Romelu Lukaku: Con đường lên đỉnh từ nghèo khó và chông gai

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Sáu 02/07/2021 17:10(GMT+7)

Chinh phục cả một chặng hành trình sự nghiệp không bằng phẳng và chất đầy thăng trầm, Romelu Lukaku giờ đã ở đây, trở thành đầu tàu trên hàng công đội tuyển Bỉ với kỳ vọng vượt qua Italy tại vòng tứ kết Euro 2020.

 

Ariel Jacobs nhớ rất rõ cái ngày ông chợt nhận ra Romelu Lukaku đặc biệt ra sao. Hôm đó, cậu bé chưa tròn 16 tuổi vẫn còn đang ngồi ghế nhà trường bất ngờ được gọi lên tập luyện cùng các đàn anh đội một Anderlecht, tất cả chỉ bởi thành tích ấn tượng 94 bàn thắng sau 131 trận ra sân thi đấu cho đội trẻ CLB nước Bỉ.
 
HLV Jacobs, cựu hậu vệ đã có 5 năm dẫn dắt Anderlecht, hồi tưởng lại: “Tôi biết Romelu từ trước qua báo cáo của đội trẻ nhưng chỉ tới khi nói chuyện trực tiếp và nghiêm túc với nhau, tôi mới thực sự hiểu hơn về con người cậu ấy. Không chỉ tài năng bóng đá bẩm sinh, tôi có thể cảm nhận ngay tức thì về một sự trưởng thành vượt tuổi, một tư duy vô cùng tích cực.
 
Romelu sẵn sàng lắng nghe và tôn trọng ý kiến của tất cả mọi người có thể giúp đỡ cậu ấy, bất luận là ai – ban huấn luyện, các đồng đội hay thậm chí những nhân viên trong phòng thay đồ. Dù cho bạn có giỏi đến đâu nhưng cũng sẽ khó lòng thành công nếu không có thái độ đúng đắn, luôn là như vậy. Romelu rất khác, cậu ấy lúc nào cũng cởi mở với mọi thứ, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và không ngừng hoàn thiện bản thân.”
 
Hội tụ gần như đầy đủ về cả tố chất lẫn nhân cách, Lukaku đã được kỳ vọng trở thành một trong những tiền đạo xuất sắc hàng đầu thế giới kể từ khi còn gây tiếng vang ở độ tuổi teen. Tuy nhiên theo thời gian, chặng đường phát triển sự nghiệp và lên đỉnh của anh không hề bằng phẳng dễ dàng hay được trải hoa hồng, trái lại không ít chông gai là đằng khác.
 
Mất hơn một thập kỷ mòn mỏi chờ đợi sau khi lên ngôi vương ở giải VĐQG Bỉ năm 2010, sau những giai đoạn đáng thất vọng khoác áo Chelsea và Manchester United, Lukaku gần đây mới có lần thứ hai nâng cao danh hiệu vô địch quốc gia khi cùng với Inter Milan lên ngôi mùa trước. Tuổi 28 chín muồi với vai trò trung phong chủ lực trên hàng tấn công, Lukaku là một trong những thủ lĩnh của thế hệ vàng đội tuyển Bỉ với sứ mệnh lịch sử ở Châu Âu mùa hè này. Tựa như định mệnh, đối thủ trước mắt cầu thủ hiện làm mưa làm gió bóng đá Italy chính là đội tuyển Italy tại vòng tứ kết Euro 2020.
 
Tiếp tục chia sẻ về cậu học trò cũ, HLV Jacobs cho biết: “Romelu trải qua một thời thơ ấu thiếu thốn dữ dội, thậm chí có thể nói phải lớn lên trong nghèo khó. Kể từ đó, cậu ấy đã thề rằng mình sẽ không bao giờ được phép quay lại sống cảnh cơ hàn đấy nữa. Cậu ấy nói với tôi: ‘Con bắt buộc phải trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, không chỉ cho bản thân mà còn vì cha mẹ và gia đình mình.’ Với niềm đam mê và lòng quyết tâm, cậu ấy đã biến giấc mơ trong thế đường cùng của mình trở thành hiện thực.”

Romelu Lukaku tỏa sáng từ sớm trong màu áo Anderlecht. Ảnh: Getty Images
 
Thuở nhỏ, Romelu Lukaku, với cái tên được đặt theo những chữ cái đầu tiên của thân sinh ROger MEnama LUkaku, thần tượng chính cha đẻ của mình. Cũng giống như con trai sau này, ông Roger theo nghiệp cầu thủ và chơi ở vị trí tiền đạo, khăn gói rời quê nhà Kinshasa để đến Bỉ đầu quân cho CLB hạng hai Rupel Boom vào đầu thập niên 90. Ông khoác áo ĐTQG Zaire (CHDC Congo sau này) thi đấu vòng loại World Cup 1994 và hai vòng chung kết cúp bóng đá Châu Phi (AFCON hay CAN). Ở cấp độ CLB, ông còn có vài mùa giải chơi cho hai đội bóng lớn của Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ - KV Mechelen và Genclerbirligi.
 
Song, khi cậu con trai Romelu 5 tuổi gia nhập học viện đào tạo của Antwerp, Lukaku cha đã chuẩn bị giải nghệ và công việc kiếm tiền bỗng trở nên vất vả, chật vật hơn bao giờ hết. Romelu Lukaku từng trải lòng về quá khứ cơ cực: “Bố tôi dần đi về đoạn kết sự nghiệp và bao nhiêu tiền cũng không cánh mà bay hết. 
 
Tôi vốn luôn biết nhà mình không dư dả gì, nhưng chỉ khi nhìn thấy mẹ lén hòa thêm nước vào sữa, tôi mới thực sự hiểu rằng cái nghèo cái đói là như thế nào. Cái ngày đó, tôi như thức tỉnh và đã tự hứa với bản thân, tôi biết chính xác mình cần phải làm gì. Tôi đơn giản không thể chứng kiến và chịu đựng cảnh mẹ mình phải sống như vậy.”
 
Gia nhập đội trẻ Lierse ở tuổi 12, Lukaku ghi 76 bàn thắng trong 34 trận đấu, chỉ bằng đôi giày cũ nát của cha mình. Từng bước vững chắc gây dựng thành công với ý chí mạnh mẽ bất khuất, Lukaku có lẽ phải gửi lời cảm ơn nhiều nhất tới người ông ngoại quá cố của mình. 
 
Anh xúc động mỗi khi nhớ lại: “Ông bảo tôi đến bên và nói: ‘Làm ơn Rom, cháu có thể chăm sóc con gái ông được chứ?’ Tôi đã cảm thấy rất bối rối vào thời điểm đó, không biết tại vì sao ông ngoại lại cầu xinh mình khẩn khoản như vậy. Nhưng 5 ngày sau, ông đã qua đời, và tôi mới thực sự hiểu ý nguyện của ông. Tôi chỉ ước rằng ông có thể sống lâu hơn để thấy cháu trai mình chơi bóng cho Anderlecht và có thể bắt đầu lo cho gia đình.”
 
Trước cả khi Lukaku được chính thức đôn lên đội một Anderlecht, anh đã được chú ý và liên hệ bởi nhiều CLB hàng đầu Châu Âu khác, với thành tích xô đổ toàn bộ kỷ lục ghi bàn trong lịch sử đội trẻ. Tuy nhiên, may mắn cho Anderlecht khi họ vẫn thuyết phục giữ chân Lukaku thêm một thời gian. 12 ngày sau khi đón sinh nhật lần thứ 16, anh có màn ra mắt trong trận gặp Standard Liege ở cúp quốc gia, để rồi từ đó kết thúc mùa giải với danh hiệu vua phá lưới và góp công lớn giúp Anderlecht đăng quang ngôi VĐQG Bỉ.
 
HLV Jacobs cho biết: “Chúng tôi đã chăm sóc, dung dưỡng Romelu hết sức cẩn thận, bảo vệ cậu ấy bằng cách tránh cho tiếp xúc với giới truyền thông, và cậu ấy hoàn toàn đồng ý với điều đó. Tôi cũng nói chuyện với bố cậu ấy và không vấn đề gì, ông ấy cũng rất nghiêm khắc với con trai mình, không cho phép nổi tiếng quá sớm mà đâm ra tự mãn, lúc nào cũng khuyên răn chăm chỉ và nỗ lực. Romelu đã trưởng thành và phát triển trong tình yêu thương đúng mực và an toàn.”

Romelu Lukaku là niềm hy vọng của Bỉ. Ảnh: Getty Images
 
Phải mất cả năm trời sau thời điểm nổi lên như cồn, cụ thể vào tháng 2/2010, Lukaku mới được Anderlecht cho phép xuất hiện trước cánh báo chí. Với sự ngu ngơ khác hẳn những gì thể hiện ngoài sân cỏ, anh lắp bắp trả lời phóng viên như thế này khi được gặng hỏi về tin đồn chuyển nhượng sang Chelsea với giá 10 triệu bảng: “Để cháu về hỏi bố đã nhé!”
 
Lukaku đã ra quyết định nhanh chóng và gật đầu tắp lự về lời đề nghị gia nhập Chelsea, đơn giản bởi anh muốn sát cánh bên cạnh một thần tượng khác của mình – Didier Drogba. Dẫu vậy, chiếm suất của đàn anh người Bờ Biển Ngà, một biểu tượng huyền thoại ở Stamford Bridge, là điều không tưởng đối với Lukaku thời điểm ấy, một cầu thủ trẻ và còn non nớt kinh nghiệm mới chân ướt chân ráo cập bến nước Anh.
 
Theo HLV Jacobs, Lukaku hoặc đã quá tự tin hoặc vẫn còn ngây thơ không nhìn ra những khó khăn, thách thức trước mắt. Ông kể lại: “Tôi nói rằng cậu ấy chuẩn bị đến với một CLB lớn và cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt cho từng vị trí, từng phút thi đấu. Vậy mà Romelu đã ngắt lời tôi và hỏi xoáy lại: ‘Như con đây mà phải ngồi dự bị sao? Vô lý, không thể nào.’ Tôi chỉ từ tốn đáp: ‘Nó hoàn toàn có thể xảy ra đấy, đừng chủ quan.’ Và thật sự không may, đó chính xác là những gì đã xảy ra.”
 
Chìm nghỉm ở Chelsea và cúi đầu ra đi sau “dấu ấn” sút hỏng luân lưu ở trận tranh Siêu cúp châu Âu gặp Bayern Munich, đó là cú vấp lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Lukaku nhưng không phải là duy nhất và cũng như cuối cùng trên đất Anh. Dù sao với sự dồn nén động lực chứng tỏ sai lầm của Chelsea, tiền đạo người Bỉ cũng đã bùng nổ trong màu áo West Brom và Everton, ghi 104 bàn thắng sau 176 trận đấu ở Premier League, vượt xa bất cứ cầu thủ nào ở đội bóng cũ thủ đô London. Và rồi tiếp nối sau đó, anh lại thất bại, hay ít nhất không được như kỳ vọng về một bản hợp đồng bom tấn 75 triệu bảng, ở một CLB lớn xứ sở sương mù khác, Manchester United.
 
Sau này, Lukaku bộc bạch: “Tôi luôn nghiêm khắc nhưng cũng đủ tự tin vào bản thân, đón mỗi ngày mới với tâm thế sẵn sàng phấn đấu, phát triển không ngừng. Tôi từng coi mọi thứ đến với mình chỉ như cơ hội, thử thách chờ đợi cho mình chinh phục sớm muộn. Song đôi khi, tôi cũng đã phần nào đánh mất mình, không còn đủ mạnh mẽ để làm chỗ dựa tinh thần cho các đồng đội, cất lên tiếng nói để thúc đẩy họ đi lên. Có lẽ, tôi cũng cần những trải nghiệm đau đớn như vậy để ngày một trưởng thành hơn.”

Tiền đạo người Bỉ đã phát triển dưới sự dẫn dắt của Conte. Ảnh: Getty Images
 
Đó dường như cũng là lý do Lukaku từ chối trở về Chelsea dưới trướng Antonio Conte. Thay vào đây, anh hẹn hội ngộ HLV người Italy ở Inter Milan, rũ bỏ ngót nghét cả thập kỷ chinh chiến thăng trầm trên đất Anh cho một khởi đầu mới mẻ. Chẳng cần mất nhiều thời gian để Lukaku chiếm được sự tin yêu của người hâm mộ đội bóng áo sọc xanh đen, với 64 bàn thắng qua 2 mùa giải và góp công vào chức vô địch Serie A sau hơn 10 năm chờ đợi.
 
Tại kỳ World Cup 2014 ở Brazil, Lukaku dành tặng bàn thắng ấn định chiến thắng trước Mỹ ở vòng 1/8 cho người cha của mình. Tuy nhiên, ông Roger cũng dần đánh mất hình tượng trong lòng con trai sau vụ ly hôn với vợ mình. Kể từ đó, bố con Lukaku không còn gần gũi với nhau và trở nên xa cách hơn, còn bà mẹ Adolphine trở thành nguồn động lực mới để hỗ trợ thúc đẩy con trai tiến xa hơn. 
 
Tuy nhiên, chính Conte mới là người mang tầm ảnh hưởng lớn hơn tất thảy để đưa Lukaku lên đẳng cấp cao nhất. HLV Jacobs buông lời có cánh dành cho người đồng nghiệp: “Conte luôn nghiêm khắc đến độ tức giận với Romelu nhưng đó đã là phong cách của ông ấy, cũng như quan trọng là nó tốt cho Romelu. Thậm chí có thể nói, cậu ấy đang dần trở nên giống Conte, từ tư duy, phong thái đến cách nói chuyện. Một số cầu thủ Bỉ khác cũng từng làm việc với Conte (Eden Hazard, Thibaut Courtois…), và họ có nhận xét như thế về người đồng đội của mình.”
 
Một người Italy không tạo ra, nhưng chắc chắn đã có công lớn nâng tầm và hoàn thiện một con quái vật trên sân cỏ, để rồi khiến cả Italy đang chuẩn bị phải đương đầu với con quái vật ấy. Song tất nhiên dẫu cho nếu Lukaku có tỏa sáng giúp Bỉ vượt qua nước đồng chủ nhà để đoạt vé vào vòng bán kết Euro 2020, Conte ở đâu đó ngồi trước màn hình TV hẳn cũng sẽ không hối hận, nở một nụ cười gượng gạo chua chát nhưng vẫn đủ tự hào.
 
 
Hải Đường

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Liam Delap: Cánh én nhỏ tại Portman Road

Sẽ là thiển cận nếu mô tả Ipswich Town của Kieran McKenna là đội bóng một người. Nhưng với Liam Delap, họ thực sự đang sở hữu một chân sút có thể ghi bàn đều đặn. Delap chắc chắn là 1 trong những lý do chính giúp Ipswich (tạm) thoát ra khỏi nhóm 3 đội cuối BXH Premier League 2024/25.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.