Robert Pirès: Chàng lãng tử nước Pháp của một thời Arsenal bất khả chiến bại

Tác giả CG - Thứ Năm 08/11/2018 03:37(GMT+7)

Những đóng góp của anh cho Arsenal dường như cứ lặp lại theo một công thức ba bước quen thuộc: đi bóng bên cánh rồi bó vào trong, dứt điểm, ăn mừng. Những pha xử lý của Pirès gần như là không thể đoán trước cùng với những tình huống di chuyển đầy sức mạnh, tốc độ và các pha ban bật một-hai với đồng đội.

1. “Ồ, Robert. Mày đang làm gì ở đây vậy? Đây không phải nơi dành cho mày đâu.” Robert Pirès đã từng nghĩ như vậy trong lần đầu tiên thi đấu tại Premier League. 
Robert Pirès: Chàng lãng tử nước Pháp của một thời Arsenal bất khả chiến bại
Nhìn những cú tắc bóng đầy quyết liệt, những pha va chạm mạnh mẽ, anh cảm thấy bụng mình thắt lại. Ngồi trên băng ghế dự bị là một cách bảo vệ khá an toàn tuy nhiên anh Pirès biết mình không thể ở đó mãi. Dù sớm hay muộn anh cũng phải đứng lên khẳng định bản thân như một người đàn ông.
 
Pirès cùng các đồng đội tới Sunderland để chuẩn bị trận đấu đầu tiên của mùa giải và có thể là trận ra mắt của anh cho Arsenal. Tiền vệ sáng tạo này khi đó vừa chuyển tới khoác áo “Pháo thủ” hồi đầu mùa hè và rất háo hức chờ tới ngày mùa giải khởi tranh để khẳng định tài năng ở nước Anh. Tuy nhiên, mọi chuyện không như là mơ. “Điều đập vào mắt tôi đầu tiên chính là tính thể lực của giải đấu này và những pha phạm lỗi. Bọn họ phạm lỗi nhiều đến mức không thể tin được”, anh nhớ lại.
 
Cuối cùng, số áo của Pirès cũng xuất hiện trên bảng điện tử và anh bước vào sân đá trận đầu tiên ở miền Bắc nước Anh. Tại đây, anh sẽ được dạy một bài học rằng chẳng có khởi đầu như mơ nào với cuộc sống ở nước ngoài cả. Thay vào đó là 30 phút đáng quên khi vào sân thay người trong lúc đội bóng của anh thất bại 0-1 trong trận đấu mà Patrick Vieira bị đuổi khỏi sân.
 
Đối với tân binh người Pháp mới nhất mà huấn luyện viên Arsène Wenger mang về thời điểm đó, khởi đầu thất vọng không phải là điều bất ngờ. Dù vậy cũng có lúc trong màn đêm đen có một ngôi sao vụt sáng, ví dụ như bàn thắng đầu tiên cho Arsenal là pha gỡ hòa quan trọng trong chuyến làm khách đến sân Olimpico của Lazio, qua đó giúp Pháo thủ lọt vào vòng knockout Champions League. Ngoài ra có thể nhắc tới 2 pha lập công trong vòng 9 ngày vào lưới Tottenham ở cả Premier League lẫn FA Cup. Tuy nhiên, những bàn thắng như trên là quá ít ỏi so với sự kỳ vọng dành cho Pirès, nhà đương kim vô địch thế giới và châu Âu. Sự hiện diện của anh tại sân Highbury không thể khiến người hâm mộ quên đi một Marc Overmars bùng nổ.
 
Các nhà báo và giới phê bình không ngần ngại chỉ trích Pirès trên mặt báo bằng một loạt những từ rất nặng nề và có tính châm chọc như “ẻo lả”, “gã đồng tính”, “hèn nhát”. Báo chí tin rằng họ có lý khi khai thác chủ đề Pirès ngay từ đầu vì anh quá yếu đuối về cả thể hình lẫn tâm lý để thi đấu ở Anh – và nhiều người thậm chí đã soạn sẵn những bài viết chia tay để chuẩn bị cho sự ra đi của anh được dự báo sẽ diễn ra trong kỳ chuyển nhượng tháng Một.
 
Nhưng tất cả đã nhầm. Wenger công khai ủng hộ cậu học trò đồng hương trong khi Pirès tuyên bố mục tiêu của anh là thi đấu tốt để đáp lại lòng tin từ người thầy. Dần dần, phong độ của anh được cải thiện và tiền vệ người Pháp cho thấy mình hoàn toàn có thể thích nghi với môi trường bóng đá khắc nghiệt ở Anh, nhờ vậy tầm ảnh hưởng của anh trong lối chơi cũng tăng lên.
 

Mùa giải 2000/2001, mùa giải đầu tiên của Pirès, kết thúc khá thất vọng khi Arsenal không thể cạnh tranh với Manchester United trong cuộc đua vô địch Premier League đồng thời để tuột mất FA Cup vào tay Liverpool với hai bàn thắng muộn của Michael Owen trong trận chung kết. Tuy nhiên với cả Robert Pirès lẫn đội bóng của anh, kết thúc cay đắng này sẽ mở ra những khởi đầu mới, truyền cảm hứng thành công cho những mùa bóng tiếp theo. Tiền vệ người Pháp trở thành tiền vệ tấn công quan trọng của một trong những đội bóng xuất sắc và thi đấu hào hoa nhất lịch sử Premier League.
 
2. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Reims thuộc miền Đông Bắc nước Pháp, cậu bé Robert Pirès ngay từ nhỏ đã tỏ ra không hứng thú với việc học. Cậu không quan tâm tới các quy định ở trường. Lịch sử và giáo dục có lẽ là hai môn duy nhất mà Pirès hứng thú trong số các môn tuy nhiên chúng không đủ mạnh để tạo ra sự thôi thúc nếu so với thể thao.
 
Bố của Robert Pirès, ông Antonio – người tới từ miền Bắc Bồ Đào Nha – đã chơi bóng suốt những năm tháng niên thiếu nhưng không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp vì thiếu những cơ hội tương xứng, theo lời con trai ông.
 
Ở nhà, bố mẹ của Robert Pirès nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (mẹ Pires tới từ miền Bắc Tây Ban Nha) trong khi ông bà anh cũng chỉ nói ngôn ngữ của họ. Chính vì thế, khi còn bé anh tỏ ra khá khó khăn để hiểu được tiếng Pháp. Tuy nhiên, có một thứ ngôn ngữ mà Pirès không gặp vấn đề gì chính là ngôn ngữ của đôi chân, những cuộc trò chuyện thân mật giữa đôi chân và trái bóng. Và chính trên sân bóng, anh đã học những bài học đầu tiên về thể hiện bản thân mình.
 
Rời khỏi trường học khi mới 15 tuổi, Pirès tham gia một khóa học thể thao kéo dài 2 năm ở Stade de Reims với khát khao duy nhất là xây dựng tên tuổi và sự nghiệp của mình. Nhưng chỉ khát khao thôi là chưa đủ để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
 
“Có 3 đội ở Stade de Reims – đội A, B và C. Trong vòng 2 tháng, tôi chỉ được đá ở đội C và đã nghĩ đến việc từ bỏ,” Pirès chia sẻ với The Times vào năm 2002. “Một ngày, tôi trở về nhà và bảo mẹ là tôi trải nghiệm đủ rồi. Bà không hài lòng về tôi. ‘Con không hề biết mình muốn gì,’ mẹ nói. ‘Có những lúc trong cuộc sống con phải chờ đợi’.” Pirès đã kiên nhẫn chờ đợi và dù những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất vẫn đến thì phần thưởng cho sự kiên trì của anh cũng đã đến.
 
Năm 1992, Pirès rời Reims sau khi có được suất gia nhập học viện trẻ của Metz. Ở đó, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên đội trẻ câu lạc bộ là ông Philippe Hinschberger, Pirès được chuyển sang cánh. “Ông ấy là người đầu tiên để tôi đá cánh trái,” Pirès nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với French Football Weekly. “Trước đó tôi đá tiền vệ tấn công, vị trí số 10. Hinschberger nhìn lối chơi của tôi và một ngày, ông nói ‘Robert này, tôi biết cậu không thuận chân trái nhưng tôi muốn cậu đá bên cánh trái.’ Tôi nghĩ thật kỳ lạ. Khi đó, rất ít cầu thủ chân phải nào đá cánh trái.” Phần còn lại đã trở thành lịch sử.
 
