Roman Abramovich và lời vĩnh biệt một triều đại

Tác giả CG - Thứ Năm 03/03/2022 20:33(GMT+7)

Zalo

Sắp tới, Chelsea sẽ phải bắt đầu một cuộc sống mới, một triều đại mới, một kỷ nguyên mới. Nhưng di sản vĩ đại mà Abramovich để lại Stamford Bridge sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Roman Abramovich
 
Cách đây chưa lâu, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Premier League ra đời, cây bút kỳ cựu Simon Kuper đã điểm ra 3 nhân vật ngoại quốc đóng vai trò thay đổi hình ảnh và tính chất của giải đấu này. Đó là 3 con người ở 3 vị trí khác nhau: Arsene Wenger (HLV), Eric Cantona (Cầu thủ) và người cuối cùng là Roman Abramovich (Ông chủ). Kuper cho rằng Abramovich mở ra một con đường cho các ông chủ nước ngoài đến với nước Anh. Dù Chelsea ban đầu không phải là mục tiêu mà Abramovich nhắm đến, nhưng sau tất cả đội bóng này đã thay da đổi thịt dưới kỷ nguyên của tỷ phú người Nga. Sau Abramovich, làn sóng ông chủ nước ngoài đã đầu tư vào các CLB Anh đã tăng lên.
 
Sau 19 năm, triều đại của Roman Abramovich ở Chelsea đã sắp sửa khép lại. Trang chủ CLB đã đưa ra tuyên bố chính thức của tỷ phú người Nga về việc bán đội bóng, một cách tốt nhất cho chính ông cũng như đội bóng trong bối cảnh chính trị thế giới hiện nay. Một cuộc chia tay theo cách mà người hâm mộ Chelsea không hề mong muốn, khi cách đây chưa lâu đội bóng mới đoạt một danh hiệu và hai mùa giải vừa qua The Blues đã đổ vào thị trường chuyển nhượng tới hơn 360 triệu euro để bổ sung lực lượng.
 
Vị thế của Chelsea lúc này rất khác so với thời điểm Abramovich mua lại đội bóng vào năm 2003. Năm 2003, ông Ken Bates – Chủ sở hữu kiêm chủ tịch Chelsea thời điểm đó – phải mời Trevor Birch về làm CEO của đội bóng. Birch – một chuyên gia về tái cấu trúc tài chính – có nhiệm vụ duy nhất là cứu Chelsea khỏi bờ vực phá sản. 
 
Trong khi đó, thời điểm ấy Roman Abramovich vẫn là một nhân vật bí ẩn với truyền thông phương Tây. Đầu năm 2002, Roman Abramovich nhận ra ông đã có một mối quan tâm mới. Mỗi khi có công việc phải đến các thành phố trên khắp châu Âu, doanh nhân mang hai quốc tịch Israel và Nga lại tham dự các trận bóng đá. Cảm nhận trực tiếp đầu tiên của ông với bóng đá Anh là khi dự khán trận tứ kết Champions League mùa giải 2002/2003 giữa Manchester United và Real Madrid trên sân Old Trafford.

Roman Abramovich
Danh hiệu đầu tiên của Chelsea dưới thời Abramovich. Ảnh: Getty Images
 
Suy nghĩ về việc sở hữu một đội bóng bắt đầu ngày một nhiều thêm trong đầu của Abramovich. Ban đầu, Chelsea không phải đối tượng mà doanh nhân trẻ người Nga thời điểm đó nhắm đến. Tottenham – đại kình địch cùng thành phố của Chelsea – mới là CLB mà Abramovich nói chuyện. Tuy nhiên, vì không ấn tượng với vị trí của đội bóng – “Nơi này còn tệ hơn cả Omsk” (một thành phố nằm gần Siberia) – mà Abramovich quyết định bỏ qua Spurs.

Sau đó, với sự môi giới của “siêu cò” Pini Zahavi, Abramovich đã được tiếp cận để mua lại Chelsea. Tuy nhiên, một trong những điều kiện để Abramovich gật đầu đồng ý chính là việc The Blues phải giành tấm vé tham dự Champions League mùa giải 2004/2005. Chính vì lẽ đó, trận đấu cuối cùng của mùa giải gặp Liverpool có ý nghĩa sống còn, nó không chỉ quyết định tới tấm vé dự Champions League mà còn là cả tương lai của đội bóng. Báo chí bắt đầu đánh hơi được về một màn bơm tiền mạnh mẽ cho mùa giải tiếp theo nếu Chelsea giành chiến thắng.
 
Ngày 10/5/2003, một ngày trước trận đấu, các cầu thủ được yêu cầu phải dọn hết đến khách sạn mà đội bóng đã thuê để ở thay vì ngủ qua đêm ở nhà như thường lệ. Sau bữa tối, CEO Trevor Birch xuất hiện để uý lạo tinh thần toàn đội và nói với họ trận đấu vào ngày hôm sau sẽ là một trong những trận đấu quan trọng nhất cuộc đời của họ. Thậm chí, ông còn mời hẳn một cựu chiến binh đến để chia sẻ về lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu nhằm khơi dậy sự quyết tâm trong lòng các cầu thủ Chelsea. Graeme Le Saux nhớ lại: “Tôi có cảm giác hưng phấn như thể mình đã uống 32 cốc espresso vậy. Tôi muốn rời khỏi phòng mình ngay lập tức và chiến đấu ngay tại Hyde Park (địa điểm đóng quân của đội)”.
 
Kết quả, Chelsea đã lội ngược dòng, giành chiến thắng 2-1 nhờ hai bàn thắng của Marcel Desailly và Jesper Gronkjaer. Mục tiêu trên sân cỏ đã hoàn thành, và những thay đổi ở thượng tầng cũng diễn ra. Một chiến thắng quan trọng để mở nốt ổ khoá cuối cùng cho Chelsea mở cánh cửa bước vào kỷ nguyên mới. Tháng 7/2003, Ken Bates chính thức bán Chelsea cho Roman Abramovich với giá 140 triệu bảng, trong đó bao gồm 75 triệu bảng tiền nợ, cao hơn bất cứ số tiền nào từng được chi ra để sở hữu một CLB ở Premier League.

Premier League
 
170 triệu euro được đổ vào thị trường chuyển nhượng trong mùa giải 2003/2004 để Chelsea tăng cường lực lượng. Thêm 166,4 triệu euro được “bơm” tiếp vào thị trường chuyển nhượng ở mùa bóng tiếp theo (dữ liệu từ Transfermarkt). Abramovich không hề nói suông. Những ngôi sao được mang về trên sân cỏ, Jose Mourinho – vị HLV trẻ tài ba giúp Porto đoạt cú ăn ba – cũng được mang về thay thế Claudio Ranieri trên băng ghế huấn luyện.
 
Từ đó trở đi, một kỷ nguyên rực rỡ của Chelsea đã được mở ra, không chỉ với đội nam mà còn cả đội bóng nữ. Đến nay, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn Abramovich là chủ tịch của đội bóng. Thực chất, Bruck Buck mới là chủ tịch của Chelsea còn Abramovich là ông chủ. Tỷ phú người Nga không trực tiếp điều hành Chelsea, nhưng bằng những cánh tay nối dài của mình, ông vẫn nắm được tình hình đội bóng. 
 
Từ cách đây vài năm, sau khi bị cấm nhập cảnh vào Anh, Abramovich vẫn theo dõi Chelsea. Trên những chiếc du thuyền sang trọng của mình, dù ở bất cứ đâu, ông đều yêu cầu cấp dưới phải đảm bảo tín hiệu vệ tinh thật tốt để không bỏ lỡ các trận đấu. Khi Chelsea ra nước ngoài thi đấu hoặc đá những trận cầu quan trọng, nếu có thể, ông đều tới sân để cổ vũ tinh thần đội bóng. Sau trận chung kết Champions League mùa giải trước, đội trưởng Cesar Azpilicueta ôm lấy Abramovich và nói: “Tôi không biết cái cúp ở đâu nhưng tôi sẽ mang nó đến cho ông vì nó là của ông”.
 
Thời điểm đại dịch Covid-19 mới bùng phát ở châu Âu, Chelsea là một trong những đội bóng hiếm hoi mà các cầu thủ không cần giảm lương và các nhân viên trong đội cũng không bị sa thải. Thậm chí khi đó, tỷ phú Nga còn sẵn sàng cho cơ quan y tế Anh sử dụng khách sạn của ông làm nơi nghỉ ngơi của các bác sĩ cũng như nơi điều trị cho các bệnh nhân mà toàn bộ chi phí sẽ do Abramovich chi trả. Trong suốt 19 năm, Abramovich mang tới cho Chelsea một chỗ dựa ổn định và cả một kỷ nguyên rực rỡ.

Roman Abramovich
Ảnh: Getty Images
 
Trong cuộc phỏng vấn với BBC vào năm 2003, cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi chính thức sở hữu The Blues, tỷ phú người Nga nói: “Vấn đề không phải kiếm tiền. Tôi có nhiều cách để kiếm tiền ít mạo hiểm hơn thế này. Tôi không muốn ném tiền qua cửa sổ, nhưng thực sự thương vụ này là vì niềm vui, những chiến thắng và các danh hiệu”. Trong tuyên bố gần nhất trên trang chủ, ông khẳng định: “Tôi sẽ không yêu cầu hoàn trả bất cứ khoản vay nào. Tôi chưa bao giờ quá đặt nặng chuyện kinh doanh hay tiền bạc ở đây, mà đơn giản đó là niềm đam mê thuần tuý của tôi cho bóng đá và CLB này”. 
 
Cuộc chơi của ông chuẩn bị phải khép lại. Sắp tới, Chelsea sẽ phải bắt đầu một cuộc sống mới, một triều đại mới, một kỷ nguyên mới. Nhưng di sản vĩ đại mà Abramovich để lại Stamford Bridge sẽ không bao giờ bị lãng quên. Nói không ngoa, Abramovich đã tạo ra một cuộc đời mới cho Chelsea để họ có được ngày hôm nay.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

X
top-arrow