Serie A thập niên 90: Khi Batistuta, Baggio và bóng đá Italia thống trị thế giới (P1)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Sáu 21/09/2018 16:24(GMT+7)

“Serie A là giải đấu hay nhất và hấp dẫn nhất châu Âu vào thập niên 1990,” Aron Winter – người đã rời Ajax vào năm 1992 để gia nhập Lazio, sau đó là Inter và thi đấu cho đội tuyển Hà Lan 84 trận – hồi tưởng lại.

Pietro Fanna đang đi dọc theo hành lang bên trong Stadio Marcantonio Bentegodi, và anh ta nghe thấy tiếng khóc. Khi đội trưởng của Verona đến gần hơn với âm thanh đó, rõ ràng là nó được phát ra từ phòng thay đồ của đội khách: Căn phòng mà A.C Milan của Arrigio Sacchi đang tụ tập.
 

Một tháng sau, Milan đánh bại Benfica ở Vienna để một lần nữa đoạt lấy chiếc cúp C1 châu Âu, qua đó củng cố vị thế của “một trong những đội bóng hùng mạnh nhất mọi thời đại” mà họ đang nắm giữ. Đó là năm thứ hai liên tiếp Rossoneri đăng quang tại đấu trường danh giá nhất châu Âu, một chiến tích mà phải đến 27 năm sau mới được tái hiện lại, bởi Real Madrid của Zinedine Zidane.
 
Chiến thắng vào năm 1990 của Milan đã xác lập nên một cột mốc đặc biệt trong lịch sử bóng đá: Lần đầu tiên trong lịch sử, cả ba danh hiệu lớn của châu Âu đều được thống trị bởi các câu lạc bộ đến từ cùng một quốc gia. Cũng giống như màn trình diễn cực kì ấn tượng của giọng ca huyền thoại Luciano Pavarotti tại Italia 90, Gianluca Vialli đã lập một cú đúp để giúp Sampdoria đánh bại Anderlecht và đoạt lấy chức vô địch Cup Winners’ Cup.

Còn tại UEFA Cup, Juventus đã đánh bại Fiorentina trong một trận chung kết toàn Italia. Đó là sự khởi đầu của một thập kỉ mà Serie A chính là quyền lực tối thượng của thế giới bóng đá – và trong trái tim của rất nhiều người hâm mộ môn thể thao vua.

 
 

SỰ KẾT THÚC … VÀ KHỞI ĐẦU … CỦA MỘT THỨ GÌ ĐÓ
 
Nếu cần thêm bất kì một minh họa nào về sức mạnh của Serie A khi ấy, thì đó chính là việc không có bất kì đội bóng nào trong số 4 cái tên lọt vào các trận chung kết của đấu trường châu Âu vào năm đó giành được danh hiệu vô địch quốc gia Italia mùa giải 1989/1990. Tiếng khóc mà Fanna nghe thấy từ phòng thay đồ của A.C. Milan không phải xuất phát từ những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc, mà chúng là nước mắt của sự tuyệt vọng, đau khổ. Họ khóc cho giấc mơ giành Scudetto đã tan vỡ. 
 
Milan ghét cay ghét đắng việc phải thi đấu ở Verona. Trận thua với tỷ số 5-3 vào năm 1973 đã khiến họ phải trả một cái giá rất đắt, đó chính là chiếc ngôi vô địch, một thất bại cực kì nổi tiếng, được đặt cho hẳn một cái tên riêng, “La Fatal Verona”. Thất bại vào cuối mùa 1989/1990 lại khiến họ phải thêm một lần nữa nếm trải cái cảm giác cay đắng đó. Ngày ấy, Milan đang ngang bằng điểm với Napoli của Diego Maradona trên vị trí đầu bảng Serie A và vẫn còn hai trận đấu ở phía trước. Milan chính là đội dẫn đầu bảng xếp hạng cho đến đầu tháng tư, khi Napoli bất ngờ có được những điểm số từ trên trời rơi xuống sau cuộc đối đầu với Atalanta.

Đó là một trận đấu đầy tranh cãi, khi tỉ số đang là 0-0 và còn lại 15 phút, Alemão, cầu thủ được mua về Napoli trong mùa Hè, té ngã sau một quả ném biên. Một đồng xu từ trên khán đài ném trúng đầu anh. Bác sĩ Salvatore Carmando chạy vào xử lý vết thương và giúp anh rời sân. (Người vào thay là một tiền đạo trẻ tên là Gianfranco Zola) Alemão được đưa vào bệnh viện.

Khi chủ tịch Corrado Ferlaino trả lời báo chí về vụ việc, ông đã nói Alemão bị thương nặng tới mức không nhận ra ông. Ferlaino kêu gọi LĐBĐ Italy phải phạt Atalanta và công nhận Napoli chiến thắng. Vài ngày sau, họ được công nhận thắng 2-0.
 
