Saul: Ngôi sao mất giá và làn gió mới cho nhà vua châu Âu

Tác giả CG - Thứ Bảy 11/09/2021 11:35(GMT+7)

Zalo

Bất chấp tương quan vị thế hoàn toàn trái ngược một trời một vực, một đội bóng đương kim vô địch Châu Âu và một cầu thủ sa sút và mất giá thê thảm, Chelsea và Saul Niguez đơn giản là vẫn cần có nhau.

Với những thất bại liên tiếp trong ngày cuối cùng ở cả chiều đi (Malang Sarr đến Greuther Furth) lẫn chiều về (Jules Kounde từ Sevilla), tưởng chừng như Chelsea đã phải kết thúc mùa hè chuyển nhượng nhộn nhịp của mình với một nốt trầm. Nhưng không, nhà đương kim vô địch Châu Âu đã có được bàn thắng phút 90 mang tên Saul Niguez theo dạng cho mượn, dù rằng thương vụ với Atletico Madrid cũng suýt chút nữa đổ bể vì khả năng không kịp thời gian hoàn thiện thủ tục giấy tờ và nộp lên các cơ quan có thẩm quyền ở Anh cũng như Tây Ban Nha.
 
Mặc dù vậy, giới mộ điệu không phải ai cũng thực sự hân hoan và vỡ òa với cú chốt kịch tính vào ban đêm này, thay vào đó luẩn quẩn trong tâm trí là những câu hỏi tại sao và vì sao xoay quanh bản hợp đồng thời vụ bất ngờ này: Chelsea chiêu mộ Saul Niguez để làm gì? Cầu thủ người Tây Ban Nha liệu có thực sự cần thiết?
 
Và ít nhất trên giấy tờ, đây cũng không phải là sự hoài nghi hoàn toàn vô căn cứ, với cơ sở lớn nhất nằm ở hàng tiền vệ trung tâm sân Stamford Bridge vốn sẵn dồi dào cả về chất và lượng, nếu không muốn nói có phần dư thừa. Tất cả đều đang đạt độ chín sự nghiệp, được vận hành trơn tru và kết hợp ăn ý để rồi thuyết phục đăng quang Champions League mùa giải vừa rồi. Một bộ khung trông có vẻ dường như không có chỗ cho những nhân tố mới lạ.

Saul Niguez
Ảnh: Chelsea FC
 
Bên cạnh đó, bản thân tân binh Saul cũng không còn là chính mình, khi anh sa sút phong độ và đã đánh mất chỗ đứng ở Wanda Metropolitano mùa giải vừa rồi, cũng như giá trị và vị thế của mình trên bình diện Châu Âu. Tất nhiên, Atletico chẳng phải tự dưng rao bán anh, thậm chí chấp nhận cho mượn kèm theo điều khoản mua đứt đối với cầu thủ trưởng thành từ chính lò đào tạo của mình cũng như đã là trụ cột quan trọng suốt gần cả thập niên trước.
 
Quay ngược thời gian trở về cùng thời điểm này cách đây mới chỉ 12 tháng, một lời đề nghị tầm cỡ 80 triệu Euro cho Saul có khi chưa đủ khiến Atletico quan tâm mà ngồi vào bàn đàm phán. Ngôi sao người Tây Ban Nha lúc đó đơn giản là món hàng hot được săn đón bởi các ông lớn Châu Âu, bất chấp điều khoản giải phóng hợp đồng lên đến 150 triệu Euro. Anh là một mẫu tiền vệ con thoi (box-to-box) công thủ toàn diện, có thể thi đấu đa năng với nhiều vị trí và vai trò, chưa kể khả năng ghi bàn ấn tượng, thậm chí cái duyên trong các trận đấu lớn, đối với một cầu thủ đảm nhiệm trung tâm tuyến giữa là chủ yếu.
 
