Roberto Ayala: Hậu vệ bước ra từ quá khứ

Tác giả Ole - Thứ Sáu 15/04/2022 17:11(GMT+7)

Không ai có thể phủ nhận Roberto Ayala chính là một trong những trung vệ vĩ đại nhất thế giới ở thời đại của mình, nhưng số phận nghiệt ngã cũng nhiều lần khiến cho cựu danh thủ người Argentina phải nếm trải vô vàn cảm giác cay đắng trong sự nghiệp.

 
Bản lĩnh, cứng rắn, quyết đoán, cương nghị… sở hữu tố chất của một nhà lãnh đạo, một thủ lĩnh thực thụ, Ayala giống như một kiểu mẫu hậu vệ cổ điển, một hình ảnh bước ra từ quá khứ. Chẳng có gì phải bàn cãi về một cầu thủ từng khoác áo ĐT Argentina 115 lần với kỷ lục 63 lần đeo băng đội trưởng, một người từng nhận danh hiệu Hậu vệ xuất sắc nhất của UEFA vào năm 2001, lọt vào đội hình tiêu biểu năm 2004, đội hình xuất sắc nhất World Cup 2006…

Sẽ là thiếu công bằng nếu như người ta chỉ nhìn vào Ayala qua những danh hiệu nhưng kỳ thực,  ngay cả khi bóng đá thế giới hiện đại bị đánh giá là thiếu đi các trung vệ đẳng cấp thì cựu ngôi sao Valencia vẫn xứng đáng nằm trong số những người xuất sắc nhất, cho dù anh giống như một sản phẩm phòng ngự của thời đại cũ, một giống loài có thể xem như đã bị tuyệt chủng và biến mất hoàn toàn. 
 
Thời điểm hiện tại, bóng đá thường yêu cầu nhiều hơn ở khả năng tấn công, luân chuyển trái bóng đối với các hậu vệ. Đôi lúc, điều này khiến cho người ta quên mất rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của một cầu thủ phòng ngự, đó chính là cản phá đối phương. Bản thân Ayala cũng đưa ra quan điểm cho rằng tình trạng các hậu vệ thích “xử lý bóng” như bây giờ chính là kết quả một thời kỳ… hậu Pep Guardiola, “Theo một cách nào đó, thứ tư tưởng này đã làm hỏng bóng đá. Giờ đây nhiều hậu vệ muốn chơi bóng như thể họ đang khoác áo Barca vậy nhưng họ không thể làm vậy. Trung vệ không phải tiền vệ trung tâm. Điều đầu tiên, bạn phải biết bảo vệ khung thành, phải biết phòng ngự và mang đến sự an toàn cho đội bóng của mình. Đó mới là sứ mệnh cần phải ưu tiên hàng đầu”.
 
Roberto Ayala bắt đầu sự nghiệp với Ferrdo Carril Oeste, một đội bóng tại Buenos Aires từng trải qua giai đoạn hoàng kim vào những năm 80 của thế kỷ trước, khoảng thời gian tạo tiền đề để cầu thủ sinh năm 1973 có được tấm vé chuyển tới River Plate. Trong mùa giải duy nhất khoác áo đội bóng chủ sân El Monumental, anh đã giành được danh hiệu đầu tiên của mình, đó là chức vô địch Argentina năm 1994. 
 
Khoảng thời gian sau đó, Ayala có cơ hội chuyển đến Serie A chơi bóng trong màu áo Napoli và AC Milan, tuy nhiên việc phải cạnh tranh vị trí với hai trong số những siêu sao vĩ đại nhất là Alessandro Costacurta và Paolo Maldini đã khiến hậu vệ người Argentina liên tục gặp khó khăn. Thậm chí, ngay cả khi Costacurta dần bước sang sườn dốc của sự nghiệp, ban lãnh đạo Rossoneri cũng muốn tìm kiếm phương án thay thế bằng Alessandro Nesta, một giải pháp có thể đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn kiểu Ý truyền thống.

 
Trải qua hai năm tại San Siro với số lần ra sân lẻ tẻ, Ayala đồng ý gia nhập Valencia, đội bóng được dẫn dắt bởi huấn luyện viên đồng hương, Hector Cuper. Vào thời điểm ấy, Los Che vừa mới lọt vào chung kết Champions League và xếp ở vị trí thứ ba tại La Liga. Không có gì phải bàn cãi nữa, Ayala chuẩn bị được trải nghiệm một giải đấu nóng bỏng nhất và chuẩn bị có màn ra mắt tại sân khấu trời Âu. Điều gì phải đến cũng đã đến, bằng phong độ tuyệt vời, trung vệ người Argentina đã giúp Valencia giành quyền chơi trận chung kết Champions League thứ hai liên tiếp dù phải nhận thất bại cay đắng trước Bayern Munich trên chấm phạt đền. Dẫu vậy, trong một mùa giải thi đấu hoàn toàn thuyết phục, chẳng hề bất ngờ khi Ayala vẫn được bầu chọn là hậu vệ xuất sắc nhất giải đấu. 
 
Mùa bóng tiếp theo, Rafa Benitez trở thành người dẫn dắt mới của đội bóng chủ sân Mestalla và triết lý phòng ngự tiếp tục được củng cố tại Los Che. Những con số không hề biết nói dối khi Valencia giành chức vô địch La Liga với 7 điểm nhiều hơn đội thứ nhì là Deportivo La Coruna, nhưng điều quan trọng là Bầy Dơi chỉ để thua vỏn vẹn… 5 trận, chỉ bằng một nửa số trận thua của những CLB lớn khác như Barca hay Real Madrid. Với một bộ khung phòng ngự cực kỳ chắc chắn bao gồm thủ thành Santiago Canizares, cặp trung vệ đình đám Ayala - Pellegrino, đội quân của Benitez chỉ lọt lưới đúng 27 lần trong suốt mùa giải 2001/02, ít hơn 10 bàn so với bất kỳ đối thủ nào trong top 4. Thế nhưng, đây mới chỉ là một nửa của câu chuyện.     
 
Quay trở lại những nhận xét mà Ayala dành cho thứ bóng đá tấn công của Barca đã khiến phong cách phòng ngự truyền thống có phần bụi bặm dần trôi vào quên lãng, người ta phải biết rằng Ayala từng giành chức vô địch La Liga khi Valencia chỉ ghi được… 51 bàn thắng. Có rất nhiều cách để thể hiện sự bất ngờ đối với con số này, nhưng dễ hình dung nhất, hãy nhìn vào mùa giải 2011/12, khi Lionel Messi một mình ghi tới 50 bàn tại giải quốc nội. Nếu phải so sánh với danh sách Vua phá lưới của Valencia vào thời điểm ấy thì hoàn toàn là một sự đối lập. Cả 6 cầu thủ lập công nhiều nhất cho Los Che lần lượt ghi được 7,5,5,4,4 và 4 bàn. Ai là tác giả của 7 bàn thắng? Một tiền vệ phòng ngự, Ruben Baraja.

 
Và những số liệu này nói lên thông điệp gì? Một đội bóng lấy phòng ngự làm lẽ sống như Valencia nhưng vẫn có thể sinh tồn tốt, thậm chí giành được các danh hiệu. Dưới vai trò là mắt xích quan trọng bậc nhất trong hệ thống ấy, tất cả dường như là quá đủ để nói lên vai trò của Ayala, một thủ lĩnh, một trung vệ xuất sắc, một điểm tựa cho lối chơi bền bỉ và quả cảm. Mọi thứ bây giờ đã thay đổi khi mà bóng đá hiện đại không còn yêu cầu các hậu vệ bắt buộc thi đấu theo phong cách cũ. Thay vì cố gắng bóp nghẹt các tiền đạo đối phương, hậu vệ ngày nay thích trở thành một phần của cỗ máy tấn công hơn. Và sự thật là những hình mẫu như Roberto Ayala đã không còn tồn tại nữa, giống như sự biến mất của một thế hệ đã chìm vào quá khứ.   
 
Mùa giải 2003/04, Valencia tiếp tục giành được thêm một chức vô địch La Liga với thành tích ghi bàn tương đối “khiêm tốn”, 71 pha lập công. Tuy nhiên, điều đáng nói là Los Che còn đoạt luôn cả danh hiệu UEFA Cup, qua đó khép lại một mùa giải lịch sử. Về phần Ayala, mặc dù vẫn tiếp tục gắn bó với CLB đến năm 2007 nhưng đây cũng là danh hiệu đỉnh cao cuối cùng của trung vệ người Argentina. Sau khi Rafa Benitez rời sân Mestalla trong mùa Hè, đội bóng đã không bao giờ có thể tái lập đỉnh cao thêm một lần nào nữa. 
 
Giai đoạn sau đó, cựu cầu thủ River Plate có tham dự World Cup 2006 và Copa America 2007 nhưng đều phải đón nhận thất bại cay đắng bất chấp việc đã thi đấu rất hay. Cụ thể, tại VCK World Cup 2006 trên đất Đức, chính Ayala là người ghi bàn duy nhất giúp Argentina hòa 1-1 trước đội chủ nhà nhưng trên chấm phạt đền, anh lại là người đá hỏng. Để rồi, chỉ một năm sau, khi người ta tưởng rằng thế hệ của những Riquelme, Aimar, Sorin, Ayala… sẽ đánh bại Brazil trong trận chung kết Copa America thì mọi thứ lại sụp đổ khi đội bóng xứ sở Tango bất ngờ bị vùi dập tới ba bàn không gỡ. Điều đáng tiếc là chính Ayala lại là người thực hiện một pha phản lưới nhà ở trận đấu ấy, thời điểm khép lại sự nghiệp quốc tế của anh, một hình ảnh vô cùng đáng thương và đầy nuối tiếc cho một trong những trung vệ vĩ đại nhất thế giới.

 
Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn tin rằng Roberto Ayala chính là đại diện tiêu biểu cho một kỷ nguyên bóng đá đã trôi vào quên lãng, một thời đại mà các hậu vệ luôn cố gắng duy trì trọn vẹn những giá trị bản lề với nhiệm vụ tối cao là phòng ngự. Cũng chẳng ai có thể nói trước liệu rằng Ayala sẽ trở thành một hậu vệ xuất sắc nhất nếu được thi đấu trong môi trường bóng đá hiện đại, hay sẽ sớm “chết chìm” bởi xu thế mới của thời cuộc. Dẫu vậy thì cựu danh thủ người Argentina sẽ luôn là một trường hợp hy hữu bước ra từ quá khứ, một hình ảnh kiểu mẫu cho những trung vệ theo kiểu truyền thống, có phần cứng rắn, quyết đoán nhưng vẫn mang trong mình một vẻ đẹp đầy lãng mạn…

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười của Đình Triệu

Năm 2018, thời điểm bóng đá Việt Nam lên đồng, Nguyễn Đình Triệu có thể giống như tất cả chúng ta, hòa mình cùng niềm vui trên đường phố, bên bàn nhậu, trong quán cafe hay ở một góc nào khi đội tuyển U23 mở ra một chuỗi thành công và danh tiếng cho bóng đá Việt Nam.

Trong năm 2024, liệu có ai vượt qua hoặc sánh ngang với Lionel Messi và Cristiano Ronaldo?

Kỷ nguyên Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đã chính thức kết thúc vào năm 2024. Lần đầu tiên kể từ năm 2003, không một ai trong số họ lọt vào danh sách ứng cử viên cho danh hiệu Ballon d’Or, tức Quả Bóng Vàng. Và tất cả chúng ta đều biết rằng, cuộc bình chọn Quả Bóng Vàng chính là “Bảng Phong Thần” cao quý, danh giá nhất của lịch sử bóng đá dành cho những cá nhân kiệt xuất nhất.

Lá Quốc kỳ trong tay Đỗ Duy Mạnh

Sau chiến thắng 2-1 trước Thái Lan tối 2/1 tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, Đỗ Duy Mạnh ăn mừng đầy tự hào với lá cờ Việt Nam tại sân Việt Trì; hình ảnh này, mang nhiều ý nghĩa hơn thế.

Antonee Robinson: Hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất Premier league hiện tại

Khi một hậu vệ trái có thể kiềm hãm được Bukayo Saka và Mohamed Salah trong 2 trận đấu liên tiếp ở Premier League, dĩ nhiên anh ta sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Khi anh ta không chỉ có một màn trình diễn khả năng phòng ngự xuất sắc mà còn có thêm 2 pha kiến tạo trước Liverpool trong một trận hòa 2-2 ở Anfield, hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra.

Cody Gakpo: Ổn định để tỏa sáng!

Vào đêm Boxing Day năm 2022, PSV Eindhoven đưa ra thông báo chính thức rằng CLB Hà Lan và Liverpool đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng tiền đạo Cody Gakpo.