Rudi Voller: "Gã thợ hàn" đáng mến của đội tuyển Đức

Tác giả Nam Giang - Thứ Hai 02/10/2023 16:18(GMT+7)

Khi nhắc tới biệt danh “Gã thợ hàn” trong bóng đá, mọi khán giả sẽ lập tức nghĩ ngay đến HLV Claudio Ranieri. Tuy nhiên, ĐTQG Đức cũng đang có một “Gã thợ hàn” khác, đó là Rudi Voller. 

 

Voller và hai lần “hàn” ĐT Đức

Hai ngày sau khi Hiệp hội bóng đá Đức (DFB) sa thải Hansi Flick và bổ nhiệm Voller làm HLV tạm quyền, ĐTQG nước này phải đối đầu đối thủ trên cơ là Pháp trong trận giao hữu. Đương kim á quân World Cup đang có phong độ rất tốt với việc thắng 8/9 trận gần nhất. 

Ngược lại, Đức đang trải qua chuỗi 5 trận không thắng (4 thua, 1 hòa) và vừa chịu thất bại đáng xấu hổ 1-4 trước Nhật Bản. Cỗ xe tăng (hạng 15) cũng kém Pháp (hạng 2) 13 bậc trên bảng xếp hạng FIFA. 

Kết quả, Đức gây bất ngờ khi hạ gục đoàn quân của HLV Didier Deschamps với tỷ số 2-1. Tất nhiên, đây không phải chiến thắng hoàn hảo của Die Mannschaft. 

Ngoài việc phải nhận một bàn thua, Đức còn được thi đấu trên sân nhà Signal Iduna Park. Đây cũng chỉ là một trận giao hữu và Deschamps đã tận dụng chuyến làm khách này để thử nghiệm sơ đồ 4-4-2 (thay vì 4-2-3-1 như thường lệ) cho tuyển Pháp. Ngoài ra, nhà cầm quân 54 tuổi cũng không sử dụng trụ cột Kylian Mbappe (cho ngồi dự bị cả trận).

Dẫu vậy, thắng lợi sát nút trước vị khách tới từ đất nước hình lục lăng vẫn là màn trình diễn hết sức đáng khích lệ của đội chủ nhà bởi Đức đang ở trong tình cảnh vô cùng rối ren sau màn chia tay đáng quên của Flick. 

Trước đối thủ mạnh hơn là Pháp, các cầu thủ áo trắng chơi cực máu lửa, nhiệt tình. Cái chất nhiệt của tuyển Đức được thể hiện ở thái độ thi đấu đầy tích cực, ví dụ như việc Cỗ xe tăng luôn quyết liệt tranh cướp khi không có bóng và sự chắc chắn, tỉnh táo cũng lối đá rắn của hàng phòng ngự. 

Luồng sinh khí sôi nổi này đối lập hoàn toàn với sự ủ rũ đến mức “báo động đỏ” trong 5 trận không thắng trước đó. Tinh thần là điều đáng khen nhất, nổi bật nhất của Đức trong trận thắng Pháp và tinh thần ấy rất khác so với cách đá kiểu “cơm nguội” bạc nhược như ở trận thua tủi hổ trước Nhật Bản - trận đấu cuối cùng của Flick trước khi bị DFB đuổi việc. 

Những HLV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “truyền lửa” cho các cầu thủ Die Mannschaft là Hannes Wolf, Sandro Wagner và đặc biệt nhất phải kể đến Voller. Chỉ với khoảng hơn 48 giờ làm việc, họ đã thành công mỹ mãn trong việc vực dậy tinh thần của một tập thể rệu rã. 

Một trận giao hữu thắng có thể chưa nói lên điều gì, nhưng đây chính là liều thuốc tâm lý hữu hiệu mà Voller và các cộng sự đã mang đến cho các tuyển thủ Đức. 

Chiến thắng trước Pháp ở năm 2023 chắc chắn đã làm Voller nhớ về thắng lợi trước Tây Ban Nha ở năm 2000. Hơn 2 thập kỷ trước, vị chiến lược gia sinh năm 1960 cũng có một màn ra mắt trên cương vị HLV trưởng tạm thời của tuyển Đức. 

 

Ngay ở trận đầu tiên, Voller giúp Cỗ xe tăng đả bại Tây Ban Nha của những Pep Guardiola, Raul Gonzalez, Gaizka Mendieta với tỷ số đậm đà 4-1. Đây cũng là một trận giao hữu diễn ra trên sân nhà của Đức (Heinz-von-Heiden-Arena). 

Lúc bấy giờ, Die Mannschaft cũng ở trong tình cảnh đáng báo động không khác gì thời điểm hiện tại. HLV Erich Ribbeck từ chức sau khi Đức có màn trình diễn thảm hại ở Euro 2000. Cỗ xe tăng bị loại sớm ngay từ vòng bảng. Đức không thắng cả 3 trận (thua 2, hòa 1) và đứng bét bảng A. 

Thực tế, ứng cử viên số một cho chiếc ghế nóng của Die Mannschaft không phải Voller mà là Christoph Daum. Vị thuyền trưởng sinh năm 1953 đã chính thức đạt thỏa thuận với DFB. Dẫu vậy, Daum vẫn còn hợp đồng với Bayer Leverkusen. Vì lý do này, DFB muốn để Voller làm tạm quyền một năm trước khi nhường ghế cho Daum. 