Và khi Pirès được giải phóng bản thân và thoải mái thể hiện trong một đội hình tràn đầy khát khao, Metz đã có một mùa giải thành công tại Ligue 1. Nếu không có bàn thắng gỡ hòa của Yoann Lachor, pha lập công đã đem về chức vô địch cho đại kình địch Lens trong trận đấu cuối cùng của mùa giải 1997/1998, thì Metz sẽ lần đầu tiên xưng vương nước Pháp trong suốt chiều dài lịch sử câu lạc bộ. Lens đã lên ngôi theo cách vô cùng kịch tính nhờ hơn về hiệu số bàn thắng. Dù vậy, Metz vẫn có thể tự hào khi hai năm trước đó, họ đã giành Cúp Quốc gia Pháp, danh hiệu lớn đầu tiên của câu lạc bộ trong vòng một thập kỷ và cũng là danh hiệu đầu tiên của Pirès. Với chàng tiền vệ cánh này, những điều tuyệt vời nhất vẫn còn ở phía trước.
 
3. Pirès nhanh chóng bị đặt giữa vòng quay của hy vọng và nỗi sợ hãi, sự lo lắng và chờ đợi khi vòng chung kết World Cup 1998 tới. Trong 33 ngày tiếp theo, số phận của anh và các đồng đội sẽ thay đổi mãi mãi. Ngày 10 tháng 6, họ bắt đầu giải đấu với tư cách chủ nhà với đầy mối lo âu thì khi World Cup khép lại ngày 12 tháng 7, họ đã trở những huyền thoại, nhà vô địch thế giới, chủ nhân của danh hiệu mà nước Pháp chưa từng sở hữu.
 

Dù quãng thời gian được ra sân của Pirès ở giải đấu năm đó không nhiều tuy nhiên anh vẫn đóng góp công sức trong hành trình tạo ra thời khắc huy hoàng nhất lịch sử thể thao nước mình. Phần thưởng dành cho anh không chỉ là tấm huy chương vô địch mà còn là việc chuyển tới thi đấu cho một gã khổng lồ của đất nước: câu lạc bộ Marseille. Với nhiều người, Marseille sẽ là nơi để họ khẳng định sự nghiệp, đạt những danh hiệu và thành tựu. Tuy nhiên, quãng thời gian Pirès khoác áo Marseille không thực sự đáng nhớ. Đó là thế giới khác xa với một Metz nhỏ bé và gần gũi. Marseille bỗ bã và có phần thô lỗ hơn. Pirès mô tả vụ chuyển nhượng này là “từ nơi tỉnh lẻ tới miền đất hào nhoáng xa hoa.” (going from terroir to bling-bling).
 
Từ “terroir” trong tiếng Pháp không dễ để dịch sang ngôn ngữ khác. Từ gốc của nó là “terra”, trong tiếng Latin nghĩa là đất, tuy nhiên nó còn có một vài nghĩa nữa. Từ “terroir” được sử dụng nhiều nhất khi nói về việc làm rượu vang, thuật ngữ này ở dạng đơn giản nhất dùng để chỉ sự kết hợp của 3 thành phần cấu thành nên việc tạo ra một quả nho là cây, đất và khí hậu. Nhưng không chỉ nói về môi trường, “terroir” còn mang nghĩa là “cảm giác được thuộc về”.
 
Ở Metz cho Pirès điều này. Câu lạc bộ giống như một môi trường hoàn hảo cho những cây nho ra quả và tạo ra một mùa vụ bội thu. Metz đã khuyến khích và kích thích Pirès tiếng bộ, phát triển tự nhiên. Còn tại Marseille, đứng giữa những hào nhoáng, xa hoa và sự kỳ vọng to lớn, Pirès phải chiến đấu để không phải héo mòn.
 
