Chỉ vài tuần sau khi Lionel Messi nói lời chia tay với Barcelona, giờ đây đến lượt Cristiano Ronaldo cũng rời Juventus để trở lại đội bóng thuở thiếu thời Manchester United. Siêu sao người Bồ Đào Nha đã có ý định ra đi từ trước, còn đội bóng Italy cũng không mặn mà giữ chân anh ở lại nữa. Nhưng đằng sau quyết định đó là cả một câu chuyện dài.
Ngày 15/8, trong trận giao hữu cuối cùng trước thềm mùa giải mới với Atalanta, Cristiano Ronaldo bực dọc khi bị thay ra sân ở đầu hiệp 2 và không thèm bắt tay HLV Max Allegri. Đó coi như là dấu chấm hết cho mối quan hệ giữa hai con người quan trọng bậc nhất của Juventus.
Và rồi cuối cùng điều gì đến cũng phải đến. Vài giờ trước khi Ronaldo có màn “quay xe” cực gắt với Manchester United, đích thân Allegri đã lên tiếng xác nhận khả năng chia tay của cậu học trò: “Ronaldo đã nói với tôi rằng cậu ấy muốn ra đi ngay mùa giải này. Đó là sự thật đã được xác nhận. Vì vậy cậu ấy sẽ không tập luyện hôm nay và cũng không có mặt cho trận đấu ngày mai. Tôi không thất vọng vì Ronaldo. Cậu ấy muốn rời Juventus và đã đưa ra lựa chọn. Đó là một phần của cuộc sống".
Cristiano Ronaldo đã chia tay Juventus sau 3 năm gắn bó. Ảnh: Getty Images
THAM VỌNG TRONG QUÁ KHỨ CỦA JUVENTUS
Vậy là sau 3 mùa giải gắn bó, chủ nhân của 5 danh hiệu Quả bóng vàng đã nói lời tạm biệt với đội bóng thành Turin. Juventus sẽ nhận về khoảng 20 triệu euro từ phía Man United.
Mùa hè 2018, cả châu Âu chao đảo trước thông tin Juventus chiêu mộ thành công Ronaldo từ Real Madrid. Đó không đơn giản chỉ là một thương vụ chuyển nhượng nhằm gia tăng sức mạnh hàng công. Trên tất cả, đó là một bản hợp đồng mà chủ tịch Andrea Agnelli trao cả niềm tin và hy vọng về một cuộc lột xác của Bianconeri, khi đại diện của bóng đá Italy sẽ trở thành siêu cường thống trị bóng đá Châu Âu cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Nhưng có người tin tưởng thì cũng có người đắn đo. Chẳng nói đâu xa, “Bố già” tai tiếng Luciano Moggi từng nói thế này về thương vụ Juventus mua Ronaldo với mức giá 100 triệu euro: “Đó giống như một canh bạc. Nhưng là một canh bạc đáng để thử”. Trong khi đó, một người cũ khác là cựu chủ tịch Giovanni Gigli phát biểu: "Đội bóng sẽ chơi tốt hơn nhiều với một tập thể đoàn kết, thay vì xây dựng lối chơi phụ thuộc vào một ai đó”. Và tất nhiên ai đó ở đây chính là Ronaldo. Bỏ qua những sự nghi ngờ, vậy trong 3 mùa giải chơi bóng tại Italy, Ronaldo đã làm được những gì?
Sau 134 lần ra sân trong màu áo sọc đen trắng, Ronaldo đã ghi được tổng cộng 101 bàn, trở thành cầu thủ cán mốc 50 bàn thắng nhanh nhất lịch sử Serie A, cán mốc 100 bàn thắng nhanh nhất lịch sử Juventus. Cũng tại đây, anh đã giành tất cả những danh hiệu vô địch quốc nội; từ Serie A, Coppa Italia, cho đến Siêu cúp quốc gia. Đồng thời Ronaldo cũng từng ẵm luôn 2 danh hiệu cá nhân là Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải.
Chủ tịch Andrea Agnelli từng hy vọng Ronaldo sẽ giúp Juventus lột xác. Ảnh: Juventus
Tuy vậy, nếu chỉ cần thống trị đấu trường quốc nội thì gia tộc nhà Agnelli cũng chẳng cần phải nhọc công thuyết phục Ronaldo gia nhập đội bóng. Kể từ lần vô địch Serie A mùa giải 2011/2012 với thành tích bất bại dưới thời Antonio Conte, Juventus đã không để bất cứ CLB nào soán ngôi tính đến trước thời điểm Ronaldo cập bến Turin.
Điều mà ban lãnh đạo Juventus hướng đến đó chính là chức vô địch Champions League - danh hiệu đã lảng tránh họ kể từ năm 1996. Juventus cần Champions League để nâng tầm vị thế của mình so với phần còn lại ở Châu Âu. Bởi lẽ ai cũng biết Ronaldo là ông hoàng của giải đấu này với 5 chiếc cúp vô địch trong vòng đúng một thập kỷ (2008-2018), nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào trong cùng giai đoạn.
“VỠ MỘNG” KHI BÊN NHAU
Nhưng sau tất cả, tham vọng ấy đã vỡ như bong bóng xà phòng. Ba mùa giải đã trôi qua – ba đời huấn luyện viên khác nhau, nhưng kịch bản thì vẫn vậy. Một Juventus có Ronaldo trong đội hình vẫn thi đấu thảm hại tại đấu trường châu Âu. Không những chẳng thể vô địch, ngay cả việc lọt vào đến bán kết Champions League cũng là nhiệm vụ bất khả thi với họ. Đặc biệt, thất bại trước Porto ngay vòng 1/16 mùa trước dưới triều đại Andrea Pirlo đã khiến mối tình giữa Juventus và Ronaldo bắt đầu rạn nứt. Và đó là sự tan vỡ đến từ cả hai phía.
Đó là thời điểm nội tâm của Ronaldo bắt đầu suy nghĩ về tham vọng của Juventus. Thẳng thắn mà nói, đại diện của bóng đá Italy không cùng đẳng cấp với Real Madrid, Bayern Munich hay Chelsea trong cuộc đua vô địch Champions League, thậm chí cũng thua kém hoàn toàn với Man City và Paris Saint-Germain – hai thế lực dù chưa vô địch nhưng đang có những bước tiến cực kỳ mạnh mẽ.
Ronaldo hiện tại đã có 5 lần vô địch, ngang bằng thành tích của Paolo Maldini. Chỉ cần đăng quang thêm một lần nữa thôi anh vượt qua bậc tiền bối để trở nên vĩ đại. Ngoài ra anh chắc chắn sẽ không muốn con số 134 bàn thắng của mình tại đấu trường châu Âu phải dừng lại sớm. Hơn hết, Ronaldo cần một bệ phóng mới đủ tầm cho tham vọng của bản thân.
Man City là điểm đến đầu tiên trong suy nghĩ của siêu sao người Bồ Đào Nha. Ai cũng biết tiềm lực tài chính và sức mạnh của nửa xanh thành Manchester ở thời điểm hiện tại là khủng khiếp như thế nào. Bản thân HLV Pep Guardiola cũng khao khát có một chân sút đẳng cấp trong đội hình sau sự ra đi của Sergio Aguero. Họ đã thất bại trong thương vụ Harry Kane, trước khi nhận thấy mình có cơ hội chiêu mộ lão tướng 36 tuổi từ Juventus.
Nhưng đến cuối cùng, có những rào cản không cho phép Ronaldo đầu quân cho kình địch một thời của Man United. Chưa đầy 24 giờ kể từ thời điểm thông tin đầu tiên về việc Man City đạt thỏa thuận chiêu mộ Ronaldo được lan truyền, phản ứng của các Mancunians là điều mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy. Ngay cả những đồng đội cũ như Wayne Rooney, Gary Neville hay Rio Ferdinand, cũng ra sức kịch liệt phản đối.
Và cuối cùng như chúng ta đã biết, Ronaldo đã “quay xe”, từ chối Man City để trở lại Old Trafford. So với đội bóng cùng thành phố, Quỷ đỏ bị đánh giá thấp hơn trong cuộc đua danh hiệu. Tuy nhiên đừng quên rằng, Man United đang mạnh lên từng ngày với những sự bổ sung tân binh đầy chất lượng trải đều các tuyến ở mùa bóng năm nay.
Mối quan hệ giữa Ronaldo và Allegri được cho là chưa bao giờ nồng ấm. Ảnh: Getty Images
Ngoài ra, mối quan hệ không tốt giữa Ronaldo và Allegri cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến việc Ronaldo quyết tâm ra đi. CR7 cũng đã mất vị thế độc tôn trong phòng thay đồ, khi những trụ cột như Leonardo Bonucci hay Giorgio Chiellini được cho là thể hiện thái độ ủng hộ Paolo Dybala trở thành ngôi sao sáng nhất trên hàng tấn công.
Trong quá khứ, đã có thời điểm chiến lược gia người Italy từng khuyên ban lãnh đạo Juventus bán Ronaldo. Allegri cho rằng mức lương của siêu sao người Bồ sẽ cản trở quá trình cải thiện đội hình. Nhưng rồi chính ông mới là người ra đi.
Giờ đây với việc đưa Allegri trở lại, đó dường như là hành động xin lỗi đến từ chủ tịch Andrea Agnelli. Việc bán Ronaldo có lẽ đã nằm trong thỏa hiệp giữa hai con người này. Allegri muốn xây dựng một Juventus đậm chất Italy với những cầu thủ thấm nhuần giá trị truyền thống CLB. Ông đưa về Manuel Locatelli và Moise Kean, đồng thời muốn biến những Paolo Dybala và Federico Chiesa trở thành hạt nhân trong kế hoạch tái thiết.
Vừa hay đó cũng là điều giới chủ Juventus cũng muốn hướng đến sau khi kế hoạch độc bá trời Âu cùng Ronaldo thất bại. Việc ĐTQG Italy đăng quang tại Euro 2020 vừa qua cũng đã truyền cảm hứng cho công tác đào tạo trẻ ở các đội bóng xứ sở mỳ ống. Tập thể của Roberto Mancini không có nhiều ngôi sao nổi bật, nhưng lối chơi gắn kết đã đưa họ đi đến thành công.
JUVENTUS ĐƯỢC GÌ KHI BÁN RONALDO?
Trước mắt, việc chia tay Ronaldo dù không giúp Juventus thu hồi lại khoản đầu tư 100 triệu euro trước đó nhưng sẽ giúp cho họ tiết kiệm một khoản lớn chi phí tiền lương và thuế lên đến 70 triệu euro/năm. Thực tế cho thấy sự có mặt của Ronaldo đã ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch nâng cấp đội hình của Juventus trong suốt 3 năm qua, thậm chí họ phải bán bớt trụ cột để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách. Tiêu biểu nhất là trường hợp của Joao Cancelo và Miralem Pjanic.
Một tiền đạo trẻ từng được đặt nhiều kỳ vọng như Moise Kean cũng chịu chung số phận. Ở chiều ngược lại, ngoại trừ Matthijs de Ligt, không có bất cứ tân binh nào cập bến sân Allianz trong quãng thời gian này với mức giá vượt quá 40 triệu euro. Ngay cả với Chiesa, Weston McKennie, Alvaro Morata và mới nhất là trường hợp của Locatelli cũng chỉ được đem về theo dạng cho mượn kèo điều khoản mua đứt trong tương lai. Chưa kể những bản hợp đồng theo dạng chuyển nhượng tự do như Aaron Ramsey hay Adrien Rabiot.
Juventus và Ronaldo đã không thể cùng nhau chinh phục Juventus như mong muốn ban đầu. Ảnh: Getty Images
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của các đội bóng tại Châu Âu. Ở Italy, Juventus là đội bóng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lẽ họ sở hữu một sân vận động hiện đại với mức đầu tư lớn. Xuyên suốt mùa giải 2020/2021 phải thi đấu mà không có khán giá, cũng như sự sụt giảm về các bản hợp đồng tài trợ, Juventus thiệt hại khoảng 200 triệu euro doanh thu, trong khi các khoản nợ của họ chưa cho thấy dấu hiệu sẽ được thanh toán.
Cụ thể, trong bản báo cáo tài chính kết thúc mùa giải 2020/2021, Juventus đang nợ tổng cộng 632 triệu euro, đứng thứ 2 tại Serie A, chỉ sau Inter Milan. Trong đó, nợ ròng cũng ở mức cảnh báo với con số 395 triệu euro.
Trái ngược với sự đồn đoán từ năm 2018 về những khoản lợi nhuận khổng lồ của Juventus khi có Ronaldo, theo Statista – chuyên trang thống kê tài chính của các CLB thể thao, Juventus đã thua lỗ 40 triệu euro ở mùa giải 2018/2019 và 89,7 triệu euro ở mùa giải 2019/2020. Con số này được dự báo đã vượt ngưỡng 100 triệu euro ở mùa giải 2020/2021. Đó là lý do tại sao chủ tịch Andrea Agnelli “cố sống, cố chết” với dự án Super League, như một giải pháp giúp Juventus thoát khỏi vũng lầy tài chính.
Juventus của hiện tại là một tập thể đang trong quá trình tái thiết. Việc để Inter Milan soán ngôi vương tại Serie A cùng thất bại nặng nề tại cúp châu Âu mùa trước là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất. Nếu cứ cố chấp giữ Ronaldo ở lại thêm 1 năm cho đến khi hợp đồng giữa hai bên kết thúc, không những không giúp Juventus cạnh tranh Champions League, ngược lại hệ lụy về tài chính sẽ càng nặng nề hơn.
Nhưng dù sao Ronaldo và Juventus đã có quãng thời gian tuyệt vời, kể cả không phải là tất cả những gì mà cả hai bên đều mong đợi.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.