Roman Abramovich: ông vua của đế chế Chelsea

Tác giả CG - Thứ Hai 31/05/2021 18:19(GMT+7)

Zalo

20 năm trước, Roman Abramovich là một trong hàng ngàn người ngồi ở một sân vận động nào đó ở châu Âu và nhận ra cảm xúc tuyệt vời khi xem một trận bóng đá. 20 năm sau, ông là ông chủ Chelsea. Abramovich đã duy trì CLB với những giá trị mà ông thiết lập và sẽ tiếp tục duy trì nó.

Roman Abramovich
Ảnh: Getty Images

1.
Điều đầu tiên liên quan tới Roman Abramovich mà các cầu thủ Chelsea thường chú ý là yếu tố an ninh. Mỗi khi có công tác bảo an được tăng cường, các cầu thủ cũng hiểu là “có khả năng” ông chủ của họ sẽ xuất hiện. “Chúng tôi thường hỏi nhân viên an ninh là liệu sếp có đến vào hôm đó hay không”, cựu thủ thành Mark Schwarzer chia sẻ. “Câu trả lời của họ luôn là không biết”.
 
Công tác an ninh được yêu cầu phải trong trạng thái sẵn sàng là điều dễ hiểu. Việc bị bắt cóc là mối đe dọa hiện hữu với những người giàu có. Hiện tại, mọi người không biết khi nào Abramovich sẽ trở lại. Ông chưa đặt chân tới Stamford Bridge hay Cobham suốt 3 năm qua do không được cấp thị thực vào nước Anh. Nhưng Abramovich vẫn dõi theo đội bóng. Tờ The Independent cho biết những chiến thắng ấn tượng đầu mùa giải 2019/2020 khiến Abramovich hết sức hưng phấn. Trên những chiếc du thuyền sang trọng của mình, dù ở bất cứ đâu, ông đều yêu cầu cấp dưới phải đảm bảo tín hiệu vệ tinh thật tốt để không bỏ lỡ các trận đấu.
 
Trong vài năm qua, nhiều người cho rằng Abramovich đã bớt chút hào hứng với Chelsea. Việc Abramovich có thể vào Anh thông qua quốc tịch Israel nhưng ông không làm vậy khiến những sự nghi ngờ xuất hiện. Nhưng mùa hè năm ngoái, ông chi 200 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng để The Blues bổ sung những tân binh chất lượng. Con số này nhiều hơn bất cứ CLB nào và cũng phần nào đó cho thấy tỷ phú người Nga chưa muốn từ bỏ Chelsea.
 
Và chức vô địch Champions League mới đây chắc chắn là điều khiến Abramovich rất hài lòng.
 
2. Đầu năm 2002, Roman Abramovich nhận ra ông đã có một mối quan tâm mới. Mỗi khi có công việc phải đến các thành phố trên khắp châu Âu, doanh nhân mang hai quốc tịch Israel và Nga lại tham dự các trận bóng đá. Không mất quá nhiều thời gian dự khán các trận đấu để ông nhận ra một suy nghĩ thường trực trong đầu mình. “Rất nhiều cảm xúc, vô cùng phấn khích. Tôi đã nghĩ: ‘Mình muốn là một phần của điều này”, Abramovich chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Forbes hồi tháng 3.
 
Còn một điều nữa của môn thể thao vua cũng thu hút sự chú ý của vị tỷ phú. “Không có công thức nào để giành chiến thắng các trận đấu bóng đá cả. Một HLV và đội hình của anh hay cô ấy phải cân nhắc nhiều yếu tố khi tiếp cận từng trận đấu. Nó giống như cứ vài ngày lại có một bài kiểm tra mới và quá trình học tập của bạn sẽ được đánh giá. Tôi đã và vẫn thích sự khó đoán và cách mỗi trận đấu diễn ra”.
 
Abramovich chia sẻ sự phấn khích của mình trong những cuộc trò chuyện với các đối tác kinh doanh. Và niềm phấn khích đó nhanh chóng biến thành ý tưởng sở hữu riêng một CLB bóng đá.
 
Vào ngày đầu tiên của tháng 7 năm 2003, tin tức từ London cho biết Abramovich là ông chủ mới của CLB bóng đá Chelsea. Đây là thông tin đáng ngạc nhiên vì 3 lý do. Thứ nhất, Chelsea là một CLB Anh có truyền thống lịch sử không thường xuyên thay đổi chủ sở hữu. Thứ hai, mức giá mà Abramovich mua lại là 140 triệu bảng, trong đó bao gồm 75 triệu bảng tiền nợ, cao hơn bất cứ số tiền nào từng được chi ra để sở hữu một CLB ở Premier League. Và thứ ba, người mua đã mang nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài vào bóng đá Anh.
 
“Nhìn lại, đặc biệt là những danh tính đại chúng mà nó mang đến cho tôi, có lẽ tôi đã suy nghĩ khác về việc sở hữu một CLB”, Abramovich nói kèm một nụ cười nhẹ. “Nhưng thời điểm đó, tôi chỉ thấy môn thể thao này thật đáng kinh ngạc và tôi muốn là một phần của nó theo cách này hoặc cách khác”.
 
Kể từ khi sở hữu Chelsea, Abramovich đã đầu tư vào đó rất nhiều tiền bạc. Ông có hai tham vọng: “tạo ra những đội bóng đẳng cấp thế giới trên sân; và đảm bảo CLB đóng vai trò tích cực trong tất cả các cộng đồng của mình”.

Roman Abramovich
Ảnh: Getty Images
 
Abramovich nói đó không chỉ là những lời bóng bẩy của thuở ban đầu. Lý do vì “trước hết, khi bạn nói điều gì đó, bạn phải luôn làm theo nó. Và nhất là khi bạn là một người không thích nói nhiều. Vì vậy, những gì bạn nói ra rất quan trọng”, ông chia sẻ. “Thứ hai, bóng đá là một phần của xã hội và xã hội là một phần của bóng đá. Vì vậy, đương nhiên bóng đá phải tham gia hỗ trợ cộng đồng và hiện diện trong cộng đồng”.
 
Ông tiếp tục: “Những tham vọng đó đến nay vẫn đúng như khi tôi mới trở thành ông chủ Chelsea và tôi hy vọng mọi người sẽ thấy nó thông qua những hành động của chúng tôi ở trong và ngoài sân cỏ suốt 17 năm qua”.
 
Những tham vọng đó đã ăn sâu vào trong chiến lược giúp Chelsea chiêu mộ những tài năng hàng đầu thế giới ở trong và ngoài sân cỏ. Các đội trẻ, đội nam và nữ đã giành được tổng cộng 35 danh hiệu trên mọi đấu trường ở Anh cũng như khắp thế giới. Abramovich nói: “Tôi nghĩ tự những danh hiệu đã nói lên vấn đề và cho thấy những gì mà chúng tôi, với tư cách một CLB, đã có thể đạt được suốt những năm qua. Mục tiêu của tôi là tiếp tục gặt hái danh hiệu và xây dựng cho tương lai”.
 
Tỷ phú Nga chia sẻ thêm: “Chelsea có truyền thống lịch sử to lớn và tôi cảm thấy may mắn khi đóng góp một phần trong đó. Trước và sau khi có tôi, CLB vẫn ở đây, nhưng nhiệm vụ của tôi là đảm bảo chúng tôi sẽ vẫn thành công như hiện tại cũng như xây dựng cho tương lai. Đó là lý do sự thành công của học viện chúng tôi ở Cobham lại rất quan trọng với tôi”.
 
Hiện nay, Chelsea có hàng trăm triệu người hâm mộ, hơn 500 hội cổ động viên chính thức, và hơn 100 triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội khắp thế giới. CLB hiện được định giá hơn 2 tỷ bảng. Nhưng với Abramovich “bóng đá không chỉ là cơ hội kinh doanh. Bóng đá là môn thể thao của cộng đồng. Chelsea là một cộng đồng. Chúng tôi cần phải đưa toàn bộ cộng đồng đó vào việc mà chúng tôi làm, các khoản đầu tư mà chúng tôi thực hiện và công việc mà chúng tôi tập trung”.
 
Ông tiếp tục: “Chelsea không chỉ có đội một của nam. Chelsea là một cộng đồng, có đội nữ, đội trẻ, học viện và hỗ trợ các cựu cầu thủ của CLB. Đó là điều chúng tôi đã làm kể từ ngày đầu tiên. Đó là lý do chúng tôi coi Chelsea là một cộng đồng, và những người trong cộng đồng đó - có trẻ em, phụ nữ, đàn ông, các cựu cầu thủ, các cầu thủ hiện tại, cầu thủ tương lai - tất cả cần được chào đón. Đó là một phần trong cách chúng tôi làm việc”.
 
Ví dụ cho điều này, Abramovich nhớ lại: “Thời điểm chúng tôi mua lại, khi ấy các cựu cầu thủ không thực sự tham gia vào CLB. Thậm chí họ còn chẳng được mời đến dự các trận đấu. Vì thế phải có thay đổi - sự ủng hộ dành cho các cựu cầu thủ, những người đã giúp đỡ CLB và cho họ cơ hội tiếp tục là một phần của CLB cũng như câu chuyện trong tương lai”.
 
Một ví dụ khác là đội nữ, tập thể đã là một phần của CLB kể từ năm 2004. Sự ủng hộ của ban lãnh đạo dành cho đội bóng - khu tập luyện nằm ở Cobham, một sân vận động riêng và được tham dự các trận giao hữu quốc tế - gần như đi trước hầu hết các CLB. Nhưng Abramovich không quá quan tâm đến sự so sánh mang tính cạnh tranh như vậy, chủ yếu vì nó chưa khai quát hết được mục tiêu của ông.
 
Theo Abramovich, đội bóng nữ là “một phần quan trọng của Chelsea và định hình nên chúng tôi là ai với tư cách một CLB. Tôi thấy chẳng có lý do gì mà các CLB lại không muốn ủng hộ bóng đá nữ và tạo cơ hội tốt nhất có thể để họ gặt hái thành công. Với tôi, đây là nguyên tắc, nhưng đồng thời bóng đá nữ cũng có tiềm năng lớn. Nếu bóng đá nữ được ủng hộ như bóng đá nam, nó sẽ thành công không kém về khía cạnh kinh doanh”.

Roman Abramovich
Ảnh: Getty Images
 
Doanh nhân người Nga khẳng định: “Tôi nghĩ sự đầu tư sẽ mang lại kết quả. Tôi nghĩ thành công của họ cho thấy những gì bạn có thể đạt được khi bạn dành nguồn lực và lãnh đạo một cách đúng đắn. [HLV] Emma Hayes đã làm việc rất tốt”. Trong 1 năm qua, đội nữ Chelsea đã đoạt Super League (phá vỡ chuỗi bất bại dài nhất: 32 trận), League Cup và lọt vào chung kết Champions League.
 
Những hoạt động bên ngoài sân cỏ là một phần quan trọng trong công việc việc tập thể tại Chelsea, đặc biệt là các hoạt động cộng đồng thông qua Chelsea Foundation. Mỗi năm, hơn 1 triệu người ở 20 quốc gia tham gia vào 500 chương trình sử dụng bóng đá và thể thao để cải thiện các vấn đề xã hội, giáo dục, nghề nghiệp và nhân dạo.
 
“Thể thao ở cấp độ này cũng mang đến những cơ hội và chúng tôi tự hào vì tổ chức của CLB là lớn nhất ở bóng đá Anh. Tôi hy vọng người hâm mộ của chúng tôi và cả cộng đồng có thể thấy những cam kết của chúng tôi với các hoạt động cộng đồng cũng giống như những gì chúng tôi dành cho đội bóng”, Abramovich chia sẻ.
 