Song, một năm quả thực là khoảng thời gian dài trong bóng đá, mọi thứ ở Wanda Metrolitano đã thay đổi hoàn toàn 180 độ. Trước khi Chelsea xuất hiện và giải cứu, không chỉ riêng sự nghiệp đang chững lại của Saul mà cho cả Atletico, bởi lẽ nhà đương kim vô địch La Liga cũng đang chật vật chào mời các đối tác và tìm mọi cách có thể để đẩy ngôi sao người Tây Ban Nha của mình đi càng sớm càng tốt, nhất là sau khi đích thân anh đã lên tiếng công khai đòi ra đi vì những bất đồng về chuyên môn với HLV Diego Simeone.
 
Dẫu vậy, xung quanh họ chỉ toàn những cái lắc đầu nhận lại, đơn cử Barcelona chỉ đồng ý trả về Antoine Griezmann chứ không phải một màn trao đổi, hay Bayern Munich chủ động rút lui vì muốn thắt chặt chi tiêu hơn. Thậm chí như Manchester United, bất chấp rất cần gia cố khu vực trung tuyến, có những mối ưu tiên khác sáng giá hơn nên cũng chẳng tỏ ra quá hào hứng mặn mà với một Saul vốn trên lý thuyết có thể “gãi đúng chỗ ngứa” của họ, dù rằng anh cũng từng là mục tiêu theo đuổi ở Old Trafford trong không ít kỳ chuyển nhượng từ trước.
 
Mất giá thảm hại, điều gì đã xảy ra với Saul, khi anh từ một trụ cột chủ chốt trở thành người thừa không còn được trọng dụng ở Wanda Metropolitano? Nói rõ hơn về những bất đồng chuyên môn với Simeone nêu trên, tiền vệ sinh năm 1994 chia sẻ rằng ông thầy người Argentina đã xoay tua và thay đổi xoành xoạch vị trí thi đấu của anh suốt ba năm qua, không còn cho anh chơi đúng sở trường thường xuyên và cám cảnh đánh mất chính mình tựa như hệ quả hiển nhiên kéo theo. Không đến nỗi chỉ trích nặng nề, nhưng Saul cũng mang hàm ý trách móc Simeone vì đã quá lạm dụng sự đa năng và sức chiến đấu cơ động của mình, thậm chí từng có lúc xếp anh đá dạt cánh, hay từ trung vệ, hậu vệ biên lên tận tiền đạo lùi, số 9 ảo.

Saul
Ảnh: Getty Images
 
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nhìn nhận một cách công bằng thì Saul vẫn nên trách bản thân mình trước hết, và có lẽ cả thế thời như yếu tố khách quan, từ chấn thương đến những nhân tố mới ở Wanda Metropolitano. Cốt lõi điển hình ở đây là xuất hiện từ hai năm nay của Marcos Llorente, bản hợp đồng chuyển nhượng trực tiếp hiếm hoi giữa Atletico và hàng xóm kình địch Real Madrid, đã khiến anh không còn là cầu thủ xuất sắc nhất ở vị trí số 8 trung tâm ưa thích của mình.
 
Ngoài ra, điều này còn móc nối với cả những xáo trộn nhân sự trên hàng tấn công, với sự ra đi của Diego Costa để nhường chỗ cho Luis Suarez từ Barcelona hồi đầu mùa giải năm ngoái. Cả hai có thể đều là những chân sút làm bàn xuất sắc, nhưng phong cách chơi bóng giữa mỗi người về cơ bản là có sự khác biệt. Nói một cách dễ hiểu, Costa có xu hướng quay lưng về phía khung thành đối phương, còn ngược lại Suarez thì quay mặt.
 
Đồng nghĩa rằng, Costa phối hợp tập thể tốt hơn, không chỉ tự mình săn bàn mà còn chịu khó làm tường hoặc giữ vai trò chim mồi để tạo điều kiện cho các đồng đội tuyến dưới dâng lên cao tạo sự đột biến, thế nên lối chơi “con thoi” và cái duyên ghi bàn của Saul được phát huy tối đa. Nhưng trong khi đó, Suarez lại là mẫu tiền đạo thiên về độc lập tác chiến và đòi hỏi nhiều không gian hoạt động hơn, và vô hình chung kiềm hãm điểm mạnh nêu trên của Saul để tránh giẫm chân nhau trên hàng công. Atletico giờ không còn cần đến những pha xâm nhập bất ngờ từ anh nữa, thay vào đó ưu tiên tập trung nhồi bóng cũng như khai thác tốc độ và khả năng dứt điểm, kết liễu đối phương của mũi nhọn người Uruguay hay cả Angel Correa.
 
