Sau tất cả mình lại trở về với nhau

Tác giả CG - Thứ Bảy 28/08/2021 09:14(GMT+7)

12 năm sau ngày chia tay, Manchester United và Cristiano Ronaldo lại tái hợp. Mọi khoảnh khắc đẹp lại ùa về với những cổ động viên Quỷ đỏ khi mọi thứ tưởng như mới ngày hôm qua.

Năm 2003, khi Cristiano Ronaldo được giới thiệu với toàn đội trên sân tập sau khi gia nhập Manchester United, John O’Shea nói đùa rằng anh xứng đáng nhận được phí lót tay cho thương vụ này. Đơn giản vì trong trận giao hữu giữa Quỷ đỏ và Sporting Lisbon trước đó không lâu tại Bồ Đào Nha, chính sự bất lực của hậu vệ người CH Ireland đã làm nền cho Ronaldo tỏa sáng. 
 
Dù trước khi đưa Ronaldo về, Sir Alex Ferguson đã biết đến chàng trai trẻ người Bồ Đào Nha và bản thân có ý định theo dõi thêm, song sau trận giao hữu ấy ông quyết định phải chiêu mộ Ronaldo cho Man United ngay lập tức. Và phần còn lại là lịch sử: một trong những bản hợp đồng thành công nhất mọi thời đại của Quỷ đỏ, một cầu thủ với ý chí tuyệt vời đã vươn lên hàng ngũ những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử. 
 
Từ sau trận giao hữu đó, Ronaldo đã đi một hành trình dài, để rồi giờ đây anh quay về với mái nhà Man United, nơi vẫn còn rất nhiều cổ động viên yêu thương anh, nơi có vị HLV trưởng là người anh, người đồng đội năm xưa; và là nơi có một vị cha già đã hết mực tin tưởng anh.

Cristiano Ronaldo đã quay Manchester United sau 12 năm
 
Đây có lẽ sẽ là một trong những kỳ chuyển nhượng đáng nhớ nhất lịch sử bóng đá thế giới. Manchester City có bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Premier League. Real Madrid đang ở rất gần với việc có được Kylian Mbappe, biểu tượng bóng đá của thập kỷ này. Paris Saint-Germain có được cả đội trưởng Real Madrid lẫn Barcelona trong cùng một mùa hè, trong đó, Lionel Messi chia tay Barca sau 21 năm gắn bó.
 
Và hiện tại, bom tấn mang tên Cristiano Ronaldo xứng đáng là một điểm nhấn tiếp theo của kỳ chuyển nhượng này. Diễn biến của thương vụ diễn ra chóng vánh và cực kỳ giàu tính cao trào. Ngay khi có những tin đồn về việc Man United nhảy vào cuộc chơi chiêu mộ Ronaldo và khi hai phía ngày càng gần nhau hơn, sự sôi động đã tăng lên trên khắp các diễn đàn bóng đá. Thậm chí, sau phiên giao dịch hôm qua, giá cổ phiếu của Quỷ đỏ trên sàn chứng khoán New York đã tăng 5,84% ngay sau khi tin đồn Ronaldo trở về Old Trafford.
 
Mọi thứ nhanh và bất ngờ đến mức không tưởng. Và có lẽ rất nhiều ký ức, những mảng màu tươi đẹp, những tấm ảnh, thước phim của năm tháng cũ lại ùa về với những người hâm mộ Quỷ đỏ. Đó là trận đấu chính thức đầu tiên và Ronaldo đã làm khổ những Nicky Hunt, Kevin Nolan hay Ricardo Gardner của Bolton; là siêu phẩm vào lưới Porto; là cú bật nhảy ghi bàn ở trận chung kết Champions League 2007/2008,...

Giá cổ phiếu của Manchester United tăng 5,84% trên sàn giao dịch New York
 
Ronaldo xuất phát điểm là một cầu thủ ham dê rắt, phô trương kỹ thuật. “Tôi yêu những cú lừa, lắc vai, đảo chân vượt qua đối thủ. Tôi biết điều đó làm mọi người tức giận, nhưng tôi không cố trêu tức đối phương. Đấy là phong cách của tôi thôi”, Ronaldo ở thời kỳ đầu sự nghiệp đã chia sẻ như vậy. 
 
Chính phong cách đó đã khiến O’Shea bất lực và đưa Ronaldo tới Old Trafford nhanh hơn, nhưng khi đã trở thành người của Quỷ đỏ, anh lại khiến các đồng đội không hài lòng bởi thói quen ấy.  “Khi mới tới đây, suy nghĩ của cậu ấy là giải trí. Nhưng chúng tôi thì muốn thắng. Chúng tôi biết nếu cậu ấy có ‘đầu ra’ hiệu quả, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội gặt hái thành công hơn”, Rio Ferdinand nói. 

Có một chi tiết mà có lẽ ít được nhắc đến ở Ronaldo chính là việc khi còn ở đội trẻ Sporting Lisbon, anh thường được xếp đá tiền đạo giữa chứ không phải cầu thủ chạy cánh. Chính vì thế, khi Sir Alex cử trợ lý Jim Ryan tới Bồ Đào Nha để theo dõi Ronaldo, báo cáo mà vị trợ lý này gửi tới HLV trưởng Man United thời điểm đó có đoạn: “Tôi nghĩ cậu ấy là cầu thủ chạy cánh, nhưng lúc này lại đang được xếp đá tiền đạo ở đội trẻ”. Trong khi đó, Jose Mourinho thì so sánh như sau: “Lần đầu thấy cậu ấy, tôi đã nghĩ ‘đó hẳn phải là con trai của Marco van Basten’. Cậu ấy là tiền đạo và rất tinh tế”.
 
Có lẽ vì nhìn ra tiềm năng của một cây săn bàn bên trong cậu học trò nên khi Man United chia tay Ruud van Nistelrooy vào mùa hè 2006, Sir Alex đã không bổ sung bất cứ tiền đạo nào khỏa lấp vị trí của chân sút người Hà Lan. Ông quyết định tin tưởng Wayne Rooney và Ronaldo, hai tài năng trẻ sáng giá bậc nhất thế giới.

Trận đấu đầu tiên của Ronaldo cho Man United. Ảnh: Getty Images
 
Kể từ khi Ronaldo đến Man United vào tháng 8 năm 2003 với giá 12,7 triệu bảng, anh và Ferguson đã đặt cược 100 bảng với nhau xem anh sẽ ghi bao nhiêu bàn mỗi mùa. Mùa giải đầu tiên mục tiêu là 10 bàn thắng, Ronaldo thua. Mùa giải 2004/2005 con số tăng lên 15, anh lại thua. Mùa giải 2005/2006 kết quả cũng như vậy, nhưng năm nào Ferguson cũng từ chối nhận tiền chiến thắng.
 
Đến mùa giải 2006/2007, Ronaldo nâng mức đặt cược lên 400 bảng và thắng vào tháng 2. Bàn thắng thứ 15 của anh trong mùa giải đến ở phút 78 trong cuộc lội ngược trước Fulham. Lần này, đến lược Ronaldo từ chối nhận tiền của Ferguson.
 
Và có một Ronaldo “mới” đã được khai sinh, một cầu thủ đã tập trung vào giá trị cốt lõi đó là sự hiệu quả thay vì những tình huống “vẽ vời” thừa thãi và phù phiếm. Nhưng mùa giải 2006/2007 chỉ là điểm khởi đầu. Đầu năm 2007, Rene Meulensteen trở lại Old Trafford sau 6 tháng dẫn dắt Brondby không thành công, và HLV người Hà Lan thực sự góp công lớn trong việc khai phá tiềm năng của CR7.
 
Meulensteen nói với Ronaldo sau khi khi mùa giải 2006/2007 khép lại rằng: “Cristiano này, tôi đã xem các bàn thắng của cậu mùa trước và cậu chỉ ghi 23 bàn vì lúc nào cậu cũng muốn ghi bàn thắng thật hoàn hảo. ‘Hãy nhìn tôi này! Góc trên!’. Những cá nhân quan trọng nhất là những người nâng tầm đội bóng chứ không phải chính họ. Có thể cậu nghĩ ngược lại, nhưng không. Hãy nâng tầm đội bóng và đội bóng sẽ nâng tầm lại cậu”.
 
Họ làm việc liên tục với nhau, phân tích các video của Alan Shearer và Thierry Henry để cải thiện kỹ năng dứt điểm. Họ phân tích và tập luyện ở 3 khu vực: Trước khung thành; 2 cánh; Ngoài vòng cấm. Và Ronaldo ngày càng trở nên đáng sợ.

Sir Alex Ferguson luôn yêu thương và tin tưởng Ronaldo. Ảnh: Getty Images
 
Meulensteen đã hỏi Ronaldo có thể ghi bao nhiêu bàn ở mùa giải 2007/2008? Khoảng 30 đến 35, đó là câu trả lời mà CR7 đưa ra. Nhưng Meulensteen quả quyết: “Tôi nghĩ cậu có thể ghi 40 bàn”. Cuối cùng, anh khép lại mùa giải với 42 pha lập công cùng thêm hai chiếc cúp Premier League và Champions League danh giá.
 
Man United đã tạo nền tảng để Ronaldo có được ngày hôm nay, bên cạnh ý chí và thái độ chuyên nghiệp tuyệt đối của anh. Lúc này, hiện diện ở Man United vẫn là Cristiano Ronaldo nhưng không còn là cậu nhóc gầy gò với biệt danh “Sợi bún” năm xưa nữa. Đó là một người đàn ông đã có một sự nghiệp viên mãn và sự bền bỉ. Mùa giải trước, Ronaldo là vua phá lưới của Serie A. Thống kê từ FBRef chỉ ra mùa giải 2020/2021, chỉ số bàn thắng kỳ vọng của anh ở Serie A là 26,5 và thực tế anh đã ghi tới 29 bàn.
 
Chưa thể nói trước kết quả của chuyến trở lại này sẽ ra sao, nhưng trước mắt, đó là một động thái để chúng ta có thêm sự kỳ vọng vào Man United và Ronaldo ở mùa bóng này.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kieran McKenna: Vua về nhì của Ipswich Town

Ở 2 mùa giải gần nhất, Kieran McKenna 2 lần cùng Ipswich Town về nhì, nhưng chẳng có gì phải buồn hay tiếc nuối, vì cả 2 lần về nhì kể trên đều mang lại niềm vui cho mọi CĐV của CLB này.

Có một Jadon Sancho tự tin và kiêu hãnh ở Dortmund

Jadon Sancho rời Dortmund gia nhập Man United vào mùa Hè 2021. Ba mùa giải cuối cùng cho Dortmund trước khi cập bến "Quỷ đỏ", tổng thành tích ghi bàn và kiến tạo mỗi mùa của Sancho luôn là +29 G/A. Trong 2 mùa giải rưỡi khoác áo MU trước khi trở lại Dortmund theo Hợp đồng cho mượn, Sancho chỉ đặt dấu giày vào… 18 bàn.

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.