Roman Abramovich: Kẻ thay đổi cả châu Âu vì tình yêu The Bridge

Tác giả Teddy - Thứ Hai 24/10/2016 17:24(GMT+7)

Zalo
Mùa hè năm 2003, phía Tây London chứng kiến sự ảm đạm của màu xanh dương. Rải rác quanh khu vực Chelsea đóng quân, người ta thấy những biển cổ động ghi “Help! Save the Bridge” với phông chữ lớn. Đội bóng của Chủ tịch Ken Bates đứng trên bờ vực phá sản; họ làm ăn bết bát với hàng chục triệu bảng nợ những khoản tiền trả lương và duy trì cơ sở vật chất, trong khi các khoản thu về chỉ như muối bỏ biển.
Roman Abramovich Ke thay doi ca chau Au vi tinh yeu The Bridge hinh anh
Roman Abramovich: Kẻ thay đổi cả châu Âu vì tình yêu The Bridge
Cùng lúc đó, Roman Abramovich lặng lẽ ngồi bên cạnh người bạn thân Avram Grant theo dõi Man Utd thi đấu với Real Madrid. 10 phút im lặng trôi qua, tài phiệt người Nga chợt cất tiếng: “Này, tôi phải mua một đội bóng”, để Avram Grant bên cạnh tư lự chống cằm, nghĩ tới việc tìm cho tỷ phú dầu mỏ một CLB phù hợp. Để rồi 10 năm sau đó, Abramovich không chỉ xây dựng cho Chelsea một nền tảng tài chính và chuyên môn vững chắc, mà đưa vào phòng truyền thống Stamford Bridge thêm nhiều danh hiệu. Ai đó có thể gọi ông là kẻ dùng tiền mua cúp, nhưng với The Blues, Abramovich không gì khác ngoài một ân nhân vĩ đại.
 
CHELSEA, NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀ CHELSEA!
 
Cái tên đầu tiên hiện lên trong đầu Avram Grant là Fulham. Thực tế mà nói, Fulham thời đó là một đội bóng tiềm năng với huyền thoại Jean Tigana trên ghế chỉ đạo cùng những Junichi Inamoto, Barry Hayles, Abdeslam Ouaddou, Pierre Wome hay Elves Hammond, một vài cái tên mang tính thương mại có thể giúp Abramovich thâu tóm một lượng lớn các CĐV đến từ các thị trường Nhật Bản và châu Phi. 
 
Thế nhưng Abramovich gạt đi vì không có hứng thú. Ông hỏi mua Manchester United, nhưng theo kiểu là vì thời điểm đến và ông cần phải chọn, chứ không phải vì quá ngưỡng mộ bề dày lịch sử của Quỷ Đỏ. Chẳng thế mà sau khi Sir Roy Gardner nói “Đội bóng này là một gia đình”, Roman cũng không bám trụ theo đuổi màu đỏ đến cùng, thay vào đó là tôn trọng quyết định của giới chủ sân Old Trafford.
 
Đến khi tìm thấy một bến đỗ thực sự phù hợp với mình, Abramovich đã làm chấn động cả nước Anh. Khi cái tên Chelsea được đề đạt với tỷ phú sinh năm 1966, ông chỉ mất vài tiếng để xem qua lịch sử đội bóng, tình hình hiện tại rồi lên kế hoạch mua lại The Blues với một quyết tâm ngùn ngụt. Quyết tâm đó được thể hiện qua…15 phút, thời gian mà tài phiệt người Nga bỏ ra để trao đổi với Tổng Giám đốc Trevor Birch trước khi đặt lên bàn đàm phán 140 triệu bảng với lời đề nghị chính thức. 
 
15 phút, 140 triệu bảng dành cho một đội bóng chưa thể coi là lớn thời đó, lại ngập trong nợ nần và trên bờ vực phá sản. Thế nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà Roman quyết tâm thực hiện. Ông tự bỏ tiền trả khoản lương còn thiếu cho tất cả cầu thủ, gia hạn với những cái tên quan trọng và giải phóng những người không còn cần thiết trước khi tung tiếp 100 triệu bảng chiêu mộ thêm nhân sự. Alexei Smertin, Glen Johnson, Juan Veron, Damien Duff, Joe Cole, Hernan Crespo và Claude Makelele rủ nhau đáp xuống Stamford Bridge như một cơn bão người. Sáu tháng sau khi lên nắm quyền, số tiền mà Abramovich đầu tư vào một tình yêu mà chính ông thừa nhận rằng “không biết đến từ bao giờ” chạm mốc 1 tỷ bảng. Sau những cú áp phe trên sàn chuyển nhượng là 820 triệu bảng đổ vào việc cải tạo sân tập, sân vận động, phê duyệt đầu tư thêm cho viện đào tạo trẻ Cobham, xây dựng thương hiệu bằng các chiến lược truyền thông chi tiết.
Roman Abramovich Ke thay doi ca chau Au vi tinh yeu The Bridge hinh anh 2
Những bản hợp đồng đầu tiên của Abramovich
Nếu như Roman mua một đội bóng nào đó khác, có lẽ tầm ảnh hưởng của ông đã không lớn đến thế, và qua đó người ta cũng không bao giờ được chứng kiến cú đề-pa chuẩn bị cho sự chuyển mình phá vỡ truyền thống của bóng đá xứ sương mù. Quan điểm dùng tiền thâu tóm mọi thứ của Roman Abramovich mang về một luồng gió mới cho Premier League, người cho tích cực, kẻ bảo tiêu cực, nhưng với ông thì đó là cách biểu hiện tình yêu. Mua xong Chelsea, ông bật tivi mỗi khi về nhà và chỉ nghe về bóng đá. Ông xuất hiện trong mọi trận đấu của The Blues và đứng lên vỗ tay ăn mừng mỗi khi đội nhà ghi bàn. Ông thuyết giảng về tình yêu với màu xanh, về tầm nhìn tới một tương lai rạng rỡ tại Stamford Bridge mỗi khi đi mua người, thay vì lạnh lùng chỉ nói về tiền lương hay các khoản thưởng. Abramovich đã đỗ một chiếc xe tăng lên thảm cỏ Stamford Bridge rồi bắn ra những viên đạn bọc trong tờ 50 bảng, nhưng động lực để ông làm thế không phải là ham muốn thống trị bóng đá xứ sương mù, mà vì một sự yêu thương màu xanh London.
 
KẺ BẺ NGƯỢC QUY LUẬT BÓNG ĐÁ
 
Bóng đá Anh 10 năm trước không khác gì bóng đá Đức bây giờ: một đội bóng được vận hành bằng hơi thở của tình yêu đến từ cổ động viên. Nguồn lực fan đông đảo chính là thu nhập chính của một đội bóng.
 
Cách RB Leipzig làm bóng đá bây giờ bị ghét bao nhiêu thì Chelsea của Abramovich ngày trước bị “kỳ thị” bấy nhiêu. Nhất là khi tài phiệt người Nga chơi bài ngửa, không giấu diếm ý định dùng tiền cá nhân để tạo nên một thế lực mới.
Roman Abramovich Ke thay doi ca chau Au vi tinh yeu The Bridge hinh anh 3
Roman Abramovich và Mourinho
Tuy vậy, sự thành công của Abramovich đã chứng minh sự đúng đắn của triết lý “có tiền là có tất cả”, và những lời dè bỉu cũng đã trôi vào dĩ vãng từ lâu. Chính những đồng rúp đổ vào Stamford Bridge đã đóng vai trò như một chất xúc tác để các mạnh thường quân đến từ khắp nơi trên thế giới đổ bộ vào hậu thuẫn cho các CLB tại Premier League, biến giải đấu cao nhất nước Anh thành một nơi mà ở đó chất lượng chuyên môn có thể không cao nhất, nhưng lại là nơi có tính cạnh tranh khốc liệt và tính thay đổi khó lường nhất. Đó là lý do vì sao giải Ngoại hạng lại hấp dẫn như ngày hôm nay, dù họ không có những kẻ độc tôn hay một nhóm các đội mạnh tạo thế chân kiềng. Và cũng chính việc bóng đá ở Anh trở nên có tính toàn cầu hơn, kết hợp với sự xuất hiện của các đại gia mới nổi ở các quốc gia khác đã dẫn đến sự ra đời của luật Công bằng tài chính vào mùa 2014/15.
 
