Siêu cò Mino Raiola: Chỗ dựa đáng tin của các cầu thủ và cơn ác mộng của các huấn luyện viên

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Tư 26/06/2019 18:17(GMT+7)

Nếu những phương pháp và cách làm việc của Raiola đã khiến ông ta bị thù ghét bởi nhiều nhân vật quyền lực trong thế giới bóng đá, thì mạng lưới quan hệ mà ông ta đã xây dựng được qua nhiều thập kỷ đã tạo ra cho ông ta một sức ảnh hưởng đáng kể.

Vào một buổi sáng của cuối năm 1992, tại sân tập cũ của Ajax, Bryan Roy đã đến để dọn dẹp tủ đồ của anh và nói lời tạm biệt. Sau 4 năm gắn bó với câu lạc bộ quê nhà, giờ đây, anh đang trên đường rời khỏi Amsterdam để đến với Foggia, trong thương vụ chuyển nhượng đầu tiên mà Mino Raiola làm “cò”.

 
Tối hôm trước, khi Ajax đối đầu với Feyenoord, một cổ động viên đã giơ cao một tấm bảng viết tay, với dòng chữ: “Bryan bedankt.” Có nghĩa là “Cảm ơn Bryan.”
 
Không phải lúc nào các cổ động viên của một đội bóng cũng bày tỏ sự biết ơn của họ và gửi lời chia tay đậm tình cảm, chân thành nhất đến sự ra đi của một cầu thủ có Raiola là người đại diện. Mùa hè này, dựa trên cái cách mà mọi việc đang diễn ra, sẽ khó có chuyện các cổ động viên của Manchester United chia tay Paul Pogba với những lời chúc tụng ấm áp, tình cảm về một tương lai thành công tại Madrid hoặc Turin. 
 
Cái viễn cảnh về một thương vụ trị giá 100 triệu bảng đã ngày càng trở nên rõ ràng hơn vào tuần trước, với việc tiền vệ người Pháp đã công khai tuyên bố anh muốn tìm kiếm một “thử thách mới” bên ngoài Old Trafford. Một số người có thể nghĩ rằng việc giúp đỡ Ole Gunnar Solskjaer giải cứu một câu lạc bộ vĩ đại khỏi một giai đoạn ảm đạm, khó khăn, là một thách thức đủ sức hấp dẫn đối với bất kì một cầu thủ nào, nhưng Raiola lại không nghĩ như vậy. 
Mino Raiola vốn là một gã đàn ông đã gây ra rất nhiều tranh cãi, đặc biệt là ở Manchester, nơi mà ông ta đã bị ghét cay ghét đắng bởi cả Sir Alex Ferguson (người đã từng gọi ông ta là “một tên rác rưởi” trong các cuộc đàm phán mặt đối mặt) và Pep Guardiola, siêu cò người Italia được quyền thay mặt Pogba tự do tiến hành các cuộc đàm phán bởi vì tòa án trọng tài thể thao (CAS) đã chấp nhận đơn kháng cáo của ông ta đối với lệnh cấm 3 tháng trên toàn thế giới trong tất cả các hoạt động bóng đá do FIFA đưa ra vào tháng 5. Lệnh trừng phạt đầu tiên được áp dụng bởi FIGC, liên đoàn bóng đá Italia, nhưng lại không hề nói rõ nguyên nhân khiến họ đưa ra quyết định này. 
 
Mặt khác, có thể Ajax vẫn sẽ biết ơn siêu cò này với việc ông ta đã dàn xếp một mức phí chuyển nhượng khủng lồ cho thương vụ Matthijs de Light, người đội trưởng 19 tuổi của họ. Theo một thông tin được công bố trên tờ Sunday Times vào cuối tuần trước, Juventus – một trong những câu lạc bộ thường làm ăn với Raiola nhất – sẵn sàng bỏ ra 75 triệu Euro, kèm theo số tiền hoa hồng mà Raiola được hưởng là một yếu tố quan trọng trong thương vụ này. 
 
Có rất nhiều “người đại diện” hoạt động trong thế giới bóng đá – ví dụ, 260 triệu bảng chính là tổng số tiền mà các đội bóng tại Premier League đã phải chi trả cho họ vào năm ngoái – nhưng người đàn ông 51 tuổi mang tên Carmine Raiola này mới chính là ví dụ rõ ràng nhất cho sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các câu lạc bộ và cầu thủ. 
 
Khi còn là một cậu bé, Raiola đã cùng gia đình chuyển từ một thị trấn nhỏ gần thành phố Naples đến sống tại Harleem ở Hà Lan, nơi mà ông đã góp tay giúp việc cho bố mẹ trong nhà hàng pizza của gia đình. Raiola luôn bao bọc các cầu thủ của mình bằng một thứ tình cảm vượt ra ngoài mối quan hệ công việc. Hai năm trước, sau khi vừa đưa Pogba từ Juventus sang Manchester United với mức phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới lên đến 89 triệu bảng, ông ta đã nói rõ cách tiếp cận này của mình trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times. “Tôi không chỉ xem bọn nó như những khách hàng,” Raiola nói bằng tiếng Pháp. “Đối với tôi, mấy đứa nó chính là gia đình của tôi.”   
 
