“Scanning” - Quét khối trong nghệ thuật săn bàn của Erling Haaland

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Bảy 29/10/2022 11:16(GMT+7)

Zalo

Ghi 17 bàn ở Premier League và thêm 5 bàn nữa ở Champions League, Erling Haaland đang dẫn đầu cuộc đua Chiếc giày vàng châu Âu vào thời điểm hiện tại. Trong số nhiều những kỹ năng làm nên cỗ máy săn bàn Erling Haaland, nghệ thuật scanning (quét khối) đóng vai trò quan trọng. 

Thời điểm chân sút người Na Uy cập bến Etihad, không ít người tự hỏi liệu một mẫu tiền đạo chỉ chăm chăm dứt điểm, ám ảnh với việc săn bàn như Haaland có phải là số 9 mà Pep Guardiola cần trong hệ thống vận hành ở Man City. Hay như, liệu chiến lược gia người Tây Ban Nha sẽ gò lối chơi của Haaland vào khuôn mẫu mà ông muốn, hay chính Man City sẽ tự thay đổi để phát huy tối đa thế mạnh của Haaland. Giờ đây, nhiều người lại bảo, đặt một chân sút giỏi khác vào hàng ngũ Man City, anh ta cũng sẽ ghi bàn ầm ầm như Haaland. 

Xung quanh thành công của một cầu thủ, những sự nghi ngờ, những sự đánh giá thấp, đôi khi “dìm hàng” ắt sẽ tồn tại. Nhưng mặc kệ – cũng như cách Haaland bỏ ngoài tai việc nhiều người cứ hay mang những thông số về các pha chạm bóng mỗi trận của anh ra để xì xào – tiền đạo người Na Uy vẫn cứ ghi bàn và sẵn sàng chinh phục những cột mốc mới. 

Scanning – quét khối là gì?

Cách đây gần đúng 1 năm, Giáo sư Geir Jordet người Na Uy tại ĐH Thể thao Na Uy chia sẻ một công trình nghiên cứu do ông và các cộng sự thực hiện về việc scanning (tạm gọi là “quét khối”) có mối liên hệ ra sao với vai trò/vị trí trên sân của các cầu thủ, có ảnh hưởng ra sao tới các quyết định xử lý tiếp theo của cầu thủ,… 

Khi đó, Geir Jordet dựa trên quá trình thu thập, đo lường và phân tích số lần scanning/giây của 250 cầu thủ chuyên nghiệp và 200 cầu thủ trẻ được tiến hành từ năm 1997, với 10 công trình nghiên cứu khoa học được xuất bản, đi đến vài kết luận sau:

(Trước tiên, Scanning là hành động quan sát xung quanh thay vì nhìn về quả bóng trong quãng thời gian 10 giây trước khi nhận bóng – theo định nghĩa của Geir Jordet)

•    Những cầu thủ giỏi nhất thường quét khối với tần suất cao, họ nhìn toàn cục trận đấu, trong khi những người khác nhìn nhiều hơn vào quả bóng;

•    Quét khối thường xuyên thường song hành với tỷ lệ chuyền bóng chính xác cao và nhiều đường chuyền hướng phát triển về phía trước;

•    Các tiền vệ là những người quét khối nhiều nhất, các tiền đạo (trung phong) thì ít nhất;

•     Trong số các cầu thủ được phân tích của Geir Jordet, Xavi Hernandez là cầu thủ có số lần quét khối trung bình mỗi giây nhiều nhất: 0,83 lần/giây;

•    Quét khối là hành động quan trọng trong khâu phòng ngự. Một công trình nghiên cứu của Geir Jordet và các sinh viên chỉ ra: Những hậu vệ ở Premier League khi tìm cách bảo vệ vùng 16m50 trước các quả tạt thường có định hướng mở rộng cơ thể nhiều hơn và quét khối thường xuyên hơn;

•    Trong khoảng thời gian giữa các pha chạm bóng của đồng đội, những cầu thủ đẳng cấp cao không nhìn vào quả bóng, họ nhìn vào những diễn biến khác trên sân;

•    Kết hợp với các nghiên cứu khoa học khác về khả năng quan sát của mắt, những cầu thủ đẳng cấp cao có tốc độ quét khối nhanh hơn (90% các cầu thủ đẳng cấp cao quét khối dưới 0,7 giây) và hiếm khi dán mắt vào một chỗ (chỉ chiếm khoảng 3% tổng số lần quét khối);

