Ryan Mason: Tôi là một chàng trai may mắn!

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Năm 08/11/2018 03:37(GMT+7)

Tổng cộng, tôi phải mang đến 14 tấm kim loại trong hộp sọ, với 28 chiếc ốc vít để giữ chúng ở đúng vị trí. Ngoài ra còn có 45 chiếc đinh kẹp và một vết sẹo dài 6 inch trên đầu tôi. Những thông tin không mấy thú vị.

Khi bạn trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, rất dễ để bạn quên đi ý nghĩa thật sự của môn thể thao này – hay nói cụ thể hơn, bạn quên mất lý do mà mình yêu thích nó. Bạn có thể nhìn thấy điều này tại mọi câu lạc bộ vào bất kì lúc nào: Các chàng trai đang tập luyện, nhưng họ không tỏ ra thích thú một chút nào, họ không thi đấu với một nụ cười trên môi và họ không hề tận hưởng nó.
 
Khi bạn là một cậu bé, bạn không nghĩ đến bất kì điều gì khác – bạn chỉ đơn giản là muốn chơi bóng. Thời còn nhỏ, tôi thường vội vã chạy về nhà, đi thẳng ra vườn và chơi bóng cho đến tận bữa tối. Sau khi ăn xong, tôi sẽ quay lại đó và tiếp tục chơi thêm nữa. Bóng đá còn hơn cả một sở thích, nó giống như một chất gây nghiện vậy.
 
Một trong những ký ức đáng nhớ đầu đời là khi tôi đá quả bóng vào bức tường nhỏ trong nhà của bà ngoại và khu vườn của ông nội – mẹ và bố thường kể rằng tôi luôn mang theo bên mình một quả bóng mỗi khi đến bất cứ nơi nào. Tôi lớn lên ở Cheshunt, ngay bên ngoài London, và gia nhập câu lạc bộ đầu tiên trong đời, East Herts FC ở Turnford, vào năm lên sáu. Nhưng tôi chỉ ở đó vỏn vẹn sáu tháng.
 

Đó là khi Tottenham phát hiện ra tôi lần đầu tiên. Micky Hazard đã theo dõi sát sao tôi tại một trường dạy bóng đá vào mùa hè và mời tôi cùng đến Tottenham. Tôi vẫn còn nhớ cái lúc bố nhận được cuộc gọi từ Spurs và báo tin lại cho tôi – tôi đã chạy quanh phòng khách và reo hò trong niềm vui sướng. Đó là tất cả những gì mà tôi từng khát khao. 
 
Thi đấu cho Spurs là một giấc mơ đã trở thành sự thực. Ở tuổi lên 7, bạn chưa thực sự nghĩ đến chuyện thi đấu chuyên nghiệp. Nhưng kể cả ở thời đó, việc khoác lên mình bộ áo đấu vào mỗi buổi sáng thứ 7 như tiếp thêm cho bạn sự hào hứng vậy. Đương nhiên, ngay cả ở thời điểm đó thì những trận đấu gặp Arsenal cũng là những trận đấu lớn. Nhưng mọi thứ vẫn chỉ đơn giản là vui vẻ với bạn bè – tôi chỉ có thể cảm thấy như vậy khi chơi cho Spurs.
 
Một vài người trong số những đồng đội sát cánh bên tôi ngày đó hiện nay đang chơi tại Premier League. Tôi đã thi đấu với Adam Smith từ năm lên bảy, và Andros Townsend từ năm lên tám. Sau này, những người như Harry Kane và Steven Caulker, mặc dù trẻ hơn một chút, nhưng cũng được cho phép chơi cùng đội với chúng tôi. Theo tôi nhớ thì có đến 80% những cậu bé trong đội hình ngày đó nay đã thi đấu chuyên nghiệp, và có một bức ảnh cho thấy bốn người trong số chúng tôi đã chơi cho đội tuyển Anh.
 
Tập thể này đã không được người ta nhắc đến nhiều, nhưng đó vẫn là một giai đoạn đáng kinh ngạc đối với học viện đào tạo trẻ của câu lạc bộ. Thật nực cười, bởi vì khi đó, đội trẻ của các đàn anh lớn tuổi hơn mới được đánh giá là “thế hệ đặc biệt”, thay vì là chúng tôi. Theo một cách nào đó, tôi cho rằng chính điều này đã thúc đẩy chúng tôi nỗ lực hơn gấp nhiều lần – cả bọn luôn thi đấu một cách khát khao đến điên cuồng. Bầu không khí đó thật tuyệt vời. Tất cả chúng tôi đều cố gắng tỏ ra chuyên nghiệp hết mức và tôi nghĩ tất cả mọi người đều có một nhân cách chuẩn mực.
 
Có một mùa giải, tôi ghi đến 42 bàn cho đội U-18 và bắt đầu nghĩ rằng mình đã sẵn sàng cho cơ hội ra sân ở đội một. Tôi nhớ là mình đã có một cuộc trò chuyện với giám đốc của học viện, John McDermott và ông ấy bảo với tôi rằng ông ấy không nghĩ tôi sẽ có thể thi đấu ở Premier League cho đến năm 22 tuổi, bởi vì xu hướng phát triển của cơ thể tôi. Có một số cậu bé cho thấy sự trưởng thành về mặt thể chất vào năm 16 tuổi, nhưng tôi thì không được như vậy.
 

GIỮ VỮNG NIỀM TIN

 
Tôi luôn cho rằng định mệnh của mình là trở thành một cầu thủ của Tottenham. Ngay cả khi họ cố gắng bán tôi, tôi vẫn kiên quyết bám trụ lại đó – tôi tin chắc rằng mình hoàn toàn có thể làm nên chuyện ở Spurs, và tôi nghĩ rằng mình xứng đáng với điều đó. John luôn nói với tôi, “Hãy giữ vững niềm tin,” để nhắc nhở tôi rằng phải kiên nhẫn và đừng bỏ cuộc.
 
Sẽ là nói dối nếu tôi bảo rằng không có những khoảng khắc tôi cảm thấy nghi ngờ về tương lai của bản thân, ví dụ như khi tôi đang ngồi trên ghế dự bị trong giai đoạn chơi ở Doncaster dưới dạng cho mượn, nhưng ý nghĩ “cơ hội thể hiện bản thân ở Spurs rồi cũng sẽ đến” đã giúp tôi có thể vững tin tiến bước.
 
Tôi đã có chút không may khi Tim Sherwood tiếp quản chiếc ghế huấn luyện viên Spurs vào tháng 12 năm 2013. Ông ấy nói rằng tôi chắc chắn sẽ trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch của mình, nhưng khi đó tôi đã ký vào một bảng hợp đồng cho mượn dài hạn ở Swindon và không thể quay lại Spurs.
 
Tôi vẫn còn nhớ cái lúc mình theo dõi trận đấu đầu tiên của Sherwood tại đội bóng, cuộc đối đầu với Southampton, và nhìn thấy Nabil Bentaleb sẽ chơi ở trung tâm hàng tiền vệ trong 40 phút còn lại của trận đấu. Thật quá đau đớn. Tôi chơi rất thân với Nabil, bọn tôi là bạn tốt của nhau và tôi rất vui vì cậu ấy đã được trao cơ hội, nhưng đồng thời tôi cũng vô cùng ghen tỵ và bực tức – tôi nghĩ rằng mình đã bỏ lỡ một cơ hội vô cùng lớn.
 
Và rồi Mauricio Pochettino đã đến. Một trong những cuộc trò chuyện đầu tiên của tôi với ông ấy là trong chuyến du đấu của chúng tôi ở Hoa Kì vào mùa hè năm đó, trong khi chúng tôi đang xếp hàng chờ một chuyến bay chuyển tiếp. Tôi và ông ấy mau chóng nhận ra rằng cả hai có những quan điểm rất giống nhau về cuộc sống và bóng đá.
 
Chúng tôi đã nói chuyện khoảng 25 phút – trước đó, tôi chưa từng có cuộc trò chuyện nào kéo dài hơn 25 giây với một huấn luyện viên của Tottenham. Trong suốt chuyến bay, tất cả những gì tôi có thể nghĩ là: “Wow, đây chính là cơ hội của mình,”. Hai người chúng tôi có một sự kết nối mạnh mẽ mà tôi chưa từng có với bất kì ai trước đây trong bóng đá.
 

Một khoảnh khắc vô cùng trọng đại đã đến vào tháng 9. Chúng tôi đang bị dẫn trước 1-0 ngay trên sân nhà trước Nottingham Forest tại League Cup. Trước đó, Spurs đã khởi đầu mùa giải không thực sự tốt và bầu không khí đang dần trở nên cực kì căng thẳng. Huấn luyện viên quyết định tung Harry Kane vào sân và người tiếp theo được trao cơ hội sau 65 phút của trận đấu chính là tôi. Chỉ trong vòng 7 phút, tôi đã có cho mình bàn thắng đầu tiên trong màu áo Spurs. Harry cũng ghi bàn và chúng tôi đã lội ngược dòng 3-1. Tôi cho rằng đó là một bước ngoặc lớn của cậu ấy tại câu lạc bộ này.
 
Vài ngày sau, tôi có trận đấu đầu tiên của cuộc đời tại Premier League – trong chuyến làm khách trên sân Arsenal. Từ đó trở đi, mọi chuyện ùa đến một cách vô cùng nhanh chóng. Tôi đã ra sân 17 trận trong tổng số 18 trận kế tiếp.
 
TAM SƯ VẪY GỌI
 
Vào tháng 2, tôi đã thi đấu trong trận chung kết League Cup diễn ra trên sân Wembley, và đến tháng tiếp theo, tôi được ra mắt trong màu áo đội tuyển Anh, trong chuyến hành quân đến Italia. Nghĩ đến việc chỉ một năm trước đó tôi vẫn còn chơi ở League one, thì có thể thấy mọi thứ đã thay đổi nhanh như một cơn lốc. Tôi cho rằng mình xứng đáng với những điều đó – tôi hoàn toàn có đủ khả năng để thi đấu ở cấp độ cao nhất. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội trong tương lai từ rất lâu trước đó. Và khi chúng đến, tôi đã ngay lập tức nắm bắt.

Trong năm hoặc sáu trận đầu tiên của mùa giải 2015/2016, tôi thực sự cảm thấy mình là cầu thủ xuất sắc nhất của Spurs. Tôi tiếp tục nhận được một cuộc gọi khác từ đội tuyển Anh, nhưng lần này tôi đã phải bỏ lỡ cơ hội, bởi vì một chấn thương dính phải sau khi ghi bàn vào lưới Sunderland đã khiến tôi phải ngồi ngoài trong vài tuần.
 
Khát khao quay trở lại thi đấu đã khiến tôi thúc ép bản thân vượt quá giới hạn chịu đựng. Sau khi thất bại trong quá trình phục hồi, tôi lại phải tiếp tục ngồi ngoài thêm vài tuần nữa.
 
Tôi đã phải tập luyện với một chấn thương, và nó tệ đến mức tôi không thể tắm nước nóng – nếu làm vậy, đầu gối của tôi sẽ sưng tấy lên ngay lập tức. Cuối cùng, tôi đã có thể quay trở lại trong một vài trận đấu, nhưng đến cuộc đụng độ với Chelsea, tôi lại gặp một chấn thương mắt cá chân và phải tiếp tục nằm viện thêm hai tháng nữa. Khi bình phục hoàn toàn, tôi đã mất đi chỗ đứng trong đội hình xuất phát. Khi đó, Tottenham đang là thành viên trong cuộc đua đến ngôi đầu bảng và Mousa Dembele đã thể hiện một phong độ phi thường. Đội hình tối ưu đã được lựa chọn, và tôi buộc phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị.
 
Đầu mùa hè năm đó, một số câu lạc bộ đã để mắt đến tôi, nhưng tôi quyết định từ chối tất cả bọn họ vì đã hạ quyết tâm chiến đấu cho vị trí của mình ở Tottenham. Pochettino nói rằng sớm muộn gì cơ hội cũng đến với tôi, và ông ấy muốn tôi ở lại. Nhưng khi tôi quay trở lại trong giai đoạn trước mùa giải thì có một vài chuyện đã xảy ra – đó là những chuyện vẫn thường xảy ra trong bóng đá và hoàn toàn không liên quan gì đến huấn luyện viên – và tôi đã không thể nào chấp nhận hay vượt qua được chúng.
 
Sau khi không được ra sân trong ba trận đấu mở màn của mùa giải, tôi đã nói chuyện người đại diện của mình và quyết định rằng, ở tuổi 25, tôi thực sự cần phải được ra sân thi đấu thường xuyên. Tôi đã dự định sẽ chuyển đến Hull City ngay trong mùa giải này và sau đó tiếp tục đến với một đội bóng khác - hay thậm chí là có thể quay trở lại với Tottenham. Đó chỉ đơn giản là suy nghĩ của tôi. Đời cầu thủ ngắn lắm, đôi khi bạn cần phải có một chút ích kỷ vì lợi ích của bản thân.
 
Hull là một đội bóng rất khác với Spurs. Tôi đã chuyển từ một đội bóng thường xuyên chiếm ưu thế trong các trận đấu, luôn luôn tìm cách để pressing và giành lại quyền kiểm soát bóng, sang một đội bóng thi đấu dè dặt, thận trọng và tập trung vào mặt trận phòng ngự. Và lối chơi đó hoàn toàn không phù hợp với phong cách thi đấu của tôi. Tôi đã được bảo rằng mình sẽ hoạt động trong vai trò của một số 10, nhưng sau hai trận đầu tiên, tôi đã phải thi đấu ở một vị trí lùi sâu hơn. Phải mất một khoảng thời gian để tôi thích nghi với sự thay đổi này, nhưng đến khi Marco Silva đặt chân đến, mọi thứ đã thay đổi.
 
Chúng tôi đã thi đấu theo lối chơi mà tôi yêu thích và tôi được chơi theo cái cách mà mình muốn. Bốn trận đấu của tôi dưới sự chỉ đạo của ông ấy có lẽ chính là bốn trận đấu hay nhất mà tôi có trong màu áo Hull City. Tôi bắt đầu cảm thấy như cơ hội để mình chứng tỏ bản thân lại đến một lần nữa. Tôi đã rất lạc quan về tương lai của mình.
 
Một ngày bình thưởng như mọi ngày khác, chúng tôi hành quân đến một trận đấu trên sân khách. Đó là một trận đấu diễn ra vào chiều chủ nhật, vì vậy, chúng tôi đã khởi hành vào thứ bảy và qua đêm tại một khách sạn gần sân vận động. Vào buổi sáng, chúng tôi đi bộ dọc theo bờ sông Thames để thư giãn, sau đó là đến bữa ăn trước trận đấu, nghỉ ngơi một chút và chuẩn bị để đến Stamford Bridge.
 
Tôi đã để dành sẵn hai tấm vé cho bố và mẹ tại phòng bán vé. Tôi thậm chí còn đặt chỗ cho họ ngồi ở hàng ghế đầu bên phía khán đài dành cho CĐV Hull City vì nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời nếu tôi có thể ghi bàn và chạy đến đó để ăn mừng cùng bố mẹ.
 

Trận đấu bắt đầu với những tín hiệu đầy tích cực cho đội bóng của chúng tôi. Đối thủ mà tôi phải đụng độ chính là N’Golo Kante và đó là một cuộc đối đầu tuyệt vời. Đã có một vài pha tắc bóng khá nguy hiểm, mang tính 50-50, nhưng nói chung thì chẳng có gì nghiêm trọng xảy ra cả. Nhưng sau khi trận đấu diễn ra được 13 phút, thảm họa đã xảy đến.
 
Chelsea được hưởng một quả phạt góc. Qủa bóng bay đến, khi bật cao để đánh đầu phá bóng, tôi đột nhiên cảm thấy một lực tác động mạnh đến mức như đâm xuyên qua hộp sọ của mình. Đó là cơn đau tồi tệ nhất mà một con người có thể tưởng tượng được.
 
