Sami Hyypia: Quý ông sân cỏ

Tác giả CG - Thứ Bảy 07/10/2023 16:08(GMT+7)

10 năm khoác áo Liverpool, từ một cầu thủ không nhận được nhiều sự chú ý, Sami Hyypia trở thành huyền thoại của đội bóng chủ sân Anfield, hình mẫu về một người thủ lĩnh chuẩn mực.

 

Vòng đấu cuối cùng Premier League mùa giải 2008/2009, Liverpool tiếp đón Tottenham Hotspur trên sân Anfield. Phút 84, đội trưởng Steven Gerrard rời sân, người vào thay anh là Sami Hyypia và trung vệ người Phần Lan nhận tấm băng thủ quân từ đồng đội. 6 năm trước đó, Gerrard đã thay thế Hyypia đảm nhận vai trò đội trưởng của Liverpool. Và trong trận đấu cuối cùng khoác áo “Lữ đoàn đỏ”, cũng là trận đấu cuối cùng của anh cho đội trên sân Anfield, Hyypia lại được vào sân với tấm băng thủ quân. 

Kết thúc trận đấu, trong vòng tay của các đồng đội và những tràng pháo tay trên khán đài, cầu thủ người Phần Lan đã khóc. Đó là những giọt nước mắt chan chứa ân tình sau 10 năm gắn bó với đội bóng thành phố cảng. Lịch sử Liverpool chứng kiến nhiều ngoại binh xuất sắc và Hyypia chắc chắn nằm trong nhóm những cầu thủ hàng đầu của danh sách đó. Cả một thập kỷ trọn vẹn tình nghĩa, Hyypia đã cống hiến hết tất cả những gì có thể, là một tòa tháp sừng sững ở hàng phòng ngự, là tấm gương về sự mẫu mực và phong thái quý ông xứng đáng để những người xung quanh tôn trọng.

HLV huyền thoại Bill Shankly từng nhận xét về tài năng của Ron Yeats - cựu trung vệ Liverpool trong giai đoạn 1961-1971 - rằng: “Với sự có mặt của cậu ấy ở hàng phòng ngự, chúng tôi thậm chí có thể xếp Arthur Askey (cố diễn viên người Anh) trong khung gỗ”. Và rồi, rất nhiều năm sau, khi Ron Yeats trở thành tuyển trạch viên của Liverpool, ông lại phát hiện cho đội bóng của mình Sami Hyypia - thời điểm ấy vẫn là cầu thủ vô danh nhưng thời gian đã chứng minh tài năng của anh cũng xứng đáng nhận được những lời ngợi khen như Yeats từng được nhận. 

“Tôi rất vui vì chúng tôi đã chiêu mộ được Sami. Tôi đến xem giò cậu ấy sau khi được tiến cử và tôi nghĩ anh chàng này thực sự là cầu thủ giỏi. Ở vị trí trung vệ, cậu ấy sở hữu khả năng chuyền bóng ấn tượng mà các trung vệ thường không có. Sami thực sự thu hút tôi và tôi viết trong bản báo cáo tuyển trạch rằng HLV trưởng và trợ lý nên đến xem cậu ấy chơi bóng. Họ đã đến và vài tuần sau, đội bóng chiêu mộ cậu ấy sau lời tiến cử của tôi”, Ron Yeats chia sẻ. 

Trong khi đó, lại có một câu chuyện khác kể về việc Sami Hyypia gia nhập Liverpool rằng một quay phim người Anh làm việc cho một kênh truyền hình Phần Lan đã bất ngờ gõ cửa văn phòng của Peter Robinson - Giám đốc điều hành Liverpool thời điểm đó - và tiến cử Hyypia vì biết “Lữ đoàn đỏ” đang tìm kiếm một hậu vệ mạnh mẽ.

 

Quả thực, khi đó hàng phòng ngự là điểm yếu của Liverpool. Ở Premier League mùa giải 1998/1999, đội bóng chủ sân Anfield xếp thứ 7 chung cuộc và nhận 49 bàn thua – trong top 10 giải đấu, họ chỉ thủng lưới ít hơn West Ham và Middlesbrough. Chính vì vậy, việc bổ sung chất lượng cho hàng phòng ngự là việc tối quan trọng. Mùa hè 1999, “Lữ đoàn đỏ” lần lượt đón 2 trung vệ Sami Hyypia từ Willem II và Stephane Henchoz từ Blackburn Rovers.

