Ryan Giggs: Đâu cần Quả bóng vàng để trở nên vĩ đại

Tác giả CG - Thứ Sáu 29/11/2019 16:21(GMT+7)

Con người không ai chọn được cho mình nơi sinh ra, nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn hay nói chữ “nếu”. Bóng đá cũng vậy, rất nhiều danh thủ sở hữu năng lực phi phàm và nếu ở một quốc gia phát triển hơn về môn thể thao này, sự nghiệp của họ sẽ còn rực rỡ hơn nữa.

Con người không ai chọn được cho mình nơi sinh ra, nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn hay nói chữ “nếu”. Bóng đá cũng vậy, rất nhiều danh thủ sở hữu năng lực phi phàm và nếu ở một quốc gia phát triển hơn về môn thể thao này, sự nghiệp của họ sẽ còn rực rỡ hơn nữa. 

Ryan Giggs cũng vậy. Nếu khoác áo một đội tuyển nào đó như Anh, người ta sẽ được chứng kiến ông nhiều hơn ở những giải đấu quốc tế của cấp đội tuyển. Nhưng suy cho cùng vẫn lại là một chữ “nếu”. Có lẽ bởi thế, bởi ông là người Xứ Wales và thi đấu cho “Những chú rồng” (biệt danh đội tuyển Xứ Wales) mà người ta được thấy ánh hào quang của ông trọn vẹn nhất cùng Manchester United.
Giggs từng thừa nhận sau khi chính thức treo giày, ông đã rơi nước mắt khi ngồi trước vô lăng chiếc xe hơi. Không buồn sao được, cả sự nghiệp dài đằng đẵng với vô số danh hiệu lớn nhỏ từ cá nhân tới tập thể và đủ những thăng trầm, đâu dễ gì từ bỏ ngay được. Giọt nước mắt người đàn ông không lăn xuống dễ dàng. Nhưng khi họ khóc, đó như trút cả nỗi niềm những năm tháng gồng lên chiến đấu.
Trong đầu Giggs lúc đó hiện lên những điều gì, có phải là cái ngày lần đầu tiên khi Sir Alex Ferguson tới nhà và sướng rơn lên khi ông thầy người Scotland hiểu rõ về mình đến mức biết cả tên của mẹ? Có phải là một ngày tháng 4/1991, khi Sir Alex công bố đội hình ra sân cuộc chạm trán Manchester City, ông để dành lại vị trí tiền vệ cánh trái cuối cùng và nói ‘Ryan, cậu sẽ đá bên cánh trái nhé’? Vâng, lần đầu tiên đá chính thì bao giờ cũng đáng nhớ mà. Hay đó là cú solo kinh điển, biến các hậu vệ Arsenal trở thành những cầu thủ học việc rồi sút tung lưới David Seaman?
Có lẽ để kể về những khoảnh khắc tuyệt vời của Giggs thì không thể nào hết chỉ trong chốc lát được. Giggs không cần Quả bóng vàng để trở nên vĩ đại, bởi chẳng ai có thể phủ nhận năng lực của ông cả. 2 lần là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm, 6 lần có tên trong đội hình tiêu biểu Premier League, giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm và có tên trong Đội hình tiêu biểu của Thế kỷ, và cùng với đó là hàng tá những danh hiệu lớn nhỏ khác cả cấp độ cá nhân lẫn tập thể thể. Chừng ấychẳng phải quá đủ để chúng ta không cần phải nói về Quả bóng vàng hay sao.
Suốt gần 20 năm thi đấu ở cánh trái, như không hề biết mệt mỏi, ông bỏ lại sau lưng những hậu vệ đối phương hoang mang còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra bằng tốc độ kinh hoàng. Trong khoảng thời gian đó, phần cỏ bên trái của Old Trafford liệu có phải nơi khó mọc nhất trên sân bởi thường xuyên phải hứng chịu những bước chạy lên xuống như xé gió hay không là điều cần nghiên cứu thêm, nhưng thực sự ông đã biến khu vực ấy thành lãnh địa của riêng mình.

Cái thời Internet chưa phát triển như bây giờ, khi màu sắc của những bức ảnh và màn hình TV còn ám một màu trầm buồn mà bây giờ người ta gọi nó là cổ điển, tên tuổi của Giggs đã nổi tiếng khắp nơi cùng thế hệ 92 huyền thoại. Khi đó, người ta vẫn thường so sánh ông với George Best - một số 7 đã đi vào lịch sử của Manchester United. Nhưng huyền thoại người Bắc Ireland ấy nói gì các bạn biết không? “Rồi một ngày, có thể họ sẽ gọi tôi là một Ryan Giggs khác đấy”. Vâng, một câu nói ngắn gọn nhưng nội hàm của nó thì còn hơn cả một lời khen. Đó là sự thừa nhận của một người đi trước với hậu bối.
Vậy còn những người khác thì sao? Johan Cruyff nói: “Eric Cantona là một cầu thủ xuất sắc nhưng cậu ấy không giỏi như Ryan Giggs”. Alessandro Del Piero thì chia sẻ: “Chỉ có 2 cầu thủ khiến tôi phải khóc khi xem họ thi đấu, một người là Diego Maradona và người còn lại là Ryan Giggs”.
23 năm ở đội một, hơn 900 trận đấu, 160 bàn thắng và hơn 200 pha kiến tạo là cả một di sản đồ sộ. Trong thế hệ 92 của Manchester United, chỉ có Giggs ở lại đội bóng lâu nhất dù về lý thuyết lối chơi và vị trí của ông đòi hỏi nhiều thể lực hơn cả. Mùa giải 2010/2011, cầu thủ người Xứ Wales bắt đầu dịch chuyển vào thi đấu ở trung tâm nhiều hơn. Đó là một sự lựa chọn hợp lý của Sir Alex để duy trì phong độ cho cậu học trò mà vẫn có thể phát huy năng lực chơi bóng của Giggs.
Ông nói đó là cả một quá trình phải rèn luyện và nỗ lực rất nhiều để đảm trách nhiệm vụ ở trung tuyến sau hàng chục năm trời là người chạy cánh. Ông chia sẻ trên The Coaches’ Voice như thế này: “Khi bạn càng lớn tuổi, trận đấu càng giống một ván cờ, bạn cố gắng đi những nước cờ thật chuẩn. Ngoài ra nó cũng giống một ma trận nữa. Tất cả mọi thứ chậm xuống một chút trong khi nếu bạn còn trẻ hơn thì chỉ xoay quanh những bước chạy 100 dặm/h. Do đó chắc chắn bạn sẽ quan tâm hơn một chút đến vai trò của chiến thuật: đối thủ gây áp lực như thế nào? Bạn muốn gây áp lực thế nào? 

Tất cả những điều này sẽ không bao giờ bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ khi bạn còn là cầu thủ trẻ. Ai là cầu thủ nguy hiểm bên phía đối thủ? Anh ta thuận chân phải hay chân trái? Liên tục gây áp lực vào chân phải anh ta. Bạn có đối đầu một tiền vệ liên tục chạy ra phía sau bạn? OK, đúng, họ muốn chạy liên tục vì bạn cũng sẽ chạy qua họ. Tôi không còn có thể chạy lên chạy xuống quá nhiều, nhưng thay vì để mệt lả đi sau 60 phút, bạn phải giữ tốc độ hợp lý. Tôi vẫn khá hiệu quả nhưng có lẽ không chạy quá nhiều nữa.

Với tôi nó không giống như bất cứ trải nghiệm nào khác. Trải nghiệm đó giúp bạn suy nghĩ tĩnh lại để thấy cần chuyền bóng đi đâu và cầm bóng bình tĩnh hơn. Tôi giữ bóng tốt hơn một chút thay vì không phải lúc nào cũng cố gắng thực hiện những đường chuyền Hollywood. Tôi giữ bóng lại và chuyền bóng ra phía sau hàng phòng ngự hoặc chọc khe vào chân tiền đạo”.

Nghe những lời này của Giggs, có cảm tưởng như đó mới là lúc ông thực sự “chín” trong tư duy chơi bóng, là lúc một tiềm năng nữa của ông bắt đầu được khai phá. Chỉ có điều, ở lứa tuổi ngoài 30, như bộ khung xương đã được định hình, thật khó để Giggs có thể vươn lên đỉnh cao ở đây. Những năm tháng chơi tiền vệ cánh, hướng nhìn của Giggs hầu như chỉ là đường thẳng. Nhưng khi chơi ở trung lộ, ông phải bao quát nhiều hơn, quan sát rộng hơn. Một chuyên gia về mắt tại CLB đã phải làm việc để giúp ông cải thiện tầm nhìn ngoại vi.
Ngày hôm nay, anh chàng trẻ măng ngày nào xếp hàng cùng thế hệ 92 chụp hình với Sir Alex đã là người đàn ông 46 tuổi với niềm vui cùng đội tuyển Xứ Wales vượt qua vòng loại Euro 2020. Suốt cả sự nghiệp của mình, thành tích của Giggs ở đội tuyển quốc gia gần như là khoảng trắng. Nhưng giờ đây, ông đang đứng trước một vận hội mới của chính bản thân, để một lần nữa người ta phải thừa nhận năng lực của ông - dù giờ đây là công việc đứng ngoài đường biên.
4 trận đấu làm HLV tạm quyền Manchester United và 2 năm làm trợ lý cho Louis van Gaal đã tích lũy những kinh nghiệm để có một HLV Ryan Giggs như bây giờ. Chàng trai năm ấy, thanh xuân ngày nào của cả một thế hệ rực rỡ sau những năm tháng miệt mài, dành gần như toàn bộ quãng thời gian nghiệp quần đùi áo số để cống hiến cho Manchester United giờ đây đang có thể làm điều gì đó cho đội tuyển quê hương.
Và dù ở cương vị nào cũng chúc ông thành công thật rực rỡ. Sau tất cả, chúc mừng sinh nhật thanh xuân của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta.
CG

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự vươn mình của Gianluca Scamacca và niềm hi vọng cho Azzurri!

Hình ảnh Mario Balotelli gồng mình ngạo nghễ trước người Đức 12 năm trước có thể được tái hiện ở EURO 2024, nếu ĐTQG Italia đặt niềm tin vào Gianluca Scamacca. Màn ăn mừng lạnh lùng trước Liverpool cùng những thể hiện trên hành trình lên ngôi Europa League, là trailer đáng chờ đợi cho viễn cảnh đó.

Ngày Alexander-Arnold xa rời vòng tay "người cha" Jurgen Klopp

Alexander-Arnold không phải cầu thủ Liverpool duy nhất khóc sau trận đấu chia tay của Klopp, trận thắng 2-0 Wolverhampton Wanderers tại vòng đấu cuối cùng của Ngoại hạng Anh 2023/24, diễn ra tối 19/5. Virgil Van Dijk cũng rơi lệ. Song, những giọt nước mắt của Alexander-Arnold có lẽ cảm xúc hơn cả. Bởi đó là giọt nước mắt của một đứa con dành cho người cha của mình. 

Stefan Ortega: Đẳng cấp của một ‘số 2’ và khoảnh khắc cứu thua của mùa giải

Chấn thương (ở vùng đầu và mắt) của Ederson trong trận thắng 2-0 trên sân Tottenham khiến anh phải kết thúc sớm mùa bóng 2023/24 rõ ràng là một mất mát đáng kể đối với Man City. Tuy nhiên, những gì mà “số 2” Stefan Ortega thể hiện trong khoảng nửa giờ thi đấu tại Tottenham Hotspur, với những pha cứu thua xuất sắc, cho thấy thủ môn người Đức hoàn toàn sẵn sàng cùng Cityzens  “về đích” trong khúc khải hoàn.

Marc Cucurella - Hậu vệ cánh ảo: Bước ngoặt cho mùa giải của Chelsea-Pochettino

Kể từ hiệp 2 trận đấu trên sân Aston Villa hôm 28/4, Chelsea làm một đội bóng hoàn toàn khác. Đoàn quân của Mauricio Pochettino ghi 2 bàn trong 45 phút sau tại Villa Park để kết thúc trận đấu với tỉ số hòa 2-2. Và sau đó là 4 chiến thắng liên tiếp: 2-0 Tottenham, 5-0 West Ham, 3-2 Nottingham và mới nhất 2-1 Brighton.