Mọi người cho rằng tôi sẽ không thể nhớ gì về giây phút nguy kịch đó, nhưng họ đã lầm, tôi nhớ rất rõ. Tôi có thể nhớ từ việc các bác sĩ vội vã lao nhanh tới chỗ mình, sự khủng khiếp của cơn đau, cho đến việc mình đã trải qua tất cả các công tác kiểm tra tiêu chuẩn thường được thực hiện với những chấn thương ở đầu. Cơ thể của bạn sẽ rơi vào trạng thái hoảng sợ tột độ và kích hoạt bản năng tự bảo toàn mỗi khi bạn gặp phải một cơn đau tồi tệ - nó có thể tự nhận biết khi có điều gì đó cực kì xấu đang diễn ra. Tôi đau đớn đến mức không thể chịu đựng nổi, nó giống như một quả bom vừa nổ tung trong đầu tôi, ngay ở thái dương.
 
Bác sĩ của câu lạc bộ, Mark Waller, đã đưa ra những quyết định quan trọng để định hình sự hồi phục của tôi. Ông ấy ngay lập tức nhận ra là tôi đã bị nứt sọ và nhiều khả năng là còn bị cả tổn thương não, bởi vì toàn bộ phần bên phải của khuôn mặt tôi đã va đập xuống đất và bị tê liệt. Nhân viên lái xe cứu thương muốn đưa tôi đến bệnh viện gần nhất, nhưng Waller bảo rằng nơi cần phải đến St Mary và chúng tôi đã lái xe qua hai bệnh viện khác để đến được đó.
 
Đó chắc chắn chính là quyết định đã cứu mạng tôi. Nếu khi ấy chúng tôi quyết định đi đến một trong những bệnh viện gần đó, có lẽ tôi sẽ phải trải qua một lần scan rồi mới được đưa đến St Mary, điều đó sẽ khiến lãng phí rất nhiều thời gian quý báu.
 
Chỉ vài phút sau khi đến nơi, tôi đã được đưa ngay vào phòng phẫu thuật. Nếu tôi bị đưa đến bất cứ nơi nào khác, có lẽ mọi chuyện đã không thể kết thúc một cách tốt đẹp như hiện tại. Sau 61 phút kể từ lúc bị dính chấn thương, tôi đã có thể cử động lại.
 

NỖI ĐAU VÀ SỰ IM LẶNG
 
Điều tiếp theo tôi nhớ là những gì diễn ra sau khi tỉnh giấc. Tất cả mọi thứ xung quanh đều rất mờ. Khi đó, tôi vẫn cảm thấy cực kì đau đớn. Có quá nhiều tiếng ồn mà đầu tôi không thể xử lý được – và họ đã phải đưa tôi vào một căn phòng riêng. Tôi cần phải được cách li hoàn toàn khỏi những tiếng động, bởi vì cho dù chỉ là một tiếng động rất nhỏ cũng là quá nhiều đối với chấn thương của tôi. Ngay cả tiếng thì thầm của các y tá trong hành lang cũng khiến tôi cảm thấy như thể có ai đó đang hét vào tai mình, tôi đã ở trong tình trạng rất nhạy cảm với những tiếng ồn.
 
Tôi đã ngủ khoảng 20-22 tiếng mỗi ngày. Thỉnh thoảng, họ sẽ đánh thức tôi dậy để làm một vài xét nghiệm, kiểm tra huyết áp và nhiều thứ khác, nhưng trong phần lớn thời gian, tôi phải ngủ. Phục hồi từ loại chấn thương này là một công việc rất khó khăn đối với cơ thể. Bạn cần phải hết sức cẩn trọng.
 
Tôi biết là người ta đã đưa vào đầu mình những tấm kim loại và đinh kẹp, mặc dù tôi cũng không nhận thức được một cách rõ ràng về điều đó, mãi cho đến 6 tháng sau, khi tôi được các bác sĩ giải thích về những việc mà họ đã làm. Chấn thương của tôi là cực kì nghiêm trọng và họ đã cố gắng để không khiến tôi bị khủng hoảng hoặc quá shock. Tôi không chắc là liệu mình có thể tiếp nhận tất cả sự thật không.
 
Tổng cộng, tôi phải mang đến 14 tấm kim loại trong hộp sọ, với 28 chiếc ốc vít để giữ chúng ở đúng vị trí. Ngoài ra còn có 45 chiếc đinh kẹp và một vết sẹo dài 6 inch trên đầu tôi. Những thông tin không mấy thú vị.
 
Đến tận bây giờ, tôi vẫn có thể cảm nhận được tất cả những món “phụ kiện” đó. Tôi luôn ý thức về chúng. Nếu những người khác có thể một lần trải qua những gì mà tôi đã phải chịu đựng, chắc chắn họ sẽ thốt lên: “Chúa ơi, cơn đau đầu này thực sự rất tồi tệ”, và đó chính là thứ mà tôi đã phải học cách sống chung trong một thời gian dài. Nếu bắt buộc phải giải thích về nó, thì tôi có thể so sánh cái cảm giác này với những gì mà bạn sẽ cảm thấy sau khi ngồi xem phim suốt ba giờ thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng chuông và bạn ngay lập tức bật dậy để mở cửa. Hãy tưởng tượng về cái tình huống mà tôi đã nêu ra, và đó chính là thứ mà tôi phải chịu đựng từng phút mỗi ngày. Giờ đây, mỗi khi đầu tôi dở chứng, nó luôn là một cơn đau quá sức chịu đựng đối với bất cứ ai. Chỉ cần nghiêng người sang một bên, tôi sẽ ngay lập tức cảm thấy một áp lực lớn đang đè nặng lên đầu mình. Đó là thứ đã hành hạ tôi trong suốt một thời gian dài.
 

Toàn bộ các dây thần kinh ở một bên của khuôn mặt tôi đã bị tổn thương và họ đã phải cắt nhỏ hoàn toàn cơ thái dương để có thể mở hộp sọ tôi ra; vì vậy, trong một khoảng thời gian sau khi các dây thần kinh được nối lại, tôi đã cảm thấy một cơn ngứa cực kì khó chịu, cứ như bị hàng tá cây kim nhỏ đâm vào vậy.
 
Các cơ đó kết nối với hàm, vậy nên tôi hoàn toàn không thể mở miệng: Trong suốt 10 ngày, tôi đã được cho ăn bằng thìa. Phải đến 10 tuần sau, tôi mới có thể mở miệng một cách bình thường. Khi tôi có thể cầm lấy một ly nước cam, đưa nó lên miệng và uống, đó đã là một bước tiến lớn trong quá trình hồi phục. Gia đình tôi thậm chí còn quay video lại khoảng khắc đó.
 
Khả năng giữ thăng bằng của tôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tôi hoàn toàn không thể đi theo một đường thẳng – ngay cả khi hồi đó tôi rất ít khi đi bộ. Trong một khoảng thời gian, mỗi khi di chuyển đầu, tôi đều cảm thấy rất chóng mặt. Tôi đã đi gặp một chuyên gia về vấn đề này, và sau 12 tuần, cô ấy đã giúp tôi lấy lại sự thăng bằng và dần dần di chuyển lại một cách bình thường.
 
Trong suốt quá trình hồi phục, tôi đã đi khắp đất nước để tìm gặp các chuyên gia, trải qua những cuộc xét nghiệm, những buổi chụp scans – tình hình vô cùng căng thẳng. Vào một tuần, có người đến gặp tôi và nói: “Không, tiếp tục trở lại với bóng đá không phải là ý hay đâu.”

NHỮNG THỬ THÁCH LIÊN TIẾP
 
Ba tháng đầu tiên sau vụ tai nạn là khoảng thời gian tồi tệ nhất. Những thử thách cứ ập đến liên tiếp: Đầu tiên là, “Liệu tôi có thể ngồi trên giường được không?”, sau đó đến, “Tôi có thể đi lại được không?”. Nó còn mang đến một thử thách vô cùng lớn về mặt tình cảm, không chỉ đối với tôi, mà còn với cả gia đình tôi. Chị gái tôi sẽ phải ở trong một ngôi nhà không có đèn, không có TV trong suốt 8-9 tuần, và ngồi (gần như hoàn toàn) im lặng bên cạnh tôi trên ghế sofa hầu hết thời gian trong ngày. Nếu chị ấy cần nghỉ ngơi, mẹ tôi sẽ đến và thay thế chị ấy.
 
Tất nhiên, toàn bộ những điều đó cũng vô cùng khó khăn đối với tôi – đặc biệt là khi trước, ngày nào tôi cũng hoạt động năng nổ -  nhưng tôi cho rằng chúng còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần đối với gia đình tôi, vì họ phải nhìn thấy tôi trong tình trạng như vậy và toàn bộ quá trình hồi phục đã diễn ra vô cùng chậm chạp.
 

Và thật hài hước, cái thực tế tôi là một cầu thủ bóng đá lại chính là thứ đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này: Tôi nhìn nhận nó như một thách thức mà mình cần đánh bại, chỉ là một công việc mà tôi vẫn thường phải làm trong suốt sự nghiệp – vượt qua những thách thức. Trong trường hợp lần này thì nhiệm vụ của tôi chỉ là di chuyển về phía trước từng bước một và tìm cách để làm được điều đó.
 
Đến cuối tháng 5, tôi đã nghĩ đến việc trở lại thi đấu một lần nữa. Tôi đã đến Hull để gặp các đồng đội và bác sĩ điều trị vật lý để tôi sút một quả bóng vào tường – giống như việc mà tôi vẫn thường làm thời còn nhỏ vậy. Đó là lần đầu tiên tôi được chạm chân vào một quả bóng sau 5 tháng.
 
Vào thời điểm đó, việc quay trở lại với sân cỏ là một chặng đường dài và vô cùng khó khăn. Tôi đã dành hai tuần ở Bồ Đào Nha vào tháng 6 để làm việc với các bác sĩ điều trị vật lý đến từ Hull. Mỗi ngày, tôi sẽ tập chạy bộ, và mặc dù vẫn có hơi chóng mặt, vào cuối kì nghỉ đó, tôi đã chạy được khoảng 70 hoặc 80%, đảo cơ thể qua lại, xoay người và sút vào trái bóng một lần nữa. Bước đột phá đó thật sự đã tiếp thêm cho tôi niềm tin rằng mình hoàn toàn có thể quay trở lại với bóng đá.
 
Vào giữa tháng 1 năm nay, tôi đã tự thuyết phục bản thân rằng chỉ cần vài tuần nữa thôi là mình có thể quay trở lại với sân cỏ. Tôi nghĩ rằng mình sẽ trở lại Hull, thi đấu vài tháng ở Championship, rồi sau đó hy vọng về một cuộc tái xuất ở Premier League vào mùa hè này. Đó là tất cả niềm hy vọng của tôi, nhưng trong lần đi scan vào tháng hai, cái viễn cảnh tươi sáng đó đã sụp đổ hoàn toàn.
 
Trong năm đầu tiên sau khi dính chấn thương, tất cả các vấn đề gần như hoàn toàn nằm ở hộp sọ của tôi – có những chiếc lỗ và vết nứt cần được chữa lành – nhưng trong lần scan vào tháng hai, người ta đã phát hiện ra bộ não của tôi cũng đang gặp một số vấn đề. Chúng tôi đã nói chuyện với các chuyên gia và bác sĩ phẫu thuật thần kinh, họ không giấu giếm sự thật và nói rõ điều tồi tệ gì có thể xảy ra nếu tôi vẫn cứ cố chấp tiếp tục chơi bóng.
 
Họ cho biết nếu tôi quay lại thi đấu và thực hiện thêm bất kì một pha đánh đầu nào khác trong vòng một năm, hay thậm chí là chỉ 6 tháng, nhiều khả năng tôi sẽ bị mất trí nhớ hoặc động kinh khi bước sang độ tuổi 28-29. Họ bảo rằng việc tôi có thể hồi phục như hiện tại là một phép màu, nhưng nếu tiếp tục chơi bóng, tôi sẽ phải nhận thêm một sự thương tổn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
 
Khi đứng dậy và rời khỏi cuộc nói chuyện, tôi biết là mình buộc phải giải nghệ. Đó thật sự là một tin tức vô cùng khủng khiếp và đau đớn, nhưng tôi đã có một cậu con trai vào tháng 12, và khi nhìn vào thằng bé, tất cả những gì tôi có thể nghĩ là mình đã may mắn và hạnh phúc đến nhường nào. Thằng bé đã mang đến cho tôi một mục tiêu khác để có thể tập trung toàn tâm toàn ý vào – cuộc sống của tôi giờ đây là để chăm sóc, dạy dỗ thằng bé.
 
Bóng đá vẫn là tình yêu của đời tôi, và may mắn thay, giờ đây tôi đã đủ sức khỏe để có thể tung ra một cú sút. Nhưng rất tiếc, việc quay trở lại thi đấu chuyên nghiệp là không an toàn chút nào. Tôi đã cảm thấy mình chắc chắn sẽ đạt được rất nhiều thành tựu nếu có thể tiếp tục chơi bóng – và khoát áo đội tuyển Anh nhiều hơn. Nhìn vào cái cách mà sự nghiệp của tôi phát triển, tôi không nghĩ rằng mình sẽ chạm đến đỉnh cao của đời cầu thủ mãi cho đến 28 - hay thậm chí là 32 tuổi. Nhưng khi ngẫm nghĩ lại, có thể nói, tôi đã làm được tất cả những điều mà mình muốn trong tư cách của một cầu thủ.
 
Tôi đã được chơi ở Premier League, trở thành đội trưởng của đội bóng thời niên thiếu và khoát áo đội tuyển Anh. Nếu bạn quay về quá khứ để hỏi thằng nhóc Ryan Mason năm 15 tuổi rằng nó muốn đạt được những gì trên con đường bóng đá, thì ba điều trên chính là tất cả mơ ước của nó. Tôi có thể tự hào về những gì mà mình đã đạt được trong sự nghiệp cầu thủ ngắn ngủi kia – tôi hoàn toàn không có gì phải hối tiếc cả.
 
Nếu bạn cũng đã trải qua những biến cố tương tự như vậy và nó vẫn không hề thay đổi quan điểm của bạn về cuộc sống, bạn chắc hẳn là một tên ngốc. Khi bạn gần như sắp chết và nhận được cơ hội thứ hai để được sống, bạn sẽ nhìn nhận tất cả những gì mà mình đang có theo một cách hoàn toàn mới.
 
Đối với tôi, thật khó để suy nghĩ quá xa xôi về tương lai. Tôi đã bắt đầu làm việc với các cầu thủ trẻ tại Spurs và đang cố gắng để có được tấm bằng huấn luyện, thêm vào đó là bước chân vào một số công việc bên mảng truyền thông, nhưng trên tất cả, tôi thích được tận hưởng cuộc sống của chính mình ở hiện tại. Tôi muốn được làm những việc như đi dự những buổi tiệc gia đình vào các buổi tối thứ bảy, điều mà trước đây tôi đã phải bỏ lỡ vì những trận đấu. Về sức khỏe,  giờ đây tôi đã có thể tự mình làm hầu hết mọi việc – tôi vẫn có thể chạy bộ hoặc chơi tennis. Tôi thực sự là một chàng trai may mắn.
 
Và hơn hết, tôi hy vọng rằng mình có thể tìm được một thứ gì đó khác để đam mê và cống hiến 100% - giống như những gì mà tôi đã từng làm với bóng đá.
 
LƯỢC DỊCH TỪ PHỎNG VẤN RYAN MASON ĐƯỢC THỰC HIỆN BỞI JAMES MAW, ĐĂNG TẢI TRÊN FOURFOURTWO

NAM KHÁNH (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.