Shunsuke Nakamura: Câu chuyện về một người Châu Á vĩ đại

Tác giả Ole - Thứ Sáu 24/06/2022 16:50(GMT+7)

Giai đoạn cuối thập niên 90s của thế kỷ trước lần lượt chứng kiến những idol trong làng bóng đá Nhật Bản bước ra thế giới, là Hidetoshi Nakata và Shunsuke Nakamura. So với người đồng hương Nakata từng làm khuấy động nhiều sân cỏ nước Ý cùng các sàn catwalk nổi tiếng, dường như Nakamura có một đời sống ngoài bóng đá có phần trầm lắng và kém nổi bật hơn, thế nhưng về thành tích, anh lại vượt trội hơn hẳn về số lượng danh hiệu cũng như sự bền bỉ. 

 

Đến thời điểm hiện tại, “ông già” Nakamura vẫn đang từng ngày chiến đấu cùng thời gian để cố gắng giữ lại niềm đam mê chơi bóng bất diệt của mình. Dù chỉ là khoác áo Yohokama tại J-League 2 nhưng “lão tướng” người Nhật Bản vẫn luôn thể hiện thái độ nghiêm túc trong mỗi buổi tập, từng đường bóng, từng bước chạy. Cùng với chiến binh không tuổi Kazu Miura, một cầu thủ kỳ cựu khác năm nay đã bước sang tuổi 55, cái tên Nakamura chính là hiện thân cho hình ảnh của những “cây trường sinh” thực thụ trong bóng đá hiện đại. 

Tầm ảnh hưởng của Nakamura ở những đội bóng anh từng đi qua là không thể thay thế. Trong suốt gần một thập kỷ chơi bóng tại châu Âu, cho dù là Reggina ở miền Nam nước Ý vốn tràn ngập ánh nắng mặt trời cho đến miền đất phương Bắc Scotland lạnh lẽo cùng Celtic, nơi nào người ta cũng xem Nakamura như một huyền thoại đích thực. Anh vốn dĩ không phải mẫu cầu thủ chỉ sống nhờ những khoảnh khắc, mặc dù rất nhiều lần Nakamura cũng từng mang đến vô vàn cảm xúc bất tận cho người hâm mộ bằng những pha làm bàn đẹp mắt của mình. 

Có một câu chuyện kể lại rằng trong một show truyền hình thực tế tại Nhật Bản vào năm 2012, người ta đã mời Nakamura tham gia thử thách… đưa bóng vào xe bus đang chạy qua đường. Cần phải nói thêm rằng, mọi việc diễn ra đều là thật 100% với hàng loạt camera đứng quay trực tiếp và cựu ngôi sao của Celtic, đơn giản là nhẹ nhàng thực hiện một động tác cứa lòng, đưa trái bóng đi thật xoáy bay qua cửa sổ xe bus, từ khoảng cách khoảng 20 mét. Nhiều người tỏ ra trầm trò trước khả năng điều khiển trái bóng tinh tế của Nakamura nhưng đối với những khán giả tại giải VĐQG Scotland, điều này có vẻ như quá đỗi bình thường. Họ từng chứng kiến tiền vệ người Nhật thực hiện nhiều siêu phẩm hơn thế. Bàn về khả năng sút phạt thì Nakamura không hề kém cạnh so với những David Beckham, Ronaldinho hay Andrea Pirlo là mấy…     

 

chuyển nhượng trị giá 2,5 triệu bảng của ngôi sao sinh năm 1978 từ Reggina sang Celtic vẫn luôn được người đời sau này đánh giá là một “món hời” trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Suốt 4 năm khoác áo đội bóng Scotland, Nakamura đã giúp Celtic đoạt 3 chức vô địch quốc nội, 3 danh hiệu Cúp Quốc gia và lọt vào vòng loại trực tiếp ở đấu trường Champions League. Tại thành phố Glasgow, cầu thủ người Nhật không chỉ là một “chuyên gia bóng chết” ngoại hạng, mang đến những sắc màu mới cho giải VĐQG Scotland mà còn giữ vai trò “nhạc trưởng” trong lối chơi của đội bóng chủ sân Celtic Park.

Thực tế cho thấy, Stilian Petrov có thể là một ngôi sao đẳng cấp ghi bàn đều đặn trên hàng công, trong khi những tiền vệ “chém đinh chặt sắt” như Neil Lennon hay Roy Keane mang đến sức chiến đấu phù hợp với văn hóa bóng đá kiểu Ăng-lê, nhưng Nakamura lại là một điều gì đó rất khác. Anh sáng tạo, khéo léo, sở hữu kỹ thuật đáng kinh ngạc và khả năng sút phạt thì miễn bàn. Mùa giải 2006/07, khi Celtic chạm trán Man United ở Champions League, những màn trình diễn vô song của Nakamura đã thực sự giúp anh tỏa sáng trên sân khấu trời Âu. Trong cả hai trận lượt đi lượt về, thủ thành kỳ cựu Edwin Van der Sar đều phải chấp nhận trở thành nạn nhân bởi những siêu phẩm đá phạt do Nakamura thực hiện.

 

Tất nhiên, những tình huống bóng chết cũng chỉ là một phần làm nên thương hiệu Nakamura. Công bằng mà nói, trong tất cả những “số 10” của bóng đá Nhật Bản, anh chính là người toàn diện, xuất chúng và bền bỉ nhất. Ở Nakamura, người ta luôn cảm nhận được nét tinh tế, hào hoa trong một “trequartista” cổ điển nhưng hiếm khi thấy anh rườm rà hay phô diễn. Đối với tiền vệ người Nhật, sự hiệu quả và tính đồng đội luôn được ưu tiên lên hàng đầu. Điều này xét cho cùng cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi 3 năm khoác áo Reggina chính là quãng thời gian mà Nakamura có thể thấm nhuần tư tưởng Calcio, thông qua những triết lý chiến thuật tinh vi nhất của bóng đá thời bấy giờ. 

Là một người nghiêm túc và kỷ luật với sự nghiệp, khá dễ hiểu vì sao khi Nakamura đủ sức duy trì sự nghiệp tới tận bây giờ, ở độ tuổi 43, khi mà phần lớn những cầu thủ cùng thế hệ của anh đã nói lời rời xa sân cỏ hoặc chuyển sang làm công tác huấn luyện. Tất nhiên, vẫn sẽ tồn tại nhiều sự so sánh giữa cựu ngôi sao Celtic bên cạnh Nakata hay Honda, những tiền vệ tấn công xuất chúng khác mà bóng đá Nhật Bản sở hữu trong cùng giai đoạn thập niên 2000s. Mặc dù vậy, xét ở một góc độ nào đó, những gì mà Nakamura đã làm được là hết sức đặc biệt. Anh giống như một viên ngọc quý đã đưa nền bóng đá châu Á bước ra ánh sáng trời Âu. Ngay cả khi không phải là một con người giàu cá tính có khả năng chiếm sóng truyền thông giống như đồng đội Nakata thì cái tên Nakamura vẫn luôn được người ta nhớ đến như một huyền thoại, một cầu thủ điển hình đại diện cho tinh thần Nhật Bản cùng đức tính khiêm nhường và giản dị.

Giờ đây, khi mà những khoảnh khắc vinh quang trên sân cỏ châu Âu đã tạm thời lùi vào quá khứ thì Shunsuke Nakamura vẫn miệt mài chạy những bước chạy cuối cùng để thắp lên ngọn lửa đam mê chơi bóng bất tận của mình. Câu chuyện về anh, đích thực là câu chuyện về một người châu Á vĩ đại.

-Ole-       

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.