“Gia đình bóng đá” của Raiola chính là tâm điểm của các hoạt động trên thị trường chuyển nhượng mùa hè năm nay. Trong khi De Ligt đã được tiếp cận bởi gần như tất cả mọi đội bóng hàng đầu, thì liệu Pogba sẽ đồng hành cùng người đồng hương của anh, Zinedine Zidane, trong dự án hồi sinh lại Real Madrid, hay tái gia nhập Juventus, nơi mà anh đã giành được 4 chức vô địch Serie A liên tiếp và cảm thấy như nhà của mình?
 
Nếu những phương pháp và cách làm việc của Raiola đã khiến ông ta bị thù ghét bởi nhiều nhân vật quyền lực trong thế giới bóng đá, thì mạng lưới quan hệ mà ông ta đã xây dựng được qua nhiều thập kỷ đã tạo ra cho ông ta một sức ảnh hưởng đáng kể. Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, thương vụ đưa Roy ra khỏi Amsterdam đã củng cố mối quan hệ giữa gã cò trẻ đầy tham vọng này với Zdenek Zeman, khi đó đang là huấn luyện viên trưởng của Foggia. 
 

Hai năm sau, khi Zeman chuyển đến Lazio, chính Raiola đã mang về cho ông Pavel Nedved, một cầu thủ đã thu hút được rất nhiều sự chú ý sau màn trình diễn đỉnh cao trong màu áo đội tuyển Cộng hòa Czech tại Euro 1996. Năm 2001, Raiola lại tiếp tục đưa Nedved đến Juventus, nơi mà anh đã giành được danh hiệu Qủa Bóng Vàng.

Năm 2004, Raiola đã giới thiệu một cái tên sáng giá khác cho đội bóng thành Turin: Zlatan Ibrahimovic, mở ra sự khởi đầu của một cuộc phiêu lưu sẽ đưa tiền đạo người Thụy Điển đến với Internazionale, Barcelona, Milan, Paris Saint-Germain, Manchester United và LA Galaxy trong khi Raiola tiếp tục “làm mưa làm gió” trên thị trường bóng đá.
 
Ibrahimovic đã không còn là một thằng nhóc tuổi teen khi anh gặp mặt Raiola lần đầu tiên tại Ajax, và ông ta đã ngay lập tức nhận ra rằng, mình vừa tìm được một thành viên vô cùng hoàn hảo cho cái gia đình bóng đá của mình. “Tôi nhận ra ngay rằng nó là một thằng khốn kiêu ngạo – nói cách khác, là nó giống hệt như tôi,” Tay cò người Italia hồi tưởng trong một cuộc phỏng vấn tại buổi họp báo ra mắt cuốn tự truyện gần đây nhất của Ibrahimovic, mang một cái tên đầy kiêu ngạo “I am Football”. Giữa hai người họ là một mối quan hệ vô cùng sâu sắc. Raiola đã dạy cho Ibrahimovic biết cách kiềm chế cơn giận của anh trên sân và, tại Juventus, là noi gương theo Pavel Nedved, người luôn tập luyện với một sự siêng năng, chăm chỉ khó ai sánh bằng.
 
“Tất cả những điều mà tôi học được từ Nedved, tôi đều truyền tải nó đến Zlatan,” Raiola nói. “Và tất cả những điều mà tôi học được từ Zlatan, tôi đều dạy lại cho Paul Pogba. Paul đã nhìn thấy ở Zlatan những thứ mà nó tự nhìn thấy ở chính mình – một gã trai xuất thân từ đường phố, có thân hình to lớn, nhưng thi đấu cực kì kỹ thuật – và cái tinh thần luôn ám ảnh trong đầu của Zlatan: Chiến thắng, chiến thắng, chiến thắng.”
 
Đã không có quá nhiều tinh thần, khát khao chiến thắng được nhìn thấy ở ngôi sao mang áo số 6 của Manchester United trong mùa giải vừa qua. Nhưng các cầu thủ cũng chỉ là những cá nhân khác nhau, và họ không phải lúc nào cũng phản ứng rập khuôn nhau như một cái máy. Thất bại lớn nhất trong sự nghiệp của Raiola, là ở một cái tên khác, một gã trai mang những phẩm chất cũng y hệt như Pogba và Ibrahimovic: Xuất thân từ đường phố, có thân hình to lớn nhưng thi đấu cực kì kỹ thuật; Vấn đề chính của Mario Balotelli là anh ta chỉ xếp việc chơi bóng ở vị trí thứ hai trong những thứ mà tài năng thiên phú của anh ta đã mang lại cho mình.
 
Đối với một Balotelli, một Pogba, một De Ligt hoặc một Ibrahimovic, họ chỉ có duy nhất một sự nghiệp và họ đều dựa vào Raiola để đảm bảo rằng những thành quả mà mình nhận được sẽ tồn tại suốt cuộc đời. Đối với bản thân Raiola, đây sẽ là một mùa hè nữa để ông ta tung hoành trên thị trường chuyển nhượng, phát hiện ra những mối làm ăn “béo bở” và ngồi đếm số tiền mà mình thu được.
 
Lược dịch từ bài viết “Super-agent Mino Raiola is a player’s dream and a manager’s nightmare” của Richard Williams, được đăng tải trên The Guardian.

NAM KHÁNH (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.