Và rồi, bộ đôi này thực sự đã thay đổi bộ mặt hàng thủ đội bóng chủ sân Anfield. Hyypia và Henchoz trở thành cặp trung vệ thép hàng đầu của Liverpool trong thời đỉnh cao của cả hai. Trong đó, Hyypia - một cầu thủ người Phần Lan gia nhập Liverpool năm 25 tuổi và trước đó chỉ khoác áo những đội bóng ở quê hương và Willem II tại Hà Lan - trở thành hiện tượng không chỉ bởi lối chơi điềm tĩnh, hào hoa, hiệu quả mà còn là phong thái thủ lĩnh. 

Ngay trận đấu thứ 7 cho CLB, cuộc chạm trán Hull City ở League Cup, anh đã được Gerard Houllier tin tưởng trao băng đội trưởng khi Jamie Redknapp và Robbie Fowler vắng mặt. Sự hòa nhập nhanh chóng cả trên sân cỏ lẫn cuộc sống của Hyypia ở nước Anh thực sự là món quà với Liverpool. Là một cầu thủ vô danh? Không sao hết, miễn là bạn có năng lực, luôn tự tin vào bản thân và có khả năng truyền sự tự tin đó cho đồng đội. Ấy chính là lúc Hyypia bắt đầu thiết lập tầm ảnh hưởng trong phòng thay đồ Liverpool.

Mùa giải đầu tiên ở Liverpool, trung vệ người Phần Lan ra sân toàn bộ 38 trận ở Premier League và góp phần giúp đội bóng cải thiện hàng thủ khi số bàn thua giảm xuống còn 30. Mùa giải tiếp theo, Liverpool đoạt cú ăn 3 UEFA Cup, FA Cup và League Cup với Hyypia là trái tim của hàng phòng ngự, trong đó anh nâng cao danh hiệu UEFA Cup và FA Cup sau khi bước vào trận đấu với vai trò đội trưởng.

10 năm khoác áo Liverpool, từ một cầu thủ vô danh, Sami Hyypia trở thành huyền thoại đội bóng bởi tài năng của mình. Nhưng không chỉ vậy, thứ khiến anh được kính trọng hơn nữa còn là sự mẫu mực. Anh sẵn sàng nhường lại vai trò thủ quân cho Steven Gerrard, người đàn em kém mình 7 tuổi, và lùi lại làm người hỗ trợ mà không một lời trách móc hay tức giận. 

 

Tất nhiên, Hyypia từng thừa nhận sự thất vọng của bản thân khi mới biết thông tin này. Đó là cảm xúc bình thường khi bạn đang nắm giữ một trọng trách quan trọng nhưng bỗng một ngày bị giáng cấp. Nhưng vượt lên trên tất cả mọi cảm xúc tiêu cực, Hyypia tôn trọng quyết định của HLV trưởng, tôn trọng đồng đội và sẵn sàng là người cố vấn cho Gerrard trong hành trình học trở thành thủ lĩnh. 

Ngày thông báo được đưa ra, Gerrard có chút ngượng ngùng khi gặp Hyypia trên sân tập và thậm chí không dám nhìn vào mặt đàn anh. Nhưng trung vệ người Phần Lan đã xóa tan bầu không khí bối rối bằng cách đến ngồi cạnh bên và nói: “Chúc mừng cậu. Nếu cậu cần gì, tôi luôn ở đây”.

“Đó là cách giúp cậu ấy nhẹ nhõm hơn và biết tôi không vấn đề gì với quyết định đó. Tôi biết vai trò đội trưởng quan trọng với cậu ấy hơn với tôi. Cậu ấy là chàng trai Liverpool và trở thành đội trưởng Liverpool là điều rất lớn lao với cậu ấy”, Sami Hyypia chia sẻ.

Đó chính là phong thái của một quý ông và khiến tầm ảnh hưởng của cầu thủ người Phần Lan ở sân Anfield càng lớn hơn nữa. Anh là một thủ lĩnh đích thực nhưng không cần thiết phải có tấm băng thủ quân để trở nên xuất sắc. Fernando Torres nói: “Sami có thể không thi đấu hàng tuần nhưng anh ấy tuyệt vời cả trong lẫn ngoài sân cỏ, mang đến sự điềm tĩnh trên sân và khiến mọi người ngưỡng mộ”.

Steven Gerrard ca ngợi: “Anh ấy là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất CLB này và tôi không hề nói quá. Anh ấy chắc chắn đã làm thay đổi bộ mặt Liverpool, đưa đội bóng trở lại nơi mình thuộc về”.

464 trận đấu, 35 bàn thắng, 11 pha kiến tạo, 10 danh hiệu và có những thứ không thể đong đếm bằng con số. Sami Hyypia đã viết nên trang sử vĩ đại cho mình ở đội bóng thành phố cảng vùng Merseyside.

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.