Roberto Mancini sẽ không bao giờ trở thành cái tên được lựa chọn vì thành tích chưa bao giờ vượt qua vòng tứ kết Champions League. Thế nhưng, chúng ta vẫn cần phải công nhận rằng Mancini chưa bao giờ được coi trọng ở Premier League, một điều thực sự đáng tiếc khi xét đến việc ông từng đưa một Man City đầy cá tính lên ngôi ở mùa giải 2011-2012.
Có lẽ NHM Việt Nam sẽ không bao giờ có thể quên được mùa giải 2011-2012, mùa giải mà Manchester City đã soán ngôi vương của Manchester United. Từ trận thua lịch sử 6-1 của Manchester United trên chính sân Old Trafford trước Man City đến cú ra chân quyết định của Aguero trong trận gặp Queens Park Rangers. Tất cả những điều trên chắc chắn khó thể được thực hiện nếu không có bàn tay của Roberto Mancini, HLV trưởng của ĐT Italia thời điểm hiện tại.
Có một câu chuyện về Roberto Mancini chưa từng được công bố, một câu chuyện cho thấy vì sao Mancio rất tệ trong việc đảm nhiệm "vai chính" (Prima donna-ND).
Mọi chuyện bắt đầu từ trận Chung kết FA Cup hồi năm 2011 khi Manchester City giành được danh hiệu đầu tiên dưới trướng hoàng gia Ả Rập. Mancini, một người rất mê tín, khi đó quyết định rằng các cầu thủ phải chuẩn bị đúng như cách họ đã chuẩn bị trong trận bán kết gặp Manchester United.
Rắc rối bắt đầu xuất hiện khi xe buýt của đội bóng đi nhầm hướng từ khách sạn của họ ở Hertfortshire trong ngày đối đầu Man United. Mancini sau đó muốn xe buýt đi theo đúng lộ trình đó, dù nó có thể khiến quãng đường dài hơn, thậm chí từ chối đi đúng hướng kể cả khi có cảnh sát dẫn đường.
Mancini, một người cứng rắn, rốt cuộc cũng được toại nguyện. Cảnh sát đi một đằng, xe đi một nẻo. Một tiếng trước khi bóng lăn, xe buýt của đội bóng bị kẹt cứng giữa làn giao thông đông đúc bên ngoài sân Wembley. Câu chuyện hài hước trên đây chính là ví dụ sinh động của một Man City đầy cá tính nhưng cũng "ngổ ngáo" dưới thời Mancini.
Nó cũng cho thấy phần nào cá tính của Mancini, một HLV tài năng và đầy nhiệt huyết. Một người được tôn sùng bởi NHM nửa Xanh thành Manchester tới mức đội chủ sân Etihad viết hẳn một quyển sách dành cho ông với cái tựa: "Người tái xây dựng niềm tự hào" (The Man Who Restored Pride-ND)
Ông cũng là HLV đầu tiên trong lịch sử 20 năm của hai đội bóng thành Manchester, khiến Sir Alex Ferguson phải "muối mặt".
Mancini từng không thèm nhìn mặt Sir Alex Ferguson trong một năm. Ông còn thể hiện cử chỉ như nói rằng người đồng nghiệp lớn tuổi hơn nói quá nhiều. Nhưng điều khiến Mancini được nhớ đến nhất chính là trận thắng 6-1 lịch sử trước Manchester United trên sân Old Trafford, một trận thắng mà đến tận bây giờ, NHM Man City vẫn không thể nào quên.
Mancini khi đó đã hứa rằng sẽ gỡ bỏ tấm banner gây khó chịu ở Old Trafford, một tấm biển thể hiện số năm kể từ lần cuối cùng Man City vô địch. Kể cả những cầu thủ hay nhân viên từng ghét ông phải công nhận rằng ông đã giữ đúng lời hứa.
Điều đó cũng khiến việc bóng đá Anh quay lưng lại với ông trở nên khó hiểu. Mancini có lẽ đã nhiều lần muốn trở lại Premier League, thể hiện qua việc ông từng liên hệ với Tottenham một năm trước, nhưng chuyện này chưa bao giờ thành. Tên ông không còn được liên hệ với các đội bóng Premier League trong vài năm rồi. Thậm chí, tên ông còn không xuất hiện trong làng bóng đá Châu Âu. Một điều khá thiếu công bằng khi xét đến thành tích của ông ở Serie A cũng như Premier League: 3 Scudetti cùng Internazionale, đội bóng chưa từng vô địch trong 17 năm trước đó.
Mancini hiện tại đang là HLV của ĐT Italia, đội bóng sẽ đối đầu ĐT Anh vào cuối tháng này nếu Covid-19 được khống chế sớm. Công việc này có vẻ phù hợp với ông, thể hiện qua việc Italia đã vào đến VCK Euro 2020 với một thành tích đáng nể ở bảng của mình. Một lần nữa, Mancini đã khôi phục lại niềm tự hào. Italia không đến được vòng chung kết World Cup diễn ra 2 năm trước trên đất Nga, tụt xuống đến vị trí 21 trên BXH FIFA, một thảm họa thật sự cho Azzurri. Kể từ khi Mancini dẫn dắt đội bóng Thiên Thanh, mọi thứ đã dần khởi sắc hơn cho họ.
Kể cả khi không nhắc đến điều đấy, vẫn có thể thấy rằng các đội bóng ở Anh đã bỏ lỡ mất tài năng của Mancini khi không nhìn kỹ vào những gì ông đã đạt được cũng như cách ông xây dựng tâm lý chiến thắng ở các đội bóng vốn chỉ được xem là tiềm năng. Tuy vậy, cũng không thể hoàn toàn trách các CLB Anh khi Mancini vốn được xem là một kẻ "khó ưa" thời còn ở Anh.
Một đồng nghiệp từng làm việc cùng ông từng mô tả ông là "tay cứng rắn nhất bạn từng gặp." Một lời nhận xét có phần thù địch nhưng vẫn tỏ rõ sự tôn trọng vì trong giới HLV bóng đá, những cá tính như thế không phải là quá xấu. Ferguson, một người còn cứng rắn hơn Mancini, từng được chính HLV trẻ hơn 23 tuổi này nhận xét là một "người đầy quyền lực."
Không nghi ngờ gì khi nói rằng Mancini đẩy mọi thứ đi quá xa, đến mức khiến cầu thủ chống lại ông, thậm chí khiến các đồng nghiệp cũng tỏ rõ sự thù địch, khiến ông mãi mãi không thể trở lại Premier League, giải đấu ông thích nhất. Một phần vì các ông chủ không muốn gặp phải rắc rối với một người luôn đem lại rắc rối.
Mancini, người có được vốn tiếng Anh khá tốt, tỏ rõ sự khó chịu ở mùa cuối cùng của mình ở Man City, đến mức ông cho rằng những người ở thượng tầng CLB thường nói rất nhanh để khiến ông không thể hiểu hết những gì họ nói.
Ông cũng không hề giấu diếm gì việc mình khao khát thứ quyền lực mà Ferguson có ở Old Trafford. Ông cũng cảm thấy buồn khi BLĐ Man City không có cùng tầm nhìn với ông. Những cảm xúc đó khiến ông trở nên xa cách đến mức khó ưa với những ai không thân cận. Trong một khoảng thời gian dài, Mancini thường đem những cảm xúc tiêu cực của mình dành cho BLĐ Man City, nhất là Garry Cook, tổng giám đốc, hay Brian Marwood, GĐ bóng đá.
Cánh nhà báo thường rất thích Mancini vì ông rất hay có những câu hay (Mancini không đọc báo Anh, vì vậy ông ấy chẳng quan tâm lắm những dòng tít sẽ viết gì ngày hôm sau). Trong một vài dịp, Mancini thường gặp cánh nhà báo Anh Quốc ở nhà hàng ưa thích của ông, San Carlo Cicchetti, để dạy họ về món gnocchi hay chia sẻ cảm nghĩ của ông về Balotelli, người ông rất quý dù không ít lần khiến ông đau đầu.
Những điều trên chỉ cho thấy một phần của Mancini, phần đáng yêu và dễ mến của ông. Tuy vậy, nếu làm việc với ông lâu, ta sẽ dần nhận ra trong một số hoàn cảnh, ông có thể trở nên vị kỷ, độc đoán và tàn nhẫn, những tính cách mà các cầu thủ Man City hóa ra lại rất thích. Không hề lạ lùng gì khi đến tận bây giờ, chúng ta vẫn không hề nghe thấy việc các đồng đội của Carlos Tevez đứng về phía anh khi tiền đạo người Argentina vùng vằng bỏ về quê.
Ở Man City, họ vẫn nhớ Mancini đã bực thế nào khi đội bóng của ông phải mặc áo tập màu tím trước một trận đấu Champions League (một trong những điều Mancini cho rằng sẽ đem đến vẫn rủi cho đội bóng của mình), thêm vào đó là việc ông biết được các cầu thủ không được ăn thịt viên trên chuyến bay trở về từ trận đấu. Mancini muốn bay cùng một chuyến, cùng giờ bay và cùng một món ăn với chuyến bay ở trận đấu họ giành chiến thắng. Tuy vậy, trên chuyến bay đó không có món thịt viên, một thảm họa thực sự với HLV của Man City.
Mancini còn một tính xấu nữa, đó là...tiết kiệm tới mức quá đáng. Một ví dụ đó là việc ông yêu cầu biến một bồn rửa mặt bị hỏng của CLB thành...vòi xịt cá nhân cho mình.
Mancini thậm chí có hẳn một trợ lý riêng, một người rất trung thành với ông tên Jose, một người có thể được coi như quản gia (maggiordomo-ND) của ông. Nếu Ferguson "sấy tóc" cầu thủ bằng những trận mắng xối xả, thì Mancini lại...sấy tóc theo đúng nghĩa đen. Vào những ngày trời trở lạnh, HLV người Italia sẽ ra hiệu cho Jose rằng buổi tập đã kết thúc, người trợ lý sẽ ngay lập tức quay trở lại phòng thay đồ, đem một chiếc máy sấy để làm ấm chiếc áo dạ của ông trước khi HLV người Italia trở lại phòng.
Ở đây, chúng ta có thể nhận ra một điều: Mancini muốn mọi thứ đi theo ý của ông. Có lần, một nhóm cầu thủ Man City đến thăm Trung Tâm Xe Đạp Quốc Gia (National Cycling Centre-ND) theo lời mời của Team Sky, để được tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất xe đạp hàng đầu cho Bradley Wiggins. Jose khi đó đã hỏi vài lần rằng Mancini có muốn lấy một chiếc không ? Một câu hỏi có phần xuất phát từ thói quen đạp xe đạp tới chỗ làm của HLV người Italia. Khi đó, Jose sẽ đi phía sau lưng ông trên con đường làng từ Alderley Edge với tốc độ 16km/h để khi HLV người Italia mệt, ông có thể để xe lên phía sau xe hơi rồi di chuyển bằng xe hơi trên quãng đường còn lại.
Mancini: ‘Có nhiều điều quan trọng hơn Euro 2020’Roberto Mancini nói rằng ĐT Ý có thể giành chức vô địch Euro ngay cả khi VCK được dời lại vào năm 2021 vì đại dịch virus corona.
Ở Italia, không có gì bất ngờ khi Mancini luôn được đối xử như một "cậu ấm". Ông vốn là "con cưng" của chủ tịch Paolo Mantovani. Thậm chí ông còn được ngồi bên cạnh vị chủ tịch khi phỏng vấn HLV Sven-Goran Eriksson.
Mancini dù mới 27 tuổi nhưng đã có rất nhiều tiếng nói trong đội. Khi CLB muốn lựa một bộ quần áo mới, ông là người đưa ra quyết định. Mancini cũng là người thực hiện bài nói trước mỗi trận đấu. Ông thậm chí còn được mời dự các buổi họp hội đồng, được nêu ra ý kiến chuyển nhượng, dàn xếp cho thương vụ David Platt chuyển đến Sampdoria từ Bari.
Trong cuốn tự truyện của Platt, ông nhớ lại rằng Mancini "gần như là con" của Mantovani, có lẽ điều đó đã tạo nên tích cách ông. Có lẽ vì những sự cưng chiều này của vị cựu chủ tịch Sampdoria mà Mancini luôn muốn người ta rải hoa hồng trước lối đi của mình. Ở trận đấu đầu tiên của Mancini dưới cương vị HLV Fiorentina, HLV của Perugia, Serse Cosmi, đã cho rằng cuộc đấu này là cuộc đấu giữa "tôi, con một ông hàng thịt, với một cậu nhóc mới lớn tới từ điện Buckhingham."
Tuy vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng Mancini cần được tôn trọng và được coi là một HLV hàng đầu, là một biểu tượng của Man City. Thật lạ khi ông không được Premier League để mắt tới dù đó là khát khao cháy bỏng trong ông.
Ông sẽ không bao giờ trở thành cái tên được lựa chọn vì thành tích chưa bao giờ vượt qua vòng tứ kết Champions League. Thế nhưng, chúng ta vẫn cần phải công nhận rằng Mancini chưa bao giờ được coi trọng ở Premier League, một điều thực sự đáng tiếc khi xét đến việc ông từng đưa một Man City đầy cá tính lên ngôi ở mùa giải 2011-2012.
Không thể phủ nhận rằng Mancini đôi lúc cũng khá "điên". Thế nhưng, ông vẫn khiến NHM Man City phải bực dọc với CLB khi quyết định sa thải ông. Và, theo cuối tiểu sử về ông của Luca Caioli, chúng ta cũng không nên quên rằng chính Mancini là người đã hoàn toàn thay đổi bộ mặt bóng đá thành Manchester, nhất là ở những trận derby, một di sản thực sự mà Mancio đã để lại cho nửa xanh thành Manchester.
Dịch từ bài viết: "Daniel Taylor: Why did English football turn its back on Roberto Mancini ?" của tác giả Daniel Taylor đăng trên The Athletic.