Khi niềm vui sướng lan tỏa tới khắp nửa đỏ tại sân Wembley, trong phút chốc, Erik ten Hag trông như một người đàn ông được tái sinh. Ông đến sân với nỗi lo của một người phải bước lên chiếc cầu khỉ, nhưng kết thúc trận chung kết FA Cup với vị thế của người đang đi bộ trên mặt nước, cũng như được Lisandro Martinez nâng lên cao như thể ông là một linh vật quý giá.
Lisandro Martinez ôm HLV Erik ten Hag sau trận |
Nhưng nếu quan sát kỹ vào khung cảnh ăn mừng này, bạn sẽ thấy niềm vui của Ten Hag không hề kéo dài. Cái bắt tay từ khán đài hoàng gia của Sir Jim Ratcliffe tỏ ra khá hờ hững đối với một người vừa tạo ra cú sốc lớn trước nhà vô địch Premier League 4 lần liên tiếp. Không có cái ôm nào, mà chỉ có những nụ cười xã giao. Thậm chí, người đồng sở hữu Manchester United tỏ ra nồng nhiệt hơn nhiều với Pep Guardiola.
Trong kinh doanh, Ratcliffe không trở thành tỷ phú bằng cách né tránh những quyết định khó khăn. Ông từng có biệt danh là “Dr No” (tiến sĩ nói không – ND) trong giới lãnh đạo tại nhà máy lọc dầu Grangemouth nhờ sự cứng rắn trong việc từ chối thỏa hiệp.
Tuy nhiên, không gì có thể so sánh với độ khó trong quyết định mà ông phải đưa ra về Ten Hag. Ít có giá trị cổ phiếu nào dao động dữ dội như chiến lược gia người Hà Lan. Ten Hag bước vào trận đấu này như một người bị kết án và kết thúc nó như một thiên tài chiến thuật, với việc các cầu thủ đều thúc giục ông nên có khoảnh khắc cho riêng mình với chiếc cúp.
Về cơ bản, nhiệm vụ của Ratcliffe là tách rời cảm giác phấn khích tức thời khỏi tham vọng dài hạn. Tức là hồi sinh Man United để trở thành một thế lực mà vinh quang sẽ trở thành thói quen, chứ không phải là một cơn địa chấn.
Sir Jim Ratcliffe |
Nhưng trong những ngày tháng căng thẳng sắp tới, logic này khó lòng hòa hợp với cảm giác hưng phấn của người hâm mộ. Ten Hag giờ đây là người đã khuất phục Manchester City hùng mạnh, trở thành HLV thứ hai sau Thomas Tuchel đánh bại Pep Guardiola trong một trận chung kết. Sau thành công ở Carabao Cup mùa trước, ông đã giành nhiều danh hiệu hơn trong 2 năm ở Man United so với một Mikel Arteta được ca ngợi rộng rãi trong 5 năm ở Arsenal.
Mặc dù vậy, Ratcliffe hiểu rằng một con én không làm nên mùa xuân. Đúng là danh hiệu FA Cup lần thứ 13 trong lịch sử của Man United là một đỉnh cao huy hoàng, đặc biệt khi nó đến từ việc đánh bại những người đối thủ ồn ào. Nhưng trong lời nói và ngôn ngữ cơ thể của Ratcliffe, có rất ít thứ cho thấy ông xem thành tựu này như minh chứng cho sự xuất sắc của Ten Hag.
Trong khi ông ôm chầm lấy Andre Onana vì những pha cản phá xuất sắc, ông lại giữ khoảng cách với HLV của đội. Trong tuyên bố sau trận đấu, ông chỉ nói rằng United đã chơi với “sự cam kết và kỹ năng tuyệt vời” và “rất tự hào” về các cầu thủ và thành viên ban huấn luyện.
Tên của Ten Hag không hề được nhắc đến. Không có lời khen ngợi nào về việc Ten Hag đã vượt qua những lời chỉ trích hay xứng đáng ở lại trong mùa giải tới. Không một ai trong ban lãnh đạo United nói điều gì đó để thắp lên hy vọng mỏng manh cho Ten Hag, rằng ông sẽ được trao cơ hội.
Đó là những điều khiến cho trải nghiệm khó quên này của CLB trở nên kỳ lạ. Danh hiệu FA Cup lẽ ra phải là đỉnh cao sau những năm tháng đầy biến động kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, trong bối cảnh người đàn ông 82 tuổi quan sát màn ăn mừng như một ông bố xoa tay hài lòng trước thành tích của con. Thay vào đó, niềm vui pha lẫn với sự bất định. Có cảm giác rằng kỳ tích này chỉ là sự mở đầu cho những xáo trộn tiếp theo.
Nếu thất bại, ý tưởng sa thải Ten Hag hầu như không gặp phải sự phản đối. Với chiến thắng bất ngờ này, câu chuyện sẽ trở nên hoàn toàn khác. Nếu sa thải Ten Hag, Ratcliffe có nguy cơ bị coi như một kẻ phản diện ngang hàng với người thợ săn vô tình giết mẹ của chú nai Bambi.
Việc sa thải tàn nhẫn Van Gaal, người phải trở về biệt thự của mình ở Bồ Đào Nha chỉ một ngày sau khi giành chiếc cúp FA gần nhất cho United vào năm 2016 là một kết cục mà hầu hết người hâm mộ có thể chấp nhận. Bởi thứ bóng đá của M.U khi đó là một trải nghiệm đáng sợ với người xem; đó là chưa kể đối thủ bị đánh bại trong trận chung kết là Crystal Palace. Ngược lại, Ten Hag đã củng cố vị trí của mình trong lòng người hâm mộ bằng cách xóa bỏ sự tự ti trước Man City.
Đó là một di sản quý giá. Nhưng Ratcliffe khó có thể bị lay chuyển bởi tình cảm và ông cũng không nên như vậy. Tại sao M.U lại phải chờ đến trận đấu cuối cùng của mùa giải mới tạo ra pha phối hợp một chạm tuyệt đẹp dẫn đến bàn thắng quyết định của Kobbie Mainoo?
Phiên bản bùng nổ này của Marcus Rashford, người trước đây luôn tỏ ra lười biếng đã ở đâu trong 9 tháng qua? Tại sao Sofyan Amrabat lại đợi đến lần xuất hiện có thể là cuối cùng của mình trong màu áo M.U để chứng tỏ rằng anh có thể thi đấu hiệu quả trước hàng phòng ngự?
Sofyan Amrabat |
Trong bối cảnh Man United đang phấn khích trước việc lật đổ Man City, những câu hỏi trên sẽ được bị cho là nhỏ nhặt. Nhưng chúng sẽ hiện rõ trong suy nghĩ của Ratcliffe, khi ông cân nhắc việc một CLB phải nhận tới 14 trận thua trong một giải đấu mà vẫn có thể đạt đến đỉnh cao chói lọi khi tinh thần lên cao.
Vấn đề là ít ai ở United muốn chấp nhận những câu hỏi như vậy vào thời điểm tốt lành này. Họ vui sướng đến mức một nhân viên truyền thông mạng xã hội của CLB đã chạy vào sân trước cả khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.
Ratcliffe hiểu được nguy cơ bị coi là kẻ phá đám. Ten Hag, người luôn bị coi là có thể thay thế, giờ đây “bất khả xâm phạm” hơn cả Giáo hoàng vì đã giúp thành Manchester trở lại màu đỏ. Chính sự thay đổi thất thường trong quan điểm của dư luận đã làm phức tạp thêm kế hoạch tiếp theo của Ratcliffe.
Nhìn bề ngoài, ngày tháng vinh quang này chẳng mang lại điều gì khác ngoài sự khẳng định cho Ten Hag. Tuy nhiên, việc Ratcliffe không công nhận Ten Hag rõ ràng ám chỉ một điềm xấu đang đến với ông.
Theo The Telegraph