Mùa giải đầu tiên của Pirès ở đội bóng miền Nam nước Pháp khép lại với 1 điểm ít hơn nhà vô địch Bordeaux ở giải vô địch quốc gia và lọt vào trận chung kết UEFA Cup 1999 (trận đấu mà họ bị một Parma với đội hình gồm toàn những tài năng đánh bại). Với Pirès, lần thứ hai lỡ hẹn với chức vô địch sau khi đã từng chạm tay vào nó ở Metz là một điều anh không mong muốn. Trớ trêu thay, đó lại là những ngày hạnh phúc nhất của anh tại Les Phocéens (biệt danh của Marseille). Năm tiếp theo, đội bóng thành phố cảng một lần nữa không thể đáp ứng sự kỳ vọng của ban lãnh đạo và cây búa của ông chủ Robert Louis-Dreyfus đã vung lên. Mùa đông năm 1999, huấn luyện viên Rolland Courbis phải ra đi trước khi đội bóng này cũng bán những cầu thủ như Laurent Blanc, Fabrizio Ravanelli và Christophe Dugarry.
 
Dù đã rất cố gắng để vượt qua khó khăn tuy nhiên trước áp lực ngày càng tăng lên thì cuối cùng Pirès đã buộc phải rời khỏi thành phố này. Những tin đồn xoay quanh cuộc sống cá nhân của anh và vợ xuất hiện đầy rẫy trên báo chí địa phương, còn trên khán đài các cổ động viên luôn chỉ trích, chửi bới sau mỗi tình huống anh mắc sai lầm. Và ngôi nhà anh sống thì bị kẻ trộm đột nhập tận hai lần.
 
Pirès đến gặp ông chủ câu lạc bộ và cả hai đã đồng ý đường ai nấy đi. Tiền vệ người Pháp sẽ rời đội bóng vào tháng 6. Tuy nhiên, trước khi vượt eo biển Manche thì Pirès còn vòng chung kết Euro ở phía trước.
 

Tại Euro 2000, đội tuyển Pháp bước vào với vị thế của nhà đương kim vô địch thế giới và màn trình diễn của họ còn ấn tượng hơn. Một lần nữa, do sức mạnh và chiều sâu của đội hình đội tuyển mà Pirès phải đóng vai trò dự bị. Tuy nhiên, với tài năng của mình, tiền vệ cánh này vẫn có thể tận dụng khoảng thời gian ít ỏi được góp mặt trên sân để đóng góp vào thành công chung với pha kiến tạo để David Trezeguet ghi bàn thắng vàng.
 
4. Môi trường không tốt tại Marseille cùng những dấu ấn nhỏ bé trong suốt quãng thời gian khoác áo đội bóng này khiến Robert Pirès chỉ được định giá 6 triệu bảng. Tuy nhiên, bất cứ đội bóng nào có ý định chiêu mộ anh đều biết họ sẽ có không chỉ một nhà vô địch thế giới và châu Âu trong đội hình mà còn là một tiền vệ cánh tài năng đang trên đường tiệm cận đỉnh cao phong độ. Dù cả Real Madrid lẫn Juventus đều để mắt tới cầu thủ người Pháp nhưng viễn cảnh được học hỏi dưới sự dẫn dắt của “Giáo sư” Arsene Wenger cũng như thi đấu bên cạnh các đồng hương tại Arsenal khiến Pirès quyết định tới Bắc London.
 
Cả trong lẫn ngoài sân cỏ, mùa giải đầu tiên của Pirès với Pháo thủ thực sự là một bài test với bất cứ cầu thủ nào. Về mặt thể lực, tâm lý và cảm xúc, người hâm mộ quan sát anh tỉ mỉ, kỹ lưỡng như ở Marseille. Với 8 bàn thắng cùng 8 đường kiến tạo trong mùa giải đầu tiên cho thấy Pirès thi đấu không hề mờ nhạt dù gần như anh chưa thể hiện hết giá trị đích thực của mình.
 
Nhưng mùa hè năm 2001 sẽ là thời điểm mà tiền vệ người Pháp bắt đầu thực sự tỏa sáng. Có lẽ điều này khá kỳ lạ với một cầu thủ có tài năng nhưng mang vết thương không chỉ ở đôi chân mà còn là lòng tự trọng của mình. Những gì chúng ta thấy đó là một cầu thủ không chỉ sống nhờ danh tiếng của bản thân mà còn muốn vượt qua nó; một kiến trúc sư với những ý tưởng tinh tế, một cầu thủ sáng tạo sở hữu kỹ thuật, những đường kiến tạo và bàn thắng phi thường. Và trong mùa thu sắp tới ấy, khi những chiếc lá bắt đầu rụng thì Pirès sẽ cất cánh. Điểm đến của anh là một vị trí không thể lung lay trong những cuốn sách kinh điển về lịch sử Premier League.
 
“Điều tồi tệ nhất là chúng tôi thích ở đó [Marseille],” Nathalie, người vợ khi đó của Pirès trả lời ESPN năm 2001, “Tuy nhiên nếu hôm nay chúng tôi được chọn giữa ánh mặt trời của miền Nam nước Pháp và cơn mưa ở London thì chắc chắn chúng tôi sẽ chọn mưa.” Sự mất mát của nước Pháp đã trở thành món quà to lớn với nước Anh.
 
Được tự do bên hành lang cánh trái, Pirès tạo ra mối liên hệ và sự ăn ý tuyệt vời với Ashley Cole ở phía sau và Thierry Henry phía trước. Họ dồn ép đối thủ theo ý muốn của mình. Cho dù bắt đầu tấn công từ tuyến dưới hay dứt điểm bằng mu bàn chân phải, ghi bàn sau một pha chớp cơ hội hay kiến tạo cho đồng đội thì Pirès cũng không thể bị ngăn cản.
 
Suốt mùa giải 2001/2002, khi Arsenal dễ dàng giành cú đúp Premier League và FA Cup, phong độ của “Chàng lính ngự lâm” Pirès là rất ấn tượng. Với 13 bàn thắng tại tại giải vô địch quốc gia, khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong mùa giải của tiền vệ người Pháp đến trong chuyến làm khách tới sân của Aston Villa. Sau cú chạm bóng bước một từ đường chuyền dài của đồng đội, anh lạnh lùng tâng bóng qua George Boateng bằng má ngoài chân phải trước khi vuốt bóng qua đầu Peter Schmeichel. Đó là một pha dứt điểm bằng lòng trong đẳng cấp. 
 
Những đóng góp của anh cho Arsenal dường như cứ lặp lại theo một công thức ba bước quen thuộc: đi bóng bên cánh rồi bó vào trong, dứt điểm, ăn mừng. Những pha xử lý của Pirès gần như là không thể đoán trước cùng với những tình huống di chuyển đầy sức mạnh, tốc độ và các pha ban bật một-hai với đồng đội.
Trong rất nhiều lần, những pha ăn mừng của anh là chạy như điên trong vui sướng, dang rộng hai tay đầy phấn khích trong khi có những lúc chỉ đơn giản là cái gật đầu ẩn ý hay một nụ cười mỉm cũng đủ tạo ra sự tự tin đáng sợ. Ngoài các bàn thắng, Pirès đóng góp 15 pha kiến tạo và dẫn đầu Premier League về thành tích này. “Dầu trong động cơ” chính là cách mà Wenger miêu tả Pirès. 
 

Có Robert Pirès bên hành lang cánh trái, Arsenal như chiếc xe chạy bon bon trên đường. Giữa lúc đang thi đấu vào guồng thì mùa giải thứ hai của tiền vệ người Pháp tại sân Highbury đã phải kết thúc sớm vì chấn thương dây chằng nghiêm trọng. Nhưng dù thi đấu ít hơn các đồng nghiệp hai tháng thì Pirès vẫn giành giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm do Hiệp hội các nhà báo bóng đá bình chọn.
 
Không chỉ người hâm mộ mà các đồng đội cũng vô cùng quý cựu tiền vệ Marseille. Trong ngày mà Pirès chính thức được nâng cao chiếc cúp Premier League đầu tiên trong sự nghiệp của mình, các đồng đội đã quỳ xuống cúi chào để vinh danh những đóng góp của anh vào thành tích của câu lạc bộ. Trong lúc đó, các cổ động viên Arsenal không ngừng hát vang. Bài ca “Super Robert Pires” không chỉ được ngân lên ở Highbury mà còn tràn ra khắp đường phố London.
 
Các mùa giải tiếp theo ở đội bóng thủ đô nước Anh, vẫn là một Pirès tinh tế và khéo léo trên sân cỏ. Tuy nhiên, hai thái cực cảm xúc đối lập là điều anh sẽ phải trải qua. Trong mùa giải ngay sau chức vô địch quốc gia đầu tiên, dù tham vọng là vô cùng lớn nhưng Arsenal của anh phải ngậm ngùi nhìn Manchester United hồi sinh và lên ngôi. Tuy nhiên trên khía cạnh cá nhân, Pirès vẫn tỏ ra sung mãn hơn bao giờ hết, vẫn mỉm cười khi đối mặt nghịch cảnh.
 
Chấn thương đã khiến mùa bóng trước đó của anh bị rút ngắn lại và ngồi ngoài cho tới tháng 11. Trong suốt nhiều tháng, anh phải nếm trải sự thất vọng và bất lực khi đội tuyển Pháp dừng bước sớm tại World Cup 2002. Pirès vẫn ghi 14 bàn tại Premier League và khép lại mùa giải bằng pha lập công giúp Arsenal đánh bại Southampton để vô địch FA Cup.
 

Và tất nhiên, trong mùa 2003/2004, Pirès đã trở thành invincible (bất khả chiến bại). Với 14 pha lập công cùng 7 đường kiến tạo – anh xếp thứ hai trong danh sách chân sút xuất sắc nhất đội bóng và là người kiến tạo nhiều nhất – sự xuất hiện của anh cùng với Henry và Viera đã tạo ra một làn sóng Pháp vô cùng mạnh mẽ. Arsenal năm đó là một đội hình đồng điệu, lão luyện, họ chinh phục Premier League mà không thua bất cứ một trận nào.
 
Sau một mùa giải ấn tượng nữa năm 2004, mùa 2005/2006 sẽ là mùa bóng cuối cùng của Pirès trong màu áo đỏ của câu lạc bộ. Premier League đã thay đổi tuy nhiên điều này không ngăn Pirès cùng các đồng đội tiếp tục viết nên trang sử mới cho câu lạc bộ khi lọt vào trận chung kết Champions League đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, trận chung kết cúp châu Âu cấp câu lạc bộ đầu tiên ấy đã khép lại sự nghiệp của Pirès với Arsenal trong bi kịch. 
 
Khi Jens Lehmann sớm phải nhận thẻ đỏ rời sân, một cầu thủ buộc phải rút ra để nhường chỗ cho thủ môn dự bị Manuel Almunia. Và đáng tiếc, Pirès là người bị thay ra. Trận chung kết Champions League của anh đã kết thúc khi mà trên khán đài có sự hiện diện của gia đình. Họ đã lặn lội tới Paris với hy vọng sẽ được chứng kiến anh nâng cúp, thế rồi Pirès chỉ được thi đấu vỏn vẹn 18 phút. Một cái kết không còn gì buồn hơn.
 
Trong chặng đường tiếp theo, Pirès có 4 năm đáng nhớ tại Villarreal cùng 1 năm khoác áo Aston Villa. Rời Premier League lần thứ hai, anh thi đấu 1 mùa giải duy nhất cho Goa FC trước khi treo giày.
 
Sau đó anh trở lại Arsenal, chỉ có điều lúc này mái tóc đã cắt ngắn và bộ râu đã lấm chấm bạc. Trở lại đội bóng mà mình luôn yêu quý, Pirès bắt đầu học hỏi từ người thầy Wenger của mình một lần nữa, nhưng lúc này là cuộc hành trình trên cương vị huấn luyện viên. Đã ngồi trên ngai vàng ở Arsenal từ rất lâu, có lẽ giờ đây anh đang muốn góp sức để tìm ra một người thừa kế xứng đáng vị trí của mình trong câu lạc bộ.
 
Lược dịch từ bài viết trong ấn phẩm France (These Football Times)

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.