Sergio Ramos rời Real Madrid: Tạm biệt huyền thoại

Tác giả CG - Thứ Năm 17/06/2021 13:40(GMT+7)

Sẽ có người yêu kẻ ghét Sergio Ramos. Nhưng có một điều phải thừa nhận: chúng ta đều muốn có một cầu thủ như thế trong đội bóng của mình hay đội bóng mà mình yêu thích.

Vòng 36 LaLiga mùa giải 2004/2005, Real Madrid với dàn sao Galacticos hành quân đến sân Sanchez Pizjuan của Sevilla. Phút 18, đội chủ nhà được hưởng một quả đá phạt trực tiếp từ khoảng cách 30m. Tiền vệ trung tâm Renato đẩy bóng, hậu vệ 21 tuổi Sergio Ramos lấy đà tung cú sút sấm sét, bóng đi xoáy đánh bại hoàn toàn Casillas. 
 
Trên khán đài, chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid nhìn bóng đi vào lưới và Ramos đang chạy đi ăn mừng cuồng nhiệt. Ngay kỳ chuyển nhượng mùa hè đó, anh gia nhập đội bóng chủ sân Santiago Bernabeu với giá 27 triệu euro, kỷ lục với một hậu vệ Tây Ban Nha. Ramos nhận chiếc áo số 4 từng được huyền thoại Hierro mặc. 16 năm đã trôi qua từ ngày đó.
 
Trong bộ phim tài liệu “La Leyendade De Sergio Ramos” (Huyền thoại Sergio Ramos) mà Amazon Prime sản xuất, có một cảnh mà bà Paqui - mẹ của Ramos - hỏi con trai mình rằng anh sẽ làm gì khi sự nghiệp chơi bóng kết thúc.
 
“Mẹ à, có lẽ nó sẽ kéo dài mãi mãi”, Sergio Ramos trả lời. Bà Paqui nhìn con trai mình và đáp: “Không gì là mãi mãi đâu con à”.
 
Không gì là mãi mãi, thế nhưng “Sergio tin mình bất tử”, đó là lời nhận định của huyền thoại Jorge Valdano về Ramos. Anh luôn khát khao chinh phục, khát khao chiến đấu và không từ bỏ, còn di sản của Ramos ở Real Madrid là bất tử, dù cho anh rời đội bóng. 

Di sản của Sergio Ramos ở Real Madrid sẽ còn mãi. Ảnh: Getty Images
 
Trong cuộc sống có những thứ thuộc về cảm giác rất khó lý giải. Ví dụ như nói Ramos toát ra hào khí khi khoác trên người bộ áo trắng của Madrid, đó cũng là một thứ thuộc về cảm giác. Nếu bạn hỏi lại vì sao lại như vậy thì khó lòng trả lời được. Nhưng nếu phải cần một câu trả lời thì một nhận định chủ quan có lẽ cũng nên được lý giải bằng một câu trả lời chủ quan: hào khi đó có lẽ được tạo ra từ cơ thể rắn rỏi đẹp như một bức tượng đồng, từ dáng dấp thủ lĩnh, từ lối chơi bóng tỉnh bơ, điềm tĩnh và hơn cả là từ thành tích đồ sộ. Ramos đã phụng sự đội bóng suốt 16 năm, dẫu có nhiều lúc thăng trầm và mọi thứ không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái.
 
Trong thế hệ của mình, Ramos là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất. Nói về danh hiệu, hiếm người đọ lại được anh. Nói về những kỷ lục, anh cũng là một “thợ săn kỷ lục”, kể cả một thứ không đẹp đẽ gì cho lắm như số lượng thẻ đỏ. Nói về số bàn thắng, nó cũng phải khiến nhiều tiền đạo phải ghen tị (101 pha lập công tính riêng ở Real Madrid). Nói về những khoảnh khắc, Ramos không thiếu, kể cả “chính” hay “tà”.
 
Cái cách Ramos quật ngã Mohamed Salah đã đi vào huyền thoại của làng bóng đá. Cách anh nằm lăn lộn trên sân sau tình huống bị Juan Cuadrado đẩy nhẹ ở chung kết Champions League 2017 cũng là một khoảnh khắc người ta sẽ nhớ: Cuadrado rời sân với tấm thẻ đỏ còn đội trưởng Real Madrid đứng dậy, thi đấu tiếp và cuối cùng ẵm cúp.
 
Trận El Clasico đầu mùa giải trước, Ramos mang về một quả phạt đền cho Madrid sau một tình huống mà phía Barcelona phải lên tiếng vì sai Clement Lenglet kéo áo về phía trước mà thủ quân Los Blancos lại ngã ra phía sau. Cũng chính trong trận đấu đó, Ramos có một khoảnh khắc khác khiến tất cả phải trầm trồ khi lao lên, dùng chân phải ngoắc về phía sau, truy cản chính xác tình huống Messi đang cầm bóng phản công.
 
Và chắc chắn không thể không nhắc đến phút 92:48 huyền thoại ở trận chung kết Champions League 2014. Con số đó đã được Ramos xăm lên cổ tay như một sự ghi nhớ về một khoảnh khắc mãi mãi được ghi vào trong biên niên sử Real Madrid. Ở Tây Ban Nha, người ta có cụm từ “Noventa-y-Ramos” (Ramos-phút 90) để miêu tả về khoảnh khắc người hùng ở phút cuối như thế.

Khoảnh khắc bất tử của Sergio Ramos. Ảnh: Getty Images
 
Nhà báo Sid Lowe từng nhận định về Ramos như sau: “Sergio Ramos chính là hiện thân rõ nét nhất cho tư duy của Real Madrid - một người có thói quen xuất hiện vào lúc mùa giải căng tới đỉnh điểm, đôi khi vắng mặt ở một giai đoạn nào đó nhưng lại tỏa sáng rực rỡ vào thời điểm quyết định. Đó là một người đàn ông thích đương đầu với áp lực”.
 
Nói cách khác, Ramos là bậc thầy của trò chơi áp lực. Khi trung vệ Tây Ban Nha thực hiện cú đá luân lưu vọt xà ở bán kết Champions League 2012, anh đã nói với anh trai kiêm người đại diện Rene Ramos rằng lần tiếp theo anh sẽ khiến tất cả những người chê bai phải im miệng. 1 tháng sau, Ramos bình tĩnh thực hiện cú Panenka trong loạt luân lưu ở bán kết Euro. Gương mặt lạnh tanh đã trở thành đặc điểm của anh mỗi khi đứng trước những quả 11m.
 
Sẽ có người yêu kẻ ghét Sergio Ramos. Nhưng có một điều phải thừa nhận: chúng ta đều muốn có một cầu thủ như thế trong đội bóng của mình hay đội bóng mà mình yêu thích. Ramos không hoàn mỹ, trên sân bóng anh là hiện thân của cả trắng và đen, chính diện lẫn phản diện, là hung thần trong mắt đối thủ và thiên thần của Madridista. Trong phòng thay đồ Madrid, không ai có quyền lực lớn hơn Ramos. Nhà báo Diego Torres nói tầm ảnh hưởng của Ramos trong phòng thay đồ còn lớn hơn cả Fernando Hierro trước kia.
 
Song, có lẽ cũng vì vậy mà anh đã quá tự tin về vị thế của mình. Ramos đã liên tục từ chối việc gia hạn hợp đồng với Real Madrid dù đội bóng hoàng gia đã kiên nhẫn với người đội trưởng của họ. Nhưng với một người cứng rắn như chủ tịch Florentino Perez, người sẵn sàng để những Hierro, Raul, Guti, Casillas hay Ronaldo ra đi thì sự kiên nhẫn với Ramos cũng chỉ có giới hạn. Và khi Perez đã rút tay lại thì truyền thông Tây Ban Nha đưa tin Ramos đổi ý, muốn chìa tay ra bắt. Nhưng thời gian cho việc đổi ý đã kết thúc. Phụng sự Real Madrid suốt 16 năm, có lẽ anh thừa hiểu câu nói: không gì lớn hơn đội bóng.
 
Một giai đoạn lịch sử đã khép lại. Cuộc chia tay giữa đôi bên để lại vết gợn nhẹ trong quãng thời gian cuối cùng gắn bó. Nhưng chừng đó không thấm tháp gì với di sản của Ramos để lại ở Los Blancos. 16 năm đã trôi qua, và sau ngày mai, sau buổi lễ chia tay, tất cả sẽ chỉ còn là kỷ niệm.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina. 

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn. 

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.