Rodri: Ngôi sao không dùng mạng xã hội và thích nghe podcast

Tác giả CG - Thứ Hai 18/03/2024 16:55(GMT+7)

Rodri có những nguyên tắc của riêng mình. Anh không dùng mạng xã hội và coi đó như một cách thể hiện trách nhiệm của bản thân với công việc. Bài phỏng vấn của France Football với tiền vệ người Tây Ban Nha phần nào khắc họa nên con người của anh

 

Ngôi sao khác biệt

- Rodri này, anh không sử dụng bất cứ nền tảng mạng xã hội nào: Không Twitter (X), không Istangram. Điều này rất bất ngờ với một cầu thủ 27 tuổi ở năm 2024 và có vị thế như anh. Tại sao lại như vậy?

Vấn đề không phải tuổi tác bởi đó là quyết định tôi đã đưa ra từ khi còn nhỏ, ngay thời điểm mạng xã hội xuất hiện. Từ rất sớm, tôi đã quyết định sống một cuộc đời theo cách của mình, theo khát khao của bản thân mà không để người khác làm ảnh hưởng. Theo tôi, trên mạng xã hội thiên về làm những điều theo ý kiến của người khác, dựa trên hình tượng mà mọi người trông đợi ở bạn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bản thân cần phải như thế. Thậm chí tôi nghĩ đây là quyết định rất đúng đắn cho cuộc sống lẫn cả sự nghiệp.

- Anh định nghĩa “sống một cuộc đời theo cách của mình” là gì?

Tôi thấy cần phải biết về mọi người trong thế giới thực hơn là thế giới ảo, thế nên tôi ưu tiên cho gia đình, bạn bè, môi trường xung quanh mình. Tôi biết có nhiều điều thú vị trên mạng xã hội, nhưng kết nối với nhiều người mà thậm chí tôi còn không quen họ thì không phải cách tôi nhìn nhận các mối quan hệ. Tôi luôn thích một cuộc trò chuyện thú vị với một người nào đó hơn là cả nghìn tin nhắn trên mạng xã hội. Tôi nhận thức được đây là lối nghĩ khá khác thường khi làm công việc phải đối diện với công chúng như bóng đá. Nhưng tôi thấy thoải mái hơn khi sống như thế.

- Pep Guardiola từng nói về anh thế này: “Cậu ấy không xăm mình, không đeo trang sức. Cậu ấy là một tiền vệ phòng ngự thực thụ”. Những chi tiết đó có hé lộ về phong cách cầu thủ của anh?

Theo một cách nào đó thì có. Những gì bạn làm và cách thức bạn thực hiện điều đó, với phong cách cụ thể, sẽ định nghĩa một chút về bạn. Những người như tôi, không có gì hào nhoáng, không marketing, không sử dụng mạng xã hội, sẽ có cơ hội tập trung vào nhiệm vụ và công việc hơn. Tất nhiên, bạn có thể xăm mình, đeo trang sức và vẫn giữ tập trung được (cười). Tôi không có gì phản đối chuyện đó hết.

 

- Phải chăng cách anh sống cho thấy anh hoàn toàn tâm huyết với bóng đá?

Đúng vậy. Nhưng đồng thời, điều quan trọng với tôi là có tầm nhìn rộng hơn trong cuộc sống, không chỉ là về bóng đá, đó là sở thích, thú vui, những chủ đề tôi quan tâm. Tôi thấy như thế thật lành mạnh. Về phần mình, tôi thích học tập, tìm hiểu thông tin, tôi thích nghe những podcast dài về những chủ đề xã hội khác nhau. Chúng ta vừa nói về quan điểm của tôi với mạng xã hội phải không? Tôi thấy có sự kết nối giữa sự tò mò của tôi với các chủ đề xã hội hoặc thời sự khác nhau. Dù thế nào đi chăng nữa, điều đó cũng phù hợp với tôi nhất.

“Tôi nằm dài xuống sân và khóc khi vô địch Champions League”

- Mùa trước anh ghi bàn mang về chiến thắng trong trận chung kết Champions League trước Inter Milan. Bàn thắng đó đã thay đổi điều gì trong cuộc sống của anh, người dường như không tìm kiếm ánh sáng bằng mọi giá?

