Robin Gosens không còn phải xấu hổ nữa

Tác giả CG - Chủ Nhật 20/06/2021 12:09(GMT+7)

Robin Gosens chưa một lần thi đấu ở Bundesliga. Trước thềm Euro 2020 anh có thể không phải một gương mặt quá đại chúng với đa số khán giả. Nhưng sau cuộc chạm trán giữa Bồ Đào Nha và Đức vừa qua, chắc chắn đã có thêm nhiều người ghi nhớ tên anh.

Ảnh: Getty Images

2 kiến tạo, 1 bàn thắng (ngoài ra còn 1 bàn nữa bị từ chối) và thường trực là mối đe dọa ở hành lang trái của Đức (hành lang phải theo hướng tấn công của Bồ Đào Nha), Robin Gosens đã có một trận đấu tuyệt vời. Tuyển thủ 26 tuổi chính thức bước ra ánh sáng dù trước đó anh đã có những mùa giải rất thăng hoa tại Atalanta. 
 
Câu chuyện của Gosens có lẽ cũng giống như nhiều trường hợp khác: một cầu thủ không sở hữu tài năng thiên bẩm, không được chú ý từ sớm. Nhưng một lần nữa, điều mà chúng ta có thể rút ra được từ những trường hợp như vậy chính là sự bền gan, vững chí có thể giúp ta lên một tầm cao mới.
 

CẦN CÙ BÙ NĂNG KHIẾU

 
Gosens sinh ra ở thị trấn Emmerich am Rhein, một nơi cách biên giới Hà Lan 500m, trong gia đình có bố là người Hà Lan và mẹ là người Đức. Khi còn nhỏ, anh mong muốn trở thành một cảnh sát giống ông nội mình. Song đến khi đủ tuổi ứng tuyển, sở cảnh sát khu vực thông báo ngoại hình của Gosens không đủ tiêu chuẩn. Lúc đó, anh mới chỉ chơi cho các đội bóng nghiệp dư Fortuna Elten, Bocholt, VfL Rhede ở Đức. Sau đó, anh tiếp tục thất bại trong cuộc thử việc ở Dortmund. Nhưng khi ước mơ này khép lại lại thì một cơ hội mới hiện ra.
 
Trong một trận đấu của Rhede, một tuyển trạch viên của Vitesse Arnhem từ Hà Lan đã đã có mặt. Vị tuyển trạch viên này đưa ra lời đề nghị Gosens tới thử việc ở CLB. Thế giới của anh đã thay đổi từ ngày hôm đó. Cậu bé ngày nào từng ước mơ làm cảnh sát nay đã có cư hội trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Sau đó, Gosens thể hiện tốt trong buổi thử việc và được HLV đội trẻ đề nghị ký hợp đồng để thi đấu ở mùa giải tiếp theo. Tất nhiên, Gosens không chối từ.
 
Song, lúc ấy anh đã phải đưa ra một cam kết với mẹ của mình. “Khi đó, tôi đang ở năm cuối cấp trung học và việc đi tập đồng nghĩa tôi phải nghỉ học một số buổi. Nhưng tôi rất quyết tâm, không gì ngăn được tôi hiện thực hóa ước mơ, chính vì thế tôi đưa ra thỏa thuận với mẹ: nếu thành tích học tập sa sút, tôi sẽ phải nghỉ đá bóng để tập trung vào việc học”, cầu thủ người Đức chia sẻ trong cuốn tự truyện của mình. Cuối cùng, anh đã làm được cả hai thứ: vượt qua bài thi ở trường và được ký hợp đồng với đội U23.

Robin Gosens khi còn chơi bóng ở Hà Lan. Ảnh: Getty Images
 
Song lúc này cảm giác tự ti xuất hiện. Trong cuốn tự truyện “Traumen Lohnt Sich” (Giấc mơ đáng giá), Gosens kể dù bên ngoài cuộc sống anh hòa nhập tốt với các đồng đội, nhưng ở trên sân cỏ anh luôn có cảm giác bị các đồng đội chế nhạo vì kỹ thuật yếu kém. Anh nói rằng khi bản thân cố gắng lừa bóng thì bóng “văng xa tận 5m” và thường xuyên lo lắng trước các bài tập phối hợp vì không thể kiểm soát đôi chân. 

Năng lực duy nhất anh được ca ngợi lúc đó là việc chạy không biết mệt mỏi, bù lấp khoảng trống khi các đồng đội để mất bóng. Sự tự ti ấy xuất phát một phần từ việc Gosens không ở trong hệ thống học viện của Vitesse từ nhỏ cũng như thiếu những nền tảng chơi bóng cơ bản. Tuy nhiên cũng chính vì hiểu được xuất phát điểm kém hơn các đồng đội mà anh cố gắng gấp hai, gấp ba. Nỗ lực được đền đáp bằng việc HLV Peter Bosz đã gọi anh lên đợt tập huấn mùa đông của đội một ngay trong mùa giải đầu tiên anh chơi cho đội U23.

Gosens kể lại điều đó khiến anh phải nhận những ánh nhìn hiềm khích trong phòng thay đồ: “Tôi sẽ không bao giờ quên ánh mắt của những ánh mắt của các đồng đội dành cho mình dù cho họ muốn che giấu đi sự đố kỵ. Nhưng điều đó cũng cho thấy sự chăm chỉ luôn được đền đáp xứng đáng”.
 
Đợt tập huấn này đã mở ra cơ hội để Gosens tới FC Dordrecht theo dạng cho mượn và sau đó chuyển sang Heracles Almelo. Năm 2017, Atalanta mua Robin Gosens với giá 900.000 euro. Đến rạng sáng nay anh đã tỏa sáng trước Bồ Đào Nha để giúp đội tuyển Đức giành 3 điểm quý giá. Đó là hành trình đáng nhớ với một người từng bị sở cảnh sát lẫn Borussia Dortmund từ chối.
 

CHIẾN THẮNG NỖI XẤU HỔ

 
Robin Gosens đã từng bị Ronaldo từ chối thẳng thừng đề nghị đổi áo. Ảnh: Getty Images

Trong cuốn tự truyện của mình, Robin Gosens kể lại câu chuyện ở Coppa Italia 2019 khi anh đề nghị đổi áo với Cristiano Ronaldo sau trận. Siêu sao người Bồ Đào Nha chẳng thèm liếc nhìn đồng nghiệp lấy một giây và đáp lại cụt lủn: “Không”.
 
“Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ. Bạn hiểu khoảnh khắc khi có điều gì đó đáng xấu hổ xảy ra và bạn phải nhìn quanh xem có ai chú ý hay không chứ? Tôi đã rất cố gắng để che giấu nó đi”, cầu thủ người Đức viết. Thậm chí sau đó các đồng đội ở Atalanta còn trêu trọc Gosens bằng cách mua tặng anh một chiếc áo thi đấu của CR7.
 
Nhưng ít nhất là sau trận đấu vừa qua, anh sẽ không còn phải cảm thấy xấu hổ nữa. Không nên nhìn nhận chiến thắng của Đức và màn trình diễn tuyệt vời của Gosens là một sự “trả thù” với Ronaldo, song nó như một lời khẳng định về giá trị của cầu thủ chạy cánh 26 tuổi. “Tôi không đề nghị anh ấy đổi áo nữa vì tối nay tôi muốn tận hưởng niềm vui chiến thắng”, anh chia sẻ trên truyền thông sau khi trận đấu khép lại.
 
Vị trí hành lang trái từ lâu đã luôn là một khoảng trống ở đội tuyển Đức khi họ không thể tìm ra một cái tên ổn định. Song, sự nổi lên của Gosens cùng Atalanta đã khiến HLV Joachim Loew phải chú ý và rất có thể sẽ đóng đinh nó cho anh. Năm ngoái, chiến lược gia người Đức đã rất nhiều lần tới Bergamo để “xem giò” của Gosens. Loew đã dự định gọi cầu thủ của Atalanta, một người có cả hai quốc tịch Đức và Hà Lan, lên đội tuyển từ đầu năm 2020, tuy nhiên đại dịch y tế đã khiến mọi hoạt động trên toàn cầu gần như đóng băng.

Robin Gosens có một trận đấu ấn tượng trước Bồ Đào Nha. Ảnh: Getty Images
 
Khi bóng đá trở lại, Loew không quên Gosens và cho anh trận đấu ra mắt đội tuyển quốc gia vào tháng 9 năm ngoái. Điều đáng nói là đội tuyển Đức thi đấu với sơ đồ 3-4-3 và đó cũng là hệ thống mà Atalanta áp dụng, chính vì vậy không quá khó để Gosens hòa nhập. Anh đã phải dành rất nhiều thời gian tập luyện, phân tích, xem lại băng hình để có thể thi đấu trong hệ thống mà Gian Piero Gasperini đặt ra, làm sao để xâm nhập 1/3 sân cuối cùng đúng thời điểm để có bóng,… Điều đó giúp Robin Gosens có thể tự tin hơn khi chơi ở đội tuyển quốc gia.
 
Xuất phát điểm thấp nhưng không hề bị lép vế, Gosens đã chứng minh giá trị của bản thân. Mats Hummels nói cầu thủ chạy cánh của Atalanta là một người “luôn tích cực” và là người nói nhiều thứ ba của tuyển Đức ở trên sân, sau Thomas Muller và Joshua Kimmich. Lúc này, Gosens không cần phải nói gì về màn trình diễn của mình trước Bồ Đào Nha để người ta biết nó tuyệt vời ra sao.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.