Cam kết đó vẫn được duy trì khi đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến London bị phong tỏa và bóng đá Anh phải dừng lại. Trong bối cảnh đó, Chelsea tiếp tục trả lương cho toàn bộ nhân viên giống như khi các trận đấu vẫn còn được diễn ra, chung cấp chỗ ở và bữa ăn cho các nhân viên của Dịch vụ Y tế Quốc gia. Bên cạnh đó, CLB tiến hành chiến dịch nâng cao nhận thức và gây quỹ cho tổ chức chống bạo hành người tị nạn. Chelsea Foundation mang đến những chương trình an sinh xã hội, giáo dục, thể thao trực tuyến cho từ thanh niên đến người cao tuổi.
 
Ngoài ra, The Blues cũng đang duy trì cách chương trình trách nhiệm xã hội, nổi bật trong số đó là các sáng kiến chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, nạn phân biệt chủng tộc và các hình thức thù hận khác đang hình thành trong xã hội, cả trên sân lẫn ngoài sân cỏ.
 
Xử lý không khoan nhượng các vấn nạn cũng là điều mà Abramovich cảm thấy ông có trách nhiệm phải thực hiện. Dù cuộc phỏng vấn với Forbes vào tháng 3 là lần đầu tiên sau 15 năm ông trả lời phỏng vấn truyền thông hay họp báo, song những lời của ông chưa hoàn toàn biến mất trước công chúng. 
 
Có những lần ông truyền tải suy nghĩ của mình thông qua các tin nhắn cá nhân. Ông đã viết thư cho những chương trình bình luận trận đấu để nói về chiến dịch chống chủ nghĩa bài Do Thái. Những chia sẻ của ông xuất hiện trên thông báo của CLB khi HLV Frank Lampard bị sa thải. Ông cũng gửi thư cho từng cầu thủ sau khi Reece James bị phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội.

Roman Abramovich
Ảnh: Getty Images
 
“Câu chuyện về chiến dịch chống chủ nghĩa bài Do Thái hay Frank Lampard hay Reece James là những chủ đề rất rất quan trọng. Mọi thứ ở mức độ đó yêu cầu cá nhân tôi phải cho thấy mình là lãnh đạo và có trách nhiệm”, tỷ phú 54 tuổi nhấn mạnh.
 
Dù vậy, Abramovich có một vùng an toàn. Ông truyền những giá trị và tiêu chuẩn vào Chelsea thay vì tạo ra sự nổi tiếng cho bản thân mình. Ông cho biết “Có một hình ảnh nổi tiếng đại chúng chưa bao giờ là tham vọng của tôi”. 
 
Nhưng có một một điều mà Abramovich nổi tiếng đó chính là việc thay đổi huấn luyện ở đội một của đội nam. 18 năm kể từ khi ông mua lại CLB đã có 15 HLV ngồi vào chiếc ghế nóng. Nhìn qua, những con số đó ta nghĩ đến tư duy ngắn hạn và sự bốc đồng. Tuy nhiên, Abramovich miêu tả nó gắn với chiến lược nuôi dưỡng văn hóa. Ông cho biết văn hóa của Chelsea là “tập trung vào màn trình diễn nhưng đồng nó cũng mang tính đa dạng, hòa nhập và hỗ trợ. Cả hai yếu tố đều quan trọng với thành công của chúng tôi và yếu tố này sẽ không hiệu quả nếu không có yếu tố kia”.
 
Ông tiếp tục: “Tôi nghĩ chúng tôi thực dụng trong các lựa chọn của mình. Và chúng tôi cảm thấy thoải mái khi thực hiện những thay đổi phù hợp đúng thời điểm để đảm bảo có thể đạt tham vọng dài hạn. Tôi hy vọng điều đó cũng nói lên một cách rõ ràng tham vọng dài hạn của CLB. Những người tham gia đều hiểu những mục tiêu trên sân cũng như vai trò tích cực mà CLB đóng góp trong cộng đồng”.
 
20 năm trước, Roman Abramovich là một trong hàng ngàn người ngồi ở một sân vận động nào đó ở châu Âu và nhận ra cảm xúc tuyệt vời khi xem một trận bóng đá. 20 năm sau, ông là ông chủ Chelsea. Abramovich đã duy trì CLB với những giá trị mà ông thiết lập và sẽ tiếp tục duy trì nó.
 
Tổng hợp từ The IndependentForbes

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

X
top-arrow