Chiếc Scudetto cùng Inter mùa này có lẽ mới chỉ là khởi đầu. Và đúng như những gì Romelu Lukaku nói khi mới gia nhập Nerazzurri: “Đây là đội bóng mà tôi cần”, anh đang dần trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.
Ảnh: Getty Images
Romelu Lukaku đã từng là tâm điểm chỉ trích vì pha phản lưới nhà cộng thêm một tình huống bỏ lỡ cơ hội mười mươi trong trận chung kết Europa League mùa giải trước. Cũng năm ngoái, vào tháng 12, tiền đạo người Bỉ lại một lần nữa bị chỉ trích vì tình huống chặn đứng một bàn thắng của đồng đội Alexis Sanchez trong trận đấu với Shakhtar Donetsk ở Champions League. Lukaku đứng ngay trước mặt thủ môn đội bạn, và đầu anh đã chắn luôn trái bóng mà đồng đội người Chile đã bật cao dứt điểm.
Chính phản ứng của Lukaku trong pha bóng đó góp phần khiến anh bị chỉ trích và châm chọc. Cầu thủ người Bỉ co người lại khi bóng bay trúng vào người mình, và sau đó ôm đầu thể hiện sự tiếc nuối. Anh tỏ ra hoàn toàn bị động và tự biến mình thành hậu vệ bất đắc dĩ cho đối phương. Trận đấu đó, Inter bắt buộc phải giành chiến thắng để có thể lọt vào vòng đấu tiếp theo, nhưng chung cuộc họ chỉ nhận một kết quả hòa và dừng bước ngay từ vòng bảng.
Những tình huống kiểu như vậy khiến Lukaku vẫn chưa hoàn toàn được công nhận là một tiền đạo lớn. Nhưng nếu chỉ tập phán xét những pha bóng ấy, ta đã tự bó hẹp lại những dữ liệu để đánh giá về cựu cầu thủ Manchester United. Xét về tổng thể, anh đã thi đấu xuất sắc kể từ khi gia nhập Inter Milan. Và mùa giải này, Lukaku như bước lên một tầm cao mới trong sự nghiệp. Dưới sự dẫn dắt của HLV Antonio Conte, một người từng không ngần ngại nói màn trình diễn của Lukaku như “rác rưởi” khi anh đá không đúng yêu cầu, chân sút người Bỉ phát triển bản thân một cách vượt bậc.
Conte đã mong muốn được làm việc cùng Lukaku từ khi chiến lược gia người Italy còn dẫn dắt Juventus. Khi ấy ông đã liên lạc với Lukaku nhưng tiền đạo người Bỉ cảm thấy chưa sẵn sàng. Vài năm sau, khi tới Chelsea, Conte lại tiếp tục theo đuổi Lukaku, lúc này là một trong những ngôi sao trẻ sáng giá nhất Premier League với màn trình diễn cuốn hút trong màu áo Everton. Hai bên đã sẵn sàng đến với nhau, nhưng mọi thứ không thành công. Cuối cùng, Lukaku gia nhập Manchesterc United vào năm 2017.
Đến đầu năm 2019, thời điểm ấy Lukaku đang gặp khó khăn ở Manchester United dưới thời HLV Ole Gunnar Solskjaer. Và khi nghe thấy tin có thể Conte sẽ tới Inter, anh nhận ra mối lương duyên này không thể lỡ dở thêm lần nữa. Anh bắt đầu học tiếng Italy và đề đạt nguyện vọng rời khỏi Old Trafford.
Lukaku phát triển vượt bậc sau khi gia nhập Inter. Ảnh: Getty Images
Lukaku là người biết khá nhiều ngôn ngữ. Sinh ra ở Bỉ, anh nói được cả tiếng Pháp lẫn tiếng Flemish. Là một người gốc Congo, anh giao tiếp với họ hàng mình bằng tiếng Lingala. Ngoài ra, Lukaku còn biết nói tiếng Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một chút tiếng Đức. Chính khả năng ngôn ngữ cùng sự quyết tâm giúp khả năng sử dụng tiếng Italy của anh cải thiện nhanh chóng. Anh bắt đầu học vào đầu tháng 4 năm 2019, đến tháng 5 anh đã có thể biểu đạt vài suy nghĩ của mình bằng ngôn ngữ mới này. Tới tháng 7, anh chia sẻ với ESPN là “đã có thể nói chuyện với bất kỳ ai”.
Khi gia nhập Inter vào tháng 8 năm 2019, anh đề nghị các đồng đội nói chuyện với mình bằng tiếng Italy chứ không phải tiếng Anh. Ngôn ngữ là chìa khóa, không có ngôn ngữ chẳng khác nào một người muốn vào một căn nhà nhưng đành bất lực đứng ngoài. Để hiểu các đồng đội nói gì, biết HLV truyền đạt gì thì cần phải hiểu ngôn ngữ bản xứ của họ. Đó là sự chuyên nghiệp của Lukaku, anh luôn chuẩn bị hành trang cho mình trước khi bước vào hành trình mới.
Lukaku là một người cầu tiến và không ngại cải thiện bản thân. Conte cũng hiểu ông có một viên ngọc trong tay, nhưng nó chưa thực sự sáng bóng loáng. Nhiệm vụ của ông là phải mài giũa viên ngọc ấy trở nên thật sáng và biến nó thành một món trang sức quý giá. Chính vì vậy, ngay khi Lukaku vừa gia nhập Inter, Conte đã cử một chuyên gia dinh dưỡng đến tư vấn cho cậu học trò. Ngay lập tức, anh được xác định mắc chứng rối loạn tiêu hóa.
Một chế độ ăn uống mới được lập ra. Trong vòng 12 ngày, anh giảm khoảng 4,5kg. Trong buổi đo chỉ số cơ thể vào tuần đầu tiên của tháng 9, Lukaku được thông báo là người có lượng mỡ thấp nhất toàn đội. Thêm vào đó đầu mùa giải trước Inter cũng mời về được ông Antonio Pintus, cựu HLV thể lực Real Madrid trong giai đoạn họ gặt hái 3 chức vô địch Champions League liên tiếp. Từ đây, mỗi buổi tập đều giống như một buổi rèn luyện trong quân đội - “Chúng ta cứ nói Premier League là giải đấu giàu tính thể lực nhất nhưng tôi thấy nó chẳng là gì so với ở đây cả”, Lukaku chia sẻ.
Nhưng lửa thử vàng còn gian nan thì thử sức. “Italy đã đưa tôi lên tầm cao mới, chưa bao giờ tôi cảm thấy mạnh mẽ như vậy” và “kể từ khi tuân theo chế độ ăn uống, lối sống mới, tôi cảm thấy thi đấu tốt hơn, nhạy bén và nhanh nhẹn hơn” là những khẳng định của anh trong cuộc phỏng vấn với Sky Sports đầu năm nay. Trong khi đó, Pintus tin rằng tiền đạo người Bỉ “có thể so sánh với một cầu thủ bóng bầu dục. Khi cậu ấy bắt đầu chạy thì không ai ngăn cản được. Cậu ấy đã cải thiện nhiều về sức bền và đang trở thành một vận động viên toàn diện”.
Romelu Lukaku đang không thể thay thế ở Inter. Ảnh: Getty Images
Song song với những rèn luyện về thể chất, tất nhiên, là những bài tập về kỹ thuật. Conte đặc biệt cần một tiền đạo biết cách chơi quay lưng lại khung thành và phối hợp tốt với đồng đội. Để cải thiện khả năng này của Lukaku, trong buổi tập ông yêu cầu anh quay lưng lại khung thành, ở phía sau là 2 hậu vệ cao to cài người và nhiệm vụ của tiền đạo gốc Congo là đón những đường bóng rót về phía mình.
Ở một bài tập khác, anh được yêu cầu phải đón những trái bóng được bắn về phía mình với vận tốc 40km/h từ một chiếc máy và điều hướng chúng về phía đồng đội. Đây là 2 bài tập đã được anh tiết lộ với giới truyền thông. “Trước đây tôi luôn hành động sau hậu vệ kèm mình, nhưng giờ thì tôi nhanh hơn họ 2 giây. Đó vốn không phải sở trường của tôi, nhưng hiện tại tôi đang đảm nhiệm một vai trò quan trọng, hơi giống Shaquille O’Neal trong bóng rổ.
Những thay đổi tích cực tất nhiên được thể hiện ở những màn trình diễn trên sân. Dưới đây là bản đồ nhiệt của Romelu Lukaku tại Serie A ở mùa giải 2019/2020 và 2020/2021. Nhìn vào đây chúng ta sẽ thấy mùa giải này Lukaku đã hoạt động rộng hơn thay vì chỉ tập trung gần khu vực vòng cấm địa. Anh tham gia vào các đợt triển khai tấn công, “kéo bóng” lên phía trên, tạo cơ hội ghi bàn. Và tất nhiên là anh ghi bàn nữa. Nhưng khi mất bóng, anh cũng nỗ lực gây áp lực lên đối thủ để đoạt lại bóng trong chân họ.
Bản đồ nhiệt của Lukaku ở Serie A mùa giải 2019/2020. Ảnh: SofaScore
Bản đồ nhiệt của Lukaku ở Serie A mùa giải 2020/2021. Ảnh: SofaScore
Sau 34 trận ra sân ở Serie A mùa này, Lukaku ghi được 22 bàn thắng và đương nhiên vẫn còn thời gian để vượt thành tích mùa trước (23 bàn thắng). Nhưng điểm khác biệt của anh chính là ở đóng góp vào lối chơi chung.
Thống kê của Squawka chỉ ra ở Serie A mùa này, tiền đạo người Bỉ đã có 11 pha kiến tạo (so với mùa trước là 2); trung bình số pha chạm bóng mỗi 90 phút là 40,1 (mùa trước là 37,1); trung bình số pha tạo cơ hội mỗi 90 phút là 1,7 (mùa trước là 1,6); trung bình số pha qua người thành công mỗi 90 phút là 1,8 (so với mùa trước là 0,7).
Trong khi đó, thống kê của Fbref cho biết Lukaku xếp thứ 10 ở Serie A về số pha gây áp lực ở 1/3 sân cuối cùng với 172 lần (Và người dẫn đầu thống kê này chính là đối tác ăn ý của anh trên hàng công: Lautaro Martinez). Không chỉ ghi nhiều bàn thắng, ngày càng phá vỡ những kỷ lục ghi bàn ở Inter mà tiền đạo 28 còn trở thành một cầu thủ toàn diện.
Trong trận đấu với Roma sáng nay, Lukaku ghi 1 bàn và đóng góp 1 kiến tạo. Phút 20, đón đường chuyền dài của đồng đội, Lukaku lao lên nhận bóng và khiến tiền vệ trẻ Ebrima Darboe ngã xuống sau khi đâm vào anh trước khi nhả lại cho Matias Vecino từ tuyến 2 lao lên dứt điểm. Phút 90, Lukaku cài người, làm tường cho Achraf Hakimi băng lên trước khi nhận lại đường chuyền từ chính đồng đội để ấn định tỷ số.
Cựu danh thủ Jurgen Klinsmann từng bày tỏ quan điểm: “Trong một đội bóng có những người cho và nhận. Lukaku là người cho”. Trong khi đó, một tiền đạo Đức lừng danh khác cũng từng khoác áo Inter Milan là Karl-Heinz Rummenigge khẳng định: “Lối chơi cậu ấy không chỉ dựa vào thể chất. Lukaku có những kỹ năng mà chúng ta không được thấy quá nhiều khi cậu ấy ở Manchester United. Tại Inter, cậu ấy đã được hồi sinh”. Họ đã nói đúng về Lukaku.
Chiếc Scudetto cùng Inter mùa này có lẽ mới chỉ là khởi đầu. Và đúng như những gì Romelu Lukaku nói khi mới gia nhập Nerazzurri: “Đây là đội bóng mà tôi cần”, anh đang dần trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.