác nhau, nhưng ưu tiên Italy, vì anh ta sẽ không phải mất nhiều thời gian để thích nghi và cái tên Kjaer đã xuất hiện.
 
Chúng tôi đã phân tích các trận đấu của anh ấy ở Atalanta. Anh ấy không hề tệ, màn trình diễn của anh ấy trước Dinamo Zagreb là rất tốt. Sau đó, tôi lập ra một danh sách các cầu thủ Atalanta và tự hỏi: ‘Những ai đã không thành công ở Atalanta nhưng tỏa sáng ở nơi khác?’ và tôi đã rút ra một vài cái tên. Ví dụ như Ibañez, một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của Roma, từng không để lại ấn tượng gì ở Atalanta. 
 
Với Simon, chúng tôi chắc chắn đã có một cầu thủ mang một sức mạnh tinh thần tuyệt vời, luôn cực kỳ nghiêm túc, một chiến binh thực thụ và có khả năng thể chất đúng như chúng tôi mong muốn. Đã có một số người bảo rằng anh ấy chậm chạp, nhưng điều đó hoàn toàn sai: Anh ấy chọn vị trí một cách hoàn hảo, chạy rất nhiều và có tư duy chiến thuật tuyệt vời. Chúng tôi cũng đã phân tích kỹ lưỡng khía cạnh thể chất của anh ấy, nhưng chẳng có gì không ổn cả.
 
Simon luôn là một cầu thủ chất lượng cao. Anh ấy khiến tôi nhớ đến Ricardo Carvalho. Thậm chí Simon còn gan góc hơn, và anh ấy không gia nhập Milan để đùa giỡn. Giờ đây, chúng tôi đã có thể khẳng định rằng, anh ấy là một trong những trung vệ xuất sắc nhất ở Serie A, một cầu thủ cực kỳ quan trọng với đội bóng. Đúng là Ibrahimovic đã thay đổi rất nhiều thứ, nhưng công lao của Simon cũng lớn không kém”. 
 
Trong bóng đá hiện đại, ngoài khả năng phòng ngự, các trung vệ còn được yêu cầu phải biết kiểm soát, xử lý và phân phối bóng. Khía cạnh này cũng đã được Kjaer thực hiện một cách xuất sắc ở Rossoneri. Trong suốt cả mùa 2020/2021, Kjaer chỉ có duy nhất 1 lần để đối phương cướp mất bóng, tỷ lệ đi bóng qua người thành công 100%, và sở hữu khả năng phân phối bóng rất ấn tượng cùng một cự ly chuyền bóng đa dạng. Tỷ lệ thành công của những đường chuyền ngắn của anh (cự ly khoảng 4,57 đến 13,7 m) là 92,7%, những đường chuyền trung bình (cự ly khoảng 13,7m đến 27,43m) là 95,2%, và 71,8% đối với những đường chuyền dài, tức trên 27,43m. 
 
Trên thực tế, với trình độ kỹ năng và nhãn quan tuyệt vời mà bản thân sở hữu, những đường chuyền dài của Kjaer là một vũ khí hết sức lợi hại đối với bản thân anh nói riêng và tập thể Rossoneri nói chung.
 
 
 
KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO
 
Trong cuốn sách “Lãnh đạo trầm lặng: Thu phục nhân tâm và chiến thắng các trận đấu” của Carlo Ancelotti, nhà cầm quân người Italy đã chia các thủ lĩnh trên sân cỏ ra làm 4 loại: Thủ lĩnh tính cách (personality leader) là những người vận dụng sức mạnh của cá tính bản thân để lãnh đạo người khác, họ như thể một thuyết khách hùng biện, nói chuyện với các đồng đội rất nhiều, thậm chí la hét trên sân đấu, và tận tình giúp đỡ mọi người; thủ lĩnh kỹ thuật (technical leader) sẽ dẫn dắt người khác bằng cách nêu gương, vô cùng chuyên nghiệp, sở hữu nhiều kiến thức thi đấu, luôn chơi hết mình và luôn hành xử đúng mực ở cả trong và ngoài sân cỏ. 
 
Ngoài ra còn có “thủ lĩnh chính trị” – người chỉ được giới truyền thông và người hâm mộ xem là trụ cột của CLB, nhưng thực ra hiếm khi được đồng đội tín nhiệm; và cuối cùng là sự kết hợp của “thủ lĩnh tính cách” và “thủ lĩnh kỹ thuật”. 
 