•    Và quan trọng, bản thân hành động quét khối là chưa đủ. Để tận dụng được lợi ích từ việc quét khối, các cầu thủ cần biết chọn lực thông tin và chuyển hóa nó thành hành động. Điều này phụ thuộc vào các hoạt động mang tính nhận thức phức tạp của não bộ. Quét khối từ đó đóng vai trò cung cấp thông tin có thể quan sát được và trở thành tiền đề để sắp xếp thông tin trong não bộ;

•    Chưa hết, quét khối có thể được chỉ dẫn, rèn luyện. Nhiều cầu thủ đẳng cấp cao ngay từ khi còn rất trẻ đã được chỉ dạy về việc quan sát xung quanh thay vì chỉ nhìn vào quả bóng (Geir Jordet – một người Na Uy – tiết lộ rằng từ năm lên 8, Martin Odegaard đã được cha anh dạy về kỹ năng quan sát). Các bài tập hướng đến khả năng quan sát, xử lý thông tin và thực hiện hành động được thiết kế lặp lại nhiều lần giúp tăng cường khả năng quét khối của cầu thủ. Công nghệ hoàn toàn có thể được sử dụng để rèn luyện khả năng quét khối;

•    Cuối cùng, như một sự nhấn mạnh, Geir Jordet khẳng định việc quét khối không phản ánh tất cả về khả năng nhận thức/đọc trận đấu của cầu thủ, nhưng quét khối là hành động cụ thể có thể đo lường được, đánh giá và rèn luyện trên sân tập. Và việc tích hợp thêm những kiến thức về quét khối không hề thừa thải, vì nó chỉ có lợi hơn cho các cầu thủ, HLV, phân tích viên lẫn người hâm mộ mà thôi. 

Erling Haaland và scanning

Hôm 21 tháng 10 vừa qua, Sky Italia thực hiện một video dựa trên các dữ liệu và nghiên cứu của Geir Jordet, tiến hành phân tích khả năng quét khối của Erling Haaland tại Premier League, với một số hình ảnh được trích xuất từ vài trận đấu mà tiền đạo người Na Uy ghi bàn/dứt điểm. 

Theo kết quả nghiên cứu của Geir Jordet, khi so sánh số lần scanning trung bình trong mỗi giây ở các nhóm cầu thủ của từng vị trí trên sân, các tiền vệ trung tâm dẫn đầu với 0,53 lần scanning/giây, tiếp đến là các trung vệ và tiền đạo cánh (0,43 lần/giây), rồi đến các hậu vệ cánh (0,36 lần/giây) và cuối cùng là các trung phong (0,28 lần/giây).

“Scanning” - Quét khối trong nghệ thuật săn bàn của Erling Haaland 1
 

Có thể thấy, các trung phong/số 9 thường có tần suất quét khối ít nhất so với các vị trí khác trên sân. Nhưng theo kết quả đo lường của Geir Jordet, Erling Haaland ở Premier League trung bình mỗi giây thực hiện từ 0,35 đến 0,5 hành động quét khối. 

Geir Jordet chỉ ra có 3 mục tiêu mà Haaland hướng tới từ hành động quét khối: (1) tìm kiểm khoảng trống xung quanh vùng cấm để xâm nhập, (2) nhận biết thời gian và không gian mà bản thân có được một khi nhận bóng, (3) nhận biết vị trí của thủ môn để thực hiện các hành động tiếp theo từ vị trí xuất phát của bản thân. 

Một trong số các kết luận nổi bật của Geir Jordet về Erling Haaland và khả năng quét khối của cầu thủ này: “Erling không tập trung vào việc tham gia kết nối bóng, cậu ấy chỉ tập trung vào việc nhận bóng ở những thời điểm thích hợp nhất. Khi bóng ở giữa sân hoặc ở biên, Erling sẽ không tìm cách di chuyển đến các vị trí đó, vì cậu ấy muốn có mặt trước khung thành đối phương khi quả bóng tìm tới mình. Do đó, ngay cả khi không có bóng, Erling luôn chú tâm liên tục vào các vùng không gian xung quanh mình, đâu là nơi mình cần di chuyển tới, đâu là nơi cơ hội ăn bàn sẽ cao hơn.” 

Một số tình huống và hình ảnh được Sky Italia phân tích về khả năng quét khối của Erling Haaland như sau: 

•    Trong suốt tình huống dẫn tới bàn thắng quân bình tỷ số 2-2 (do Haaland thực hiện từ kiến tạo của Phil Foden) trước Crystal Palace hồi cuối tháng 8, tiền đạo người Na Uy có 5 hành động quét khối trong 6,8 giây, cho đến khi hoàn toàn tập trung vào đường bóng từ Foden. Nghĩa là Haaland ở tình huống này có khoảng 0,74 lần scanning/giây – con số rất cao;

“Scanning” - Quét khối trong nghệ thuật săn bàn của Erling Haaland 2
 

•    Ở tình huống ghi bàn đó, thời điểm quả bóng bắt đầu được Phil Foden khống chế, tất cả mọi cầu thủ của Palace lẫn City có mặt trong và ngoại vi vùng 16m50 đều hướng mắt tới quả bóng, ngoại trừ Haaland. Sau đó, Haaland đón đường tạt của Foden, đánh đầu thành bàn;

s4
 

•    Cũng trong trận ngược dòng thắng 4-2 trước Palace của City, ở tình huống bàn thắng ấn định và cũng là đánh dấu cú hat-trick của Haaland, thời điểm Gundogan tung ra đường chuyền, trong lúc di chuyển để nhận bóng, tiền đạo người Na Uy vẫn cố ngoáy đầu lại phía sau để quan sát và nhận biết người gần mình nhất là trung vệ Joel Ward. Khoảng cách giữa Ward với Haaland ở thời điểm có cú scanning đó là 3,86m. Những gì diễn ra tiếp theo là Haaland nhận bóng, dùng thân trên che chắn, khiến Joel Ward ngã nhào. Hành động quan sát ra phía sau trước lúc nhận bóng giúp tiền đạo người Na Uy làm chủ không gian và chuẩn bị cho các phương án đối phó;

s5
 

•    Một ví dụ khác là trong chiến thắng 2-0 của Man City trước West Ham, với cả 2 bàn đều do Haaland ghi. Ở bàn thứ hai, sau khi Kevin De Bruyne thực hiện pha chọc khe và Haaland di chuyển, tiền đạo 22 tuổi không nhìn vào bóng, anh nhìn về phía trước mặt, quan sát thủ môn đối phương. Sky Italia đưa ra các thông số sau ngay thời điểm Haaland quét khối: khoảng cách tới thủ môn là 22,13m và khoảng cách tới khung thành là 34,62m. Một lần nữa, điều muốn nhấn mạnh ở đây là Haaland quét khối để nhận biết không gian và thời gian mà bản thân có được trước khi nhận bóng, đánh giá vị trí thủ môn, cũng như khoảng cách tới khung thành, trước khi xử lý các bước tiếp theo;

 
s7

•    Và cuối cùng, Sky Italia đưa ra thêm một thông số để tham khảo khi so sánh một số chân sút ở 5 giải đấu hàng đầu châu Âu hiện tại. Khi so sánh Sadio Mane, Mbappe, Havertz, Vlahovic, Benzema và Haaland, chân sút người Na Uy hiện có số lần việt vị ít nhất (2 lần). 

“Scanning” - Quét khối trong nghệ thuật săn bàn của Erling Haaland 5
 

Với thể hình cao to, ai cũng dễ nhận ra Erling Haaland trên sân. Nhưng ở Man City, tiền đạo người Na Uy như một bóng ma. Và đó là một bóng ma chết chóc với các đối thủ. Nói Haaland là bóng ma trên sân, vì anh rất ít khi chạm bóng, rất ít tham gia vào khâu phối hợp, luân chuyển bóng với các đồng đội – một thứ mà xưa nay Pep Guardiola đều mong muốn ở các tiền đạo của mình. Nhưng bóng ma ấy lại chết người với hàng thủ đối phương. Bởi Haaland tuy chạm ít, nhưng cứ chạm là lại gây sát thương, là ghi bàn. Trong một tập thể mà chạm và chuyền bóng vốn là những thứ hết sức bình dân, Haaland biến chúng trở thành món hàng đắt giá. Và để những lần chạm ấy trở nên giá trị, Erling Haaland cần đến scanning. 

BLV Hoàng Thông (Le Foot)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow