Serie A và ký ức về miền đất hứa của Roy Hodgson

Tác giả Thế Trung - Thứ Tư 06/10/2021 17:30(GMT+7)

Zalo

2 năm ở Inter Milan có thể không dài nhưng là đủ để HLV Roy Hodgson giữ lại cho mình những kỷ niệm khó quên về Serie A – giải bóng đá đáng xem và cũng khắc nghiệt bậc nhất lúc bấy giờ. Đây là những tâm sự mà ông chia sẻ trên Coaches’ Voice.

Khi tôi (HLV Roy Hodgson - BTV) mới bắt đầu công việc ở Inter Milan, Premier League vẫn còn là giải đấu non trẻ. Đó là năm 1995 và Italy chính là miền đất hứa mà mọi cầu thủ bóng đá đều ao ước. Đó cũng là nền bóng đá giàu có nhất. Trong khi chưa có cầu thủ nào ở Anh dám nghĩ tới mức lương 1 triệu bảng thì đã có khá nhiều người ở Italy được hưởng mức đãi ngộ như vậy rồi. Chính vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi mọi ngôi sao trên thế giới đều hội tụ tại đây. Hà Lan, Đức, Brazil,… tất cả đều đến và biến Serie A trở thành giải đấu hấp dẫn số một hành tinh. Serie A thời đó khá giống với Premier League bây giờ. Khi nhìn vào đội hình ra sân của các CLB vào mỗi cuối tuần, bạn đều dễ dàng chỉ ra vài ba cái tên xuất sắc và cực kỳ nổi tiếng.
 
Niềm đam mê bóng đá của người Italy là thứ gì đó rất khác biệt. Mỗi đội bóng, dù lớn hay nhỏ, đều có giá trị to lớn với người hâm mộ. Không cần phải bàn cãi về độ cuồng nhiệt. Họ sẽ có mặt ở mọi trận đấu trong mùa giải vì trận đấu nào cũng mang một ý nghĩa sống còn. Serie A thời đó là một giải đấu khắc nghiệt và dữ dội. Nó khác hẳn với những gì tôi từng trải nghiệm trong sự nghiệp của mình trước đây. Không thể nào so sánh áp lực giữa việc dẫn dắt Malmo và huấn luyện Inter Milan được. Ở Thụy Điển, cuộc sống sẽ rất dễ chịu miễn là đội bóng của bạn liên tục giành chiến thắng. Ngược lại, chiến thắng nhiều khi là chưa đủ ở Italy.

Serie A và ký ức về miền đất hứa của Roy Hodgson
HLV Roy Hodgson khi còn làm việc ở Inter Milan. Ảnh: Allsport
 
Cảm giác được nhận công việc ở Inter là một giấc mơ đối với tôi. Nhưng thú thực là tôi chưa hoàn toàn sẵn sàng. Lẽ ra tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn vì đây là một đội bóng khổng lồ. Tôi trở thành HLV trưởng của Inter Milan ở tuổi 48 – không còn quá trẻ về mặt con số nhưng tôi vẫn còn “non nớt” trước một thử thách lớn trong đời. May mắn là tôi vẫn nhận được sự ủng hộ của hai người đàn ông quan trọng bậc nhất của CLB: Massimo Moratti và Giacinto Facchetti. Thay vì tìm cách để sa thải, họ liên tục động viên tôi trong suốt giai đoạn khó khăn.
 
Juventus và Inter Milan là hai đội bóng lớn nhất Italy lúc bấy giờ, gần như cách biệt hẳn so với phần còn lại. Chúng tôi có hàng loạt những hội cổ động viên trên khắp đất nước. Sự ủng hộ dành cho Inter không chỉ đến từ một nửa thành phố Milan mà còn đến từ khắp mọi nơi. Trận derby được chờ đợi nhất lúc bấy giờ không phải là Inter – Milan mà là Inter – Juventus.
 
“Rồi bóng đá Anh cũng sẽ bắt kịp thôi”, Giacinto nói với tôi, “Italy đang phát triển nhưng chắc chắn một ngày nào đó, Anh sẽ theo kịp. Và tôi cũng không bất ngờ đâu nếu bóng đá Anh còn vượt xa bóng đá Italy nữa”.
 
Thỉnh thoảng, tôi lại than thở về một vài khía cạnh của bóng đá Italy. Một trong số đó và gần như cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất, chính là cách các đài truyền hình nhận xét về đội bóng sau mỗi trận đấu. Chỉ cần một bàn thôi, những chuyên gia bóng đá sẽ mổ xẻ mọi thứ, từ HLV trưởng, cầu thủ cho tới các ông chủ đội bóng. Họ chẳng “tha” cho bất kỳ ai. Sau này, khi rời Inter để trở lại Anh dẫn dắt Blackburn, tôi có trò chuyện với vài người từng chơi bóng ở Italy như Gianluca Vialli hay Ruud Gullit. Họ cùng chung quan điểm với tôi rằng Serie A là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Họ thậm chí còn coi Premier League là một môi trường bóng đá lành mạnh hơn nữa kia.

