Ronald Koeman đã không thể cải thiện tình hình dù đã cố hết sức và cuộc chia tay với công việc mà ông mơ ước là lẽ tất yếu. Giờ đây, áp lực thuộc về chủ tịch Joan Laporta và người sẽ ngồi vào chiếc ghế nóng mà Koeman để lại.
Hồi đầu tháng 10, trong cuộc họp báo trước trận đấu với Atletico Madrid, HLV Ronald Koeman đã mở đầu khá vui vẻ như thế này: "Tôi vẫn nhớ một câu nói của Van Gaal: 'Xin chào các anh chị báo chí bạn của tôi".
Đây chính là câu nói của HLV Louis van Gaal trong cuộc họp báo chia tay Barcelona vào năm 2000: "Các anh chị báo chí bạn tôi, tôi chuẩn bị đi đây. Xin chúc mừng". Dù vậy, Koeman không quên khẳng định sau câu mở đầu của mình là "tôi vẫn ở đây".
Trong cuộc họp báo ấy, chiến lược gia người Hà Lan chia sẻ về những thông tin trên báo chí về tương lai của ông: "CLB không nói gì với tôi cả. Tôi biết chủ tịch ở khu tập luyện sáng nay, nhưng tôi chưa gặp ông ấy.
Chúng tôi đang chuẩn bị cho trận đấu vào thứ Bảy. Tôi không thể nói điều gì cả. Nhưng tôi có mắt, có tai và biết rất nhiều thứ đã bị tiết lộ ra ngoài, những điều tôi nghĩ là đúng. Nhưng chưa ai nói gì với tôi hết".
Khi được phóng viên hỏi về những thời điểm tuyệt vời và tệ nhất ở Barca, Koeman đáp lại: "Tôi phải trả lời câu này không? Cứ như thể tôi đã rời đi rồi ấy nhỉ. Khoảnh khắc tuyệt vời nhất chắc chắn là khi ký hợp đồng thành HLV của Barca. Còn tệ nhất ư? Là khi Lionel Messi rời đi".
Giờ thì Koeman đã chính thức bị Barcelona sa thải như Van Gaal sau một thất bại trước Rayo Vallecano và không có một buổi họp báo nào để nói về câu chuyện đó của mình, kết thúc hơn 1 năm đầy bão tố khi làm HLV trưởng đội bóng chủ sân Camp Nou. Ronald Koeman đã sống với áp lực của một người luôn trong hoàn cảnh có thể bị đẩy ra đường bất cứ lúc nào suốt nhiều tháng.
Mùa hè vừa qua, chủ tịch Joan Laporta đã thông báo với HLV Ronald Koeman rằng ông cần 2-3 tuần để tìm kiếm HLV trưởng mới, nếu không tìm được ai, Koeman sẽ ở lại. Nhận xét một cách công bằng, đó thực sự là điều thiếu tôn trọng với chiến lược gia người Hà Lan. Dù sao, Koeman cũng là huyền thoại của CLB khi còn là cầu thủ và trên cương vị HLV, ông cũng có những vị thế nhất định chứ không phải một nhà cầm quân đang học việc hay mới vào nghề.
Ngay trước trận đấu gặp Bayern Munich ở vòng bảng Champions League mùa này, đài NOS của Hà Lan lại phát sóng cuộc phỏng vấn với Koeman, trong đó chiến lược gia người Hà Lan nhấn mạnh: “Tôi nghĩ bạn luôn cần làm rõ vấn đề. Một khi bạn để CLB gặp rắc rối và không làm rõ tương lai của HLV trưởng, bạn sẽ bị đặt dấu hỏi về năng lực quản trị.
Mối quan hệ giữa tôi và Laporta đã cải thiện thời gian qua. Dù vậy, vào tuần trước, truyền thông lại tung một số thông tin không chính xác. Từ đó, mọi người sẽ bảo HLV trưởng không có thực quyền. Đáng lẽ điều đó phải được giải quyết riêng tư. Đằng này, ông ấy nói hơi nhiều. Tôi muốn thấy một vị chủ tịch đưa ra cách giải quyết rõ ràng thay vì cứ tập trung phát biểu trên truyền thông”.
Thế rồi những kết quả bết bát, lối chơi thiếu sức sống khiến Koeman ngày càng khó giữ chiếc ghế của mình hơn. Đội bóng chơi thiếu thuyết phục, HLV phải chịu trách nhiệm vốn dĩ là chuyện thường tình trong bóng đá. Quả thực không thể nào không quy trách nhiệm cho nhà cầm quân người Hà Lan trong chuỗi trận tệ hại vừa qua. Song, lỗi không hoàn toàn thuộc về ông.
Thống kê bàn thắng kỳ vọng của Barcelona ở LaLiga mùa giải này hiện xếp cao nhất giải đấu (17,7), nhưng thực tế họ chỉ mới ghi được 15 bàn (đứng thứ 5 giải đấu). Trong khi đó, đại kình địch Real Madrid của họ có chỉ số bàn thắng kỳ vọng 15,2 (đứng thứ 4 LaLiga) nhưng số lượng bàn thắng thực tế của Los Blancos là 24 (cao nhất). Điều đó cho thấy Barcelona hoàn toàn có thể có những kết quả tốt hơn nếu những chân sút của họ biết tận dụng cơ hội mà mình có được.
Tất nhiên, thống kê trên không thể bào chữa cho màn trình diễn nghèo nàn của Barcelona ở mùa giải này, nhưng có lẽ cũng là một góc nhìn khác để chúng ta có những đánh giá công bằng hơn về Ronald Koeman. Hiển nhiên, đẳng cấp của Koeman không thể sánh bằng những chiến lược gia hàng đầu thế giới như Jurgen Klopp hay Pep Guardiola. Nhưng cũng chính ông trong cơn khốn khó của Barca sau thảm bại 2-8 trước Bayern Munich ở Champions League đã sẵn sàng nhảy lên “con tàu đắm”.
Hãy nhớ lúc đó Koeman đang có một hành trình hết sức thuận lợi ở đội tuyển Hà Lan. Chính ông là người đã hồi sinh đội bóng này, giúp họ lọt vào chung kết UEFA Nations League 2019, giành quyền tham dự Euro 2020 sau khi đã phải làm khán giả ở Euro 2016 và World Cup 2018. Nói cách khác, Koeman hoàn toàn không cần thiết phải rời khỏi Hà Lan.
Nhưng có lẽ, Koeman chấp nhận rời khỏi “vùng an toàn” của mình vì dẫn dắt Barcelona chính là mơ ước của ông. Thậm chí khi còn là HLV trưởng của Oranje, trong hợp đồng của ông với liên đoàn bóng đá Hà Lan còn có một điều khoản ông sẽ được phép rời đi tự do sau Euro 2020 nếu bến đỗ là Barcelona. Koeman chưa bao giờ che giấu giấc mơ này, bởi Barcelona chính là đội bóng mà ông yêu
Khi còn thi đấu, Koeman là thành viên trong đội hình “Dream Team” mà Johan Cruyff xây dựng, trong đó họ đã giành 4 LaLiga liên tiếp và 1 cúp C1 mà chính Koeman là người ghi bàn trong trận chung kết với Sampdoria. Vị thế của Koeman trong CLB là bất diệt và ông xứng đáng được tôn trọng, tất nhiên HLV bóng đá cũng là một nghề dễ dàng hủy hoại danh tiếng con người ta.
Nhưng Koeman không phải không làm được gì. Mùa trước, trong cơn rối ren của CLB, Barcelona vẫn giành được chức vô địch Copa del Rey. Trong những năm tháng đỉnh cao, danh hiệu này vốn chỉ là thứ yếu với Blaugrana, nhưng với tình trạng của đội bóng bây giờ, nó vẫn là chiếc cúp đáng quý. Koeman là người đã mang về phòng truyền thống đội bóng chiếc cúp đó. Mùa trước, Barcelona có chuỗi trận bất bại ấn tượng, thậm chí đã có thời điểm họ vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng và cạnh tranh chức vô địch LaLiga một cách nghiêm túc.
|
Những cầu thủ trẻ như Pedri tỏa sáng nhờ sự tin tưởng của Koeman. Ảnh: Getty Images |
Hơn nữa, nhờ Koeman, những Pedri, Ronald Araujo, Nico Gonzalez và Gavi đã được trọng dụng và tin tưởng. Ansu Fati sau khi trở lại thi đấu sau quãng thời gian dài điều trị chấn thương cũng đã ghi những bàn thắng. Những cầu thủ trẻ này chính là nền tảng cho công cuộc phục hưng trong tương lai của Blaugrana, và Koeman là người đã giúp họ in những dấu chân đầu tiên lên cuộc hành trình. “Nhờ tôi, Barcelona mới có tương lai”, câu nói này của nhà cầm quân người Hà Lan thoạt nghe thì thật buồn cười, nhưng không phải không có lý. Bởi vậy, hành động quá khích của một bộ phận cổ động viên Barca khi tấn công xe của Koeman sau trận El Clasico thực sự không đáng có, bởi nhà cầm quân người Hà Lan xứng đáng được tôn trọng.
Cách đây hơn 1 tháng, Ronald Koeman có một cuộc họp báo bất thường. Thay vì trả lời các câu hỏi của phóng viên như thường lệ, ông chuẩn bị sẵn một bài phát biểu để đọc rồi sau đó rời khỏi phòng. Chiến lược gia người Hà Lan chia sẻ: “Không một ai phải cảm thấy tội nghiệp cho tôi. Tôi không cần sự thông cảm của ai cả. Tôi chỉ nhìn vào thực tế mà thôi. Cách duy nhất để ổn định tình hình là giành thật nhiều chiến thắng”.
Đó chính là thái độ của một người đàn ông. Song, ông đã không thể cải thiện tình hình dù đã cố hết sức và cuộc chia tay với công việc mà ông mơ ước là lẽ tất yếu. Giờ đây, áp lực thuộc về chủ tịch Joan Laporta và người sẽ ngồi vào chiếc ghế nóng mà Koeman để lại.