Bóng đá ở cấp độ này cho bạn thấy một trình độ phi thường, thậm chí còn hơn thế nữa ở những hoàn cảnh như vậy. Đó là danh hiệu Champions League đầu tiên của Manchester City, đồng thời góp phần làm nên cú ăn ba lịch sử. Đó là khoảnh khắc tự hào với tôi và gia đình. Tôi nghĩ về toàn bộ hành trình, những nỗ lực đã bỏ ra để có được khoảnh khắc đó. Trên hết, cảm xúc tuyệt vời khi tôi hiểu bản thân đã chạm được vào trái tim của người hâm mộ City trê toàn thế giới.

- Anh có nhớ cảm xúc sau khi ghi bàn thắng ấy?

Tôi nhớ đó là trận đấu khó khăn. Ở tình huống tôi nhận bóng có cảm giác như có cả rừng cầu thủ đứng trong không gian rất nhỏ. Cú dứt điểm đã được thực hiện hoàn hảo, sau đó màn ăn mừng đến cột cờ góc là tình huống chạy nhanh nhất cuộc đời tôi. Và câu mà tôi lập tức nói với các đồng đội đến ăn mừng cùng mình là: “Này anh em, còn hơn 20 phút nữa! 20 phút!”

Vì lúc đó chưa có gì là chắc chắn cả, và thực tế là chúng tôi đã phải chống đỡ đến những giây cuối cùng. Cảm xúc rất rất đặc biệt khi tiếng còi chung cuộc vang lên. Trên hết, tôi cảm thấy được giải phóng. Vì CLB đã chiến đấu cho khoảnh khắc này từ rất lâu và có những lúc đã ở rất gần. Bản thân tôi cũng đã chiến đấu cả sự nghiệp cho khoảnh khắc ấy. Tôi nằm dài xuống sân và khóc, bởi thời điểm đó, tôi bị cảm xúc chi phối và gần như mất kiểm soát. Chúng tôi hiểu khoảnh khắc đó không chỉ dành cho chúng tôi, đội bóng hay CLB mà dành cho hàng triệu cổ động viên trên khắp hành tinh. Đó là lý do vì sao tôi xúc động.

- Trong trận chung kết Champions League với Chelsea năm 2021, anh phải ngồi dự bị. Vậy chiến thắng trong trận chung kết mùa trước có phải một kiểu phục thù cá nhân không?

Từ lâu tôi đã học được một điều rằng với bóng đá, cũng như nhiều thứ trong đời, phải biết thất bại và đứng dậy từ đó để làm lại. Rõ ràng tôi muốn chơi trận chung kết trước Chelsea, nhưng tôi cũng ủng hộ hết mình các đồng đội và tôi đã khóc sau trận đấu, lần đó là vì nỗi buồn. Tôi rất muốn đội bóng của mình giành chiến thắng. Nhưng thành thực mà nói, ở trận chung kết mùa trước tôi không hề có ý nghĩ đó là dạng phục thù. Thay vào đó tôi tự nói với bản thân: “Cuộc đời đã cho mình cơ hội nữa để có mặt ở đây và hỗ trợ các đồng đội, mình phải sẵn sàng và không được để cơ hội trôi qua”.

- Hiện tại, anh nhận thức được tầm quan trọng của mình trong lối chơi của City như thế nào?

Quả thực tôi đã có sự phát triển kể từ khi gia nhập đội bóng tuyệt vời này vào năm 2019. Đội đã giành rất nhiều chiến thắng và đơn giản là tôi muốn thi đấu tốt để có một vị trí cũng như thể hiện được vai trò của bản thân. Song, đúng là tôi rất tự hào về sự phát triển của mình trong đội bóng này, không chỉ là trên sân cỏ. Tôi thích những gì tôi thể hiện trong mắt các đồng đội, những gì mình nói được lắng nghe cả trong phòng thay đồ lẫn trên sân. Tôi rất thích thú vì từ khi tôi gia nhập đến ngày hôm nay là một cuộc hành trình, mỗi năm tôi cần phải khẳng định bản thân nhiều hơn để chiếm nhiều lòng tin hơn từ tập thể. Tôi cảm nhận được sự tin tưởng và tôn trọng. Khi các đồng đội gặp tôi, họ nói với nhau: “OK, chúng ta sẽ làm theo cậu ấy”.

 

“Ở La Liga và Premier League cứ như 2 môn thể thao khác nhau vậy”

- Năm 12, 13 tuổi anh mơ ước trở thành cầu thủ như thế nào? Phải chăng là mẫu cầu thủ thiên về tấn công hơn?

Để tôi nói điều này: Tôi vẫn luôn mong muốn trở thành tiền vệ phòng ngự, và tôi đã trở thành cầu thủ mà tôi mong ước.

- Từ khi còn nhỏ sao?

Đúng vậy. Tôi biết nghe điều này có vẻ hơi khó tin nhưng đó là sự thật. Tất nhiên, năm 12 tuổi bạn sẽ không thể biết mình liệu có trở thành cầu thủ chuyên nghiệp hay không. Nhưng khi ấy tôi đã bị mê hoặc bởi những cầu thủ thi đấu ở vị trí đó. Đặc biệt tôi theo dõi Sergio Busquets và Xabi Alonso, 2 hình mẫu lớn. Tôi muốn được như họ. Tôi biết đó là vị trí tốt nhất cho mình. Vì vậy, khi lớn lên tôi đã đi theo con đường ấy. Tất cả HLV của tôi thời điểm ấy đều nghĩ rằng tôi trưởng thành so với tuổi vì tôi đã tập trung vào vai trò này khi còn rất trẻ, trong khi bình thường người khác sẽ muốn là các cầu thủ tấn công.

- Anh thường được so sánh với Busquets, người mà anh nói là tiền vệ phòng ngự xuất sắc nhất mọi thời đại. Vậy anh ấy hơn anh ở điểm gì? Và ngược lại, anh nghĩ bản thân có điều gì mà anh ấy không có?

Tập luyện, thi đấu cùng anh ấy ở đội tuyển Tây Ban Nha, tôi đã học hỏi từ anh ấy rất nhiều, qua đó có cơ hội để tiến bộ. Đôi khi anh ấy cho tôi lời khuyên, nhưng trên hết là tôi có thể quan sát anh ấy ở khoảng cách rất gần. Anh ấy thực sự là tiền vệ phòng ngự giỏi nhất lịch sử. Tất nhiên là nhờ lối chơi nhưng hơn cả là sự ổn định đáng kinh ngạc trong suốt nhiều năm. Với tôi, đây là thước đo của sự xuất sắc. Khi giải nghệ, tôi muốn mọi người nhớ tới mình là một cầu thủ duy trì được sự ổn định.

Trở lại với câu hỏi của anh, chúng tôi không phải những mẫu cầu thủ giống nhau. Sergio thật đáng kinh ngạc trong phạm vi hẹp, không ai có cú chạm bóng bước một chất lượng như anh ấy. Anh ấy có đôi chân khéo léo, ngôn ngữ cơ thể uyển chuyển nhưng hơn cả là tốc độ xử lý của bộ não để kiểm soát tốt dưới áp lực của 2-3 cầu thủ đối phương ở một khu vực mà bạn không được phép để mất bóng. Thật xuất sắc. Về phần mình, tôi nghĩ tôi giàu thể chất hơn và chơi tốt hơn trong khoảng 30m cuối sân.

- Anh từng thi đấu dưới sự dẫn dắt của Diego Simeone tại Atletico, một trường phái hoàn toàn khác với Manchester City hiện tại. Anh đã phát triển điều gì ở đó?

Tôi chỉ trải qua một mùa giải với Diego Simeone nhưng đã học được rất nhiều điều. Về cơ bản, tôi là cầu thủ thích cầm bóng. Chính Diego đã truyền đạt cho tôi tầm quan trọng của khía cạnh phòng thủ ở vị trí mà tôi chơi. Tinh thần phải luôn sẵn sàng cho những pha tranh chấp, thật mạnh mẽ khi đội trong tình thế khó khăn… Ở đó, tôi đã hiểu thêm một chiều hướng khác trong lối chơi. “Cholo” giúp tôi cứng cỏi hơn ở những khía cạnh vốn không phải là sở trường. Và khi có bóng, chúng tôi chơi 4-4-2 giăng ngang cổ điển với 2 tiền vệ trung tâm. Chúng tôi phải giao tiếp khi một người dâng lên và người kia sẽ bọc lót. Khi có bóng, Simeone yêu cầu chơi dựa vào chiều sâu, tránh quá nhiều đường chuyền ngang có thể tìm được ở bất cứ đâu tại La Liga. Tôi muốn nhắc lại rằng ở Atletico, tôi đã tiến bộ ở khả năng chơi bóng tịnh tiến một cách nhanh chóng.

 

- Và khi rời La Liga đến Premier League, điều gì làm thay đổi anh ở vị trí tiền vệ phòng ngự?

Đó cứ như là 2 môn thể thao khác nhau vậy (cười), mấu chốt là phải nắm được nhịp độ. Ở La Liga, bạn không thể chơi bóng với tốc độ như ở Premier League vì đồng đội sẽ không thể nào theo kịp bạn và bạn sẽ tự cô lập với trái bóng. Ở Tây Ban Nha thì kiên nhẫn và nặng tính chiến thuật, các đội biết họ muốn làm gì với trái bóng hơn. Ở Anh, bóng đá thiên về cường độ. Tôi nhớ trận ra mắt gặp West Ham, tôi không kịp có nửa giây để nghĩ thì đã thấy đối phương đến áp sát rồi. Tại đây tôi cũng phải học cách mất bóng ít nhất có thể vì tốc độ của đối thủ, mối nguy hiểm trong khả năng tấn công của các đội, những tài năng cá nhân sẽ trừng phạt bạn nhiều hơn ở Tây Ban Nha.

“Suốt một thời gian, tôi không cố gắng dứt điểm vì nghĩ chuyện tấn công đã có người khác lo”

- Tại sao phải mất thời gian để thích nghi với lối chơi của Pep Guardiola?

Ở City thì là phương trình kép vì bạn vừa phải thích nghi với những nguyên tắc của Pep vừa phải thích nghi với lối chơi của Premier League. Với tôi, có lẽ vì đã được đào tạo bóng đá ở Tây Ban Nha nên để hiểu lối chơi của Pep không mất nhiều thời gian như thích nghi với Premier League. Có lẽ với một số người, khó khăn chính ở thời điểm đầu làm việc cùng Pep là ông ấy liên tục thay đổi, điều chỉnh theo thời gian. Và vì các đồng đội không phải lúc nào cũng giữ nguyên như cũ nên bạn phải rất tập trung vào những thay đổi này vì ông ấy chú trọng việc tạo ra cùng kết quả với những cầu thủ khác nhau.

- Đôi khi tôi có cảm giác lối chơi của The Citizens được điều chỉnh giống kim đồng hồ. Vậy phần ngẫu hứng, tự do trong bản hòa tấu này là gì?

Tôi hiểu ý anh. Và tôi đồng ý rằng bóng đá không phải lúc nào cũng là tấm bảng đen thuần túy. Đó là thứ khiến bóng đá trở nên rất đẹp, một nguồn cảm hứng cá nhân cũng có thể thay đổi trận đấu. Chiến thuật mang đến một cái khung và những điểm chuẩn. Nhưng sự sáng tạo là yếu tố quan trọng vượt ngoài khuôn khổ. Tuy vậy cũng phải nói rằng bóng đá đã thay đổi trong những năm qua. Trước đây, bóng đá thiên về các tài năng cá nhân. Ngày nay nó thiên về tập thể hơn, bóng đá đã trở nên giàu tính chiến thuật hơn và các nguyên tắc của đội càng được tôn trọng và thực hiện chỉn chu thì bạn càng nhiều khả năng thi đấu tốt. Dù vậy, sẽ luôn cần có những nguồn cảm hứng của một Foden hay một De Bruyne để thay đổi trận đấu.

- Mùa trước, Pep đẩy một trung vệ là John Stones, lên đá cạnh anh trong giai đoạn kiểm soát bóng để tạo thành một tứ giác ở giữa sân với 2 cầu thủ tiếp sức còn lại là De Bruyne và Gundogan. Điều này mang tới điều gì cho anh?

Như tôi đã nói, bạn phải sẵn sàng cho mọi thay đổi và cần hết sức chú ý. Thật tốt vì tôi có thêm một phương án chuyền bóng, nhất là khi John chơi rất hay ở vai trò này. Chúng tôi có thêm một cầu thủ ở trung tâm lối chơi, từ đó tạo ra tình thế dư thừa và có thể giải phóng một tiền vệ để gây bất ngờ trong khu vực phòng ngự của đối thủ, điều mà Gundogan đã làm rất tốt. Tất nhiên, điều này đòi hỏi năng lực và sự điềm tĩnh để kiểm soát bóng mà không làm mất bởi trong tình huống đó bạn đã mất một hậu vệ rồi.

- Anh đã ghi một vài bàn thắng quan trọng trong những năm gần đây. Anh luôn có phẩm chất này hay nó đến cùng với sự tự tin?

Tôi nghĩ là mình có sự phát triển về tư duy. Suốt một thời gian, tôi chỉ tập trung vào vai trò của bản thân với suy nghĩ rằng khía cạnh tấn công sẽ có những cầu thủ khác lo. Vì thế, tôi không cố gắng dứt điểm, ghi bàn bởi khi không có thứ gì đó trong đầu thì bạn không thể đặt bản thân vào vị trí để làm được điều ấy. Bởi vậy, trước kia dù có những vị trí thuận lợi nhưng tôi vẫn thích đưa ra một đường chuyền hơn.

Sau đó, tôi tự nhủ rằng tôi cũng có thể hỗ trợ đội bóng bằng việc cố gắng đưa ra những tình huống mang tính quyết định. Kết quả, tư duy của tôi thay đổi, tôi thực hiện những hành động và pha di chuyển khác một chút trong khi vẫn tôn trọng cấu trúc của đội bởi vẫn có khả năng sẽ có sai sót. Để trở thành cầu thủ có tầm quan trọng, bạn cũng cần biết chịu trách nhiệm. OK, tôi biết phải phòng ngự và kiểm soát như thế nào, nhưng tôi cảm thấy mình cũng có thể hỗ trợ đội bóng bằng việc ghi bàn, thế nên tôi phải làm hoặc ít nhất là thử xem thế nào. Nhất là khi chúng tôi thường xuyên đối đầu với những khối chặt chẽ tầm thấp nên sẽ có rất ít không gian cho các cầu thủ tấn công. Thế nên, một phương án dứt điểm xuất hiện từ xa sẽ ít bị để ý hơn.

- Đối với một tiền vệ phòng ngự như anh, sự trở lại của Kevin De Bruyne hồi tháng 1 mang tới sự thay đổi gì?

Anh ấy là một cầu thủ xuất sắc. Anh ấy mang đến cho tôi sự thoải mái bởi anh ấy luôn biết phải làm gì khi có bóng. Từ anh ấy tỏa ra sự điềm tĩnh vô giá với một đội bóng luôn tìm kiếm sự kiểm soát tối đa. Về mặt chiến thuật, anh ấy thi đấu dựa theo cảm hứng và không làm những thứ được ghi lên giấy. Vì thế, tôi có thể nói rằng khi có Kevin, tính tổ chức của chúng tôi bớt đi một chút, nhưng bù lại anh ấy mang tới rất nhiều giá trị khác, đặc biệt ở những tình huống quyết định. Điều đó thực sự đặc biệt.

- Pep Guardiola từng chơi ở vị trí của anh nhiều năm trước…

(Ngắt lời) Tôi chưa từng xem ông ấy thi đấu, nếu nó liên quan đến câu hỏi của anh (cười).

 

- Không, tôi muốn hỏi là ông ấy có cho anh lời khuyên cá nhân nào không?

Chắc chắn giữa ông ấy và tôi có những cuộc trao đổi rất chất lượng bởi ông ấy biết mọi thứ về vai trò này. Bóng đá đã thay đổi nhưng nó vẫn mang tới rất nhiều khái niệm chiến thuật hay tinh thần tùy thuộc những khoảnh khắc trên sân, các giai đoạn của lối chơi. Ở vị trí của tôi, đồng đội sẽ kỳ vọng tôi là cầu thủ “an toàn” cả khi có bóng lẫn không bóng. Nhất là khi trận đấu căng thẳng, đồng đội phải thấy ở tôi suy nghĩ: “Đừng hoảng sợ, chúng ta sẽ giành lại quyền kiểm soát”. Đó là trách nhiệm mà tôi phải nhận thức được ở vai trò này.

- Anh có cảm thấy mình là một thủ lĩnh thông qua sự kết nối với HLV hay những gì anh nói trong phòng thay đồ không?

Nó có thể diễn ra theo nhiều cách. Nhưng tôi cảm thấy khả năng lãnh đạo của mình lần đầu được thể hiện là ở trên sân. Sau đó mọi thứ diễn ra dần dần với niềm tin của HLV và toàn đội. Đó cũng là thành quả của những gì tôi nói về sự tập trung và tận hiến cho công việc, những người khác chắc chắn cũng cảm nhận được điều đó và sự tự tin cũng đến từ đó.

- Pep Guardiola nói anh là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới ở vị trí của mình. Anh có nghĩ như thế?

Phải thành thực thế này: Bạn phải nghĩ mình là người giỏi nhất, hoặc ít nhất là có suy nghĩ muốn trở thành số một. Vấn đề nằm ở niềm tin. Khi tâm lý này đã ăn sâu vào suy nghĩ, bạn sẽ có cơ hội trở thành người giỏi nhất hoặc phiên bản tốt nhất của chính mình.

Theo Dave Appadoo | France Football

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.