Theo trưởng bộ phận trinh sát Moncada kể lại thì một trong những điều đầu tiên mà ban lãnh đạo của Rossoneri đã nói với Kjaer khi tiếp cận anh là “Chúng tôi cần anh trong tư cách một thủ lĩnh của đội” và trung vệ người Đan Mạch đã thực sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Nếu nhận định thông qua lăng kính của Ancelotti được nhắc đến ở trên, có thể kết luận rằng Kjaer tại Milan thuộc dạng thủ lĩnh thứ tư – sự kết hợp của “thủ lĩnh kỹ thuật” và “thủ lĩnh tính cách”. 
 
Luôn tỉnh táo, tập trung cao độ và tinh thần không cho phép bất kỳ sai lầm nào xảy ra, cũng như luôn chiến đấu hết mình chính là thái độ được duy trì trong xuyên suốt các trận chiến của Kjaer, và chắc chắn là một tấm gương xứng đáng để các đồng đội noi theo. Đồng thời, theo như chia sẻ của người đồng đội Sandro Tonali, trung vệ người Đan Mạch có khuynh hướng “nói và giải thích rất nhiều trên sân đấu, như thể một HLV trưởng thứ hai của đội”. 
 
Tonali nói đúng, Kjaer thậm chí còn chú ý đến từng chi tiết kỹ thuật dù chỉ rất nhỏ ở các đồng đội để đưa ra những lời khuyên. 
 
Trong một trận đấu với Napoli, sau một tình huống phá bóng an toàn của Franck Kessie, thay vì chỉ đơn giản bảo rằng “tốt lắm chàng trai, giờ thì anh em mình cố gắng phòng ngự tình huống phạt góc nào”, Kjaer đã ngay lập tức phàn nàn “sao cậu lại đặt hai tay ra sau lưng như vậy?” vì nhận thấy rằng điều đó đã khiến người đồng đội di chuyển không đúng cách và “tặng” cho đối phương một quả phạt góc. 

Dù cho chiếc băng đội trưởng chưa bao giờ được đeo lên cánh tay của Kjaer, mà thay vào đó là Gianluigi Donnarumma, Romagnoli hoặc Davide Calabria, nhưng Kjaer mới chính là chỉ huy thực thụ của hàng thủ Rossoneri, không ngừng ra lệnh và chỉ đạo, chấn chỉnh các đồng đội. 
 
Đối tác số một của Kjaer ở hàng thủ Rossoneri vào thời điểm này, Fikayo Tomori, từng được nhận định là một cầu thủ sở hữu tiềm năng lớn ở Chelsea, nhưng những sai lầm xuất hiện liên tục của anh đã khiến Frank Lampard mất kiên nhẫn. Tuy nhiên, tại Milan, với sự kèm cặp của Kjaer, Tomori đã kết thúc mùa giải đầu tiên khoác áo đội chủ sân San Siro mà không phải nhận một chiếc thẻ vàng nào ở Serie A. 
 
Không thể không nhắc đến một khoảnh khắc khác được tạo nên bởi tinh thần thủ lĩnh của Kjaer khiến các Milanista vô cùng thích thú và tự hào, đó là khi trung vệ người Đan Mạch đứng bên đường biên hò hét, chỉ đạo các đồng đội trên sân sau khi được rút ra khỏi sân để nghỉ ngơi vào cuối trận đấu với Benevento hồi tháng 1.
 
 
KẾT LUẬN
 
Kết thúc cuộc hành trình mùa giải 2020/2021, AC Milan đã giành được vị trí thứ hai chung cuộc ở Serie A – thành tích tốt nhất của họ kể từ năm 2012 – cũng như có được tấm vé tham dự đấu trường danh giá nhất châu Âu, Champions League, lần đầu tiên sau 8 năm. Công lao của Simon Kjaer trong thành quả này là điều không một ai trong những người thực sự quan tâm đến Milan có thể xem nhẹ.
 
Chỉ cần chi ra 3,5 triệu Euro và mức lương 1,2 triệu euro/năm để có được một trung vệ sở hữu trình độ chuyên môn thượng hạng và mang tố chất của một thủ lĩnh thực thụ, lão tướng người Đan Mạch chắc chắn là một món hời quá lớn của Rossoneri. 
 
Và với việc đã thể hiện một phong độ tuyệt vời bên cạnh đối tác Tomori trong 2 trận đấu mở đầu Serie A mùa giải mới, Kjaer đã cho thấy anh sẽ tiếp tục là một chất xúc tác mạnh mẽ dành cho Milan trên cuộc hành trình chiến dịch 2021/2022 – thậm chí có thể là xa hơn nữa – miễn là không gặp vấn đề với những chấn thương.  

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.