Tuy nhiên, mọi thứ không thể diễn ra đúng kế hoạch ban đầu khi cựu HLV Besiktas đối mặt nguy cơ ngồi tù do bị nghi sử dụng ma túy. Trong thời điểm Daum dính scandal, Voller lại chứng tỏ được năng lực khi giúp Đức giành hai chiến thắng (2-0 trước Hy Lạp và 1-0 trên sân nhà của Anh) tại vòng loại World Cup 2002 (đầu tháng 9/2000). 

Như vậy, cựu cầu thủ Olympique Marseille đã thiết lập được chuỗi 3 trận thắng liên tiếp trong lần đầu tiên dẫn dắt một ĐTQG. Tới cuối tháng 10, DFB quyết định hủy thỏa thuận với Daum và trao cho Voller bản hợp đồng có thời hạn đến năm 2006. 

Đây bị coi là một nước đi khá mạo hiểm của DFB bởi Voller rất non kinh nghiệm. Ông chỉ mới có một quãng thời gian ngắn ngủi làm HLV trưởng tại Leverkusen trước khi nhận được bản hợp đồng chính thức ở ĐTQG. 

Tuy nhiên, đáp lại niềm tin của các lãnh đạo bóng đá Đức, Voller đưa Cỗ xe tăng vào tới tận trận chung kết World Cup 2002. Die Mannschaft chỉ chịu thua trước Brazil của HLV Luiz Felipe Scolari cùng dàn sao Cafu, Roberto Carlos, Ronaldinho, Rivaldo, Ronaldo Nazario De Lima,... với tỷ số không quá đậm (0-2). 

Đó là hai lần Voller “hàn” một tuyển Đức đang lâm vào tình cảnh “nước sôi lửa bỏng”. Cựu tiền đạo AS Roma luôn phải “vào việc” khẩn cấp với vô vàn những bất lợi, nhưng bằng khả năng làm tâm lý của mình, Voller luôn biết cách tạo ra sự khác biệt. 

Rudi Voller khi trẻ

Voller sẽ đóng vai trò quan trọng trong hành trình tái thiết của tuyển Đức

Tất nhiên, Voller vốn không phải một siêu sao ở làng HLV. Bằng chứng là cựu chân sút Werder Bremen không giành được bất kỳ danh hiệu nào trong 5 năm sự nghiệp cầm quân (2000 - 2005). Voller cũng đã thất bại khi không thể giúp tuyển Đức vượt qua vòng bảng Euro 2004. 

Dẫu vậy, cách phản ứng, cách Rudi đối mặt với những thất bại khiến cổ động viên Die Mannschaft khó có thể căm ghét ông. Voller đã từ chức chỉ đúng một đêm sau khi tuyển Đức phải chia tay Euro 2004 ngay từ vòng bảng. Ngay kể cả khi làm không tốt công việc của mình, Rudi vẫn giữ được hình ảnh trong mắt các cổ động viên. 

Vị giám đốc 63 tuổi cũng bác bỏ tin đồn cho rằng mình sẽ trở thành HLV trưởng lâu dài của Cỗ xe tăng. Voller biết tự lượng sức mình, ông muốn tiếp tục toàn tâm toàn ý với chức vụ giám đốc thể thao DFB, thay vì “bon chen” làm HLV.  

Cách xử lý tình huống của Voller khiến ông có rất ít anti-fan. Rudi có lòng tự trọng và biết lượng sức mình. Đây là lý do ông được nhiều người hâm mộ bóng đá Đức yêu quý. Thậm chí, các cổ động viên Đức từng sáng tác một bài hát riêng cho người đàn ông này (tên là “Chỉ có một Rudi Voller duy nhất!”). 

Chiến thắng trước Pháp  là trận đấu duy nhất của Voller trên cương vị HLV trưởng của Die Mannschaft sau sự ra đi của Flick. Tuy nhiên, nhân vật này xứng đáng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết của tuyển Đức sau hai lần liên tiếp bị loại ở vòng bảng World Cup. 

 

Thực tế, Voller là một trong những sự thay đổi đầu tiên ở thượng tầng của DFB sau màn trình diễn kém cỏi ở World Cup 2022. Bằng chứng là Rudi đã thay thế Oliver Bierhoff làm giám đốc thể thao DFB từ cuối tháng 1/2023. 

“Tôi rất vui khi cậu ấy sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ đầy thử thách này. Với tính cách phù hợp và những thành tích của mình, Rudi là giải pháp lý tưởng đối với DFB”, Phó chủ tịch DFB Hans-Joachim Watzke dành lời khen cho Voller. 

“Ông ấy là nhân vật không thể thay thế với bóng đá Đức. Dù với bất kỳ vai trò nào, HLV, cầu thủ hay giám đốc, Rudi luôn biết cách làm người hâm mộ Đức cảm thấy hài lòng”, Flick cũng dành những lời “có cánh” cho Voller. 

Trước mắt vị giám đốc 63 tuổi là những nhiệm vụ đầy thử thách, đặc biệt là trong bối cảnh chỉ còn 9 tháng nữa là kỳ Euro 2024 sẽ khởi tranh trên sân nhà của người Đức, còn ĐTQG thì vẫn chưa tìm được trạng thái ổn định. 

Dẫu vậy, với những dấu ấn đã tạo được trong quá khứ với Die Mannschaft (dù không quá lâu), Voller chắc chắn sẽ nhận được niềm tin yêu và sự kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá Đức!

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.