Romario: “Năm 20 tuổi, tôi quyết tâm ghi 1000 bàn trong sự nghiệp”

Tác giả CG - Thứ Hai 31/01/2022 10:00(GMT+7)

Nhân ngày sinh nhật tuổi 56 của mình, cựu danh thủ Romario đã chia sẻ về cuộc đời mình trên The Players’ Tribune. Ở đó, “Quỷ lùn” nói về sự nghiệp của anh cũng như những suy nghĩ của một người đàn ông đã ở tuổi ngũ tuần.

 
Tại một số CLB tôi từng khoác áo, tôi có một thoả thuận là cho phép tôi được đi muộn. Nhưng tôi không bao giờ bỏ buổi tập nào cả. Hãy để tôi làm rõ điều này. Khi ở Brazil, tôi bảo với mọi chủ tịch các đội bóng là: “Tôi khó mà dậy sớm được, vì thế tôi sẽ tập luyện vào buổi chiều”. Họ thậm chí không phải viết nó vào hợp đồng. 
 
Có quá nhiều điều vớ vẩn về chuyện này. “Ồ, Romario không đi ngủ”. Không, anh ta chỉ thức dậy muộn thôi. “Romario không tập…”. Không, chỉ là không phải lúc 9 giờ sáng thôi. Các vị chủ tịch biết điều này. Còn họ có nói với các HLV không thì không phải chuyện của tôi.
 
Buổi tối trước trận đấu không bao giờ tôi đi chơi cả. Với một trận đấu vào Chủ nhật, tôi sẽ ra ngoài vào thứ Sáu. Tất nhiên, có vài lần chuyện ấy xảy ra nhưng chỉ là hãn hữu. Và tôi cũng không bao giờ hút thuốc. Tạ ơn Chúa, tôi cũng chưa bao giờ chơi ma tuý. Tôi không say sỉn, không động vào một giọt rượu. Ai nói rằng phải say mới vui cơ chứ?
 
Tôi tự tin chứ không kiêu ngạo. Tôi muốn nói rằng ngay từ khi sinh ra, Chúa nhìn tôi và nói: “Cậu là một người đàn ông”. Mọi người thấy đó là ngạo mạn, kiêu căng, tự phụ,... Mọi người nhìn tôi và bảo: “Ồ, Romario thích tiệc tùng, bỏ tập, anh ta là một kẻ lăng nhăng”. Rồi vào trận đấu tôi lập một hattrick và mọi người lại nói: “Ôi, Romario quá giỏi”. Đó có phải tự mãn không? Không hề. Đó là tự tin vào bản thân và những gì mình có thể làm. Tôi chỉ nói sự thật thôi. Dù sao thì tôi cũng có lúc khoe khoang bản thân mình, haha.
 
Năm 20 tuổi, tôi muốn mình sẽ ghi 1000 bàn thắng. Có một trang bìa tạp chí Brazil ghi lại câu nói đó của tôi, để khi nó xảy ra, không ai có thể nói tôi may mắn.
 
Tôi từng chơi bóng với bố bên đường ray xe lửa ở gần nhà tại Jacarezinho. Tôi bị hen suyễn khi mới 4 tuổi và là người rất khó ngủ. Vì thế vào ban đêm, nếu không ngủ được, tôi sẽ nắm tay bố và một tay ôm trái bóng. Chúng tôi sẽ trò chuyện một chút cho đến khi đã tới đường ray rồi chơi ở đó chừng 10 phút. Tôi bị ám ảnh với trái bóng từ đó. Chỉ cần được đá bóng là đủ khiến tôi hạnh phúc rôi. Khi trở về nhà, tôi ngủ rất ngon.
 
Với tôi, xây nhà chưa bao giờ là một sự hy sinh vất vả. Bố là công nhân trong nhà máy sơn nhưng chưa bao giờ kiếm đủ tiền cho anh em tôi đi tập. Để kiếm đủ tiền, bố phải làm thêm việc của thợ xây. Mỗi cuối tuần, chúng tôi lại giúp bố xây nhà ở Vila da Penha – nơi cả nhà tôi chuyển đến năm tôi 5 tuổi. Chúng tôi mang gạch, xi măng, tấm lợp,… cho bố. Chúng tôi là những đứa trẻ cứng cáp, những việc đó thực sự khá khó nhọc đấy nhưng chúng tôi làm vì biết nó sẽ giúp chúng tôi có thể chơi bóng. Thực tế - và bạn phải tin tôi ở điều này – chúng tôi rất vui khi làm những công việc đó. Trong lúc bố xây nhà thì anh tôi đang xây ước mơ của mình.
 
Bố tôi có 5 điều răn dạy. Không được lừa dối. Không được uống rượu. Không được chơi đồ. Không để ai gây trở ngại cho mình. Và khi bắt tay ai đó, phải nắm thật chặt và nhìn thẳng vào mắt họ. Tôi đã làm theo những điều đó chưa? Amen.
 
Tôi luôn coi bản thân mình là tiền đạo giỏi nhất. Nếu không thể sút thì tôi sẽ chuyền. Nếu chuyền cũng không được, tôi sẽ làm tất cả những gì còn có thể. Logic ở đây là: Nếu tôi là số một, thì tốt hơn hết tôi nên là người dứt điểm chứ không phải ai khác. Đó là điều tốt nhất cho đội bóng. Giống như trong bóng rổ, khi bạn cần 3 điểm ở những giây cuối thì nên đưa bóng cho ai? Jordan chứ còn ai nữa!
 
Tôi có cảm thấy áp lực hay không ư? Trời, tôi thích áp lực quá đi ấy chứ. Với những cầu thủ khác khung thành sẽ thu nhỏ lại. Còn khi tôi có cơ hội, tôi thấy nó rộng ra. Hãy cứ tưởng tượng khi tôi đã ghi 4 bàn rồi, trong đầu tôi sẽ luôn suy nghĩ cơ hội tiếp theo là cơ hội cuối. Tôi dành phần lớn sự nghiệp của mình cho cơ hội cuối cùng.
 
Tôi không bao giờ muốn bùng nổ suốt cả 90 phút. Sẽ có thời điểm tôi im hơi lặng tiếng nhất có thể. Các hậu vệ sẽ nghĩ “Hãy quên anh ta đi” và rồi tôi sẽ ghi bàn. Tôi sắc bén nhất là khi tưởng như đã mất hút.

Romario trong màu áo Barcelona. Ảnh: Getty Images
 
Dunga nói đúng. Khi còn thi đấu cho Vasco, chúng tôi đá không tốt. Tita và Roberto Dinamite quyết định rằng tôi – cầu thủ trẻ nhất – phải chạy thay cả phần của họ. Đó là những huyền thoại, họ nghĩ họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng họ lại không ghi bàn. Vì thế tôi nói: “Nghe này, tôi sẽ chạy cho cả đội. Và tôi chạy vì lợi ích của đội bóng, nhưng tôi nghĩ các anh chưa xem danh sách ghi bàn của đội bóng”. Tôi nghĩ họ vẫn còn tranh cãi cho đến khi Dunga lên tiếng: “Này, tôi sẽ chạy thay cậu ấy. Cứ để cậu ấy ghi bàn đi”. Câu chuyện đã diễn ra như thế, Dunga là một người vô cùng sắc sảo, không giống như một số người khác.
 
Hà Lan thực sự quá khó sống. Khi chuyển đến PSV Eindhoven, tôi mới 22 tuổi và chưa bao giờ sống ở đâu khác ngoài Rio. Ngoài ra tôi cũng từng đến Ilha do Governador, Copacabana, Barra da Tijuca. Lúc này tôi phải sống ở một nơi tối tăm và lạnh giá, nhiệt độ có lúc xuống -17 độ. Bạn có thể trách tôi không tập luyện sao? Có lần tôi từng “cắm trại” trong nhà suốt 3 ngày trời. Mọi người thấy thế nên rất lo lắng, họ gõ cửa nhà và không thấy tôi trả lời. Này, lúc đó tôi đang ngủ đông mà!
 
Tuy nhiên điều đó cũng đáng giá vì nó giúp tôi cố gắng hơn. Bất cứ khi nào cảm thấy quá lạnh, tôi lại nghĩ về những ngày mình bê xi măng, vác tấm lợp cho bố để trở thành cầu thủ. Khi đó tôi có từ bỏ ước mơ của mình vì trời lạnh không? Và đó là cách tôi vượt qua khó khăn. Tôi mua cho gia đình một ngôi nhà ở Freguesia, Jacarepaguá, thuê một người giúp việc và một tài xế. Với tôi đó là một vinh quang.
 
Cruyff là một trong những người bạn tuyệt vời nhất của tôi trong bóng đá. Không nghi ngờ gì nữa, ông ấy là HLV giỏi nhất của tôi. Khi tôi đến Barca, tôi muốn số áo yêu thích là 11. Cruyff trao tôi số 10. Tôi nói: “Thưa thầy, đây quả là một vinh dự. Nhưng tôi thích số 11 hơn”. Mọi người đều thích số 10 phải không nào, nhưng Cruyff nói không với tôi. Tôi nói tiếp: “Trời đất ơi, ở đây tôi tặng số 10 cho ai muốn luôn này! Tại sao lại không?” Ông ấy đáp: “Vì trong đội của tôi, những người giỏi nhất luôn sử dụng số 10”. Tôi có thể nói gì được nữa đây cơ chứ? Và tôi cứ thế giữ số 10.
 
Thực sự là khi đó ông ấy vẫn có thể chơi bóng cùng chúng tôi. Cruyff hay nói: “Đưa bóng đến đây, xoay người ở đây, sút vào góc kia”. Chúng tôi đáp lại: “Thưa thầy, chúng tôi không làm được”. Và thế là ông ấy thị phạm luôn, thật ảo diệu. Ông ấy thực sự là một thiên tài. Trong đầu ông ấy mọi thứ luôn dễ dàng. 
 
Tôi chưa bao giờ được kỳ vọng sẽ tham dự World Cup 1994, đó là sự thật. Brazil đáng lẽ đã vượt qua vòng loại một cách dễ dàng, và kể từ khi tôi mâu thuẫn với các HLV, họ không bao giờ triệu tập tôi nữa. Nhưng trong trận đấu quyết định với Uruguay, chúng tôi buộc phải thắng hoặc hoà để đi tiếp. Các HLV biết nếu họ thất bại, chắc chắn họ sẽ phải rời khỏi đội tuyển. Vậy thì giải pháp là gì đây? Tìm đến cầu thủ xuất sắc nhất của mình.
 
Tôi không hề thấy chút áo lực nào. Tôi ở đó để tận hưởng niềm vui, và cho những tên khốn ở hội đồng HLV sáng mắt ra. Bạn có thể hỏi bất cứ ai ở đó, họ sẽ cho bạn biết rằng đó có lẽ là trận đấu xuất sắc nhất mà một cầu thủ có thể thể hiện. Trên thang điểm từ 1 đến 10, tôi phải được 11 điểm.
 
Tôi luôn nói rằng Brazil sẽ vô địch World Cup, và nếu chúng tôi không làm được thì đó là lỗi của tôi. Tôi biết chất lượng của đội bóng mình và tôi tin mình sẽ chơi giải đấu để đời.
 
Vấn đề tiền thưởng thì sao? Tôi chỉ làm những gì tốt nhất cho mọi người. Năm 1990, chúng tôi tranh cãi về tiền tài trợ và cuối cùng điều đó đã huỷ hoại giải đấu của chúng tôi. Vì thế năm 1994, tôi đề xuất mọi người sẽ nhận thưởng như nhau, ai cũng như ai. Romario – chân sút số một – sẽ nhận thưởng như đầu bếp. Và khi họp lại, đa phần các cầu thủ đều ủng hộ ý kiến của tôi. Mọi người vẫn có rất nhiều tiền. Khi đó chúng tôi cùng chung chí hướng và đội tuyển đã trở nên mạnh hơn.
 
Tôi thích sự hạnh phúc hơn là giàu có. Khi tôi về Brazil sau World Cup, tôi đã hơi xem nhẹ sức mạnh của một nhà vô địch thế giới. Tình yêu của người hâm mộ, sự ấm áp của mọi người, những lớp cát bụi dưới chân… Tôi đã xa Rio lâu đến mức quên mất tôi yêu nơi này đến mức nào. Thế là tôi trở lại Tây Ban Nha muộn 2 tuần.

Romario cùng ĐT Brazil vô địch World Cup 1994. Ảnh: Getty Images
 
Khi Flamengo muốn chiêu mộ tôi vào cuối năm đó, tôi tự hỏi bản thân rằng mình thực sự muốn gì? Về mặt tài chính thì nó không phải lời đề nghị tốt nhất, dù họ trao tôi bản hợp đồng tốt nhất lịch sử Brazil. Năm đó tôi 29 tuổi và vẫn còn nhiều năm nữa để làm giàu ở châu Âu. Tôi là siêu sao trong đội hình “Dream Team”. Nhưng nếu làm toán, bạn sẽ bị do dự. Ở Rio tôi sẽ gần bố mẹ, anh em và bạn bè, tôi sẽ được gần những bãi biển, những thú vui, ánh nắng chan hoà, Barra da Tijuca của tôi. Tôi biết với người khác, quyết định của tôi thật lạ lùng. Nhưng với tôi nó hoàn toàn có ý nghĩa.
 
Năm 35 tuổi, tôi không còn quan tâm đến việc có đá tốt hay không mà chỉ muốn đạt đến cột mốc 1000 bàn thắng. Mọi người nói tôi không tập luyện. Tôi có tập, nhưng theo cách khác. Những cầu thủ khác chạy nước rút 70 lần hoặc chạy 7km, còn tôi thì sút 70 lần. Tôi tập luyện cụ thể những thứ tôi làm trên sân. Những năm đó tôi tập dứt điểm 4 trong 5 ngày. Không ai có thể giỏi mà không cần tập, kể cả tôi. Hãy kể bất cứ thiên tài nào trong thể thao và tôi đảm bảo họ cũng phải tập luyện rất nhiều.
 
Mọi người nói “Wow, cậu thật ích kỷ”. Tất nhiên tôi không hề như thế. Nếu tôi ghi bàn, tôi chiến thắng và đội bóng của tôi cũng vậy. Vấn đề đơn giản thế thôi.
 
Bàn thắng thứ 1000 thực sự là thử thách. Khi ấy tôi 41 tuổi nên đôi chân không còn tuân theo lệnh của bộ óc nữa. Tôi phải suy nghĩ mình sẽ chạy đến chỗ nào, làm sao để thoát khỏi người kèm. Sau mỗi trận đấu, đầu của tôi căng hết ra. 
 
Tôi đã mời bạn bè khắp nơi trên thế giới đến xem tôi ghi bàn thứ 1000. Họ bay từ Hà Lan, Australia, Miami. Họ xem một trận nhưng rồi tôi không ghi bàn. Họ xem trận sau rồi thêm một trận nữa… 3 trận mà quả bóng không chịu đi vào lưới. Với một cầu thủ như tôi thì thế là quá lâu. Chúng tôi đã chuẩn bị để ăn mừng hoành tráng nhưng cuối cùng thì mọi chuyện là “Nghe này anh bạn, hãy làm cho xong chuyện chết tiệt này”.
 
Tôi làm gì sau khi ghi bàn thắng thứ 1000 ư? Ngay cả những bữa tiệc cũng không thể kéo dài mãi được. Tôi cần một mục tiêu mới. Trong bóng đá không còn quá nhiều điều khiến tôi muốn chinh phục.
 
Tất cả mọi người đều là một chính trị gia. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đều tranh luận và thương lượng với nhau phải không nào? Khi tôi tham gia vào thượng viện Brazil, tôi đối mặt với vấn đề tương tự như khi còn là cầu thủ vì trong bóng đá cũng có chính trị. Tôi đã từng cãi vã với các HLV, giám đốc và chủ tịch vì sự chân thực. Với một người như tôi, bóng đá chưa bao giờ có bất cứ sự khoan nhượng nào, kể cả đến hôm nay cũng không hề bớt đi. Nếu tôi không quá thẳng tính, tôi đã có thể tham dự thêm 2 kỳ World Cup và 2 kỳ Olympic. Nhưng đó là cái giá mà tôi phải trả để được là chính mình.

Sau khi treo giày, Romario bước chân vào con đường chính trị. Ảnh: IPC
 
Tôi tham gia chính trị để đấu tranh cho những người như con gái tôi, Ivy. 16 năm trước, con bé là đứa con thứ 6 của tôi và bị mắc hội chứng Down. Con bé là một phước lành, Chúa đã quyết định gửi cho tôi một thiên thần. Trước khi Ivy chào đời, tôi chưa bao giờ gặp bất cứ ai bị khuyết tật hay bệnh hiếm gặp nào. Chẳng việc gì phải đạo đức giả ở đây, thực sự tôi không quan tâm đến những vấn đề của họ. 
 
Thế rồi Ivy xuất hiện khiến tôi nhận ra họ cần giúp đỡ và không ai ở Brazil có thể giúp họ. Vì thế hiện tại tôi được biết đến là người bảo vệ những con người như thế, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Giống như chúng ta, họ có quyền là một phần của xã hội.
 
Khi Ivy chào đời, nhiều bạn bè tôi bắt đầu bảo tôi về những người trong gia đình họ cũng mắc bệnh hiểm nghèo. Họ chưa bao giờ chia sẻ câu chuyện đó với bất cứ ai, nhưng giờ thì họ đã kể. Tôi thấy vui vì có thể giúp nhiều người mở lòng. Việc gì phải giấu giếm cơ chứ? Ivy chưa bao giờ khiến tôi cảm thấy bớt đi sự tự hào.
 
Tôi có từng hối tiếc việc gì hay không ư? Tôi bị gắn với rất nhiều tính từ: ngạo mạn, kiêu căng, khó ưa,… một danh sách rất dài. Nhưng bạn phải đánh giá mỗi hành động của tôi trong đúng bối cảnh, thời điểm. Trước đây tôi là con người khác và thế giới bóng đá cũng khác. Tôi xuất thân từ hai bàn tay trắng. Tôi phải chiến đấu cật lực để leo lên đỉnh vinh quang và cuối cùng tôi trút hết mọi cảm xúc của mình. Bất cứ điều gì tôi đã làm, dù tốt hay xấu, cũng đều xuất phát từ trái tim.
 
Liệu tôi có làm lại những điều đó hay không? Chà, thời gian trôi qua với bất cứ ai phải không nào? Tôi đã 56 tuổi và đang bình tâm hơn. Có lẽ tôi vẫn sẽ làm như thế nhưng theo cách khác. Thực tế là vậy. Xin nhắc lại một lần nữa, không ai hoàn hảo cả. Chúng ta chưa bao giờ có ý định hoàn hảo cả. Và tạ ơn Chúa vì điều đó.
 
Theo The Players’ Tribune

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?