Milan đã dẫn trước 1-0 tại Verona, nhưng sau đó, mọi thứ bắt đầu trở thành một thảm họa. Đội chủ nhà đã lột ngược dòng và đánh bại Rossoneri. Sau khi tỏ thái độ tức giận với một loạt các quyết định của trọng tài Rosario Lo Bello, Frank Rijkaard đã bị đuổi khỏi sân – ông ta giải thích rằng cầu thủ người Hà Lan đã hai lần nhổ nước bọt vào mình (“Một lần là ở tay, một lần khác ở chân”), vụ việc này diễn ra chỉ vài tháng trước khi Rijkaard tiếp tục “phun mưa” vào mặt Rudi Voller của đội tuyển Đức trong một trận đấu tại World Cup.
 
Marco Van Basten cũng nhanh chóng rời sân theo người đồng đội sau khi xé toạc chiếc áo đấu của mình trong sự phẫn nộ. Thậm chí ngay cả Arrigio Sacchi cũng bị truất quyền chỉ đạo, còn Alessandro Costacurta trở thành cầu thủ thứ ba bị đuổi khỏi sân, vì thể hiện sự tức giận với trọng tài biên sau khi Verona ghi bàn thứ hai, vượt lên dẫn trước Milan.
 
Napoli đã giành chiến thắng trong hai trận đấu cuối cùng của mùa giải để đăng quang ngôi vô địch, đó chính là Scudetto thứ hai của Diego Maradona, diễn ra chỉ sau bốn năm kể từ khi anh giúp Partenopei đoạt được danh hiệu vô địch quốc gia lần đầu tiên vào mùa giải 1986/1987.

Nhưng đó cũng chính là sự kết thúc của chặng đường đầy vinh quang mà huyền thoại người Argentina đã trải qua ở Italia. Không lâu sau đó, “Cậu bé vàng” đã bị cấm thi đấu 15 tháng sau khi bị phát hiện dương tính với cocain vào tháng 3/1991. Kể từ đó, anh chưa bao giờ ra sân cho đội chủ sân San Paolo lần nào nữa. Kỷ nguyên vàng của The Gli Azzurri đã kết thúc. 
 

Mặc dù sự ra đi của Maradona đã ảnh hưởng nặng nề đến Napoli, nhưng nó không hề khiến cho sự thành công của bóng đá Italia vào giai đoạn đó bị giảm đi. Serie A không phải là giải đấu sống dựa vào ánh sáng của 1-2 cái tên riêng lẽ nào đó: Hàng loạt ngôi sao lớn liên tục đổ bộ đến xứ sở mì ống và có mặt ở khắp mọi đội bóng. Chủ nhân danh hiệu Ballon d’Or khi đó, Lothar Matthaus đang thi đấu cho Inter; Còn cầu thủ đắt giá nhất thế giới Roberto Baggio, đã gia nhập Juventus. 
 
Sự bạo chi của các đội bóng ở Italia là một trong những yếu tố khiến giải vô địch quốc gia này trở thành nơi có sức hút rất lớn với những ngôi sao hàng đầu – trước khi Baggio chuyển đến Juventus từ Fiorentina vào năm 1990, có đến 11 trong tổng số 13 bảng hợp đồng kỷ lục thế giới trước đó là được thực hiện bởi các câu lạc bộ Serie A.

Kết hợp điều đó với quyết định của UEFA về việc cấm các đội bóng Anh thi đấu ở đấu trường châu Âu được đưa ra vào năm 1985, Serie A đã độc chiếm hoàn toàn ánh đèn sân khấu. Vào những năm 90, các đội bóng Italia đã giành được 13 trên tổng số 30 danh hiệu vô địch châu lục, và có đến 25 đội lọt vào các trận chung kết.

Serie A thập niên 90: Khi Batistuta, Baggio và bóng đá Italia thống trị thế giới

“Serie A là giải đấu hay nhất và hấp dẫn nhất châu Âu vào thập niên 1990,” Aron Winter – người đã rời Ajax vào năm 1992 để gia nhập Lazio, sau đó là Inter và thi đấu cho đội tuyển Hà Lan 84 trận – hồi tưởng lại. “Sự thành công của Tây Ban Nha hiện nay cũng giống hệt như Italia hồi trước vậy. Ngay khi đặt chân đến Serie A thi đấu, tôi đã nhận thấy được đẳng cấp vượt bậc của giải đấu này – rất khó để giành chiến thắng trong bất kì trận đấu nào. Đó là một đất nước tụ tập tất cả những cầu thủ xuất sắc nhất.” (còn nữa)
 

Lược dịch: https://www.fourfourtwo.com/features/serie-a-90s-when-baggio-batistuta-and-italian-football-ruled-world

Nam Khánh (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.