Sergio Ramos: Sinh ra để trở thành người hùng

Tác giả Hàn Phi - Thứ Hai 13/03/2017 17:27(GMT+7)

Một lần nữa, cái tên Sergio Ramos hiện lên trên bảng tỷ số khi trận đấu chỉ còn vài phút, và Real Madrid đã được cứu khỏi vũng lầy. Kịch bản này ngày càng trở nên quen thuộc đối với những Madridista.
Sergio Ramos: Sinh ra để trở thành người hùng
1.
Năm 2004, chàng trai mới 18 tuổi mang tên Sergio Ramos diện kiến chủ tịch CLB Seville khi đó, Jose Maria del Nido, với lời đề nghị: “Hãy đưa cho cháu một bản hợp đồng trọn đời, bởi vì cháu sẽ ở lại đây mãi mãi.” Câu trả lời của ông del Nido đã đảo lộn hoàn toàn mục tiêu và khát vọng của Sergio Ramos: “Nhưng nếu là tôi là cậu, tôi sẽ chỉ luôn muốn thi đấu cho một đội bóng chiến thắng.” 
Chẳng có gì là lạ khi một chàng trai sinh ra tại Seville, đầu quân cho đội trẻ Seville từ khi mới lên 10, lại có mong muốn thi đấu trọn đời cho đội bóng chủ sân Sanchez Pizjuan này. Tuy nhiên ông del Nido hiểu rõ rằng Seville sẽ chẳng bao giờ có thể vươn đến tầm cỡ của hai ông lớn Real Madrid và Barcelona, còn tài năng của Sergio Ramos sẽ còn vượt xa hơn nhiều so với đội bóng mà ông đang quản lý. 
Đại văn hào Dostoyevsky từng viết trong tuyệt phẩm “Anh em nhà Karamazov” rằng: “Bí quyết về sự tồn tại của loài người không phải là sự sống, mà là tìm được mục tiêu sống.” Như được thức tỉnh, Sergio đã nói không trong rất nhiều lần đàm phán gia hạn hợp đồng sau đó từ phía Seville. Lẽ tất yếu, anh đầu quân cho Real Madrid ngay sau mùa giải trở thành cầu thủ trẻ hay nhất La Liga, với mục tiêu dĩ nhiên là giành những danh hiệu cao quý nhất.
Sergio Ramos ngày mới đến Real
2. Sự dũng cảm, nghiêm túc và khao khát chiến thắng trong thi đấu của Sergio Ramos được thể hiện ngay từ khi anh mới chỉ là một chàng trai trẻ. Chuyện kể rằng khi Sergio Ramos mới 15 tuổi và đang đầu quân cho đội trẻ Seville FC, anh có dịp được so tài với người anh trai, Rene Ramos, khi ấy đã 23 tuổi và đang khoác áo một đội bóng nghiệp dư của tỉnh Seville. 
Dù chỉ là một trận đấu giao hữu nhưng có rất đông khán giả đến cỗ vũ cho hai đội. Điều thú vị là Sergio khi ấy thi đấu ở vị trí trung vệ, còn Rene là tiền đạo chủ lực của đối thủ. Ngay trước thềm trận đấu, Rene tiến đến bên Sergio để chuẩn bị cho vài câu nói đùa, nhưng Sergio đã cảnh báo: “Hãy cẩn thận, bởi hôm nay là một trận đấu nghiêm túc còn chúng ta lại là đối thủ.” Rene khi ấy muốn bưng miệng cười, nhưng chứng kiến sự cương quyết trên khuôn mặt của em trai, anh đã ngừng lại.
Trong một pha tranh chấp trên không ở trận đấu đó, Sergio Ramos không may đã “tặng” cho anh trai một cái cùi chỏ và khiến cho Rene bị chảy máu mồm. 10 phút sau đó, Rene đã bị thay ra khỏi sân không phải vì chấn thương, mà hoàn toàn là bởi anh đã bị cậu em trai kém 8 tuổi chiếm toàn bộ thế thượng phong trong những tình huống tranh chấp tay đôi. “Anh có thấy xấu hổ không khi để thua em trai trong mọi pha bóng?” Sergio trêu đùa người anh như thế khi trận đấu đã kết thúc.
Sergio Ramos và cú đánh đầu muộn trong trận Siêu kinh điển
3. Sinh ra ở xứ Andalusia, nơi nổi tiếng với môn đấu bò tót, Sergio Ramos là một “El matador” – “đấu sĩ bò tót” đích thực. Thực tế là anh sẽ theo đuổi môn thể thao này nếu như không thành công cùng trái bóng. Nhờ thế mà Ramos sở hữu một tinh thần gan dạ và quả cảm của một đấu sĩ bò tót. 
Trong trận bán kết EURO 2012, Sergio Ramos đã một mực xin đá penalty khi phải bước vào loạt sút luân lưu cân não với Bồ Đào Nha. Đó là một quyết định táo bạo bởi trước đó chỉ khoảng 2 tháng, anh đã sút hỏng penalty cũng ở loạt trận bán kết Champions League với Bayern Munich. Là một hậu vệ và không thường xuyên có cơ hội đối mặt trước thủ môn đối phương, Sergio Ramos phải chịu áp lực rất lớn ở khoảng cách 11 mét lần này. Nếu sút hỏng, anh sẽ trở thành tội đồ của dân tộc. Thế nhưng Ramos đã thành công, ấn tượng hơn, bằng một cú panenka!
4. Người ta cần làm một cuốn sách dành riêng cho Sergio Ramos để lưu giữ trong kho tàng lịch sử bóng đá thế giới. Cuốn sách ấy sẽ có tiêu đề là kẻ chiến thắng, với 90 trang. 89 trang đầu tiên sẽ là giấy trắng và trang cuối đơn giản chỉ gồm một câu: Sergio Ramos lại trở thành người cứu rỗi với bàn thắng ở những phút cuối cùng.
Là một con người giàu lòng dũng cảm và quyết tâm không bao giờ từ bỏ, Sergio Ramos ngày càng trở nên xuất sắc hơn qua từng trận đấu. Bên cạnh việc góp mặt trong đội hình tiêu biểu của FIFA 6 mùa giải liên tiếp, Ramos không ngừng giải cứu cho Real Madrid bằng những bàn thắng quan trọng mỗi khi lên tham gia tấn công.
Dù không quá chiều cao vượt trội, nhưng Ramos có sức bật và khả năng chọn vị trí tuyệt vời. Người hâm mộ Real Madrid đã quá quen thuộc với những tình huống Sergio Ramos băng vào rừng hậu vệ đối thủ, bật cao hơn rất cả để đưa trái bóng vào vị trí hiểm hóc nhất. Từ chung kết Champions League 2014, đến chung kết Champions League và Siêu cúp châu Âu 2016, Ramos luôn là người hùng ghi những bàn thắng quan trọng cho Los Blancos, phần lớn là những pha lập công đến từ những phút cuối cùng.
Bernabeu: Can you hear me?
Sergio Ramos còn thi đấu bùng nổ hơn nữa trong khoảng hơn 3 tháng vừa qua, với các bàn thắng quan trọng vào lưới Barcelona, Deportivo hay mới nhất là Real Betis ở những phút cuối cùng. Đó là chưa tính đến rất nhiều pha lập công không kém phần quan trọng khác giúp anh trở thành một trong những hậu vệ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử La Liga. Theo thống kê của The Sun cách đây ít ngày, Ramos đã giải cứu Real Madrid 17 lần kể từ sau chung kết Champions League 2014, con số mà ngay cả những tiền đạo cũng phải mơ ước.
Với 51 bàn thắng tính đến thời điểm này, trung vệ sẽ bước sang tuổi 31 vào cuối tháng, chỉ kém kỷ lục của Ronald Koeman 16 pha lập công nữa. Đó không phải thử thách đơn giản nhưng với phong độ ghi bàn như hiện nay, người hâm mộ và cả đối thủ của Sergio Ramos sẽ chẳng bao giờ biết và ngăn chặn được anh tiếp tục bật cao hơn tất cả để trở thành người hùng của Real Madrid thêm một lần nữa.
Hàn Phi (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.