Sadio Mane: Trái tim nhân ái và bước chân vạn dặm

Tác giả CG - Chủ Nhật 06/02/2022 18:00(GMT+7)

Zalo

Ở tuổi 29, Sadio Mane đang đứng trước cơ hội giành danh hiệu lớn đầu tiên cùng đội tuyển quốc gia. Sau những thành công ở cấp CLB, chức vô địch AFCON 2021 sẽ khiến sự nghiệp của Mane thêm phần trọn vẹn.

Sadio Mane
 
Năm 2019, Sadio Mane cùng Senegal lọt vào chung kết AFCON 2019. Và đội bóng của anh thất bại trước Algeria bởi bàn thua duy nhất ngay từ phút thứ 2 của trận đấu. Bởi vậy có thể hiểu sự quyết tâm của Mane và các đồng đội trước trận chung kết AFCON năm nay. Chắc chắn không ai muốn tuột mất danh hiệu hai lần liên tiếp, nhất là khi đó là giải đấu cấp đội tuyển quốc gia – nơi việc thi đấu không còn chỉ là công việc mà nó còn cộng hưởng với cả tinh thần dân tộc, quốc gia.
 
Quả thực, sau những thành công gần như trọn vẹn ở cấp CLB trong màu áo Liverpool, một danh hiệu cùng ĐT Senegal sẽ giúp sự nghiệp của Mane trở nên viên mãn. Là đầu tàu hàng công của “Những chú sư tử Teranga”, chân sút ghi nhiều bàn nhất lịch sử ĐT Senegal, Mane trở thành biểu tượng và niềm hy vọng lớn nhất của quê hương. HLV trưởng Aliou Cisse của ĐT Senegal nói cách đây 3 năm: “Mane là độc nhất và không thể lấy các cầu thủ Senegal khác ra so sánh”. Tiền đạo 29 tuổi đã đi một hành trình dài để có được vị thế ngày hôm nay.
 
Sinh ra tại làng Bambali, vùng Sedihiou của Senegal, bóng đá là thứ mà Mane yêu thích từ nhỏ. Song, đó lại không phải là điều mà cha của anh mong muốn anh theo đuổi. Cha của Mane là một thầy tế trong làng nhưng ông đã qua đời năm anh lên 7 tuổi. Dù vậy, khát khao chơi bóng của anh vẫn không nhận được sự ủng hộ của gia đình.
 
Ông Ibrahim Toure – chú của Mane – chia sẻ trên FourFourTwo một câu chuyện khi Mane không muốn giúp gia đình thu hoạch để tập trung chơi bóng: “Thằng bé bảo tôi thế này: ‘Cháu mệt mỏi lắm rồi chú à. Cháu sẽ trở thành tuyển thủ quốc tế và cháu sẽ giúp mọi người không còn phải làm việc đồng áng nữa’. Tôi đáp lại: ‘Vớ vẩn! Làm sao mà mày thành công được? Chú không giàu, chú không có tiền cho mày đi tập đâu’. Quả thực khi đó tôi không hề tin tưởng thằng bé”.
 
Nhưng lúc ấy, Mane muốn chơi bóng không chỉ vì đam mê mà thực sự chỉ có làm cầu thủ nổi tiếng, đi ra nước ngoài chơi bóng anh mới có thể giúp đỡ mẹ và khiến nhiều người không rơi vào hoàn cảnh như bố mình. Trước khi mất, bố của Sadio Mane đã ốm suốt vài tuần. Gia đình đã chạy chữa và giúp ông duy trì sự sống một thời gian. Sau đó, căn bệnh tái phát và những phương thuốc trước đó không còn có tác dụng nữa. Tuy nhiên, ở làng Bambali không có bệnh viện và cả nhà phải đưa ông sang làng khác để tìm bệnh viện. Nhưng khi đó mọi chuyện không còn kịp nữa.
 
Năm 16 tuổi, Mane giấu gia đình, bỏ nhà để tới thủ đô Dakar với khát vọng theo đuổi bóng đá. Trước khi đi anh giấu túi đồ của mình ở bãi cỏ ngoài nhà và chỉ kể cho duy nhất một người bạn thân của mình. Điều mà Mane đánh đổi chính là không thể tiếp tục học ở trường nữa. Gia đình sau đó phát hiện, nhưng khi mọi chuyện đã rồi, họ chỉ còn cách chấp nhận và ủng hộ anh đi theo con đường mà anh đã chọn.
 
“Mọi người đều nói tôi là cầu thủ giỏi nhất thành phố, nhưng nhà tôi không phải gia đình có niềm đam mê bóng đá. Gia đình tôi làm nghề tôn giáo và muốn tôi đi theo con đường đó. Khi họ thấy cả con tim lẫn khối óc tôi chỉ có bóng đá, tôi bắt đầu thuyết phục họ hãy cho tôi đến Dakar. Ban đầu họ không chấp nhận, nhưng càng ngày họ càng thấy tôi yêu bóng đá ra sao. Dần dần, họ cũng không cấm đoán nữa mà ủng hộ tôi”, tiền đạo người Senegal chia sẻ với Goal.

Sadio Mane
Sadio Mane là cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi 2019. Ảnh: Getty Images
 
Thời điểm đó, hành trang của Mane chỉ có một bộ quần áo cũ, đôi giày cũ rách và niềm tin to lớn. Anh đến các buổi tuyển quân với ước mong được nhận vào đó và được đào tạo. Và đôi giày cũ ấy đã khiến rất nhiều người nghi ngờ năng lực của Mane. 
 
Anh chia sẻ trên FourFourTwo: “Khi tôi đang chuẩn bị thì có một người nhiều tuổi hơn nhìn tôi cứ như thể tôi đang đến nhầm chỗ vậy. Anh ta hỏi: ‘Nhóc ở đây để đi thử việc ư?’ Sau khi tôi trả lời, anh ta hỏi tiếp: ‘Bằng đôi giày này sao? Nhìn chúng đi, làm sao nhóc đá bóng với đôi giày ấy được?’
 
Quả thực đôi giày khi đó rất nát, cũ và rách rưới. Sau đó anh ta nói thêm: ‘Và với cả bộ quần áo này sao? Thậm chí nhóc còn không có một bộ quần áo bóng đá đúng nghĩa ư?’ Tôi đáp lại rằng mình đến đó với những gì tốt nhất có thể và chỉ muốn chứng tỏ bản thân”.
 
Và bộ quần áo cùng đôi giày cũ không thể ngăn cản Mane thi triển năng lực của mình. Những nhà tuyển chọn đã vô cùng bất ngờ và tất nhiên người đàn ông kia cũng không ngoại lệ. Ngay sau đó, anh được chọn vào đội bóng.
 
Năm 2009, khi đang thi đấu ở giải địa phương ở Mbour – nơi cách Dakar 80km – anh được gọi đến thử việc cùng với hàng trăm đứa trẻ khác ở một buổi tuyển chọn. Tại đây có các tuyển trạch viên của Generation Foot – một học viện bóng đá ở Dakar. Ông Abdou Diatta – tuyển trạch viên của Generation Foot – ban đầu khá hoài nghi bởi Mane thời điểm đó tương đối dè dặt, song màn trình diễn của anh thì đã thay cho lời nói. Tốc độ, khả năng rê dắt và vượt qua các hậu vệ mà Mane thể hiện đã hoàn toàn chinh phục những nhà tuyển trạch. Anh gia nhập học viện Generation Foot và một hành trình mới đã mở ra với cuộc đời của Mane.
 
Năm 2011, Sadio Mane gia nhập Metz – đội bóng có quan hệ hợp tác với Generation Foot. Từ đó đến nay, tiền đạo người Senegal đã đi một hành trình dài. Anh chơi bóng ở Pháp, Áo, sau đó đến Anh và trở thành một nhà chinh phục trong màu áo Liverpool. Từ một cậu bé ở Bambali, anh đã đi khắp thế giới, giành những danh hiệu cao quý nhất, thi đấu ở những đấu trường đỉnh cao nhất của bóng đá, trở thành cầu thủ châu Phi xuất sắc nhất năm 2019.
 
Sadio Mane đã trở thành niềm tự hào của Bambali nói riêng và Senegal nói chung. Đường phố Bambali có đầy tấm áp phích gọi anh là “niềm tự hào quốc gia”. Và Mane cũng không quên nguồn cội của mình. Anh ủng hộ 250.000 bảng để xây một trường cấp hai với mong muốn những đứa trẻ quê mình có nhiều cơ hội thoát nghèo hơn, anh tặng 300 chiếc áo Liverpool cho người dân địa phương để họ mặc khi trận chung kết Champions League diễn ra. Anh còn quyên góp xây một bệnh viện ở Sedhiou với suy nghĩ đơn giản rằng em gái mình phải sinh ở nhà vì làng anh không có bệnh viện, và anh không muốn ai phải gặp hoàn cảnh đó nữa. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, anh cũng ủng hộ 40.000 bảng cho chính phủ Senegal để chống dịch.

Sadio Mane
Sadio Mane - đầu tàu hàng công của Senegal. Ảnh: Getty Images
 
Mane đã trở thành một triệu phú về tiền bạc, lòng nhân ái và sự khiêm nhường. Vào năm 2018, sau một trận đấu cho Liverpool, người ta đã bắt gặp Mane xuất hiện tại một nhà thờ ở thành phố để lau dọn nhà vệ sinh. Anh Abu Usamah Tal-Tahabi – người của nhà thờ - chia sẻ trên BBC: “Sadio đề nghị mọi người không quay video và phát tán ra mà muốn làm trong thầm lặng. Thực sự anh ấy rất thường xuyên đến nhà thờ. Anh ấy đến một cách bình lặng trong những trang phục giản dị. Anh ấy không phải kiểu người thích khoa trương”.
 
Những món đồ xa xỉ có thể là những thứ phù hợp với vị thế và đẳng cấp của Sadio Mane ở thời điểm hiện tại. Nhưng chính tài năng và lòng nhân ái mới là thứ giúp anh toả sáng chứ không phải những thứ đồ kia.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Marc Cucurella - Hậu vệ cánh ảo: Bước ngoặt cho mùa giải của Chelsea-Pochettino

Kể từ hiệp 2 trận đấu trên sân Aston Villa hôm 28/4, Chelsea làm một đội bóng hoàn toàn khác. Đoàn quân của Mauricio Pochettino ghi 2 bàn trong 45 phút sau tại Villa Park để kết thúc trận đấu với tỉ số hòa 2-2. Và sau đó là 4 chiến thắng liên tiếp: 2-0 Tottenham, 5-0 West Ham, 3-2 Nottingham và mới nhất 2-1 Brighton.

Artem Dovbyk: Từ miền đất dữ tới thiên đường

Một mùa Hè đầy phần khích sẽ chờ đón Artem Dovbyk tại nước Đức trong kỳ EURO 2024 năm nay, bên cạnh danh hiệu Vua phá lưới La Liga (Pichichi) mà chân sút người Ukraine đang có được phần nào lợi thế trước những Bellingham, Lewandowski hay Alexander Sorloth… Quay trở lại quãng thời gian hơn một năm về trước, sẽ chẳng ai tin rằng ngôi sao thuộc biên chế Ukraine có thể vượt qua những hiểm nguy từ khói lửa chiến tranh để tìm tới đỉnh cao như hiện tại.

Lucas Perez: Người viết truyện cổ tích xứ Galacia

Tự bỏ ra 493.000 euro để phá vỡ hợp đồng với Cadiz, chấp nhận từ bỏ giấc mơ La Liga để quay về chiến đấu cùng đội bóng quê hương Deportivo ở giải hạng ba, tiền đạo người Tây Ban Nha có thể sẽ không bao giờ trở thành một ngôi sao xuất sắc nhất. Nhưng trong những câu chuyện cổ tích của thành phố La Coruna, chắc chắn sẽ luôn tồn tại một cái tên - Lucas Perez.

X
top-arrow