Robin van Persie: Bụi mờ trên ngực áo

Tác giả Teddy - Thứ Bảy 21/01/2017 17:59(GMT+7)

Zalo
Ngày 21/1/2007, cách đây đúng 10 năm, van Persie ghi bàn vào lưới Man Utd. Bóng được chuyền vào vòng cấm địa từ phía cánh phải, Henry khôn khéo thoát khỏi vòng kiềm toả của Ferdinand bằng một cú nhảy tránh bóng.
Robin van Persie : Bui mo tren nguc ao4
Robin van Persie : Bụi mờ trên ngực áo4
Bóng lăn về phía góc xa, nơi mà RVP đã bỏ lại Gary Neville ở đằng sau. Một cú ra chân gọn ở góc gần, nóc lưới van der Sar trấn giữ rung lên, Emirates bùng nổ. Phút 83, Arsenal đang cầm chân Man Utd 1-1. 
 
10 phút sau, 90 phút kịch tính giữa hai đội bóng áo đỏ khép lại với tỉ số 2-1 nghiêng về phía Pháo thủ. Thật kỳ lạ, các họng pháo đã phải chịu đựng 30 phút bị dẫn bàn, và lợi thế tỉ số của họ không kéo dài nổi đến 60 giây, nhưng 3 điểm vẫn là của họ. Một Arsenal thời xưa đầy cảm xúc để người ta nhớ là như thế, khi Henry và van Persie vẫn ở đó là như thế. Ở bên kia chiến tuyến, Ronaldo vẫn còn chạy cánh phải, Rooney vẫn đang mặc áo số 8, bộ tứ vệ của Quỷ Đỏ vẫn là Neville – Ferdinand – Vidic – Evra. Nhưng Arsenal vẫn thắng. Thắng với thời lượng kiểm soát bóng nhiều hơn, số cú sút và sút trúng khung thành gần gấp đôi. Lội ngược dòng thuyết phục.
 
Đừng hỏi tại sao người ta yêu Arsenal thời đó. Tình yêu ấy có thể manh nha xuất hiện song song với chiếc cúp Vàng mùa 2004, nhưng nó đạt đến đỉnh cao chính nhờ sự quyến rũ, rực lửa và đẳng cấp đó. Cái mà Pháo thủ thời nay, dù sở hữu Sanchez, Ozil hay Cech vẫn mải miết kiếm tìm. Tìm đâu được đẳng cấp trong một dòng máu quá trẻ, hoặc đã già nhưng chưa lớn? 
Robin van Persie Bui mo tren nguc ao hinh anh 2
Robin van Persie và bàn thắng cách đây 10 năm
Xem lại màn ăn mừng của chàng tiền đạo trẻ van Persie lúc ấy, chiếc áo số 11 màu đỏ chìm trong vòng tay của những cái tên quen thuộc ngày nào, đó là Henry, là Kolo Toure, là Rosicky. Persie đặt hai tay lên ngực, gương mặt lộ rõ vẻ rạng rỡ, bản thân anh bùng cháy trong niềm hân hoan phấn khích đến nỗi anh chẳng thể cảm nhận được cơn đau từ chiếc chân của mình, để rồi ngay sau trận đấu đó, anh phải ngồi ngoài vì chấn thương. Khoảnh khắc bùng cháy ấy như tình yêu của anh dành cho Arsene Wenger và Arsenal của một ngày đã rất xa. Và cũng bùng cháy như cái thời anh mặc áo Quỷ Đỏ thành Manchester ghi bàn vào lưới đội bóng đã từng nuôi lớn mình. 
 
Xét trên khía cạnh tình cảm, có lẽ van Persie là một trong những kẻ đáng thương hơn là đáng trách nhất thế giới bóng đá. 8 năm cho Arsenal, với 132 bàn trong 227 trận để rồi chỉ nhận về được cái áo đấu bị đốt rụi, mà nguyên nhân sâu xa chẳng phải gì khác ngoài sự khát khao nâng cúp đầy chính đáng. Thời gian ở Man Utd của chàng trai người Hà Lan lại chẳng đủ để khắc vào sâu trong tâm trí của những người hâm mộ Quỷ Đỏ một hình bóng huyền thoại. Những gì mà Persie có được trước khi sang Fenerbahce và có một cuộc sống an nhàn hơn, tiếc thay, chỉ là một sự nghiệp vươn đến đỉnh cao ở phía bên kia sườn dốc, mà đỉnh cao ấy lại chẳng phải là tột cùng.
Robin van Persie Bui mo tren nguc ao hinh anh 3
Robin van Persie cùng các đồng đội ở Arsenal
Người ta đã nói quá nhiều về “Judas” van Persie với những lời mỉa mai, nhưng hôm nay, chỉ hôm nay thôi, hãy để sự phản bội sang một bên và cùng nói về những ngày đã qua của tiền đạo quê Rotterdam ở Emirates. Cùng nói về những ngày mà van Persie còn chẳng thấy đẹp nữa là chúng ta.
 
Van Persie đã từng nói “Tôi không tiếc vì đã rời Arsenal, tôi chỉ tiếc vì đã đến Man Utd quá muộn”. Thế nhưng, ở Emirates, anh đâu có thiếu những kỷ niệm đẹp: pha bẻ bóng rồi cứa lòng vào góc xa khung thành Southampton, cú cứa lòng chân trái khiến cả 11 người của Wigan chết lặng, tung người lên không rồi nửa volley vào góc bánh chưng cầu môn Charlton Athletic hay tình huống solo giữa biển người Inter Milan. Với bản thân chân sút sinh năm 1983, Man Utd là nơi mang về cho anh những danh hiệu, nhưng Arsenal mới là nơi chứng kiến một chàng trai chỉ ghi 15 bàn trong 61 trận cho Feyenoord từng bước vươn mình.
 