Serie A và ký ức về miền đất hứa của Roy Hodgson
Ảnh: Allsport
 
Khi ấy, mọi thứ ở Anh đều có cảm giác thoải mái hơn vì bóng đá là thứ được quan tâm duy nhất. Bạn không còn cảm thấy mình giống như một con cá vàng trong chiếc bể nhỏ và cuộc sống vẫn rất tươi đẹp ngay cả khi bạn không thể ghi bàn vào chiều thứ Bảy. Ở Italy, những cuộc cá cược về số phận của một HLV là điều hết sức bình thường. Nó được gọi là “mangiare il panettone”, nghĩa là liệu một HLV nào đó có thể trụ được tới tháng 12 để thưởng thức panettone – món bánh đặc trưng của người Italy thường được ăn vào dịp Giáng Sinh – hay không. 
 
“Ai sẽ ra đi tiếp theo?” là câu hỏi luôn được đặt ra. Tất nhiên, báo chí cũng góp phần không nhỏ trong việc “cứu” hay “trảm” một HLV. Ngọn lửa bùng lên không chỉ vì những kết quả tồi tệ mà còn vì những tin tức được xuất bản mỗi ngày. Điều này dẫn tới sự quay lưng của các CĐV và cần phải có một vị chủ tịch thật sự mạnh mẽ để giải quyết những tình huống như thế. 

Tôi đặt chân đến thành phố Milan với sự tự tin nhất định vì hành trang của tôi là khoảng thời gian thành công ở Thụy Điển và Thụy Sĩ. Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ để tôi sẵn sàng cho màn chào đón mà Serie A dành cho mình. Tôi khổ sở với cánh phóng viên. Có thể mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu tôi nói trôi chảy tiếng Italy hơn một chút. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cảnh hàng loạt tờ báo thể thao có nhiệm vụ phải viết đầy một trang mỗi ngày về đội bóng của mình. 
 
Ở Inter, gần như ngày nào cũng là ngày họp báo. Tất nhiên, tôi không phải ngồi đó một mình nhưng có quá nhiều thứ được in trên La Gazzetta dello Sport, Tuttosport hay các tờ thể thao khác. Đó là cảm giác riêng mà chỉ Serie A mới có vào thời điểm ấy và là lần thử lửa đầu tiên trong đời tôi. Sự nghi ngờ luôn luôn tồn tại. Trừ khi bạn là Pep Guardiola hay Jurgen Klopp thì người ta mới thôi đặt câu hỏi “Liệu ông ấy có phải là người phù hợp?”. 

Serie A và ký ức về miền đất hứa của Roy Hodgson
Ảnh: Allsport
 
Trong 2 năm của tôi ở Inter, AC Milan là đội có thói quen liên tục thay đổi HLV trưởng. Họ chẳng mất nhiều thời gian để sa thải một nhà cầm quân, dù đó có là Arrigo Sacchi hay Fabio Capello đi chăng nữa. Chẳng có HLV nào thời đó nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của cổ động viên, vì họ đòi hỏi chúng tôi phải có quan điểm bóng đá gần như hoàn hảo. Tôi không được may mắn lắm về khoản này vì tôi đã đến Inter sai thời điểm. 
 
Ở những năm 90 của thế kỉ trước, có rất nhiều HLV người nước ngoài làm việc ở Italy. Có lẽ hoàn cảnh của tôi sẽ tươi sáng hơn nếu con số ấy không lớn như vậy. Ngược lại, mỗi CLB chỉ được phép đăng ký 3 cầu thủ ngoại quốc cho mỗi trận đấu. Sự giới hạn này khác hẳn với bóng đá Anh. Tôi từng dự khán một trận ở Premier League mà chỉ có 1 hoặc 2 cầu thủ người Anh chạy trên sân. 
 
Italy là một đất nước của văn hóa và người dân nơi đây có gu thời trang cực kỳ sành điệu. Họ sẵn sàng vượt qua một quãng đường dài chỉ để đến Milan và mua sắm ở Via Monte Napoleone. Milan là một thành phố theo chủ nghĩa thế giới và bạn sẽ luôn có những người muốn trò chuyện với bạn trên đường phố dù họ chẳng biết bạn là ai. Là một HLV, bạn sẽ không thể nào ra ngoài đi dạo nếu bạn không muốn hòa mình với người hâm mộ. Tôi không coi đó là vô duyên hay bừa bãi. Trong 10 người tôi gặp thì có tới 9 người tỏ ra dễ chịu và tươi vui. 
 
Được làm việc ở Inter là một dấu mốc tuyệt vời nhưng cuộc sống và con người ở Milan mới là những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi.
 
Theo The Coaches’ Voice

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow