Roman Abramovich và lời vĩnh biệt một triều đại

Tác giả CG - Thứ Năm 03/03/2022 20:33(GMT+7)

Sắp tới, Chelsea sẽ phải bắt đầu một cuộc sống mới, một triều đại mới, một kỷ nguyên mới. Nhưng di sản vĩ đại mà Abramovich để lại Stamford Bridge sẽ không bao giờ bị lãng quên.

 
Cách đây chưa lâu, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Premier League ra đời, cây bút kỳ cựu Simon Kuper đã điểm ra 3 nhân vật ngoại quốc đóng vai trò thay đổi hình ảnh và tính chất của giải đấu này. Đó là 3 con người ở 3 vị trí khác nhau: Arsene Wenger (HLV), Eric Cantona (Cầu thủ) và người cuối cùng là Roman Abramovich (Ông chủ). Kuper cho rằng Abramovich mở ra một con đường cho các ông chủ nước ngoài đến với nước Anh. Dù Chelsea ban đầu không phải là mục tiêu mà Abramovich nhắm đến, nhưng sau tất cả đội bóng này đã thay da đổi thịt dưới kỷ nguyên của tỷ phú người Nga. Sau Abramovich, làn sóng ông chủ nước ngoài đã đầu tư vào các CLB Anh đã tăng lên.
 
Sau 19 năm, triều đại của Roman Abramovich ở Chelsea đã sắp sửa khép lại. Trang chủ CLB đã đưa ra tuyên bố chính thức của tỷ phú người Nga về việc bán đội bóng, một cách tốt nhất cho chính ông cũng như đội bóng trong bối cảnh chính trị thế giới hiện nay. Một cuộc chia tay theo cách mà người hâm mộ Chelsea không hề mong muốn, khi cách đây chưa lâu đội bóng mới đoạt một danh hiệu và hai mùa giải vừa qua The Blues đã đổ vào thị trường chuyển nhượng tới hơn 360 triệu euro để bổ sung lực lượng.
 
Vị thế của Chelsea lúc này rất khác so với thời điểm Abramovich mua lại đội bóng vào năm 2003. Năm 2003, ông Ken Bates – Chủ sở hữu kiêm chủ tịch Chelsea thời điểm đó – phải mời Trevor Birch về làm CEO của đội bóng. Birch – một chuyên gia về tái cấu trúc tài chính – có nhiệm vụ duy nhất là cứu Chelsea khỏi bờ vực phá sản. 
 
Trong khi đó, thời điểm ấy Roman Abramovich vẫn là một nhân vật bí ẩn với truyền thông phương Tây. Đầu năm 2002, Roman Abramovich nhận ra ông đã có một mối quan tâm mới. Mỗi khi có công việc phải đến các thành phố trên khắp châu Âu, doanh nhân mang hai quốc tịch Israel và Nga lại tham dự các trận bóng đá. Cảm nhận trực tiếp đầu tiên của ông với bóng đá Anh là khi dự khán trận tứ kết Champions League mùa giải 2002/2003 giữa Manchester United và Real Madrid trên sân Old Trafford.

Danh hiệu đầu tiên của Chelsea dưới thời Abramovich. Ảnh: Getty Images
 
Suy nghĩ về việc sở hữu một đội bóng bắt đầu ngày một nhiều thêm trong đầu của Abramovich. Ban đầu, Chelsea không phải đối tượng mà doanh nhân trẻ người Nga thời điểm đó nhắm đến. Tottenham – đại kình địch cùng thành phố của Chelsea – mới là CLB mà Abramovich nói chuyện. Tuy nhiên, vì không ấn tượng với vị trí của đội bóng – “Nơi này còn tệ hơn cả Omsk” (một thành phố nằm gần Siberia) – mà Abramovich quyết định bỏ qua Spurs.

Sau đó, với sự môi giới của “siêu cò” Pini Zahavi, Abramovich đã được tiếp cận để mua lại Chelsea. Tuy nhiên, một trong những điều kiện để Abramovich gật đầu đồng ý chính là việc The Blues phải giành tấm vé tham dự Champions League mùa giải 2004/2005. Chính vì lẽ đó, trận đấu cuối cùng của mùa giải gặp Liverpool có ý nghĩa sống còn, nó không chỉ quyết định tới tấm vé dự Champions League mà còn là cả tương lai của đội bóng. Báo chí bắt đầu đánh hơi được về một màn bơm tiền mạnh mẽ cho mùa giải tiếp theo nếu Chelsea giành chiến thắng.
 
Ngày 10/5/2003, một ngày trước trận đấu, các cầu thủ được yêu cầu phải dọn hết đến khách sạn mà đội bóng đã thuê để ở thay vì ngủ qua đêm ở nhà như thường lệ. Sau bữa tối, CEO Trevor Birch xuất hiện để uý lạo tinh thần toàn đội và nói với họ trận đấu vào ngày hôm sau sẽ là một trong những trận đấu quan trọng nhất cuộc đời của họ. Thậm chí, ông còn mời hẳn một cựu chiến binh đến để chia sẻ về lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu nhằm khơi dậy sự quyết tâm trong lòng các cầu thủ Chelsea. Graeme Le Saux nhớ lại: “Tôi có cảm giác hưng phấn như thể mình đã uống 32 cốc espresso vậy. Tôi muốn rời khỏi phòng mình ngay lập tức và chiến đấu ngay tại Hyde Park (địa điểm đóng quân của đội)”.
 
Kết quả, Chelsea đã lội ngược dòng, giành chiến thắng 2-1 nhờ hai bàn thắng của Marcel Desailly và Jesper Gronkjaer. Mục tiêu trên sân cỏ đã hoàn thành, và những thay đổi ở thượng tầng cũng diễn ra. Một chiến thắng quan trọng để mở nốt ổ khoá cuối cùng cho Chelsea mở cánh cửa bước vào kỷ nguyên mới. Tháng 7/2003, Ken Bates chính thức bán Chelsea cho Roman Abramovich với giá 140 triệu bảng, trong đó bao gồm 75 triệu bảng tiền nợ, cao hơn bất cứ số tiền nào từng được chi ra để sở hữu một CLB ở Premier League.

 
170 triệu euro được đổ vào thị trường chuyển nhượng trong mùa giải 2003/2004 để Chelsea tăng cường lực lượng. Thêm 166,4 triệu euro được “bơm” tiếp vào thị trường chuyển nhượng ở mùa bóng tiếp theo (dữ liệu từ Transfermarkt). Abramovich không hề nói suông. Những ngôi sao được mang về trên sân cỏ, Jose Mourinho – vị HLV trẻ tài ba giúp Porto đoạt cú ăn ba – cũng được mang về thay thế Claudio Ranieri trên băng ghế huấn luyện.
 
Từ đó trở đi, một kỷ nguyên rực rỡ của Chelsea đã được mở ra, không chỉ với đội nam mà còn cả đội bóng nữ. Đến nay, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn Abramovich là chủ tịch của đội bóng. Thực chất, Bruck Buck mới là chủ tịch của Chelsea còn Abramovich là ông chủ. Tỷ phú người Nga không trực tiếp điều hành Chelsea, nhưng bằng những cánh tay nối dài của mình, ông vẫn nắm được tình hình đội bóng. 
 
Từ cách đây vài năm, sau khi bị cấm nhập cảnh vào Anh, Abramovich vẫn theo dõi Chelsea. Trên những chiếc du thuyền sang trọng của mình, dù ở bất cứ đâu, ông đều yêu cầu cấp dưới phải đảm bảo tín hiệu vệ tinh thật tốt để không bỏ lỡ các trận đấu. Khi Chelsea ra nước ngoài thi đấu hoặc đá những trận cầu quan trọng, nếu có thể, ông đều tới sân để cổ vũ tinh thần đội bóng. Sau trận chung kết Champions League mùa giải trước, đội trưởng Cesar Azpilicueta ôm lấy Abramovich và nói: “Tôi không biết cái cúp ở đâu nhưng tôi sẽ mang nó đến cho ông vì nó là của ông”.
 
Thời điểm đại dịch Covid-19 mới bùng phát ở châu Âu, Chelsea là một trong những đội bóng hiếm hoi mà các cầu thủ không cần giảm lương và các nhân viên trong đội cũng không bị sa thải. Thậm chí khi đó, tỷ phú Nga còn sẵn sàng cho cơ quan y tế Anh sử dụng khách sạn của ông làm nơi nghỉ ngơi của các bác sĩ cũng như nơi điều trị cho các bệnh nhân mà toàn bộ chi phí sẽ do Abramovich chi trả. Trong suốt 19 năm, Abramovich mang tới cho Chelsea một chỗ dựa ổn định và cả một kỷ nguyên rực rỡ.

Ảnh: Getty Images
 
Trong cuộc phỏng vấn với BBC vào năm 2003, cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi chính thức sở hữu The Blues, tỷ phú người Nga nói: “Vấn đề không phải kiếm tiền. Tôi có nhiều cách để kiếm tiền ít mạo hiểm hơn thế này. Tôi không muốn ném tiền qua cửa sổ, nhưng thực sự thương vụ này là vì niềm vui, những chiến thắng và các danh hiệu”. Trong tuyên bố gần nhất trên trang chủ, ông khẳng định: “Tôi sẽ không yêu cầu hoàn trả bất cứ khoản vay nào. Tôi chưa bao giờ quá đặt nặng chuyện kinh doanh hay tiền bạc ở đây, mà đơn giản đó là niềm đam mê thuần tuý của tôi cho bóng đá và CLB này”. 
 
Cuộc chơi của ông chuẩn bị phải khép lại. Sắp tới, Chelsea sẽ phải bắt đầu một cuộc sống mới, một triều đại mới, một kỷ nguyên mới. Nhưng di sản vĩ đại mà Abramovich để lại Stamford Bridge sẽ không bao giờ bị lãng quên. Nói không ngoa, Abramovich đã tạo ra một cuộc đời mới cho Chelsea để họ có được ngày hôm nay.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.