Có lẽ lý do mà van Persie không coi Arsenal là nhà là bởi những thứ khác mà anh phải gánh chịu. Hội chứng Missing Tile, hội chứng mà trong đó người ta chỉ nhìn chăm chăm vào những khoảng đen của cuộc đời, buồn về và mải miết tô trắng chúng rồi quên luôn những khoảng vốn đã trắng không tì vết, đã lái suy nghĩ của Van Persie về những ngày anh bị hành hạ bởi chấn thương, những ngày anh được điều trị bởi một đội ngũ y bác sĩ nổi tiếng vì khả năng làm tái phát vết đau của các cầu thủ tại Emirates. Bên cạnh những danh hiệu, có thể nói van Persie đã đánh rơi đâu đó những ngày tháng đẹp nhất sự nghiệp của mình, khi vừa đá vừa phải chịu đau đớn bởi vết thương dai dẳng ở háng. Nếu biết trước tương lai, có lẽ Persie đã không bao giờ chọn Arsenal. Rất đau đớn cho những ai còn yêu mến anh (số lượng này có lẽ là không nhiều), nhưng đó là sự thật.
 
Nhiều người bảo van Persie phủi đi gần thập kỷ ở Arsenal chỉ như phủi bụi mờ trên ngực áo Man Utd. Điều đó không đúng. Ghi bàn đầu tiên vào lưới Arsenal trong màu áo Quỷ Đỏ, Van Persie đã không ăn mừng. Anh chỉ giơ hai tay lên, gương mặt không biểu cảm chút niềm vui. Và cũng là hội chứng Missing Tile đã khiến cho các CĐV của Arsenal về sau này chỉ nhớ đến lần ăn mừng đầy cay nghiệt của RVP, còn lần chơi đẹp của anh thì rơi tõm vào hư vô như hòn sỏi nhỏ xíu chìm xuống mặt hồ rộng lớn. 
Robin van Persie Bui mo tren nguc ao hinh anh 4
Robin van Persie đã không ăn mừng trong bàn thắng đầu tiên vào lưới Arsenal
Thực ra mà nói, van Persie là người biết trên biết dưới. Chính anh chứ không ai khác đã nói rằng người đồng đội cũ Adebayor không trọng tình, vô cảm hay thậm chí dã tâm khi sút vào mặt anh, gây ra một vết rách ngay khoé mắt. Nếu ai đó cho rằng van Persie chẳng nhớ gì về Arsenal, bởi về sau này anh chỉ nói về Sir Alex mà lại chẳng thấy nhắc một lời đến Pháo thủ, thì cũng sẽ có người trả lời rằng: bây giờ, còn ai mở rộng cánh cửa để chào đón những lời bất kể xấu đẹp của van Persie về Emirates nữa? Nơi mà cánh cửa trở lại im ỉm đóng như một cánh cổng thành tối tăm lạnh lùng không có chút bao dung, thì đâu thể gọi là nhà để mà thân thương ngoái lại rưng rưng ánh nhìn?
 
Hãy cứ bỏ qua đi, màn giơ rộng đôi tay và đôi môi hét to một tiếng phấn khích đã diễn ra từ lâu lắm rồi. Henry cũng đã phải sang Barcelona để tìm kiếm danh hiệu đấy thôi. Henry không ăn mừng như điên dại, nhưng Persie, ngược lại, cũng có quyền thưởng cho mình 10 giây mất kiểm soát, vì 8 năm với chỉ một chiếc cúp FA, vì anh là người duy nhất trong số 22 cầu thủ trên sân có chìa khoá mở toang thế bế tắc của trận đấu đó, vì khi đó tỉ số đang là 0-0.
 
Hãy cứ nhớ về khoảnh khắc van Persie huỷ diệt Man Utd 6 năm trước đó và thừa nhận anh như một Pháo thủ. Có thể không phải một Pháo thủ trung thành thực thụ, nhưng đã từng là một Pháo thủ 8 năm ròng chỉ bắn và bắn liên tục. Dù sao, ôm cái hận trong mình, dù có là hận ai, hận cái gì đi nữa, thì sau cùng, người ôm mối hận mới là người bất hạnh nhất, chứ không phải kẻ bị thù hằn. Gunners cứ hận RVP như thế, nhưng cho tới nay đã có tiền đạo nào xuất hiện thêm để thay thế anh một cách xứng đáng hay chưa?
Robin van Persie Bui mo tren nguc ao hinh anh 5
Robin van Persie và Walcott
Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Không rõ van Persie có một ngày nào đó chạy lại để hoài niệm về những ngày có xấu, có đẹp cùng Arsenal hay không, nhưng nếu anh có làm thế, thì cả một tuổi trẻ của anh không phải là thứ để anh coi là bụi mờ trên ngực áo. Có chăng, thứ bụi đó chính là những hận thù của những người vì 10 giây mất kiểm soát ấy mà bỏ qua 8 năm gắn bó.
 
Van Persie có thể phủi nó đi một cách hoàn toàn thoải mái, vì suy cho cùng, những người không trân trọng ta, ta cũng chẳng cần phải trân trọng họ theo chiều ngược lại.

TEDDY (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

X
top-arrow