Nói là vậy, nhưng triết lý của Abramovich vẫn có một điểm đặc biệt khiến cho nó trở nên đáng nể phục hơn những gì mà Sheikh Mansour hay nhà Glazer thực hiện. Nếu như người hâm mộ Man Utd đã có lúc quay lưng với giới chủ vì chính sách thu lợi nhuận từ bóng đá, còn các CĐV Man City thì không mấy khi thấy ông chủ của họ trực tiếp ra sân cổ vũ binh tướng, thì hình ảnh đứng lên vỗ tay quen thuộc của Abramovich đã đi vào tâm trí CĐV Chelsea suốt 10 năm nay. Những gì mang tính lợi nhuận mà ông thu lại với Chelsea, như lời tỷ phú này đã chia sẻ, chỉ là “Bốn khán đài sôi sục những tiếng cổ vũ của khán giả và sự trân trọng của họ dành cho tôi”.
Roman Abramovich Ke thay doi ca chau Au vi tinh yeu The Bridge hinh anh 4
Roman Abramovich cùng các cầu thủ trong lễ ăn mừng chức vô địch
Thật vậy, tiền mà Chelsea thu về rồi chảy ngược vào túi Abramovich chỉ đủ cho ông duy trì hoạt động của đội bóng. Roman là người không thích thị phi, khá kín tiếng với giới truyền thông; nhưng luôn muốn có chỗ đứng trong lòng những CĐV ruột thịt, một chỗ đứng theo kiểu một người luôn lắng nghe họ, dẫn dắt họ chứ không phải theo kiểu một gã nhà giàu vung tiền mua lòng kính phục. Trong sâu thẳm, tỷ phú người Nga cũng là một CĐV của The Blues; nếu có khác chăng những người mặc áo xanh giăng cờ trên sân Stamford Bridge, thì ông chỉ ngồi ở một khu vực khác mà thôi.
 
CÁI KẾT MỞ CHO KẺ CẦU TOÀN
 
Năm 2004, Roman Abramovich kết giao với Jose Mourinho. Bên ly rượu vang, họ chẳng cần nói quá nhiều với nhau về chiến thuật, tầm nhìn hay cách lãnh đạo. Những bộ não vĩ đại luôn kết nối với nhau một cách tự động, và cả hai tính cách ngạo mạn cũng thế. 
 
Với Chelsea, có thể Abramovich luôn nâng niu, yêu thương và khiêm tốn khi nói về, nhưng trên thương trường, ông là một kẻ thực sự lạnh lùng và đầy tự tôn. Thực dụng mà nói, trong những năm đầu, để Chelsea lấy ngay một chỗ đứng ở xứ sương mù thì họ cần danh hiệu. Abramovich đã mang cái tự tôn và danh dự của mình ra để nói chuyện với Mourinho, một kẻ có DNA chiến thắng đã được thể hiện tại Porto và sẽ áp cá tính của mình lên một tập thể Chelsea mới mẻ. Họ đã thành công với những chức vô địch Premier League, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi Roman là một người cầu toàn. Ông muốn Chelsea phải thắng và thắng đẹp. Chu kỳ 3 năm cũng khép lại, lời chia tay là hợp lý cho cả hai.
Roman Abramovich Ke thay doi ca chau Au vi tinh yeu The Bridge hinh anh 5
Roman Abramovich nâng cao chiếc cup Champions League
Sau thời Mourinho, người ta nói rằng Chelsea chẳng khác gì một cái lò xay HLV với 11 thuyền trưởng chỉ sau 9 năm. Điều đó có phần đúng, nhưng 4 chiếc Cúp Premier League, 4 FA Cup, 1 Champions League và 1 Europa League cùng hàng loạt những danh hiệu lớn nhỏ khác là chưa đủ để nói về những phiên bản Chelsea hoàn thiện hơn sau mỗi năm. Họ có thể nhạt nhoà với Andre Villas-Boas, không có nhiều bản sắc chiến thuật dưới trướng Rafael Benitez, nhưng Chelsea của Ancelotti, của Di Matteo hay Conte bây giờ đều rất sắc sảo. Tài phiệt người Nga đã biến một đội bóng gần phá sản thành một tập thể cá tính, có bản sắc và tâm thế của một đại gia nhờ những bước đi đầy liều lĩnh trên con đường tìm người lĩnh xướng cho dàn nhạc màu xanh của mình.
 
Đoạn kết cho mối tình Abramovich - Chelsea chưa tới, và có thể còn lâu nữa mới tới. Nói ông thất bại ở giai đoạn này hay giai đoạn khác thì không có gì sai, nhưng nhìn chung, tỷ phú người Nga đã có một chặng đường đáng nhớ tại Stamford Bridge với cả thành công về danh hiệu và tình cảm. Trước mắt tài phiệt sinh ra ở Saratov vẫn là một cái kết mở bởi chẳng ai biết trước tương lai, nhưng chỉ hai từ “hạnh phúc” đã là đủ để miêu tả một chặng đường vẹn tròn mà ở trong đó, ông được sống với Chelsea thêm một ngày là có thêm một ngày bình yên.

TEDDY(TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

22h30 tối nay, U23 Việt Nam lần đầu tái ngộ U23 Uzbekistan ở một trận chính thức, sau cuộc đại chiến lịch sử năm 2018. Và nếu đội bóng đầy duyên nợ có biệt danh “Sói trắng”, thì lần này, chúng ta cũng sẵn sàng giáp mặt họ với một chiến binh mang nhiều phẩm chất của loài mãnh thú này.

X
top-arrow