Ngôi vương La Liga mùa giải vừa rồi là minh chứng rõ ràng cho thành công của sự điều chỉnh chiến thuật này của Simeone, vậy nên cũng chẳng có lý do gì để ông không tiếp tục vận hành nó cho Atletico ít nhất trong năm nay. Hiển nhiên, Saul vẫn sẽ không có chỗ đứng vững chắc trong đội hình xuất phát, hoặc tiếp tục phải chơi trái vị trí sở trường, và chính đây là giọt nước tràn ly khiến anh quyết tâm ra đi.
 
Chia sẻ về quyết định dứt áo khỏi mái nhà đã gắn bó 13 năm, tiền vệ người Tây Ban Nha cho biết: “Tôi luôn quý trọng và mang ơn Diego, hiểu rằng ông ấy cần phải ích kỷ nghĩ cho cả tập thể hơn bất cứ cá nhân nào, không thể làm khác được. Nhưng tôi cũng đã phải chơi nhiều vị trí khác nhau suốt ba năm nay và mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn đó. Sau khi lời yêu cầu bị Diego từ chối, tôi quyết định mình phải thay đổi, cần phải tự thoát ra để bứt phá. Và Chelsea đã đến ban cho cơ hội đó, với lời hứa sẽ trả tôi về đúng nơi mình thuộc về trên sân bóng”.
 
Không đơn giản chỉ là chiếc phao cứu sinh để bấu víu trong lúc hoảng loạn, Saul thực sự cũng đã phải cân nhắc kỹ lưỡng về lời đề nghị của Chelsea trước khi chính thức nhận lời đồng ý. Và có lẽ, cú hích quan trọng tác động lên cái gật đầu của anh chính là một tân binh khác ở Stamford Bridge kỳ chuyển nhượng mùa hè này – Romelu Lukaku. Tại sao? Bởi vì đơn giản, chân sút người Bỉ có nhiều nét tương đồng trong lối chơi giống với Diego Costa, cạ cứng cũ của Saul ở Atletico, hơn là Luis Suarez.
 
Tức là, bản hợp đồng kỷ lục 115 triệu Euro cũng chịu khó làm tường và liên kết với các mắt xích xung quanh, phong cách rất phù hợp cho Saul tự do dâng cao và hỗ trợ nhau qua lại để tìm kiếm bàn thắng. Thậm chí, nếu không phải Lukaku mà là Timo Werner hoặc Kai Havertz sắm vai trung phong, hay kể cả Olivier Giroud còn ở lại Chelsea đi chăng nữa, Saul vẫn có đất diễn vì xu hướng phối hợp đồng đội của hai tiền đạo này.

Saul Niguez
Ảnh: Getty Images
 
Có một vấn đề còn vướng phải tâm lý hoài nghi như chia sẻ từ đầu bài, đó là Saul sẽ chen chân thế nào vào hàng tiền vệ bất khả xâm phạm và thậm chí dư thừa đôi chút của Chelsea? Ở đó có những con người đã cùng nhau đăng quang Champions League mới chưa đây bốn tháng trước và khó có khả năng bị Thomas Tuchel loại bỏ khi đang bước vào độ chín sự nghiệp, bao gồm bộ tam tấu Jorginho, N’Golo Kante và Mateo Kovacic.
 
