Sandro Tonali: Milanista có giao diện Pirlo kèm hệ điều hành Gattuso và De Rossi

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 27/06/2023 19:28(GMT+7)

Rốt cuộc, trên cánh tay trái của chàng trai ấy vẫn còn đủ chỗ. Sandro Tonali đã xăm hình chú chó Margot của anh, sinh nhật của bà ngoại và số áo cũ trước khi bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp tại Bresica. Một năm trước, anh đã quyết định bổ sung thêm một hình xăm khác, đó là chiếc cúp Campioni d’Italia. Cách đó không lâu anh đã được tự tay nâng hàng thật, và đây cũng là chức vô địch quốc gia đầu tiên của AC Milan kể từ mùa giải 2010-11.

 

Cha của anh, ông Giandomenico, là “một trong các curva” – một ultra (fan cực đoan) đến từ Lodi, cổ vũ Rossoneri từ trên khu khán đài Sud trong các trận đấu trên sân nhà và hành quân cùng họ đến các trận đấu trên sân khách. Tình yêu dành cho Milan đó đã được truyền lại cho cậu con trai của ông. Tuy nhiên, chiếc áo đấu hàng fake đầu tiên mà Tonali sở hữu lại là của một đội bóng Premier League. Không phải là Newcastle United, đội bóng mà anh sẽ khoác áo trong mùa giải tới, mà là Chelsea, với tên và số của Frank Lampard ở mặt sau – nhưng, từ thuở còn là một cậu bé, trái tim anh luôn chỉ có Milan. 

Anh chỉ vừa tròn 7 tuổi khi Rossoneri đánh bại Liverpool trong trận chung kết Champions League năm 2007, và có lần đầu tiên đến xem một trận đấu ở San Siro khoảng 1 tháng trước sinh nhật 10 tuổi. Ngày hôm ấy, đối thủ của Milan là Chievo. Ở hàng thủ có sự hiện diện của Thiago Silva. Andrea Pirlo, David Beckham và Ronaldinho là những người lần lượt thực hiện các tình huống cố định. Clarence Seedorf là người ghi bàn mang về chiến thắng cho Milan ở những phút bù giờ với một cú sút đẳng cấp vào góc cao khung thành. “Đó là một trận đấu tệ hại,” Tonali hồi tưởng. “Nhưng bàn thắng đó thì hết chỗ chê.” 

“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra nổi cảnh mình sẽ được chơi bóng ở đó, trong chiếc áo đấu đó,” Tonali tâm sự. 

 

Thời còn là một cậu bé, anh đã chơi bóng trong màu áo Rossoneri tại Lombardia Uno, một trường dạy bóng đá ở rìa thị trấn có liên kết với Milan. Hai cậu con trai của Paolo Maldini là Daniel và Christian cũng từng theo học tại đây, và các tuyển trạch viên từ Milan thường tới đây để tổ chức những đợt thử sức. Thuở ban đầu Tonali là một tiền đạo, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó anh đã trở thành một tiền vệ. Hồi ấy Milan chẳng biết phải làm gì với anh cả. Họ đã có 2 lần quyết định không đưa anh vào học viện của CLB. “Sai lầm tương tự đã xảy ra rất nhiều lần trong thế giới bóng đá,” hiệu trưởng Davide Gatti của Lombardia Uno chia sẻ với The Athletic. “Không dễ để đánh giá và dự đoán tiềm năng của một cầu thủ ở độ tuổi đó.”

Nằm gần đó, CLB Piacenza Calcio 1919 ở Piacenza, quê hương của hai anh em Inzaghi, đã quyết định đánh cược vào Tonali. Khi họ phá sản vào năm 2012, một trong những người thầy của anh là Gianluca Balestri đã đưa anh đến một CLB khác trong vùng là Brescia. 

Không mất nhiều thời gian để Tonali tạo nên một cơn sốt xoay quanh anh.

Chàng trai này đã có trận ra mắt cho đội một ở tuổi 17, trong một cuộc chạm trán với Avellino ở Serie B. Vị trí thi đấu ngay trước mặt hàng thủ, mái tóc nâu dài và chiếc áo đấu Brescia của anh đã khiến hầu hết mọi người đưa ra những nhận định sai lầm nặng nề về tiền vệ này. Các đoạn video trên Youtube, những diễn đàn trên mạng xã hội và các diễn đàn Football Manager đều cho rằng Tonali chính là Andrea Pirlo mới. 

Sandro Tonali trong màu áo của Brescia

“Chuyện này đã khiến tôi hơi bực mình,” Tonali thừa nhận. Giới truyền thông muốn lời tiên đoán này trở thành sự thật và thực tế là những gì diễn ra trên sân cỏ đã mang đến căn cứ cho sự mong mỏi đó, càng khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn. Tại Serie B, Tonali được cầm bóng nhiều hơn và có thể thực hiện những đường chuyền ảo diệu như trong phim Hollywood. Hàng tiền vệ hình kim cương mà Brescia thi triển cũng chính là đội hình đã góp phần tạo nên câu chuyện thần thoại về vai trò “Regista” – một “đạo diễn” trên sân đấu với nhãn quan tuyệt luân. Những điều đó đã mang đến một lời xác nhận rằng những gì mà mọi người muốn thấy hoàn toàn có khả năng trở thành sự thật. 

Pha đá phạt thành bàn của Tonali trước Genoa vào tháng 10 năm 2019 sau khi cùng Brescia thăng hạng lên Serie A đã càng củng cố niềm tin về sự xuất hiện của một “Pirlo mới”. Nhưng mọi người đã chẳng màn để ý đến cái thực tế là trong pha bóng ấy ý định của Tonali rõ ràng là thực hiện một quả tạt hướng đến cột xa. “The New Pirlo?” là cái tên được kênh YouTube chính thức của Serie A đặt cho video ghi lại bàn thắng này. 

Truyền thông đồn đoán nhiều về việc Tonali sẽ là một Pirlo mới của Italia

Giữa cơn bão kỳ vọng mang tên “The New Pirlo” ấy, Tonali đã tuyên bố rằng cầu thủ mà anh lấy làm hình mẫu cho lối chơi của mình không phải là Pirlo mà là Gennaro Gattuso. Khi Milan ký hợp đồng với anh từ Brescia, ban đầu là dưới dạng cho mượn vào tháng 9 năm 2020, số áo mà anh yêu cầu được mặc chính là số 8 của Gattuso.

Tonali đã gọi điện thoại cho cựu tiền vệ này để xin phép và được phản hồi bằng vài lời khuyên. Anh được bảo rằng hãy sống và làm việc với tôn chỉ “antico”. Nghĩa đen của từ này là “già dặn”, nhưng ý của Gattuso là ông muốn Tonali sống theo những giá trị gia đình lâu đời và thể hiện sự tôn trọng chuẩn mực với chiếc áo đấu Rossoneri, với CLB. Anh phải chung tay vào nhiệm vụ duy trì truyền thống, bản sắc và những tiêu chuẩn không chỉ ở San Siro mà còn ở trung tâm huấn luyện Milanello nữa. 

Tonali đã làm theo lời khuyên đó theo cách riêng của anh. Dựa trên niềm vinh dự được chơi cho Milan và các tifo (người hâm mộ) của mình, anh đã đặt ra cho bản thân khuôn mẫu về một Cậu Bé Vàng chỉ được làm những điều đúng đắn. 

Nhưng mùa giải đầu tiên của Tonali ở Milan đã không diễn ra “thuận buồm xuôi gió”. Thi đấu ở San Siro hoàn toàn khác với khi thi đấu ở sân vận động Mario Rigamonti có sức chứa 16.000 khán giả của Brescia. Dựa trên lịch sử và truyền thống, thì Scudetto và Champions League chính là mục tiêu hàng đầu phải chinh phục. Chiếc áo đấu Rossoneri sẽ mang đến cảm giác nặng nề hơn, áp lực hơn. Khoác nó lên người, gánh vác những nghĩa vụ đi kèm với nó, là một bài test đã nghiền nát nhiều cầu thủ thậm chí còn tài năng hơn cả Tonali, và thực tế là anh đã phải cần đến một cơ hội thứ hai. Khi bản hợp đồng cho mượn kết thúc, Milan đã quyết định không kích hoạt điều khoản tuỳ chọn mua đứt tiền vệ này. Sau đó, họ đã thương lượng lại với Brescia để mua lại anh bằng một mức phí chuyển nhượng thấp hơn và Tonali cũng chấp nhận giảm lương để có được “cơ hội thứ hai” này.

 

Liệu anh có khi nào nghi ngờ bản thân mình không? “Không hề,” anh khẳng định. Nhưng mùa giải thi đấu theo dạng cho mượn ấy thực sự đầy gian lao, và sau khi nó kết thúc anh đã chẳng được góp mặt trong đoàn quân chinh phục Euro 2020 của ĐTQG Italy. “Tôi nghĩ một phần nguyên nhân là bởi tôi là một Milanista đích thực, bố tôi, các anh em của tôi và nhiều người bạn của tôi cũng vậy,” anh chia sẻ về năm ấy. “Tôi không muốn làm họ thất vọng.” 

HLV trưởng của Milan là Stefano Pioli cũng rất tin tưởng Tonali. 

“Hơn cả một HLV, ông ấy là một con người tuyệt vời,” Tonali chia sẻ. “Tôi nghĩ ông ấy đã nói chuyện với tôi nhiều hơn bất kỳ ai khác trong mùa giải đó. Ông ấy biết rõ những gì tôi đang phải trải qua khi ấy, và ông ấy cũng đang làm điều tương tự với những cầu thủ khác (như Charles De Ketelaere, cầu thủ đến từ Club Bruges của Bỉ) hiện đang có tình cảnh giống tôi hồi đó. 

“Thật may là mùa giải thứ hai của tôi ở Milan đã diễn ra cùng những sân vận động không khán giả (do các hạn chế về đám đông trong đại dịch COVID-19). Nhìn thì không giống vậy, nhưng bầu không khí ở San Siro thực sự là một vấn đề lớn đấy. Bối cảnh ấy đã giúp tôi có thể tĩnh tâm mà thi đấu. Tôi đã khao khát sự đột phá trong mùa giải thứ hai và ngay khi nó bắt đầu… trong tôi tràn ngập sự tự tin rằng mình sẽ làm được điều đó.”

Tonali đã thực sự lột xác. 

Anh đã giành lấy được cho bản thân một vị trí trong đội hình 2 tiền vệ trụ của Milan, bên cạnh Franck Kessie, và chính là người ghi bàn mang về chiến thắng cho đoàn quân của Pioli ở những phút bù giờ trong trận đấu với Lazio vào tháng 4 năm ngoái, giúp Rossoneri có được một bước tiến cực kỳ quan trọng trong cuộc đua Scudetto với Internazionale. Tonali nổi bật nhờ thể chất tuyệt vời hơn là sự hoa mỹ. Anh chính là cầu thủ có quãng đường di chuyển nhiều nhất trong tập thể Milan, và mặc dù không có tốc độ sánh bằng các đồng đội Theo Hernandez và Rafael Leao, nhưng anh gần như là cầu thủ cần mẫn nhất, máu lửa nhất trong đội, chỉ sau cầu thủ chạy cánh Alexis Saelemaekers.

Trong Tonali có sự kết hợp giữa 2 cái tên Gattuso và Pirlo

Tuy Maldini từng bảo rằng ông nhìn thấy sự kết hợp giữa Gattuso và Pirlo ở Tonali, và chính Pirlo cũng từng ca ngợi nhãn quan và khả năng phát triển bóng của chàng trai này, nhưng anh không phải là một cầu thủ kiến thiết lối chơi (playmaker) – trừ khi bạn tôn sùng quan điểm của Jurgen Klopp, rằng Gegenpressing chính là “playmaker” xuất sắc nhất thế giới. 

Nếu chúng ta tham khảo số liệu thống kê về các đường chuyền xuyên tuyến của StatsBomb, thì Tonali chỉ đứng vị trí thứ 44 trong số 70 tiền vệ ở Serie A, và đứng gần cuối danh sách khi xét về tỷ lệ thành công trong những đường chuyền đó (48%). 

Nhưng những con số trên chẳng thể “dìm hàng” được chàng trai này. Vào mùa giải trước, trong số các cầu thủ Milan, Tonali chỉ đứng sau Leao về số pha kiến tạo ở Serie A (7). Nhưng nếu bạn nhìn vào cả quá trình, thì những pha kiến tạo ấy là sự kết hợp giữa các pha dẫn bóng, thu hồi bóng đầy năng lượng, và những đường chuyền đưa bóng vào đường chạy của Leao để ngôi sao người Bồ Đào Nha thi triển khả năng rê dắt bóng tuyệt đỉnh của mình, cũng như một số pha phối hợp tốt trong các tình huống cố định. Nếu Tonali có xuất thân ở thủ đô và hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ của AS Roma, thì chắc chắn người ta sẽ so sánh anh với Daniele De Rossi thay vì Andrea Pirlo.

Nhưng dường như số phận của Tonali đã được định sẵn là sẽ trở thành một trụ cột của Milan, và anh cũng là một trong số những người đủ tư cách mang băng đội trưởng tại CLB này. Chỉ mới năm ngoái, Tonali đã khẳng định: “Tôi nhớ rõ mình đã phải trải qua những gì để đến được đây, để được như ngày hôm nay, và tôi sẽ không bao giờ rời bỏ đội bóng này. Ước mơ của tôi là trở thành một ‘bandiera’ tại Milan” – “bandiera” nghĩa là người giương cao lá cờ Rossoneri, giống như Paolo Maldini, Franco Baresi và Gianni Rivera trong quá khứ. Nhưng thế giới bóng đá ngày nay đã gần như chẳng còn chỗ cho sự lãng mạn nữa và thời đại của các bandiera cũng đã kết thúc. Giờ đây, sức quyến rũ từ lời đề nghị của các CLB giàu có nhất châu Âu là quá khó để từ chối – cả đối với CLB chủ quản và bản thân các cầu thủ. 

Gianluigi Donnarumma cũng từng được cho là sẽ trở thành biểu tượng mới của Rossoneri, nhưng rốt cuộc tình yêu từ thuở thơ ấu của anh dành cho CLB này đã hoàn toàn bị khuất phục khi thủ môn người Italy được các chủ sở hữu người Qatar đứng sau Paris Saint-Germain lôi kéo bằng những con số lương thưởng đầy hấp dẫn. 

Sau sự ra đi của Donnarumma, CLB chủ sân San Siro đã mang về được một sự thay thế hoàn hảo – thậm chí là “nâng cấp” – cho chỗ trống mà thủ môn này đã bỏ lại, với sự hiện diện của Mike Maignan. Giờ đây, Milan sẽ phải thực hiện nhiệm vụ tương tự sau khi chấp nhận bán Tonali cho Newcastle với mức phí chuyển nhượng 70 triệu Euro kèm phụ phí – con số kỷ lục đối với một tiền vệ Italy. 

 

Bất kỳ làn sóng phẫn nộ nào liên quan đến thương vụ mua bán này có thể dấy lên trong cộng đồng Milanista và giới chuyên gia nên hướng vào toà thị chính của thành phố và các động thái cản trở của họ đối với kế hoạch xây dựng sân vận động mới của Rossoneri, thay vì chỉ chăm chăm vào các chủ sở hữu của CLB. 

Nếu Milan có thể xây một SVĐ riêng, việc gia tăng doanh thu sẽ giúp họ có đủ điều kiện để giữ lại những cầu thủ như Tonali. Thay vào đó, tình trạng thua kém trầm trọng về thu nhập ngày thi đấu so với các đồng nghiệp trên khắp châu lục từ năm này qua năm khác đã khiến họ phải chấp nhận lời đề nghị từ Newcastle, để qua đó tạo thêm ngân sách chuyển nhượng. 

Với hàng loạt biến cố xảy đến chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, từ lời chia tay của Zlatan Ibrahimovic, cú sốc Paolo Maldini bị giới chủ sa thải khỏi vị trí giám đốc kỹ thuật, sự kiện vị chủ tịch vĩ đại nhất của lịch sử CLB Silvio Berlusconi qua đời, cho đến sự ra đi của Tonali, các Milanista đang thực sự phải trải qua những ngày tháng ác mộng. 

The James Horncastle, The Athletic 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Liam Delap: Cánh én nhỏ tại Portman Road

Sẽ là thiển cận nếu mô tả Ipswich Town của Kieran McKenna là đội bóng một người. Nhưng với Liam Delap, họ thực sự đang sở hữu một chân sút có thể ghi bàn đều đặn. Delap chắc chắn là 1 trong những lý do chính giúp Ipswich (tạm) thoát ra khỏi nhóm 3 đội cuối BXH Premier League 2024/25.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.