Sadio Mane: Căn hộ nhỏ ở Wehrgasse và hai năm đong đầy kỉ niệm với Salzburg (P1)

Tác giả Elflaco - Thứ Tư 02/10/2019 17:09(GMT+7)

Cuối đường Wehrgasse, có một căn hộ nhỏ chỉ-một-phòng-ngủ. Đây là nơi mà Mane đã sống trong gần 2 năm anh khoác áo CLB Red Bull Salzburg.

Wehrgasse, một con phố nhỏ dài khoảng 200m, nằm ở rìa phía tây thành phố Salzburg, ven dòng kênh Glanbach. Đây là một nơi yên bình, với vài chục hộ dân sinh sống. Một tháng trước, Sadio Mane đã tranh thủ quãng thời gian bóng đá CLB tạm nghỉ nhường sân cho đội tuyển quốc gia thi đấu để đáp chuyến bay tới Áo, trở lại nơi này. Cuối đường Wehrgasse, có một căn hộ nhỏ chỉ-một-phòng-ngủ. Đây là nơi mà Mane đã sống trong gần 2 năm anh khoác áo CLB Red Bull Salzburg.

Mustapha “Musti” Mesloub, quản lý hội nhập (integration manager) của CLB Salzburg, người mà Mane đặc biệt yêu quý, là bạn đồng hành với anh trong chuyến đi “tìm lại quá khứ này”. Cả hai đều bồi hồi khi đứng trước căn hộ nhỏ tại Wehrgasse, nơi lưu giữ biết bao kỉ niệm của Mane-tuổi-20. Mesloub là người nhấn chuông cửa. 
Một tiếng chuông! Hai tiếng chuông! Ba tiếng chuông! Chủ nhà cuối cùng cũng xuất hiện. Mesloub bày tỏ nguyện vọng “đặc biệt” của ông và Mane. Họ muốn vào nhà, thăm lại căn phòng đã gắn với một phần đời không thể nào quên của ngôi sao bóng đá người Senegal. Không cần nói đến câu thứ hai, Mesloub và Mane nhận được sự đồng ý. 
Chủ nhân hiện tại của căn hộ, một fan của Salzburg, sớm nhận ra họ. Mesloub, với 25 năm làm việc ở Salzburg, là gương mặt thân quen của thành phố. Còn Mane, chàng trai đã chinh phục những đỉnh cao cùng Liverpool từ “bệ phóng” Salzburg, thì quá nổi tiếng rồi.
“Một căn hộ khá là chật chội. Không có đồ đạc gì nhiều, ngoài chiếc ghế sofa với lớp da bọc đã sờn rách cùng một Tivi nhỏ trong phòng khách” – một đồng đội cũ của Mane tại Salzburg nhớ lại. “Chúng tôi đã cùng nhau xem bóng đá biết bao lần ở nơi này. Tiếng là “cùng nhau” nhưng thường chỉ mình tôi tập trung xem, bởi Mane có mấy khi chịu ngồi yên. Mane luôn mang về căn hộ của mình một số thiết bị tập thể hình của CLB để luyện thêm. Trong khi tôi ngồi xem bóng đá qua TV thì cậu ấy tập luyện không biết mệt. Mane có khát khao mãnh liệt trong việc hoàn thiện bản thân”.

Ngôi sao người Senegal đã sống ở một nơi khiêm tốn như thế, nhưng chàng trai này chưa bao giờ che giấu tham vọng to lớn của bản thân. “Mane thường nói với tôi, mục tiêu của cậu ấy là giành Quả bóng Vàng. Nhưng khi tôi bảo “Gượm đã Sadio, mục tiêu này quá cao khi mà cậu mới ở điểm khởi đầu trong sự nghiệp” thì Mane trả lời: “OK, vậy thì tớ cứ phải giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi trước đã”.
Hành trình của Mane, một chàng trai trẻ người Sedhiou, Senegal đến với CLB bóng đá của thành phố quê hương Mozart, không hề đơn giản. Các tuyển trạch viên của Salzburg đã thực sự bị ấn tượng mạnh bởi những màn trình diễn xuất sắc của Mane trong màu áo đội Olympic Senegal ở Thế vận hội London 2012. Họ muốn CLB xúc tiến thật nhanh thương vụ Mane. Nhưng giám đốc thể thao Salzburg thời điểm đó, ông Ralf Rangnick thì không muốn mọi thứ diễn ra quá vội vã. Ông cần phải “xem giò” trực tiếp chàng trai này. Đấy là giai đoạn mà Mane đang chơi cho Metz, CLB ở giải hạng Ba Pháp.
“Tôi dự khán trận Metz gặp Tours ở Cúp Liên đoàn Pháp”, Rangnick hồi tưởng lại. “Trận đó, Sadio thể hiện tốt. Đúng như các báo cáo của đội tuyển trạch, đây là một chàng trai rất có tiềm năng. Tôi vẫn nhớ như in cuộc nói chuyện với chủ tịch Metz sau trận đấu. Ông ấy nói, Metz sẽ chỉ bán Mane với giá 4 triệu euro. Một mức phí lớn nằm ngoài dự tính của tôi, nhất là với một cầu thủ đang chơi ở giải hạng Ba Pháp như Sadio. Nhưng với kinh nghiệm và bản năng mách bảo, tôi có niềm tin lớn lao rằng, chàng trai này sẽ là một khoản đầu tư sinh lời”.
Nửa giờ sau cuộc nói chuyện với chủ tịch Metz, Rangnick gọi điện cho chủ sở hữu CLB Salzburg – Dieter Mateschitz khẳng định 4 triệu euro dù nghe có vẻ là quá cao nhưng hoàn toàn tương xứng với tiềm năng bóng đá của Mane. Mateschitz đồng ý và thương vụ Mane, chuyển từ CLB hạng ba Metz tới Salzburg, chính thức được chốt hạ vào ngày hôm sau.

Thời điểm Mane gia nhập Salzburg, CLB này cũng vừa bổ nhiệm một HLV mới, Roger Schmidt. Triết lý bóng dá của Schmidt, một cựu tiền vệ người Đức, từng dẫn dắt Paderborn trước đó, hướng tới một lối chơi giàu tình kiểm soát, tràn ngập năng lượng. Và ông, là một mẫu HLV thích đặt niềm tin vào những người trẻ.
“Nếu như Salzburg là bệ phóng giúp Sadio hoàn thiện trước khi tiến tới đẳng cấp cao nhất thì Mane cũng là đại diện tiêu biểu cho một kỉ nguyên bóng đá mới ở CLB này. Nhờ Sadio và những người trẻ khác, như Kevin Kampl, chúng tôi dễ dàng thiết lập một phong cách bóng đá mới, hoàn toàn khác so với những giai đoạn trước đó. Thứ bóng đá mà chúng tôi muôn chơi” – Schmidt nói với The Athletic.
“Ngay trong buổi tập đầu tiên, Sadio đã sớm chứng tỏ rằng cậu ấy là một viên ngọc quý. Sadio đúng là không có nhiều kiến thức về chiến thuật bóng đá này nọ. Nhưng tiềm năng của cậu ta là vô hạn và quan trọng hơn cả, Sadio chịu khó tiếp thu và học rất nhanh. Không nhiều cầu thủ chuyên nghiệp tập luyện chăm chỉ mà lại luôn vô tư, hết mình với tập thể như Sadio. Đối với mọi HLV bóng đá, Sadio là một giấc-mơ-tuyệt-vời-có-thật”.
Theo Mesloub, người được Rangnick giao nhiệm vụ “chăm sóc” Mane ngay khi cầu thủ này gia nhập Salzburg thì “chàng trai tuổi đôi mươi người Senegal này mất khá khá thời gian để ổn định cuộc sống tại môi trường mới”.
“Metz là một thành phố có cộng đồng người Phi lớn. CLB cũ của Sadio cũng có nhiều đồng đội gốc Phi. Nhưng Salzburg là một câu chuyện hoàn toàn khác” – Mesloub, 59 tuổi, người Pháp gốc Algeria, đã gắn bó với Salzburg suốt 1/4 thế kỉ qua cho biết. “Vấn đề đáng quan ngại đầu tiên chính là đồ ăn. Thời điểm ấy (năm 2012-ND), Salzburg không có một tiệm ăn nào chuyên về đồ Phi cả. Món duy nhất của Sadio trong tháng đầu ở Salzburg là pasta. Đơn giản là vì, ngoài thứ đó, cậu ta chẳng ăn nổi món nào khác”.
“Người dân ở nơi này (Wehrgasse) thân thiện và tốt bụng. Nhưng để họ mở lòng với một người mới lại là dân ngoại quốc (như Sadio) thì cần thời gian. Ralf (Rangnick) hiểu rằng một chàng trai trẻ như Sadio sẽ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại ở môi trường mới. Và nhiệm vụ của tôi là giúp cậu từng bước, từng bước thích nghi, hòa nhập với cuộc sống mới” – Mesloub cho biết.
“Về cơ bản tôi luôn theo sát Sadio 24/7, tất nhiên trừ những lúc cậu ấy tập luyện hay thi đấu. Sadio, nói thật nhé, chẳng khác nào một thành viên thân thuộc của gia đình tôi, trong quãng thời gian đó. Tôi còn nhớ có một lần cậu ấy gọi tôi là “papa” nhưng tôi vẫn thích Sadio coi mình là “anh đại” hơn”.

“Học tiếng sở tại là rất quan trọng trong nỗ lực thích nghi. Và thật may mắn chàng trai này có khiếu ngôn ngữ. Sadio chăm chỉ theo học các lớp tiếng Đức hàng ngày và cậu ấy tiến bộ rất nhanh. Chỉ mất đôi ba tháng, Sadio đã giao tiếp cơ bản Ok, thậm chí còn bằng một giọng Áo khá là chuẩn nữa” – Mesloub nhớ lại.
“Từng chút, từng chút một, Sadio quen dần với cuộc sống và văn hóa nơi này. Cậu ấy thậm chí còn mặc bộ lễ phục truyền thống của Áo trong đám cưới của một đồng đội. Với nhiều người, đấy là chuyện vặt. Nhưng với Sadio, thì đấy là một sự kiện lớn. Lúc đầu thì Sadio tỏ ra khá khó chịu với trang phục kiểu này. Cậu ấy vốn giản dị, thường chỉ mặc áo thun quần jean. Thế nên tôi phải thuyết phục ác. Nhưng khi Sadio đóng bộ và nhận được sự tán thưởng của bạn bè, thì chàng ta lại “vênh vang” suốt cả buổi tiệc cược”...
(còn nữa)
Lược dịch từ ‘Lederhosen, losing fat and beating Bayern – how Salzburg made Sadio Mane’ – The Athletic/

EL FLACO (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.