Tuy nhiên, mấu chốt nằm ở chỗ Saul sở hữu lối chơi khác biệt trông thấy so với cả ba người đồng đội mới của mình, ít nhất ở khía cạnh tích cực dâng cao hỗ trợ tấn công và tạo ra nhiều phương án chiến thuật đa dạng hơn cho Chelsea. Ngoài ra, tân binh tới từ Atletico còn có một số điểm mạnh vượt trội những Jorginho, Kante hay Kovacic, đó là khả năng ghi bàn hay thể hình cao 1m84, thuận lợi hơn hẳn cho những pha tranh chấp tay đôi hay không chiến tuyến giữa đặc sản của bóng đá Anh. Trong khi đó, bản thân anh vốn đã được tôi luyện sự kiên cường và quyết liệt trong phòng ngự mang đậm tố chất từ ông thầy cũ Simeone.
 
Với Saul trong tay, sự thăng hoa khác biệt sẽ được tạo ra, đặc biệt khi được kết hợp với Lukaku trong đội hình xuất phát, và lối chơi của Chelsea sẽ trở nên đa dạng, thiên biến vạn hóa và khó đoán, nguy hiểm hơn. Hay nghĩ một cách đơn giản, tân binh người Tây Ban Nha sẽ làm dày lực lượng ở Stamford Bridge, điều rất cần thiết cho nhà đương kim vô địch Champions League nếu muốn chinh phục thêm một mùa giải thành công nữa không chỉ mỗi đấu cúp, nhất là khi chinh chiến ở mặt trận đường dài như Premier League.
 
Bên cạnh đây, câu chuyện hòa nhập có lẽ cũng không quá đáng ngại đối với Saul. Bỡ ngỡ đến với môi trường bóng đá và cả văn hóa mới mẻ, tiền vệ sinh năm 1994 sẽ thích nghi nhanh chóng và tốt hơn, với sự giúp đỡ ban đầu từ hội đồng hương đã có thâm niên và tiếng nói ở Stamford Bridge, bao gồm đội trưởng Cesar Azpilicueta, hậu vệ Marcos Alonso hay nhất là thủ môn Kepa Arrizabalaga, cậu bạn thân đồng niên đã quen biết và gắn bó lâu năm ở nhiều cấp độ đội tuyển Tây Ban Nha.
 
Tất nhiên, lý thuyết là vậy nhưng đâu thể sớm đảm bảo được gì, và thứ quan trọng hơn tất thảy vẫn phụ thuộc vào bản thân Saul, với những nỗ lực hồi sinh phong độ, cải thiện thể chất, lấy lại sự tự tin, để từng bước xây dựng chỗ đứng và cạnh tranh sòng phẳng cho một suất đá chính ở Stamford Bridge. Chẳng có gì là dễ dàng hết cả, tân binh người Tây Ban Nha đủ ý thức rõ điều đó, nhưng anh đơn giản đã sẵn sàng đối diện và đón nhận mọi cơ hội cũng như thử thách trên đất Anh:
 
“Thật khó khăn để rời bỏ nơi mình đã gắn bó từ năm 13 tuổi, thậm chí phải xa gia đình và cả đất nước này, có thể nói là quyết định rủi ro nhất trong cuộc đời tôi. Song, tôi nghĩ rằng đây là những gì đúng đắn mình nên làm vì sự nghiệp, cảm thấy bản thân cần bước ra khỏi vùng an toàn để hy vọng có được sự bứt phá hơn. Chelsea là một đội bóng lớn và rất mạnh, với mức độ cạnh tranh khốc liệt ở đẳng cấp cao nhất, nhưng tôi đến đây để chiến đấu và tin tưởng vào thành công, ít nhất có thể được thấy lại một Saul như mọi người từng biết trong quá khứ.”
 
Với chấn thương mắt cá mới đây của Kante, đó chính là tấm vé điền tên Saul vào danh sách xuất phát của Chelsea ngay thời gian tới, sớm nhất là màn ra mắt trước Aston Villa ngày 11/9. Cờ sẽ lập tức đến tay tiền vệ tân binh sinh năm 1994, còn lại tận dụng phất được hay không hoàn toàn phù thuộc ở anh. Thú vị thay, một cầu thủ không có chỗ đứng trong đội hình nhà vô địch Tây Ban Nha nhưng lại có thể tỏa sáng trong màu áo nhà vô địch Châu Âu, biết đâu đấy…
 
Hải Đường
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow