Rubén Baraja: Cho những tháng ngày đẹp nhất ở Mestalla

Tác giả Ole - LX - Thứ Ba 08/12/2020 14:59(GMT+7)

Zalo

Liệu người ta sẽ nhớ gì khi nhắc về Valencia trong giai đoạn thập niên 2000-2010. Hai thất bại liên tiếp ở các trận chung kết Champions League với một thế hệ tài năng đẹp như giấc mơ của những Mendieta, Claudio Lopez, Canizares, Kily Gonzalez, Aimar, Ayala…?

 
Rubén Baraja Cho những tháng ngày đẹp nhất ở Mestalla hình ảnh
 
Giai đoạn đỉnh cao cùng cú đúp vô địch La Liga và UEFA Cup dưới thời HLV Rafa Benitez? Hay là những tháng ngày bị cơn khủng hoảng tài chính liên tục nhấn chìm xuống đáy bùn nhưng vẫn luôn ngẩng cao đầu nhờ vào sự xuất sắc của Villa, Joaquin, Silva, Mata… Không nhiều người biết rằng, phía sau một Valencia với vô vàn những nỗi thăng thầm như vậy, luôn luôn tồn tại một chiếc tua-bin hoạt động không ngừng nghỉ, một cỗ máy sẵn sàng cháy hết mình cho những tháng năm đẹp nhất tại sân Mestalla, đó là Ruben Baraja.
 
Đương nhiên, Baraja chẳng phải một kẻ vô danh. Cho đến tận bây giờ, khi bàn tán về cặp “sen đầm” Baraja - Abelda trong quá khứ, nhiều người vẫn phải nổi da gà. Họ từng được xem là trục xương sống của Valencia cũng như ĐTQG Tây Ban Nha ở giai đoạn nửa đầu thập niên 2000s. Thế nhưng, đây lại là thời kỳ chứng kiến đội bóng xứ sở Bò tót liên tiếp thất bại tại các giải đấu lớn và mang danh xưng “vua vòng loại”. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà những đóng góp của Baraja đã vô tình trở nên mờ nhạt hơn so với thế hệ sau, khi mà Tây Ban Nha liên tiếp vô địch EURO hay World Cup và không hề được người đời nhìn nhận một cách xứng đáng.
 
Năm 1993, ở độ tuổi 17, Baraja có màn debut trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên tại sân Estadio Jose Zorrilla trong màu áo Valladolid, đội bóng vùng Castile và Leon, nơi anh sinh ra. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ chơi bóng ở học viện, Baraja đã luôn thể hiện được những tố chất hết sức đặc biệt của mình, từ kỹ thuật cá nhân tuyệt vời cho đến khả năng di chuyển và dứt điểm đáng kinh ngạc. Về bản chất, Baraja thích chơi bóng trực diện, sở hữu nguồn thể lực dồi dào cũng như khả năng chuyền bóng chuẩn xác bằng cả hai chân, những yếu tố cực kỳ cần thiết sau này đã đưa cầu thủ sinh năm 1975 trở thành một tiền vệ trung tâm toàn diện và xuất chúng nhất.
 
Mùa giải năm ấy, Valladolid thăng hạng từ Segunda lên chơi ở La Liga, một khởi đầu hết sức hứa hẹn với Baraja. Nhưng rồi, liên tiếp những năm sau đó, Valladolid đã chơi không tốt. Hệ quả, Los Blanquivioletas phải xuống hạng, HLV Rafa Benitez bị sa thải và Baraja cảm thấy khá mù mờ về tương lai của mình.
 
Cánh cửa cứu rỗi từ Atletico Madrid, đội bóng vừa mới vô địch La Liga 1995/96 và Copa del Rey đã mở ra một cơ hội để Baraja vượt qua những khó khăn vào thời điểm này. Tuy nhiên, dưới triều đại HLV người Serbia, Radomir Antic, cơ hội để Baraja chen chân vào đội hình chính của Atletico gần như là bằng không. Liên tiếp trong ba mùa giải, cầu thủ người Tây Ban Nha phải thi đấu cùng đội B, chỉ đề tìm kiếm và chờ đợi một khoảnh khắc sẽ thay đổi cuộc đời.
 
Tháng Sáu năm 1999, may mắn cuối cùng đã tìm đến với Baraja khi cựu cầu thủ Valladolid có trận ra mắt tại đội một nhưng Atletico lại để thua 1-2 trước Salamanca. Khoảng thời gian sau đó, bất chấp việc Los Rojiblancos thi đấu sa sút nhưng Baraja lại thể hiện được năng lực của mình. Mùa giải 1999/2000, tiền vệ người Tây Ban Nha chơi 34 trận cho Atletico và nhanh chóng trở thành một trong những cái tên được chú ý nhất La Liga.
 
Rubén Baraja Cho những tháng ngày đẹp nhất ở Mestalla hình ảnh
 
Thời điểm này, Valencia, đội bóng vừa thất bại ở trận chung kết Champions League đang rất muốn bổ sung thêm tiền vệ sau khi mất đi hai trụ cột là Gerard Lopez (sang Barca) và Javier Farinos (sang Inter). Rất nhanh chóng, Ruben Baraja trở thành cái tên được chọn. Mùa hè năm 2000, Valencia chấp nhận chi 7 triệu euro để có được chữ ký của Baraja, kỷ lục chuyển nhượng của CLB chủ sân Mestalla khi ấy để rồi biệt danh El Pipo ra đời và phần còn lại, như người ta vẫn thường nói, chính là lịch sử. Baraja và Valencia sinh ra là để giành cho nhau…
 
Bằng tài năng của mình, Baraja ngay lập tức tìm được chỗ đứng trong một tập thể toàn sao của HLV Hector Cuper. Ở mọi tuyến, Los Che đều sở hữu những cái tên nổi bật nhưng Baraja mới chính là nhân tố chủ chốt. Trong sơ đồ 4-4-2 kim cương, ngôi sao người Tây Ban Nha được giao một vai trò mới, một tiền vệ lùi sâu hơn với nhiệm vụ duy trì sự cân bằng cho toàn đội. Sự chắc chắn và kinh nghiệm ở hàng phòng ngự Valencia đến từ Canizarez, Ayala, Angloma, Pellegrino, Carboni, tuyến giữa đầy biến ảo và sáng tạo với những Aimar, Mendieta, Kily Gonzalez hay Vicente, trong khi trên hàng công, Sanchez và Carew sở hữu cả tốc độ lẫn sức mạnh. Đây rõ ràng là một đội hình đủ sức cạnh tranh cho những danh hiệu hàng đầu và Baraja chính là “nhạc trưởng” thầm lặng phía sau ánh sáng.
 
Valencia khởi đầu mùa giải với thất bại trước Real Madrid, đối thủ vừa đánh bại họ tại trận chung kết Champions League trước đó không lâu. Trên thực tế, trận thua này đủ để giúp cho Baraja và các đồng đội nhận ra rằng mùa bóng 2000/01 sẽ không hề đơn giản, thậm chí còn khó khăn hơn gấp bội. Chuỗi 7 trận liên tiếp sau đó, thầy trò HLV Cuper bất bại với Baraja là nguồn cảm hứng quan trọng, một chiến binh đích thực ở hàng tiền vệ với khả năng kiểm soát cực tốt và sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc.
 
Phong độ ấn tượng của cựu cầu thủ Atletico cũng giúp anh có lần đầu tiên được triệu tập vào ĐTQG Tây Ban Nha. Kể từ khoảnh khắc ấy trở đi, Baraja thường xuyên xuất hiện trong màu áo Bò tót, thậm chí còn kết hợp với đồng đội David Albelda trở thành cặp “sen đầm” khét tiếng ở cả CLB lẫn ĐTQG.
 
Mặc dù chỉ xếp thứ ba tại La Liga 2000/01 nhưng về cơ bản, Valencia đã chơi tuyệt hay. Thêm một lần nữa, Los Che khiến những người hâm mộ sân Mestalla phải cảm thấy tự hào khi lọt vào trận chung kết Champions League năm thứ hai liên tiếp. Sau khi đánh bại hàng loạt đại diện đến từ Anh quốc (Man Utd, Arsenal và Leeds), Valencia chỉ còn cách ngưỡng cửa vinh quang đúng một trở ngại mang tên Bayern Munich.   
 
Tại San Siro, trong trận đấu lớn nhất cuộc đời kể từ trước tới giờ, Baraja không hề đánh mất đi sự tự tin. Tiền vệ người Tây Ban Nha chơi bóng hết sức tự nhiên, hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh chặn và chia bài, qua đó giải phóng khoảng trống cho Pablo Aimar ở phía trên dễ dàng tìm kiếm sự sáng tạo. Nhưng rồi, cuộc chơi phải kéo dài đến loạt penalty cân não và như thường lệ, người Đức là những kẻ thống trị. Thầy trò HLV Cuper thêm một lần nữa chấp nhận nhìn chiếc cúp châu Âu rơi vào tay đối thủ.
 
Đối với nhiều ngôi sao trong đội hình Valencia vào thời điểm ấy, thất bại thứ hai liên tiếp ở chung kết Champions League chẳng khác nào một sự tuyệt vọng cùng cực. Nỗi đau khổ và sự chán nản là thứ nhanh chóng bao trùm lấy sân Mestalla nhưng Baraja thì không, anh chứng tỏ bản lĩnh của mình ngay trong mùa giải tiếp theo, khi được hội ngộ với người thầy từng làm việc cùng tại Valladolid, đó là Rafa Benitez.
 
Nhà cầm quân người Tây Ban Nha nhanh chóng áp đặt thứ triết lý phòng ngự quen thuộc của mình lên đội bóng, với cặp tiền vệ trung tâm Baraja - Albelda trở thành trung tâm cho chiến dịch chinh phục của Valencia. Lần đầu tiên sau 31 năm, Los Che giành được chức vô địch La Liga nhờ vào một hàng phòng ngự cứng rắn bậc nhất khi chỉ để lọt lưới vỏn vẹn 27 bàn. Xuyên suốt chiến dịch, Valencia chỉ phá lưới đối phương đúng 51 lần và điều thú vị là Baraja, một tiền vệ phòng ngự thông minh, trở thành chân sút tốt nhất trong đội hình CLB chủ sân Mestalla với 7 pha lập công.
 
Trên thực tế, cựu ngôi sao Atletico đã dính chấn thương tương đối nặng và phải nghỉ khá nhiều trận ở giai đoạn lượt đi. Tuy nhiên, kể từ thời điểm trở lại sân cỏ, Baraja đã thi đấu bùng nổ và ghi 7 bàn sau 17 trận để mang về những điểm số quyết định cho Valencia. Khả năng di chuyển bao sân cùng sự hoán đổi vị trí thông minh với Pablo Aimar đã phần nào tạo điều kiện cho Baraja có cơ hội tiếp cận khung thành đối phương nhiều hơn trước. Bên cạnh đó, sự xuất hiện thường xuyên của Albelda cũng bổ sung thêm chất thép cho tuyến giữa Los Che đồng thời giải phóng Baraja dâng cao hơn. Ở thời điểm này, tiền vệ mang áo số 8 chính là nhân tố quan trọng bậc nhất trong hệ thống chiến thuật của Benitez.
 
Mùa giải 2003/04 chứng kiến Valencia giành được những vinh quang tột đỉnh. Không chỉ vô địch La Liga, đội bóng chủ sân Mestalla còn đánh bại Marseille trong trận chung kết UEFA Cup để xưng vương ở đấu trường châu lục. Tất nhiên, những phẩm chất tuyệt vời của một thủ lĩnh toàn năng mang tên Ruben Baraja chính là chìa khóa giúp cho Los Che vươn tới thành công. Khi ấy, cầu thủ người Tây Ban Nha được giới chuyên môn đánh giá là một trong những tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất châu Âu với khả năng công thủ cực kỳ toàn diện.
 
Rubén Baraja Cho những tháng ngày đẹp nhất ở Mestalla hình ảnh
 
Mặc dù vậy, những thất bại có phần cay đắng cùng ĐTQG ở các VCK World Cup 2002 và EURO 2004 đã phần nào khiến cho tài năng của Baraja không được giới mộ điệu đánh giá một cách đúng mực. Ngoài ra, những chấn thương cũng ảnh hưởng đến phong độ của cựu tiền vệ Atletico. Dẫu vậy thì 41 bàn thắng sau 262 lần ra sân cho Valencia trong suốt 10 năm cùng rất nhiều danh hiệu quan trọng (2 La Liga, 1 UEFA Cup, 1 Copa del Rey và 1 Siêu cúp châu Âu) cũng là quá đủ để nói lên tầm vóc vĩ đại của ngôi sao người Tây Ban Nha. Ngày 16/5/2020, trải qua một thập kỷ cống hiến không ngừng nghỉ dưới màu áo Los Che, Baraja đã chơi trận cuối cùng cho Valencia, để lại những quá khứ huy hoàng về một huyền thoại ở sân Mestalla.
 
Từng trải qua vô số những thăng trầm cùng Valencia, từ những ngày mà thế hệ vàng dưới thời HLV Hector Cuper vẫn còn hiện diện cho đến giai đoạn liên tiếp chinh phục các danh hiệu cùng Rafa Benitez rồi lại tiếp tục dìu dắt lứa đàn em Villa, Silva, Joaquin, Banega, Mata… vượt qua thời kỳ CLB gặp khủng hoảng tài chính, Baraja chính là nhân chứng sống cho một thập kỷ đầy rẫy biến động của Los Che.
 
Như người ta vẫn thường nói, trái tim luôn thuộc về nơi gọi là nhà. Đối với Ruben Baraja, Valladolid có thể là quê hương nhưng sâu thẳm trong thâm tâm tiền vệ người Tây Ban Nha, chỉ tồn tại một mái nhà duy nhất, chính là sân Mestalla, nơi anh trải qua những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời.

Lược dịch từ Thesefootball times
 
-Ole-   
 
         

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

22h30 tối nay, U23 Việt Nam lần đầu tái ngộ U23 Uzbekistan ở một trận chính thức, sau cuộc đại chiến lịch sử năm 2018. Và nếu đội bóng đầy duyên nợ có biệt danh “Sói trắng”, thì lần này, chúng ta cũng sẵn sàng giáp mặt họ với một chiến binh mang nhiều phẩm chất của loài mãnh thú này.

X
top-arrow