Roberto Donadoni: Ngôi sao ẩn mình (P2)

Tác giả CG - Thứ Hai 09/04/2018 16:00(GMT+7)

Zalo
Donadoni cũng có trong mình sự cuồng nhiệt như bất cứ người Italia nào khác. Khi còn là cầu thủ, ông đã từng ăn mừng bàn thắng một cách điên cuồng, ôm lấy các đồng đội và thể hiện cảm xúc của mình bằng một nụ cười cùng với nắm tay đấm lên không trung. Ông cũng thể hiện sự không hài lòng - chủ yếu là với bản thân mình - bất cứ khi nào có một đường chuyền đi chệch hướng ở 1/3 sân đối phương hay mỗi khi đội bóng của ông phải nhận bàn thua. Là huấn luyện viên, ông thường gọi to các cầu thủ từ khu kỹ thuật để đảm bảo họ tuân thủ theo các yêu cầu chiến thuật.
 
Cựu tiền vệ này cũng luôn sẵn sàng chấp nhận những rủi ro trong suốt sự nghiệp của mình, cả trên cương vị cầu thủ lẫn huấn luyện viên. Năm 1996, sau 10 năm khoác áo Milan, Donadoni gia nhập NY/NJ MetroStars của giải đấu sau này có tên là Major League Soccer (MLS). Tài năng của ông giúp đội bóng mạnh hơn tuy nhiên một cầu thủ không quá “đại chúng” như ông không phải là người mà một giải đấu mới cần. Donadoni không phải Pelé, người đưa New York Cosmos đến với chức vô địch năm 1977 và là một đại sứ tuyệt vời cho một quốc gia không quá tôn sùng bóng đá cho đến khi ông xuất hiện. MLS khi đó cần sự hào nhoáng chứ không phải chỉ đơn thuần là đẳng cấp và sự tinh tuý.
 
Viết trên tờ The New York Times ngay sau khi Donadoni đến vào năm 1996, cây bút thể thao George Vescey nhận định: “Những tiền vệ như Roberto Donadoni không thường xuyên ghi bàn. Vậy làm sao anh có thể thu hút sự chú ý của khán giả Mỹ? Chỉ một bộ phận nhỏ người hâm mộ và các cổ động viên dưới 30 tuổi có lẽ thích hai ‘quả tên lửa’ nằm dưới bàn chân và những cú đá phạt trực tiếp như nã đại bác sát sạt khung thành của anh ấy.”
 
Thật vậy, Donadoni trở thành một cầu thủ rất được người hâm mộ yêu mến nhưng không bao giờ là một ngôi sao nổi tiếng tại Hoa Kỳ. Những người am hiểu về bóng đá ở đất nước này sẽ nhận ra tiền vệ người Italia, tuy nhiên ở đó bóng chày vẫn là một môn thể thao phổ biến hơn và cổ động viên bóng chày thì chắc chắn là không biết đến ông.
Roberto Donadoni: Ngoi sao an minh4
Donadoni trở thành một cầu thủ rất được người hâm mộ yêu mến
Nhưng Donadoni đã toả sáng đến nỗi ông được gọi trở lại đội tuyển Italia trước thềm Euro 1996. Sau 2 mùa giải ở New York, ông quay về khoác áo AC Milan cho đến tận năm 1999. Ông kết thúc sự nghiệp như nhiều cầu thủ có tuổi khác bằng việc chuyển tới Trung Đông thi đấu cho Al-Ittihad của Saudi Arabia và giúp đội bóng này vô địch quốc gia ở mùa giải 1999/2000.
 
Tuy nhiên, sự nghiệp huấn luyện của Donadoni sau khi chia tay đời cầu thủ lại khá lận đận. Ông đã dẫn dắt tổng cộng 9 đội bóng kể từ năm 2001 sau khoảng thời gian ở Lecco - một đội bóng nghiệp dư. Sau đó, ông lần lượt trở thành huấn luyện viên của Livorno (2002-2003), Genoa (2003), Livorno (2004-06), đội tuyển Italia (2006-2008), Napoli (2009), Cagliari (2010-2011) và Parma (2012-2015). Quãng thời gian dẫn dắt Parma khép lại khi câu lạc bộ tuyên bố phá sản sau mùa giải 2014/2015.
 
Ở đội tuyển Italia, Donadoni bị sa thải sau thất bại ở vòng tứ kết Euro 2008 của Azzurri sau loạt sút luân lưu trước các nhà vô địch năm đó - đội tuyển Tây Ban Nha. Ông đã từ chối ra đi sau khi đội tuyển phải xách vali về nước vì đã ký vào bản hợp đồng gia hạn ngay trước thềm giải đấu. “Tôi đã làm những gì mà một huấn luyện viên phải làm… Thành thực mà nói, tôi thực sự không biết việc ra đi là như thế nào”, Donadoni trả lời phóng viên trong cuộc họp báo sau trận đấu ở Vienna.
Roberto Donadoni: Ngoi sao an minh9
Donadoni bị sa thải sau thất bại ở vòng tứ kết Euro 2008 của Azzurri
Tuy nhiên, Liên đoàn bóng đá Italia đã đưa ra quyết định bằng việc sử dụng một điều khoản trong hợp đồng của Donadoni, theo đó, huấn luyện viên sẽ bị sa thải nếu đội tuyển không lọt vào ít nhất là vòng bán kết. Nhà cầm quân này kết thúc quãng thời gian dẫn dắt Azzurri với thành tích 13 chiến thắng, 5 hoà và 5 thua. Tuy nhiên, việc ông bị sa thải không phải điều quá bất ngờ. Chiến thuật mà ông sử dụng mà đặc biệt là sơ đồ 4-3-3 đã bị các chuyên gia và người hâm mộ thời điểm đó “soi” rất kỹ. Thất bại 0-3 trước Hà Lan trong trận mở màn Euro 2008 gần như là kết quả tệ nhất mà đội bóng phải nhận trong gần 3 thập kỷ. 
 
Thời điểm hiện tại, Donadoni đã làm việc ở Bologna đến mùa giải thứ ba. Trước đó ông đưa đội bóng cán đích ở vị trí 14 mùa 2015/2016 (sau khi họ thăng hạng từ Serie B năm 2015 và sa thải huấn luyện viên Delio Rossi cuối tháng 10/2015) và vị trí 15 sau khi mùa 2016/2017 kết thúc. Mùa giải trước, Bologna đã kết thúc với vị trí gần khu vực cầm đèn đỏ dù đội bóng này dường như chưa bao giờ thực sự có nguy cơ xuống hạng. 
 
Mặc dù đã đạt được một vài thành tựu, tuy nhiên giới mộ điệu cho rằng đây có thể sẽ là mùa giải cuối cùng Donadoni dẫn dắt Bologna. Những ông chủ của đội bóng mà trong đó nổi bật là doanh nhân người Canada Joey Saputo có thể sẽ quyết định đưa câu lạc bộ vùng Emilia-Romagna đi theo một hướng khác trong mùa hè tới. Nếu điều đó xảy ra, Roberto Donadoni sẽ lại tiếp tục ra đi và tới những đội bóng khác một cách không kèn không trống giống như suốt sự nghiệp cầu thủ của mình. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, cựu tiền vệ tài hoa ấy chắc chắn đã khẳng định được bản thân mình bởi sự dễ mến, kiến thức bóng đá uyên thâm và niềm đam mê bất tận dành cho calcio.
 
Lược dịch từ bài viết “The understated finesse of Roberto Donadoni” của tác giả Clemente Lisi trên These Football Times.

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow