Trở về Trang chủ

Roberto Baggio: Thiên tài và những niềm đau

Thứ Sáu 18/02/2022 18:00
Aa

Có một sự thật là Roberto Baggio chưa từng đá một kỳ Euro nào, không giành được danh hiệu nào cùng Azzurri cũng như chưa từng vô địch UEFA Champions League. Nhưng sự vĩ đại của anh không thể chỉ đong đếm đến từ những danh hiệu mà còn xuất phát cách chơi, từ chính con người và cả những nỗi buồn của anh.

Roberto Baggio
 
Roberto Baggio
 
Có những khoảnh khắc sẽ luôn được nhớ mãi, dù nó cay đắng đến mức nào. Có những sai lầm chỉ một con người được nhớ tới, dù họ không phải người duy nhất phạm sai lầm như thế. Trận chung kết Champions League 2008, người ta vẫn thường nhắc nhiều đến cú trượt chân của John Terry trong loạt luân lưu hơn là tình huống hỏng ăn quyết định của Nicolas Anelka. Đôi khi một hình ảnh mang tính biểu tượng, hay việc cầu thủ đó có tầm ảnh hưởng to lớn càng khiến sai lầm của anh được nhớ và nhắc đến nhiều hơn.
 
World Cup 1994, Roberto Baggio là ngôi sao số một của đội tuyển Italy. Thời điểm đó, anh đang là đương kim Quả bóng vàng. Phong độ ấn tượng của ngôi sao tới từ Caldogno trong vòng đấu loại trực tiếp đã kéo Azzurri vào chung kết. Nhưng hình ảnh của Roby sau cú đá vọt xà ngang đã mãi trở thành một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất lịch sử các vòng chung kết World Cup, dù Franco Baresi đã sút hỏng ngay lượt đầu tiên của Italy và Daniele Massaro cũng không thực hiện thành công. Nhưng người ta vẫn nói đến hình ảnh cúi đầu, chống nạnh của Baggio mỗi khi ký ức về giải đấu năm ấy ùa về. Có thể vì nó nó toát lên một nỗi buồn vô tận, hoặc có lẽ vì nỗi buồn ấy cũng đẹp như một bức tranh. 
 
“Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong sự nghiệp của tôi. Nếu có thể xoá một khoảnh khắc nào đó trong sự nghiệp của mình thì chắc chắn tôi muốn xoá nó”, Baggio chia sẻ. Đến tận ngày hôm nay, anh vẫn không tha thứ cho mình vì sai lầm đó. Anh chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái rằng: “Tôi vẫn không thể tha thứ cho mình vì quả luân lưu ấy. Ngày hôm đó, tôi đã có thể tự vẫn mà chẳng để lại điều gì cả”.
 
Bây giờ, đó vẫn là một hình ảnh biểu tượng của Baggio. Niềm vui và nỗi buồn luôn song hành với nhau, đó chính là thứ diễn ra xuyên suốt sự nghiệp của anh. Đã có lúc anh ở đỉnh vinh quang, có những khi anh ở dưới đáy của nỗi cô đơn. Baggio như một chàng thi sĩ của calcio những năm tháng cũ, nhưng đôi khi chàng thi sĩ ấy lại thật cô độc.

Roberto Baggio
 
Trong bộ phim “Baggio: The Divine Ponytail” được phát trên Netflix vào năm ngoái, một trong những phân cảnh mở đầu là khi Roberto Baggio đợi bố ra ăn cơm với cả nhà để khoe việc mình được Fiorentina chiêu mộ với giá 2 tỷ 700 triệu lira. Nhưng những gì anh nhận lại được từ người bố của mình chỉ là sự dửng dưng. Thời điểm đó Baggio 18 tuổi.
 
Nhưng không lâu trước khi chính thức chuyển tới Fiorentina, Baggio không may bị đứt dây chằng chéo trước trong trận đấu cuối cùng cho Vicenza. Ở tuổi 18, tương lai của anh tưởng như sụp đổ trước mắt. Đó là một chấn thương khủng khiếp với bất cứ cầu thủ nào chứ chưa nói đến một chàng trai 18 tuổi khi sự nghiệp vừa mới chớm nở. Trên giường bệnh, anh nói với người mẹ của mình: “Nếu mẹ yêu con thì hãy giết con đi”. Nỗi buồn, sự chán chường và thất vọng bao trùm lấy tâm trí của Roby. Fiorentina khi đó vẫn đồng ý chiêu mộ Baggio, nhưng trong hai mùa giải đầu tiên anh chỉ có 5 lần ra sân cho La Viola ở Serie A và có nguy cơ bị đem cho mượn ở một đội bóng tại Serie B. Dù quyết tâm trở lại sân cỏ sớm hơn so với dự kiến của bác sĩ, nhưng mọi thứ ban đầu không hề dễ dàng.
 
Bộ phim về Baggio trên Netflix miêu tả rằng thời điểm đó, anh tới một cửa hàng băng đĩa ở Florence để tìm đĩa mới nhất của ban nhạc Eagles nhưng không có. Nhân viên cửa hàng nhận ra Baggio và động viên anh là cầu thủ triển vọng nhất. Thấy rõ sự chán nản của Baggio, nhân viên tiệm băng đĩa đã đưa cho Baggio một cuốn sách về đạo Phật có tên “Cuộc cách mạng của loài người” của cư sĩ Ikeda Daisaku. 
 
Baggio đã tới với Phật giáo từ đó. Đức tin cùng những giá trị mà Phật pháp mang lại giúp anh vượt qua nỗi buồn chấn thương đầu tiên ấy, và đi theo anh suốt cả phần còn lại của sự nghiệp. Cái đích luôn là điều mà chúng ta hướng tới, nhưng đôi khi đã đi hết một cuộc hành trình nào đó, chúng ta mới nhận ra cuộc hành trình cũng quan trọng không kém, rằng cách mà chúng ta nỗ lực để vượt qua những khó khăn và đạt được mục tiêu nào đó, dù cho có đạt được kết quả như mong muốn hay không, chính là một thước đo cho ý chí.
 
 
Roberto Baggio
 
Vượt qua những khó khăn ban đầu ở Fiorentina, trải qua thêm một ca mổ đầu gối nữa, Baggio trở thành một cầu thủ được yêu quý và hay nhất đội bóng. Sau 2 mùa giải đầu tiên dành phần lớn thời gian ngồi ngoài vì chấn thương, Baggio bắt đầu bùng nổ từ mùa giải thứ ba. Mùa bóng 1988/1989, anh về thứ ba trong cuộc đua vua phá lưới Serie A. Mùa giải 1989/1990, anh giúp Fiorentina lọt vào chung kết UEFA Cup đồng thời ghi được 17 bàn thắng ở Serie A – xếp sau Marco van Basten trong danh sách ghi bàn.
 
Nhưng rồi Roby lại là tâm điểm của một trong những cuộc chuyển nhượng gây tranh cãi nhất khi rời Fiorentina để tới Juventus. Sự thù địch của cổ động viên Fiorentina với Juventus đã có từ lâu, bắt nguồn từ văn hoá, lòng tự hào địa phương cho tới những cuộc đối đầu trên sân cỏ. Và thương vụ Roberto Baggio đẩy sự thù hận lên cao hơn nữa. Khi đó, Baggio đang là báu vật của Fiorentina. Nhưng những khó khăn tài chính buộc chủ tịch Pontello phải bán đi những ngôi sao, trong đó có Baggio. Roby đến Juventus với mức phí chuyển nhượng kỷ lục thời bấy giờ là 8 triệu euro.

Roberto Baggio
 
Trong thâm tâm, Baggio không hề muốn rời đi. Tờ Gazzetta dello Sport khi đó có một bài viết với nhan đề “Đến Juve không phải vì tình yêu”, một dòng tiêu đề như tóm gọn bản chất thương vụ này. Song, thương vụ chuyển nhượng đã gây nên làn sóng phản đối trên đường phố Florence. Chủ tịch Flavio Pontello phải trốn trong sân Artemio Franchi trước sự phẫn nộ của các cổ động viên viên. Hơn 30 năm sau, Baggio vẫn nói: “Tôi biết ơn Florence vì họ đã đợi tôi trong suốt 2 hay 3 năm khi tôi bị chấn thương. Tôi không hề muốn rời Fiorentina, nhưng Pontello đã bán tôi cho Agnelli và nếu tôi không rời Fiorentina thì Cecchi sẽ không thể mua CLB”.
 
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thương vụ đó vẫn thực sự gây chấn động thời điểm ấy. Ngày 6/4/1991, bầu không khí ở Florence lại hừng hực cháy khi Juventus có chuyến làm khách đến Artemio Franchi. Gần như mọi sự chú ý của khán giả đến các phóng viên đều dồn vào Roberto Baggio. Anh vẫn nói chuyện với các đồng đội cũ, nhưng vì màu áo của anh bây giờ là đen trắng, nên mỗi khi có bóng, các cổ động viên vẫn chào anh bằng những màn huýt sáo nhiệt liệt, đặc biệt từ khu khán đài Curva Fiesole.
 
Phút 51, Baggio mang về quả phạt đền cho Juventus sau khi vượt qua 2 cầu thủ Fiorentina trước khi bị Stefano Salvatori phạm lỗi. Dù luôn là người thực hiện 11m cho Juve mùa đó, nhưng Baggio trong lần trở lại Artemio Franchi hôm ấy đã từ chối để rồi Luigi De Agostini đã thực hiện không thành công pha phạt đền. Đến phút 64, “Tóc đuôi ngựa thần thánh” được rút ra nghỉ, trên đường tiến vào đường hầm anh đã nhặt một chiếc khăn quàng được cổ động viên Fiorentina ném xuống và quàng nó lên cổ. Những tràng pháo tay đã vang lên trên khán đài, Baggio vẫy tay chào người hâm mộ đội bóng cũ trong sự nóng mắt của người hâm mộ Juventus.
 
Sự nghiệp của Baggio như một câu chuyện thần thoại với đầy những hình ảnh mang tính biểu tượng như thế. Có người đã từng nói dù khoác áo 7 CLB trong sự nghiệp, có cả những thành công và thất bại, thế nhưng Baggio lại chẳng thuộc về riêng một CLB nào. Đơn giả vì anh thuộc về cả đất nước Italy. 
 
Baggio không hẳn là một “số 9” hay “số 10”, nói cách khác anh là một “số 9 rưỡi” – một người vừa có thể ghi bàn lẫn có nhãn quan của một tiền vệ kiến thiết. Anh sống trong một giai đoạn mà bóng đá Italy bắt đầu có những chuyển biến về tư duy chơi bóng. Trước kia, những mẫu cầu thủ như anh luôn được gọi là các “Fantasista”, tức là một cầu thủ tấn công có nhãn quan, kỹ thuật xuất sắc và cách chơi của cả đội sẽ được vận hành xoay quanh cầu thủ đó. 

Roberto Baggio
 
Nhưng cuộc cách mạng chiến thuật mà Arrigo Sacchi tạo ra đã dần đặt đặt nhiều tính tập thể vào lối chơi của đội bóng hơn. Tại World Cup 1994, với tư cách HLV trưởng ĐT Italy, Sacchi không thể phớt lờ đương kim chủ nhân Quả bóng vàng thời điểm ấy, nhưng ông lại đặt Baggio vào vị trí tiền đạo trong hệ thống 4-4-2 thay vì vị trí đá phía sau lưng hai tiền đạo mà anh thích. Bản thân Baggio cũng không tỏ ra quá thoải mái với chiến thuật của Sacchi khi ấy. Đỉnh điểm của những tranh cãi là khi thủ môn Gianluca Pagliuca nhận thẻ đỏ trong trận đấu với Na Uy ở vòng bảng, Sacchi quyết định rút Baggio rời khỏi sân. 
 
Vài năm sau, khi Carlo Ancelotti – một môn đệ của Sacchi – dẫn dắt Parma, ông tuyên bố không cần một tiền vệ kiến thiết chơi phía sau tiền đạo, thậm chí Gianfranco Zola còn phải đá cánh trái trong sơ đồ 4-4-2. Ancelotti đã tin đó là một hệ thống lý tưởng, đến nỗi khi chủ tịch Calisto Tanzi của Parma rất muốn đưa Baggio về đội bóng, Ancelotti cũng thẳng thừng rằng chủ nhân Quả bóng vàng 1993 sẽ không thể có vị trí đá chính trong đội vì không phù hợp với hệ thống. Ancelotti khăng khăng rằng không có ý định thay đổi chiến thuật để phù hợp với một ngôi sao để rồi sau này, ông đã phải thừa nhận đã sai lầm khi nghĩ 4-4-2 là sơ đồ lý tưởng trong mọi trường hợp và nói rằng “nếu có cỗ máy thời gian, tôi muốn trở lại và đưa Baggio về đội”.
 
Roberto Baggio
 
Có một sự thật là Roberto Baggio chưa từng đá một kỳ Euro nào, không giành được danh hiệu nào cùng Azzurri cũng như chưa từng vô địch UEFA Champions League. Nhưng sự vĩ đại của anh không thể chỉ đong đếm đến từ những danh hiệu mà còn xuất phát cách chơi, từ chính con người và cả những nỗi buồn của anh.

Roberto Baggio
 
Dù khoác áo 7 CLB trong sự nghiệp, có cả những thành công và thất bại, thế nhưng Baggio lại chẳng thuộc về riêng một CLB nào. Đơn giả vì anh thuộc về cả đất nước Italy.
 
World Cup 1990, anh sẵn sàng nhường Salvatore Schillaci quyền đá 11m trong trận tranh vị trí ba-tư gặp đội tuyển Anh để Toto (biệt danh của Schillaci) đoạt danh hiệu vua phá lưới. Baggio đã vượt qua những chấn thương khắc nghiệt nhất, sau này anh thừa nhận nếu thi đấu một cách hoàn toàn sung sức mà không đau đớn gì, anh sẽ chỉ chơi bóng 2-3 lần mỗi năm. Nhưng những sự kỳ diệu mà Baggio tạo ra vẫn lôi cuốn tất cả: như bàn thắng vào lưới Tiệp Khắc tại Italia 90, pha lập công vào lưới Juventus trong màu áo Brescia,… 
 
Trong bộ phim “Baggio: The Divine Ponytail”, cảnh cuối cùng là khi Baggio vào đổ xăng và được những người xung quanh đó nhận ra. Họ thể hiện tình cảm với anh, bày tỏ sự tiếc nuối khi Giovanni Trapattoni lại loại Baggio khỏi danh sách tham dự World Cup 2002 vì không tin anh đã hoàn toàn bình phục từ chấn thương rất nặng trong mùa giải ấy. Nỗi buồn và sự dở dang có thể sẽ là thứ bạn nhớ và nghĩ đầu tiên khi nhắc đến Baggio. 
 
Sau này khi đã giải nghệ, Baggio trở thành Giám đốc Kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Italy để rồi không được quá lâu, anh từ chức khi cảm thấy những hoài bão đóng góp cho sự phát triển bóng đá Italy của mình không được coi trọng. Baggio trở lại với cuộc sống ẩn dật, trở về với núi rừng từ đó đến nay, nơi mà anh khẳng định: “Tôi hạnh phúc khi cuộc sống không có bóng đá. Trước hết, được hòa mình với thiên nhiên là điều tuyệt vời nhất. Tôi đang tận hưởng những điều nhỏ bé nhưng lại là những điều đẹp đẽ nhất và khiến tôi cảm thấy đủ đầy”.
 
Nhưng sau tất cả, anh đã trải qua một cuộc đời cầu thủ đầy màu sắc, dù có những khoảnh khắc mà cả thế giới như sụp đổ, nhưng vì những khoảnh khắc bi hùng ấy mà người ta yêu Roby hơn. Hạnh phúc là cuộc hành trình, và chính hành trình mà Roberto Baggio đã trải qua cũng như tạo nên đã khiến anh trở nên vĩ đại.

Roberto Baggio
 
Thực hiện
  • Nội dung: CG 
  • Thiết kế: Sen Art 

Có thể bạn quan tâm

Mới nhất

Hạ gục HAGL, Hà Tĩnh giữ vững thành tích bất bại ở LPBank V.League 1-2024/25

Hạ gục HAGL, Hà Tĩnh giữ vững thành tích bất bại ở LPBank V.League 1-2024/25

Hạ gục HAGL, Hà Tĩnh giữ vững thành tích bất bại ở LPBank V.League 1-2024/25

Cuộc chạm trán giữa hai hiện tượng đầu mùa giải chắc chắn vô cùng thú vị, nhất là khi cả hai đội đều theo đuổi lối chơi thực dụng. Tuy nhiên nếu phải chọn ra một đội chiến thắng, nhiều khả năng sẽ là Hà Tĩnh với lợi thế sân nhà.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

top-arrow
X